Điểm báo ngày 27/8/2020

(CDC Hà Nam)
Thêm 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong, 40 ca xuất viện; Ghi nhận ca mắc covid 19 mới là người nhập cảnh; Tri ân đặc biệt của bệnh nhân COVID-19; Cứu sống nữ sinh viên 9 lần ngưng tim

Thêm 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong, 40 ca xuất viện

Bộ Y tế cho biết, ngày 26/8 ghi nhận thêm 5 người mắc COVID-19, nâng tổng số lên 1.034. Ðây đều là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay, trong đó có 2 ca ở Bạc Liêu và 3 ca ở Hải Dương. Theo báo cáo ngày 26/8 của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cả nước có thêm 40 bệnh nhân được điều trị khỏi, nâng số ca xuất viện lên 632. Trong số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 167 ca có kết quả âm tính từ 1-3 lần trở lên với SARS-CoV-2. Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 687 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước; số lượng ca mắc mới liên quan Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 tới nay là 547.

Trong 5 ca mắc ghi nhận ngày 26/8 có bệnh nhân số hiệu 1032 (nam, 21 tuổi, ở phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trở về Việt Nam từ Nga ngày 10/8 và được chuyển cách ly tập trung tại Trung đoàn 125, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong thời gian cách ly, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày 24/8, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm lần 2 gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Tuy nhiên, sáng 25/8, dù chưa nhận được kết quả xét nghiệm lần 2, nhưng vì đã đủ thời hạn cách ly nên bệnh nhân được trở về nhà trưa cùng ngày.

Chiều 25/8, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thông báo kết quả xét nghiệm bệnh nhân này dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, CDC Hà Nội đưa bệnh nhân đi cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ngoài ra, 6 người gồm bố, mẹ, anh trai và bạn của bệnh nhân là các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết, theo quy định, tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xét nghiệm tối thiểu 2 lần.

Theo đó, lần xét nghiệm đầu tiên được thực hiện ngay sau khi hành khách nhập cảnh. Lần xét nghiệm thứ hai được triển khai vào 10 hoặc 12 ngày sau khi người đó nhập cảnh và trước khi họ kết thúc 14 ngày cách ly. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì đến ngày thứ 14, trường hợp đó sẽ được kết thúc cách ly.

“Dù bệnh nhân ở quận Cầu Giấy nói trên đã cách ly đủ 14 ngày, nhưng theo nguyên tắc, cần phải có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, bệnh nhân mới được trở về nhà. Nhưng bệnh nhân này rời khỏi khu cách ly quá sớm. May mắn, CDC Hà Nội đã nhận thông tin kịp thời và bệnh nhân mới chỉ tiếp xúc gần với 6 thành viên trong gia đình”, ông Tuấn nói.

3 ca tử vong

Ngày 26/8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho biết, có 2 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số lên 29. Cụ thể, bệnh nhân thứ 28 tử vong là nam, 36 tuổi, trú tại Đông Phú, Quế Sơn, Quảng Nam. Đây là BN 758, có tiền sử bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thẩm phân phúc mạc 12 năm, suy tim, tăng huyết áp, tử vong tại Trung tâm Y tế Hòa Vang (Đà Nẵng) tối 25/8.

Ca bệnh thứ 29 tử vong là BN827, nam, 66 tuổi, trú tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, suy thận mạn, tử vong tại Trung tâm Y tế Hòa Vang sáng 26/8.

Ngoài ra, Bộ Y tế thông báo, chiều 26/8, bệnh nhân 453 tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần với SARS-CoV-2 vào ngày 19/8, 21/8, 23/8. Bệnh nhân là nữ, 56 tuổi, trú tại Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng, từng mắc COVID-19, tăng huyết áp, suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận chu kỳ, tai biến mạch máu não. Tối ngày 25/8, bệnh nhân tử vong tại Trung tâm Y tế Hòa Vang do các biến chứng của bệnh nền nặng.

Hải Phòng, Hà Nam khẩn trương ứng phó

Ngày 26/8, sau khi nhận được tin báo một cư dân Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng du học tại Hàn Quốc được phía Hàn Quốc xác nhận dương tính với SARS-CoV-2, UBND quận Đồ Sơn yêu cầu UBND các phường, đặc biệt là phường Hải Sơn, Vạn Hương, Ngọc Xuyên tập trung rà soát, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 và F2.

Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết, sau khi nhận được thông tin một nam thanh niên sinh năm 1996 (nhà ở thôn 12, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng) dương tính với SARS-CoV-2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam tổ chức họp khẩn thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ khu dân cư nơi anh này sinh sống trước khi sang Hàn Quốc.

Anh này sinh sống tại Hà Nội và về thăm nhà từ ngày 15-20/8, sau đó bay sang Hàn Quốc lao động. Ngày 25/8, anh được phía Hàn Quốc thông báo dương tính với SARS-CoV-2 cùng với 1 người quê ở Hải Phòng trên cùng chuyến bay.

Ngành Y tế tỉnh Hà Nam xác định, ngày 15/8, bệnh nhân này tổ chức liên hoan cùng bạn bè (khoảng 18 người) tại quán ăn gần nhà. Cuộc liên hoan này có đông người dân địa phương tham gia. Vì bệnh nhân mới bay sang Hàn Quốc 4 ngày đã được xác nhận mắc COVID-19, nên ngành y tế Hà Nam xác định là F0 (Tiền phong, trang 15).

 

Ghi nhận ca mắc covid 19 mới là người nhập cảnh

Chiều 26-8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thông tin về 5 ca mắc mới dịch Covid-19 (từ ca thứ 1030-1034) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, trong đó Bạc Liêu có 2 ca và Hải Dương có 3 ca.

Ca bệnh 1030 (nam, 42 tuổi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã mắc Covid-19 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày 23-6 và có 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi về nước.

Ca bệnh 1031 (nam, 38 tuổi, ở quận 6, TPHCM). Bệnh nhân đã mắc Covid-19 tại UAE từ ngày 1-7 và có 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi về nước.

Bệnh nhân 1030-1031 từ UAE nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ ngày 9-8 trên chuyến bay VN5002, được chuyển đi cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khu cách ly tỉnh Bạc Liêu, kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 10-8 âm tính, lần 2 ngày 25-8 dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ca bệnh 1032 (nam, 21 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội)

Ca bệnh 1033 (nữ, 58 tuổi, ở TP Đồng Hới, Quảng Bình)

Ca bệnh 1034 (nam, 34 tuổi, ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương)

Các bệnh nhân 1032-1034 từ Nga nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn ngày 11-8 trên chuyến bay VN5062, được chuyển đi cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Hải Dương. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 13-8 âm tính, lần 2 ngày 25-8 dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tính đến chiều tối cùng ngày, Việt Nam đã ghi nhận 1034 người mắc Covid-19, trong đó có tổng cộng 687 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 547 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 69.429 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.878 người. Về tình hình điều trị, có tới 40 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh tại các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới TPHCM, Đa khoa Trung ương Huế, Đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu; Đa khoa tỉnh Bạc Liêu; Đa khoa tỉnh Nam Định; Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Hòa Vang, Đà Nẵng.

Như vậy tới nay, Việt Nam đã có 632/1034 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong là 29 trường hợp. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 167 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2 (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Tri ân đặc biệt của bệnh nhân COVID-19

687 là tên một dự án cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho các bệnh viện, khu cách ly… trên địa bàn Đà Nẵng để phòng chống dịch COVID – 19. Con số 687 vốn không có gì đặc biệt, nhưng với người khởi xướng dự án- anh Mai Anh Đức (SN 1982, quận Hải Châu, Đà Nẵng) – đó là con số gắn liền với anh trong những ngày được điều trị COVID – 19 tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Ấp ủ của bệnh nhân 687

“Tôi sẽ tiếp tục chung tay cùng mọi người, cùng thành phố để chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID – 19 này” – đó là chia sẻ của anh Mai Anh Đức – vốn chỉ được nhiều người biết đến thông qua cái tên “Bệnh nhân 687”- khi xuất viện sau 10 ngày được điều trị COVID – 19 tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Nói là làm, dù vẫn đang tiếp tục tự cách ly thêm 14 ngày theo đúng quy định, anh Đức vẫn cùng một số bạn bè, người thân lên kế hoạch và thực hiện Dự án 687 nhằm cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho các bệnh viện, khu cách ly… trên địa bàn Đà Nẵng.

“Ngay khi dịch bệnh trở lại và Đà Nẵng trở thành tâm dịch, tôi đã ấp ủ để thực hiện dự án này. Tôi vốn kinh doanh thiết bị lọc nước nhập khẩu nên được biết về một thiết bị của Nhật tạo ra nước sát khuẩn đạt chuẩn từ nước và phụ gia. Tôi đã liên hệ với đơn vị phân phối để được hỗ trợ thiết bị này nhằm sản xuất nước sát khuẩn miễn phí cung cấp cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch”, anh Đức kể.

Khi mọi chuyện đã được lên kế hoạch ổn thỏa và chuẩn bị vận hành, anh Đức nhận được tin dữ rằng con trai mình cũng mắc COVID – 19. Ngay lập tức, nhà anh bị phong tỏa, cả gia đình, hai bên nội ngoại, nhân viên công ty và bạn bè tiếp xúc gần… đều phải đi cách ly. “Ngày nhà tôi bị phong tỏa là ngày đơn vị vận chuyển giao máy đến, họ không thể chuyển hàng cho tôi, tôi cũng không nhờ được người thân nhận nên máy bị chuyển ngược lại TP Hồ Chí Minh”, anh Đức nói.

Sau những ngày đầu hoang mang, anh bình tâm và vẫn quyết định tiếp tục thực hiện dự án của mình. “Ở trong khu cách ly và trong bệnh viện, sự vất vả của các y bác sĩ thôi thúc tôi phải làm được điều gì đó để cùng thành phố chống dịch. Tôi gọi điện cho bạn tôi – là nhà phân phối thiết bị – và nhờ anh hỗ trợ, chuyển lại máy trở ra với suy nghĩ: ngay sau khi hết bệnh, tôi sẽ tiếp tục dự án”, anh Đức chia sẻ.

Những ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, anh Đức quan sát thấy cồn sát khuẩn được dùng rất nhiều, từ sát khuẩn tay cho bệnh nhân, các y bác sĩ đến vệ sinh giường, tủ, cửa kính hàng ngày… Các y bác sĩ dùng cồn sát khuẩn đến nhăn nheo, khô lột bàn tay. “Dung dịch nước sát khuẩn tôi định cung cấp cho các bệnh viện, khu cách ly thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe và đã được Viện Pauster TP Hồ Chí Minh chứng nhận có khả năng diệt khuẩn đến 99%. Bởi vậy, tôi càng chờ đợi đến ngày được khỏi bệnh để bắt đầu dự án”, anh Đức nói.

Tri ân Ðà Nẵng

Ra viện, ngoài những dòng nhật ký điều trị COVID – 19 vẫn cập nhật thường xuyên trên facebook cá nhân, anh Đức chia sẻ những ấp ủ về Dự án 687 và kêu gọi sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. “Đây là món quà tri ân mà tôi muốn gửi đến đội ngũ y bác sĩ, lực lượng phòng chống dịch đã điều trị và hỗ trợ cho cả gia đình tôi; cũng là góp chút sức nhỏ bé để chung tay cùng thành phố phòng chống dịch COVID – 19”, anh Đức cho hay.

Vì đang tự cách ly nên khi dự án được triển khai, anh Đức đóng vai trò như kiến trúc sư trưởng điều hành dự án, lên kế hoạch toàn bộ dự án, chuẩn bị những việc cần làm như chuẩn bị can nhựa, nhãn mác, kỹ thuật để lắp máy… “Hiện, có khoảng 6 người hỗ trợ dự án, gồm: 2 vợ chồng người bạn cũng là đối tác làm ăn tìm nguồn hàng, 1 nhân viên trong công ty phụ trách khu vực cung cấp nước, 2 người chuyên về kỹ thuật xử lý lắp đặt máy móc. Ngoài ra, có thêm 1 người bạn có xe bán tải chuyên hỗ trợ vận chuyển”, anh Đức chia sẻ.

Dự án 687 được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ cung cấp bình xịt sát khuẩn dung tích 500ml, 100 bình nhún sát khuẩn dung tích 350ml và 50 can nước sát khuẩn (loại 5 lít) cho Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để cung cấp dung dịch sát khuẩn cho Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn, Bệnh viện Phổi, các khu cách ly, phong tỏa… Giai đoạn 3 sẽ lắp đặt buồng khử khuẩn cho các bệnh viện đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID – 19.

Hiện, nhóm đã cung cấp được 1.000 lít nước sát khuẩn đến các đơn vị tuyến đầu chống dịch trên địa bàn: hỗ trợ quận Liên Chiểu 730lít nước sát khuẩn, hỗ trợ BQL chợ Đầu mối Hòa Cường 60lít, chợ Hàn 40lít và chợ Cồn 20lít nước sát khuẩn và 400lít nước sát khuẩn cho Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Anh Đức cùng nhóm Dự án 687 cũng đang triển khai chế tạo buồng khử khuẩn đầu tiên để lắp đặt ở Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang. “Lúc đầu, tôi định nhập buồng khử khuẩn về, nhưng chi phí khá cao (50 triệu đồng/máy). Sợ nguồn lực của mình không đủ nên tôi bàn với mọi người tự chế tạo. Đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu thì có 1 bạn kỹ sư liên hệ và cho biết đang có thiết bị tách nước thành hơi bằng sóng âm tự nghiên cứu, nguyên lý y hệt buồng khử khuẩn mà dự án định đặt mua. Chúng tôi bắt tay hợp tác, Dự án 687 sẽ phụ trách thiết kế phần cơ khí rồi chuyển sang cho bạn để lắp đặt thiết bị vào”, anh Đức kể. Dự kiến, khoảng 1 – 2 ngày nữa, buồng khử khuẩn đầu tiên sẽ hoàn thành và bàn giao cho Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Tiền phong, trang 10).

 

Cứu sống nữ sinh viên 9 lần ngưng tim

Chiều 26-8, tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân P.T.L (23 tuổi, trú tại Kon Tum), sinh viên năm thứ 5 ngành Y học dự phòng của Trường ĐH Y Dược Huế từng 9 lần bị ngưng tim, hôn mê sâu, đã có thể ngồi dậy và nói chuyện được sau khi được các bác sĩ lập kỳ tích cứu sống ngoạn mục.

Trước đó, vào ngày 15-7, bệnh nhân P.T.L bất ngờ lên cơn hen rồi ngưng tim giữa đêm và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế với chẩn đoán suy đa tạng, ngừng tuần hoàn ngoại viện, hen phế quản. Sau 5 ngày hồi sức tích cực, bệnh tình bệnh nhân không cải thiện nên được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị trong tình trạng rối loạn nhịp tim, tiêu cơ, suy thận cấp.

Các y, bác sĩ lập tức cho bệnh nhân thở máy, chạy thận lọc máu liên tục. Tuy nhiên, bệnh nhân đã có 9 lần ngưng tim nên các y, bác sĩ phải sốc điện cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân sau đó lại bị hôn mê sâu, chỉ số sinh tồn chỉ còn 5 điểm.

Bệnh tiếp tục diễn tiến nặng hơn, với suy đa tạng, viêm phổi nặng, rối loạn nhịp tim, hội chứng hoạt hóa đại thực bào nên các bác sĩ phải tiến hành điều trị chạy lọc máu liên tục trong nhiều ngày, đồng thời cho bệnh nhân thở máy cùng với nhiều kỹ thuật hỗ trợ khác.

Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau hơn 1 tháng điều trị, các chức năng sống đang cải thiện tốt, bệnh nhân có thể ngồi dậy và nói chuyện được. Hiện bệnh nhân được chuyển khoa chức năng để tiếp tục điều trị phục hồi.

“Việc cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngoại viện, sau khi nhập viện đã trải qua 9 lần ngưng tim phải sốc điện cấp cứu tích cực là một kỳ tích hy hữu từ trước đến nay”, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng cho biết (Sài Gòn giải phóng, trang 6). 

 

Thêm một kỳ tích của y học Việt Nam

Ba mươi tám năm qua ông Nguyễn Đức Vượng (63 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) phải chịu đựng tình cảnh hai chân lệch nhau 11 cm, làm cho những bước đi trở nên rất vất vả, chất lượng cuộc sống giảm sút. Nhưng mới đây nhờ kỳ tích của y học đã trả lại cho ông những bước đi như người bình thường.

Ông Vượng không may mắc bệnh viêm xương tủy xương đùi. Trải qua rất nhiều ca phẫu thuật tại các bệnh viện lớn nhưng kết quả không như mong muốn. Không chỉ đôi chân lệch nhau 11 cm, hai năm qua, những cơn đau cứ hành hạ và tăng dần, ông buộc phải thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau. Điều đó lại dẫn đến suy thận, teo hoàn toàn khối cơ mông, cơ đùi trước, cơ đùi sau bên trái, khiến dáng đi càng trở nên xiêu vẹo, ngả nghiêng. Để mong thoát khỏi cơn đau hành hạ cơ thể, ông Vượng đã nhiều lần đề nghị, thậm chí van xin bác sĩ hãy cắt cụt chân trái của mình để cho hết cơn đau. Với mọi người bước đi quá dễ dàng, nhưng với ông, buớc đi là cả một sự đau đớn đến tột cùng. Đi khắp trong nam, ngoài bắc, hết dùng thuốc Đông y, lại sang Tây y, cứ nghe ai mách đâu có thuốc hay, thầy giỏi là vợ, con lại đưa ông đến. Một lần khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện E), các bác sĩ tư vấn cho ông nên thực hiện kỹ thuật rất mới, đó là thay thế toàn bộ đoạn xương bị viêm bằng kim loại. Đây là một kỹ thuật rất mới ở Việt Nam, mới chỉ một lần được thực hiện tại Bệnh viện K để thay xương cho người bệnh ung thư xương phá hủy toàn bộ xương đùi. Nhưng với trường hợp của ông lại khác, chỉ mắc căn bệnh viêm xương tủy xương đùi lành tính.

PGS, TS Trần Trung Dũng, Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình Trường đại học Y Hà Nội đánh giá, đây là ca bệnh rất phức tạp. Bởi, thay toàn bộ xương đùi là một phẫu thuật rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ cao; đồng thời với đó, kỹ thuật của bác sĩ gây mê phải rất tốt để kiểm soát tình trạng toàn thân của người bệnh ở trước, trong và sau phẫu thuật. Là kỹ thuật mới, trên thế giới, trong khoảng 10 năm qua, chỉ có khoảng năm ca bệnh được thay toàn bộ xương đùi để điều trị bệnh lý viêm xương tủy xương lành tính nhằm bảo tồn chi thể một cách tối đa, tránh các trường hợp phải cắt cụt chi thể. Sau nhiều phiên hội chẩn, ê-kíp đã tiến hành phẫu thuật cho người bệnh qua hai thì mổ. Thì một, các bác sĩ phẫu thuật tháo toàn bộ xương đùi và đặt cement kháng sinh với hai mục đích diệt khuẩn và giữ khoảng chiều dài xương đùi hai bên phải như nhau. Sau bảy tuần sử dụng ba kháng sinh liên tục theo kháng sinh đồ, các bác sĩ phẫu thuật tháo cement kháng sinh và thay toàn bộ xương đùi nhân tạo gồm cả khớp háng, khớp gối. Đây là cuộc mổ được chuẩn bị rất chi tiết, mọi thông số cần phải chính xác từng mi-li-mét. Đáng chú ý, do người bệnh  kèm theo thoái hóa khớp gối và khớp háng nặng, ổ cối biến dạng với rất nhiều chồi xương; khối cơ mông chung quanh khớp teo giảm chức năng nhiều… cho nên nguy cơ trật khớp sau mổ rất cao. Vì thế, các bác sĩ đã nghiên cứu và áp dụng xu hướng mới là PSI tức là sử dụng các thông số của chính người bệnh được đo đạc chính xác trên cắt lớp dựng hình để chế tạo bộ khớp háng, xương đùi và khớp gối cũng đặc biệt cho chính người bệnh.

Sau 3 giờ 30 phút, các bác sĩ tập trung cao độ thực hiện thành công ca mổ. Xương đùi nhân tạo kèm khớp háng, khớp gối đã được đặt vào đúng vị trí. Không có biến chứng nào xảy ra trong mổ. Điều đặc biệt là sau phẫu thuật ngày thứ ba, người bệnh đã tự đứng và bước đi, các triệu chứng đau âm ỉ do viêm xương gần như không còn. Tầm vận động khớp gối và khớp háng cải thiện hơn, phần chênh lệch giữa hai chân được rút ngắn lại. Phẫu thuật thành công giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, không còn phải chịu đựng cảm giác đau đớn, do vậy không cần dùng thuốc giảm đau. Ông Vượng chia sẻ: Đối với mọi người, một bước đi là quá dễ dàng nhưng đối với tôi đó là một kỳ tích. Các bác sĩ đã giúp tôi thực hiện được ước mơ có thể tự bước đi.

Phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi là đại phẫu của đại phẫu vì bao gồm cả khớp háng, khớp gối và toàn bộ xương đùi – xương lớn nhất của cơ thể. Hiện nay, trên thế giới các ca phẫu thuật thay xương đùi toàn phần chưa nhiều. Do vậy, ca phẫu thuật thay xương đùi thành công cho người bệnh Nguyễn Đức Vượng là một bước tiến lớn của y học Việt Nam, khẳng định vị thế trong nền y học thế giới nói chung và chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nói riêng (Nhân dân, trang 5).27

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/1/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận