Điểm báo ngày 17/8/2020

(CDC Hà Nam)
Chung sống an toàn với dịch; Xử lý nghiêm người bất tuân quy định phòng chống dịch; TPHCM: Thêm 232 trường hợp người về từ Đà Nẵng đến khai báo y tế; Tăng cường phòng chống dịch do virus Chikungunya; Tình trạng ngộ độc rượu gia tăng: Siết quản lý, tăng kiểm tra; Khi dịch bệnh ”tấn công” người trẻ

Chung sống an toàn với dịch

Trước thực tế dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài, việc xác định ‘chung sống an toàn với dịch’ đã được đặt ra nhằm xây dựng và thực hiện những biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch  Covid-19 (BCĐ) nhận định có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa, không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch.

Theo BCĐ: “Với diễn biến như đã ghi nhận trong đợt dịch lần thứ 3 này, nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch Covid-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác… Dịch bệnh còn kéo dài. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được dịch Covid-19 khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vắc xin đặc hiệu”.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về công tác quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ, cũng nhấn mạnh: “Tới đây dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta phải xác định tinh thần chung sống an toàn với dịch”. Theo Phó thủ tướng, trong nước duy trì phương châm phòng chống dịch của chúng ta là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chống dịch như hiện nay không thể cứ xuất hiện 1 ca bệnh mới là đình chỉ mọi hoạt động, “đóng băng” cả một huyện, một tỉnh. Chủ trương của chúng ta là phát hiện ở đâu, khoanh vùng dập dịch ở đó.

Khẩu trang thành “vật bất ly thân”

PGS-TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng thời gian tới, bên cạnh các giải pháp chuyên môn, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức cộng đồng, luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, có ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn dịch tễ để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng trong trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh.

Một chuyên gia về y tế dự phòng cũng cho rằng với Covid-19, hiện chưa có thuốc đặc hiệu, chưa có vắc xin. Do đó, để bảo vệ mình và cộng đồng, các biện pháp vừa qua được người dân thực hiện để chống dịch cần phải trở thành thói quen sinh hoạt hằng ngày, như đeo khẩu trang khi ra bên ngoài, hạn chế tập trung đông người, sát khuẩn tay… “Nếu khẩu trang như tấm chắn ngăn hít phải các giọt bắn thì thực hiện giãn cách hỗ trợ giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm từ những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng”.

Nghiên cứu mới công bố của các chuyên gia điều trị Covid-19 trên nhóm bệnh nhân tại Việt Nam hồi đầu tháng 8 cho thấy, có 64% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng.

Không ra khỏi nhà nếu không cần thiết

Tại Hà Nội, dù vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch ở mức “nguy cơ thấp”, nhưng chính quyền đã nâng cao mức cảnh báo với người dân, vì nguy cơ tiềm ẩn đối với Hà Nội vẫn rất lớn. Tân Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội Ngô Văn Quý mới đây đã ra văn bản yêu cầu TP thực hiện 11 điểm, đặc biệt yêu cầu không lơ là, chủ quan, bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn.

Ngoài các biện pháp phòng chống mà Bộ Y tế đưa ra, Hà Nội tiếp tục kêu gọi, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời…

Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng và các sự kiện chưa cần thiết; các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; quán nước vỉa hè… phải ngừng hoạt động; việc hiếu, hỉ tập trung đông người cũng được yêu cầu hạn chế…

“Nếu buộc phải ra ngoài thì đeo khẩu trang và khử khuẩn theo đúng khuyến cáo”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền kêu gọi “nhân dân ủng hộ, giúp đỡ ngành y tế”.

Tại Hải Dương, chính quyền địa phương cũng liên tục thông báo tình hình dịch bệnh qua loa phát thanh. UBND TP.Hải Dương yêu cầu người dân không ra khỏi TP nếu không có sự đồng ý của chính quyền. Người dân được khuyến cáo ở nhà sau 22 giờ hằng ngày và dừng hết mọi hoạt động ở khu công cộng, hoạt động thể thao, tôn giáo. Chị Vũ Hồng, ngụ P.Bình Hàn, chia sẻ: “ Giãn cách XH nên chúng tôi cũng cảm thấy bí bách, nhưng dịch nguy hiểm quá, phải chấp hành. Lo thì có lo nhưng không ai hoang mang. Tôi thấy chính quyền các cấp làm rất quyết liệt và mạnh tay”.

Không sờ, vịn đồ vật nơi công cộng

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều thời gian qua, là trong giai đoạn dịch bùng phát gần đây, không biết F0 ở đâu thì khu vực nào có nguy cơ? Làm sao phòng tránh? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo: “Khu vực nào cũng có nguy cơ, người lạ trước mặt là người có nguy cơ”. Vì vậy, người dân tránh đến nơi có đám đông khi không cần thiết.

Còn theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), người dân phải che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; tránh chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng, vì chúng có thể bị bám dính vi rút từ người mắc bệnh. “TP.HCM là vùng trũng và khó có thể bịt – hạn chế hay chốt chặn người từ nơi khác đến, và đây cũng không phải là giải pháp để ngăn dịch. Trong hoàn cảnh hiện nay, tự mỗi người dân phải là “một chiến sĩ” chống dịch”, lãnh đạo HCDC nói.

Kiểm soát chặt người về từ vùng dịch

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp ở Hải Dương, UBND TP.Hải Phòng đã thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào TP bằng đường bộ. Mỗi chốt bố trí 48 người, chia làm 4 ca và hoạt động 24/24 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ). Các chốt sẽ kiểm tra y tế người và phương tiện vào TP.Hải Phòng bằng cách đo thân nhiệt và khai báo y tế. Trước đó, từ 0 giờ ngày 6.8, chính quyền TP.Hải Phòng đã xử phạt người dân không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

Tương tự, ngày 16.8, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc CDC tỉnh Thanh Hóa, cho biết qua rà soát từ ngày 13 đến 13 giờ ngày 16.8, trên địa bàn tỉnh có 130 người từ tỉnh Hải Dương trở về. Trong đó, có 2 người (đều ngụ H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) liên quan đến những điểm đang phong tỏa do dịch Covid-19 ở TP.Hải Dương (Hải Dương) và hơn 40 người khác thuộc diện lấy mẫu và đã được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút (đến chiều 16.8 đều chưa có kết quả).

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương thống kê, quản lý chặt số người từ Hải Dương trở về địa phương từ ngày 13.8; cách ly tập trung đối với những người là F1, giám sát y tế tại nhà đối với những người là F2; yêu cầu người dân nào từ Hải Dương trở về phải tự giác khai báo y tế (Thanh niên, trang 2).

 

Xử lý nghiêm người bất tuân quy định phòng chống dịch

Tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly XH theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, TP.Đà Nẵng khẳng định xử phạt nghiêm các trường hợp người dân ra đường khi không cần thiết, mức phạt cao nhất đến 10 triệu đồng.

Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi người dân ở nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Bên cạnh khuyến cáo, ban quản lý các chợ sẽ xử lý theo quy định đối với trường hợp tiểu thương và người dân không chấp hành việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn khi thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ…

Liên quan việc 1 đám tang có 3 người nhiễm Covid-19 gây nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng là “vô cùng lớn”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ hôm qua yêu cầu Q.Thanh Khê chịu trách nhiệm chính việc truy vết F1 từ ngày 10 – 15.8 nhằm kịp thời ngăn chặn những F1 này tiếp tục thành F0.

Về nguy cơ mất an toàn cho F1 ngay cả khi đã vào khu cách ly tập trung, ông Thơ chỉ đạo các quận, huyện ngay sau khi nhận thông báo ca nghi nhiễm Covid-19 của CDC Đà Nẵng phải lập danh sách, cách ly F1 và tiến hành xét nghiệm ngay trong ngày. Sở Y tế đánh giá tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung; UBND phường, xã và các tổ công tác Covid-19 cộng đồng thường xuyên quản lý, giám sát cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 trở về sau khi đã hết cách ly tại cơ sở cách ly tập trung (Thanh niên, trang 2).

 

TPHCM: Thêm 232 trường hợp người về từ Đà Nẵng đến khai báo y tế

Chiều 16-8, Sở Y tế TPHCM cho biết, tính từ đầu dịch đến nay TP có 76 ca mắc Covid-19 và 1 ca chuyển viện từ Bệnh viện Bạc Liêu (bệnh nhân 278). 62 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, 15 bệnh nhân đang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. Trong ngày 16-8, có 199 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện. Không có trường hợp nào có triệu chứng nặng, 169 trường hợp đã có kết quả âm tính, 30 trường hợp còn lại đang chờ kết quả. TP đang cách ly tập trung cho 906 trường hợp và cách ly tại nhà, nơi lưu trú cho 3.644 trường hợp. Ngành y tế đã thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt của các thành viên tổ bay, thuyền viên và hành khách đến thành phố trong ngày, gồm: 9 chuyến bay quốc tế với 22 thành viên tổ bay, 72 hành khách; 64 chuyến bay quốc nội với 10.523 hành khách; 3 chuyến tàu lửa với 377 khách; 16 tàu nhập cảnh với 318 thuyền viên.

Đến nay đã có 52.681 người từng đến Đà Nẵng kể từ ngày 1-7 khai báo y tế tại 24 quận huyện. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, hiện đã có 52.443 người có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính đã được Bộ Y tế công bố (bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568 và 589), còn lại đang chờ kết quả. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM ghi nhận thêm 232 trường hợp người về từ Đà Nẵng đến khai báo y tế.

Qua điều tra dịch tễ, đến nay đã điều tra được 914 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan đến các ca bệnh (346 người tiếp xúc gần, 568 người có liên quan), tiếp cận được 891 người, tổ chức cách ly tập trung cho 286 người và cách ly tại nhà cho 605 người. Tất cả 891 người tiếp cận đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả đều âm tính. Các đơn vị y tế đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo quy định, tiếp tục truy vết, điều tra người tiếp xúc để cách ly y tế và xét nghiệm kiểm tra.

Theo Sở Y tế TPHCM, thời gian tới, ngành y tế TP đảm bảo năng lực và tổ chức tốt công tác cách ly y tế cho các nhóm đối tượng; sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị cho tình huống thành phố có 50 ca bệnh trở lên. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc đối với những người có triệu chứng hô hấp khi đến khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP; tổ chức xét nghiệm tầm soát những người có nguy cơ cao như tài xế, tiểu thương tại các chợ đầu mối, nhân viên tại các nhà hàng… để có thể phát hiện sớm các trường hợp nguy cơ (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Tăng cường phòng chống dịch do virus Chikungunya

Chiều 16-8, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện ở Campuchia đã có hơn 1.000 người nhiễm virus Chikungunya, với các triệu chứng chủ yếu là sốt, đau khớp, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, phát ban…

Để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (nơi có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia), UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh  phối hợp với các địa phương tăng cường công tác truyền thông về cơ chế lây lan và các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Chikungunya để người dân biết, thực hiện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chikungunya là bệnh do virus được lây truyền sang người qua trung gian là muỗi Aedes nhiễm bệnh. Các triệu chứng phổ biến của bệnh là sốt, đau khớp nghiêm trọng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban; các dấu hiệu lâm sàng của bệnh này giống như bệnh sốt xuất huyết và Zika (Sài gòn giải phóng, trang 9).

 

Tình trạng ngộ độc rượu gia tăng: Siết quản lý, tăng kiểm tra

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại của tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) đối với sức khỏe, thế nhưng, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu lại có chiều hướng gia tăng. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó tập trung vào kiểm soát mặt hàng rượu nấu thủ công. Ngộ độc do sử dụng rượu trôi nổi

Tính từ đầu tháng 7-2020 đến đầu tháng 8-2020, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc methanol. Điều đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân là nam giới, có tiền sử nghiện rượu, uống rượu nhiều năm và thường uống rượu không rõ nguồn gốc. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang và được đưa đến bệnh viện trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ hoặc hôn mê, toan chuyển hóa nặng, xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu cao. Thậm chí, có trường hợp lên tới gần 200 mg/dL (vượt xa nồng độ gây ngộ độc nặng).

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân N.V.C (52 tuổi, ở Hà Nội) được đưa đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Đặc biệt, kết quả chụp MRI (cộng hưởng từ) cho thấy, bệnh nhân tổn thương sọ não nặng. Sau 2 ngày dù đã được các y, bác sĩ tích cực điều trị, nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn chuyển nặng, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

May mắn hơn bệnh nhân C., anh V.V.C (44 tuổi, ở Bắc Giang) được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng kích thích, lú lẫn, hôn mê, giảm thị lực và được chẩn đoán ngộ độc methanol. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch. Dù giữ được tính mạng, song di chứng để lại khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng về thần kinh và thị giác.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Ngoài ra, khi uống rượu pha cồn công nghiệp, methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao, nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL và bệnh nhân đã tử vong. Không ít bệnh nhân thoát chết, nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, chảy máu não…

Tăng cường kiểm tra, xét nghiệm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 7 tháng năm 2020, Hà Nội đã ghi nhận 15 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Trong tháng 7-2020, trên địa bàn quận Long Biên đã ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc rượu ở phường Ngọc Lâm. Bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên cho biết, quận đã yêu cầu tất cả cửa hàng kinh doanh rượu phải bảo đảm được việc truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, quận đã tăng cường kiểm tra mặt hàng rượu thủ công và giám định chất lượng rượu qua công tác xét nghiệm.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các loại rượu lậu được chế từ hóa chất là cồn công nghiệp methanol vẫn đang trôi nổi. “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ngành Y tế sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu cho khách. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

“Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chúng tôi mong muốn cộng đồng, người dân nên hạn chế việc lạm dụng rượu, bia, không sử dụng những sản phẩm rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Nguyễn Quốc Tuấn khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong công tác quản lý mặt hàng rượu, Sở cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực và có trách nhiệm. Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, Sở Y tế đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm… Đặc biệt, nhằm lưu ý người dân về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường lấy mẫu rượu để giám định, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc (Hà Nội mới, trang 5).

 

Khi dịch bệnh ”tấn công” người trẻ

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi. Thế nhưng, trên thế giới và tại Việt Nam đã ghi nhận những người trẻ mắc Covid-19 và tử vong vì bệnh này. Đa phần người trẻ tử vong do Covid-19 đều trên những bệnh nền có sẵn, như: Tim mạch, suy thận, đái tháo đường, ung thư, tăng huyết áp… Do đó, không chỉ người cao tuổi mà mọi người đều phải nâng cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Covid-19 làm bệnh nền tăng nặng

Theo Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến sáng 15-8, nước ta đã ghi nhận 22 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó có 3 ca bệnh tuổi đời 33, 37 và 47 đều có sẵn bệnh nền.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, nhiều người vẫn nghĩ, chỉ người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền khi mắc Covid-19 mới diễn biến tăng nặng, nguy cơ tử vong; còn với người trẻ khi mắc bệnh này cũng chỉ như cảm cúm thông thường. Đây là một luận điểm hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, tất cả những người nhiễm Covid-19 đều có nguy cơ diễn biến nặng.

Điển hình như một ca bệnh Covid-19 42 tuổi ở Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Khoảng 3 ngày sau khi nhập viện, các triệu chứng của bệnh nhân mỗi lúc một nặng dần. Ban đầu chỉ là đau người giống như cảm cúm, cổ họng ngứa râm ran. Sau đó, cả cơ thể bệnh nhân luôn trong trạng thái mỏi mệt nặng nề, đau đầu kéo dài, sốt rất cao kèm khó thở…

“Khả năng tấn công của vi rút SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan phủ tạng, trong đó tổn thương phổi là cơ bản và diễn biến trầm trọng với cả người già, người trẻ. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19 xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, vi rút SARS-CoV-2 tấn công phổi, làm bệnh nền tiến triển nặng lên, kéo theo suy hô hấp, khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Do đó, không chỉ người tuổi cao, sức khỏe yếu, mà cả người trẻ mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 cũng khó chống cự.

“Ở nước ta, số ca Covid-19 tử vong ở người trẻ đều có sẵn các bệnh nền, như: Suy tim, suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì… Covid-19 chỉ như “giọt nước tràn ly”, khiến các bệnh sẵn có tiến triển nặng hơn”, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung lưu ý.

Thay đổi lối sống, tích cực phòng bệnh

Thực tế cho thấy, nhiều căn bệnh trước đây chỉ gặp ở người cao tuổi, thì hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch – hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) cho biết, tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm và người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa. Mới đây, bệnh viện đã tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp cho hơn 100 người. Trong số đó, người trẻ bị tăng huyết áp chiếm 30%-40%, thậm chí có 2 bệnh nhân mới 22 tuổi đã mắc bệnh.

Tương tự, tại Khoa Thận lọc máu của bệnh viện này đang quản lý hơn 160 bệnh nhân chạy thận và hơn 700 bệnh nhân sau ghép thận, trong đó có những người bệnh mới 30 tuổi. Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, trước đây trung bình một năm chỉ ghi nhận 5-10 trẻ mắc đái tháo đường týp 1, thì 4-5 năm trở lại đây đã ghi nhận tới 100 trẻ. Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương cũng đã từng điều trị cho một bé trai 9 tuổi (ở Hà Nội) mắc đái tháo đường týp 2 do béo phì.

Những bệnh mạn tính không lây đang ngày càng trẻ hóa do lối sống công nghiệp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học… Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, những căn nguyên góp phần khiến bệnh tật trẻ hóa nói trên hoàn toàn có thể thay đổi. Do đó, ngay từ bây giờ mọi người hãy từ bỏ những thói quen gây hại, đặc biệt chú trọng việc vận động hằng ngày. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngày, mọi người nên tập trung dinh dưỡng vào bữa ăn sáng, bữa trưa ăn nhẹ và bữa tối ăn rất hạn chế. Trong chế độ ăn uống cần bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, cân bằng chất béo và chất xơ, hạn chế ăn mặn, ăn nhiều rau xanh, hoa quả…

Trước thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo, không chỉ người cao tuổi, mà những người trẻ, kể cả không có bệnh lý nền cũng cần hết sức cảnh giác, nâng cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe của mình cũng như an toàn cho người xung quanh. Mọi người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tăng cường sát khuẩn tay bằng nước sát khuẩn, không nên ra ngoài khi không có việc cần thiết, không tụ tập đông người. Khi đi, đến những nơi có ổ dịch, người dân phải tự giác khai báo y tế, tuân thủ việc cách ly y tế theo hướng dẫn, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh (Hà Nội mới, trang 7).

 

Virus gây Covid-19 tại Hải Dương giống chủng gây dịch tại Đà Nẵng

Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long virus gây Covid-19 tại Hải Dương giống chủng gây dịch tại Đà Nẵng. GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền BT Y tế, cho biết kết quả giải mã gien virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tại Hải Dương do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) thực hiện cho thấy, vi rút này giống vi rút gây bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng.

Vi rút gây bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng giống với Bangladesh

Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng NIHE, trước đó trong tháng 7, kết quả giải mã gien chủng virus gây dịch Covid-19 tại Đà Nẵng xác định vi rút có đột biến gien, đột biến này cho thấy SARS- CoV-2 có khả năng lây lan mạnh hơn và khác với 5 chủng virus đã tìm thấy trên bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Việt Nam.

Sau khi giải trình tự gien và so sánh với các số liệu trên ngân hàng gien quốc tế cho thấy, virus phân lập trên BN tại Đà Nẵng giống với một số chủng lưu hành ở Bangladesh và một số quốc gia khác, ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7.2020.

Các nhà khoa học của NIHE cho hay kết quả giải trình tự gien này là một trong những yếu tố giúp đánh giá về yếu tố lây nhiễm, mối liên quan về dịch tễ, nguồn gốc “đường đi của virus” gây dịch tại Hải Dương. Tuy nhiên, hiện các mẫu xét nghiệm cũng như phân lập, giải trình tự gien vi rút trên các ca mắc tại Hải Dương còn ít, nên cần có các nghiên cứu thêm, để có đánh giá toàn diện hơn về dịch tễ.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ hỗ trợ Hải Dương truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Đặc biệt, sẽ triển khai nhanh nhất việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với tất cả người đi đến, có liên quan ca bệnh Covid- 19 đã xác định. Bộ Y tế cũng phối hợp với tỉnh Hải Dương khôi phục toàn bộ hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 của địa phương, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, với công suất dự kiến đạt 1.500 mẫu/ngày. Đồng thời, Bộ Y tế đã cử cán bộ của Trường ĐH Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi T.Ư hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Hải Dương căng mình chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngay trong chiều 16.8, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định hỏa tốc thiết lập vùng cách ly y tế với ngõ số 10 phố Trần Văn Giáp, P.Thanh Bình (TP.Hải Dương) và khu phố Mạc Thị Bưởi, TT.Nam Sách (H.Nam Sách); thiết lập vùng phong tỏa cách ly y tế tạm thời đối với toàn bộ thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn (H.Nam Sách). Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 17.8. Đây là những nơi BN nhiễm Covid-19 thứ 950 thường xuyên qua lại.

Theo báo cáo mới nhất của CDC Hải Dương vào ngày 16.8, địa phương này đã có 2.203 người phải thực hiện cách ly (1.289 người cách ly tại nhà). Thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho hay đến 8 giờ ngày 16.8, Hải Dương đã có 28 chốt kiểm dịch cấp huyện, 36 chốt kiểm dịch cấp xã; trong đó TP.Hải Dương có 15 chốt.

Trên thực tế, ổ dịch lớn nhất và nguy hiểm nhất ở Hải Dương vẫn là quán TG bò tươi ở số 36 Ngô Quyền (TP.Hải Dương). Đến 17 giờ hôm qua, đã có 5 ca nhiễm Covid-19 liên quan ổ dịch này. Số lượng F1 cũng lên đến 660 người, khả năng lây nhiễm cộng đồng rất lớn. Chính vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ Y tế cử khẩn cấp các chuyên gia về địa phương tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; đồng thời đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 1 máy ECMO, máy xét nghiệm Realtime PCR (3 máy đọc, 8 máy tách chiết tự động), 5 máy X-quang di động, 27 máy thở không xâm nhập, 20 máy thở chức năng cao và 30.000 kit test xét nghiệm.

Trước tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, ngày 16.8, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đã chủ trì cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương để bàn giải pháp phòng, chống dịch. Ông Hiển yêu cầu bằng mọi cách phải nắm được tình hình, khống chế dịch; ngành giáo dục phải có phương án hợp lý cho năm học sắp tới, dừng mọi hoạt động huy động học sinh đến trường trong thời điểm này. Các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Bình Giang và TP.Hải Dương tổ chức cho 50% cán bộ, công chức làm việc tại nhà (Thanh niên, trang 4).

 

Tâm sức của những ‘chiến binh’

Với sự hỗ trợ của nhóm công tác Viện Pasteur TP.HCM, đến nay Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 – Đà Nẵng (Bộ Công an) đều đã đưa vào vận hành hệ thống xét nghiệm vi rút SARS- CoV- 2. Trước đó, theo phân công của BYT, nhóm công tác của Viện Pasteur TP.HCM đã có mặt hỗ trợ Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu để tham gia kiểm soát dịch và thiết lập

phòng xét nghiệm. Hiện Viện Pasteur TP.HCM cũng sẵn sàng tăng thêm phòng xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế khác theo sự phân công của Bộ Y tế.

Sẽ trở về khi tâm dịch yên bình

Từng nhiều lần xa nhà hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho các tỉnh, nhưng đến với tâm dịch Đà Nẵng lần này là lần TS-BS Hoàng Quốc Cường, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, và “đồng đội” xa nhà lâu nhất. Sự động viên lớn nhất trong anh là mỗi ngày nhận được thư và tranh vẽ động viên tinh thần của con. Anh luôn nhủ với lòng: “Sẽ trở về khi tâm dịch Đà Nẵng yên bình, để con được đến trường”.

8 giờ sáng 30.7, khi nhận nhiệm vụ ra hỗ trợ Đà Nẵng xét nghiệm Covid-19, TS-BS Hoàng Quốc Cường không hề do dự. Anh ngồi vào bàn lên kế hoạch cho chuyến đi vì tất cả tư trang đã sẵn sàng từ trước.

10 giờ sáng, cuộc họp nhóm công tác diễn ra, do PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chủ trì cùng các chuyên gia. Viện trưởng phân công nhiệm vụ là thiết lập thêm các phòng xét nghiệm Covid-19 cho Đà Nẵng nhằm phát hiện nhanh, chính xác những ca bệnh để kịp thời cách ly, điều trị, khoanh vùng, dập dịch. Nhóm công tác đi lần này là những “chiến binh” thiện nghệ nhất của Viện Pasteur TP.HCM với quyết tâm “sẽ chiến thắng trở về”.

Ăn cơm trưa xong và sau vài giờ chuẩn bị trang thiết bị y tế, vật tư sinh phẩm cùng dụng cụ bảo hộ, 14 giờ nhóm ra sân bay Tân Sơn Nhất để bay đi Huế, sau đó di chuyển vào Đà Nẵng trong đêm để triển khai nhiệm vụ ngay lúc 21 giờ ngày 30.7.

“Anh em ai cũng quyết tâm cao độ. Khi lên đường nhận nhiệm vụ thì chưa kịp chia tay gia đình và vợ con. Các con hằng ngày vẫn viết thư và vẽ tranh gửi cho ba với lời nhắn nhủ: Ba phải chống dịch thành công để tụi con được đến trường”, TS-BS Hoàng Quốc Cường tâm sự.

Thạc sĩ Hoàng Anh cùng nhóm công tác, cũng không kịp về nhà lấy đồ dùng cá nhân mà nhờ vợ mang đến Viện Pasteur TPHCM. Thạc sĩ Hoàng Anh kể: “Hôm bà xã chia tay chồng đi chống dịch mà mắt nhòe đi, nhưng rất đỗi tự hào”. Còn kỹ sư Duy, thành viên nhóm công tác, chia sẻ thêm: “Trong cơn đại dịch, tôi cứ đi khi đồng nghiệp và người bệnh cần, giúp được gì cho đồng đội và người dân Đà Nẵng thì giúp. Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra các thiết bị phòng xét nghiệm đảm bảo an toàn và chính xác khi thực hiện xét nghiệm”.

Xuyên đêm lập phòng xét nghiệm Covid-19

Thời điểm này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng mỗi ngày xét nghiệm Covid-19 với số lượng mẫu rất lớn. Khi đến Đà Nẵng, nhiệm vụ chính của nhóm công tác Viện Pasteur TP.HCM là “chia lửa” xét nghiệm Covid-19 với CDC Đà Nẵng. “Nhiệm vụ của nhóm là hỗ trợ và thiết lập nhanh phòng xét nghiệm chẩn đoán khẳng định Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR cho Bệnh viện (BV) 199 và các cơ sở y tế khác”, TS-BS Hoàng Quốc Cường nói.

Sau khi xác định nhiệm vụ chính, việc đầu tiên là nhóm phải thiết kế lại phòng xét nghiệm và chỉnh sửa phòng ốc phù hợp để đảm bảo an toàn sinh học cho phòng xét nghiệm và đúng theo quy định của Bộ Y tế. Song song đó, Viện Pasteur TP.HCM vận động các nhà hảo tâm để chi viện cấp tốc các trang thiết bị máy móc vận chuyển từ TP.HCM ra Đà Nẵng.

Sau khi phòng ốc đã hoàn thành, nhóm lập tức đào tạo nhân viên của BV 199 về an toàn sinh phẩm, phương pháp lấy mẫu, phương pháp xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Tiếp đó, tiến đến cho nhân viên xét nghiệm BV thực tập, lên kế hoạch xét nghiệm tổng thể và vận hành các quy trình cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm.

“Sau 4 ngày làm việc liên tục và vất vả xuyên đêm, nhóm công tác và BV 199 đã đưa vào hoạt động hệ thống xét nghiệm khẳng định Covid-19 được các lãnh đạo Bộ Y tế và chuyên gia đánh giá cao. Hiện tại hệ thống đang vận hành với công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của Đà Nẵng”, TS-BS Cường chia sẻ thêm.

Dù đang ở tâm dịch Đà Nẵng, hằng ngày, nhóm của TS-BS Hoàng Quốc Cường và đồng đội vẫn giao ban trực tuyến với bộ phận thường trực ở Viện Pasteur TP.HCM. Theo anh Cường, công việc ở Viện cũng đang rất nhiều nhưng nhóm động viên nhau cố gắng hết sức để giúp Đà Nẵng hết dịch rồi mới được về.

“Như người một nhà”

Đại tá, bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Đăng, Phó giám đốc BV 199 (Bộ Công an) – thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công an, cho PV Thanh Niên biết, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra tại Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM đã cử một viện phó và các chuyên gia kỹ thuật của Viện đến BV 199 để giúp triển khai xét nghiệm khẳng định Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR.

Theo đại tá Nguyễn Văn Đăng, nhóm cán bộ của Viện Pasteur TP.HCM cùng BV tiến hành sửa chữa, hoàn thiện để phòng xét nghiệm tại BV 199 đạt chuẩn an toàn sinh học. Sau đó đưa máy móc từ TP.HCM ra Đà Nẵng bằng cả đường bộ, đường hàng không để lắp đặt. Nhóm cán bộ Viện đã làm ngày, làm đêm rất vất vả, ăn ngủ luôn tại BV. Nhóm cán bộ Viện Pasteur còn thực hiện đào tạo, cầm tay chỉ việc cho 31 nhân viên khoa xét nghiệm lấy mẫu và các cán bộ thực hiện xét nghiệm. Từ ngày 5.8, Bộ Y tế đã đến kiểm tra phòng chống dịch tại BV 199 và đánh giá cao phòng xét nghiệm Covid-19 này. Hiện Bộ Y tế cũng đã chấp thuận cho phòng xét nghiệm đặt tại BV 199 được xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại miền Trung.

“Các anh em nhóm công tác như là người một nhà của BV 199. Tại BV chưa bao giờ có phòng xét nghiệm được lắp đặt và chủ động đưa vào hoạt động nhanh như vậy để thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân từ BV Đà Nẵng chuyển qua. Xét nghiệm cho cả cán bộ, nhân viên BV, công an tham gia phòng chống dịch. Phòng xét nghiệm đặt tại BV 199 đã tham gia vào chuỗi xét nghiệm để chẩn đoán nhanh Covid-19, đáp ứng nhu cầu rất lớn của Đà Nẵng, khu vực miền Trung và ngành công an”, đại tá Nguyễn Văn Đăng chia sẻ (Thanh niên, trang 16).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 16/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận