Điểm báo ngày 04/9/2020

(CDC Hà Nam)
Thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19; Một bệnh nhân tử vong, bảy ca nặng; Phòng, chống sốt xuất huyết: Không thể xem nhẹ; Chưa tìm được gần 500 người mua pate Minh Chay; Liên tiếp 2 người tử vong do sốt xuất huyết, người dân vẫn còn rất chủ quan

Thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19

Để chung sống an toàn với dịch COVID-19, phải đổi mới chiến lược xét nghiệm – các chuyên gia nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/9. Thảo luận về chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới, các thành viên Ban chỉ đạo khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD. Việt Nam là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.

Thời gian tới, Việt Nam phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu… Chiến lược xét nghiệm vì thế cũng phải điều chỉnh. Các chuyên gia nhấn mạnh, phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm. Tại các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… đã triển khai việc xét nghiệm nhanh để quản lý người nhập cảnh tại các cảng hàng không quốc tế.

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… Ưu điểm của phương pháp này là thời gian nhanh, kết quả chính xác, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam…, góp phần chống dịch hiệu quả.

Phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh

Hiện nay, tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Nhược điểm của loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime RT-PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.

Để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime RT-PCR.

Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm. Đại diện các đơn vị khẳng định năng lực hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước phát triển. Những đơn vị này mong muốn có cơ chế đặt hàng nghiên cứu, sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các mẫu bệnh phẩm lâm sàng để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện tập huấn các phương pháp xét nghiệm sử dụng mọi loại kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất hiện nay. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong tuần này Bộ sẽ tham vấn các doanh nghiệp và tuần sau sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đề xuất, trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, trước mắt Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không (Tiền phong, trang 15).

 

Một bệnh nhân tử vong, bảy ca nặng

Tối 3/9, Bộ Y tế cho biết trong ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, có 7 bệnh nhân tiên lượng nặng và nguy kịch, 1 ca tử vong.

Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện có 2 ca bệnh COVID-19 nặng. Trong đó bệnh nhân 1045 – trường hợp mắc mới nhất ở Hải Dương, chưa rõ nguồn lây, phải thở máy. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân 1045 (72 tuổi, ở Hải Dương) thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mắc bệnh nền phì đại tiền liệt tuyến và thoát vị cột sống cổ. Ngày 1/9, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, ngay lập tức được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, đặt ống thở máy. Hiện bệnh nhân đáp ứng tốt thở máy, tình trạng tạm thời cải thiện.

Bác sĩ điều trị cho biết, phổi của bệnh nhân 1045 bị tổn thương nặng. Ngoài ra bệnh nhân có tình trạng bội nhiễm các vi khuẩn khác nên được điều trị theo phác đồ dùng thuốc chống đông máu, các loại kháng sinh và duy trì thở máy để hỗ trợ hô hấp. Bệnh viện đang thực hiện các phương pháp xét nghiệm và cấy máu để tìm ra chính xác căn nguyên.

“Tình trạng phổi vẫn đang rất xấu nhưng các chỉ số đang tạm ổn định, đáp ứng thở máy tốt. Tình trạng nhiễm trùng cũng đang được kiểm soát. Trong tình trạng phổi của bệnh nhân xấu hơn, có diễn biến bất thường thì bệnh nhân có thể phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Các bác sĩ đang theo dõi sát tình hình của bệnh nhân 24/24h, dựa vào diễn biến trong những ngày tới để có phác đồ điều trị phù hợp nhất”, bác sĩ Phúc cho biết thêm.

Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho 2 ca COVID-19 nặng khác là bệnh nhân 793 và 867. Bệnh nhân 793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) được đánh giá là ca COVID-19 nặng nhất miền Bắc, vừa được rút hệ thống ECMO vào trưa 3/9. Tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân đã cải thiện sau khi tìm được căn nguyên. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang phải thở máy xâm nhập và được theo dõi rất sát. Bệnh nhân 867 (nam, 63 tuổi, ở Hải Dương) đã hồi phục sức khỏe, có thể tự sinh hoạt. Hiện bệnh nhân chờ có đủ 3 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để được công bố khỏi bệnh.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có 9 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 4 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang; 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 755/1.046 ca mắc.

Ngày 3/9 có thêm 1 trường hợp mắc COVID-19 tử vong là bệnh nhân số 761. Đây là ca mắc COVID-19 tử vong thứ 35 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam. Bệnh nhân 761, nữ giới, 83 tuổi, tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa tạm cầm. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực theo các phác đồ qua hội chẩn quốc gia, nhưng bệnh diễn biến nặng. Sáng ngày 3/9, bệnh nhân tử vong tại Trung tâm Y tế Hòa Vang được chẩn đoán: viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển do COVID-19, biến chứng nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa (Tiền phong, trang 15).

 

Phòng, chống sốt xuất huyết: Không thể xem nhẹ

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó đã có trường hợp tử vong. Điển hình như trường hợp một bệnh nhân (57 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau 5 ngày tự điều trị tại nhà mới đến bệnh viện khám. Khi đó, men gan của bệnh nhân đã tăng cao, bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng. Bệnh nhân được lọc máu, sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), nhưng đã tử vong sáng 1-9.

Trước đó, đầu tháng 8-2020, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một thanh niên (17 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà mà không đến bệnh viện điều trị. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân này đã tử vong do suy đa tạng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Thế nhưng hiện nay, do lo ngại lây nhiễm Covid-19, nhiều người khi mắc sốt xuất huyết không đến bệnh viện khám từ sớm mà chỉ đến khám khi bệnh đã chuyển biến nặng, khó cứu chữa.

Tương tự, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tiếp nhận điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị năm nay ít hơn so với mọi năm. Nguyên nhân có thể là do người dân lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên không đến bệnh viện…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 1.574 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 1.612 trường hợp (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 3.186 trường hợp). Tuy nhiên, trong tuần từ ngày 17 đến 23-8 ghi nhận 67 ca mắc sốt xuất huyết tại 42 xã, phường, thị trấn, thì đến tuần từ ngày 24 đến 30-8, số ca mắc sốt xuất huyết tăng lên 152 trường hợp tại 74 xã, phường, thị trấn. Qua công tác kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội tại những địa bàn trọng điểm có nhiều người mắc sốt xuất huyết, công tác phòng, chống dịch bệnh này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử tại huyện Phúc Thọ, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết dẫn đầu thành phố (334 ca), người dân còn chủ quan. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) Trần Anh Tuấn, nhiều gia đình vẫn có thói quen tích nước mưa, téc nước sinh hoạt không đậy kín nắp, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Còn tại quận Nam Từ Liêm – nơi có số ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ tư thành phố (149 ca), theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, chất lượng hoạt động của đội xung kích và tổ giám sát diệt bọ gậy chưa cao, chưa thực hiện liên tục…

Không để dịch xảy ra mới chống

Để tránh chẩn đoán nhầm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Khi bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng… “Nếu có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường lưu ý.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) Khổng Minh Tuấn đề nghị, các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đặc biệt, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, phòng y tế các quận, huyện, thị xã phải quản lý, quán triệt các cơ sở y tế tư nhân tuyệt đối không giữ bệnh nhân sốt xuất huyết truyền dịch tại cơ sở hoặc đưa về nhà.

Thời gian tới, dự báo thời tiết nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, việc phòng, chống sốt xuất huyết cũng giống như phòng, chống dịch Covid-19, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó sự đồng thuận và phối hợp của người dân là rất quan trọng. Đồng thời, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải…, không để muỗi sinh sản và phát triển; kiện toàn lại đội xung kích diệt bọ gậy, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh hằng ngày, hằng tuần.

“Bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải chủ động phòng, chống sốt xuất huyết. Dù đây là thời điểm khó khăn, song chúng ta phải quyết tâm thực hiện, vì nếu bị động, để dịch xảy ra mới chống, thì sẽ rất khó dập dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý (Hà Nội mới, trang 5).

 

Chưa tìm được gần 500 người mua pate Minh Chay

Chiều 3/9, Sở Y tế Hà Nội cho hay đã có báo cáo khẩn về kết quả điều tra giám sát ngộ độc thực phẩm do pate Minh Chay. Trong danh sách gần 1.200 khách hàng mua pate Minh Chay mà Công ty Lối sống mới cung cấp, còn 493 người chưa liên hệ được. Những ngày qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức nhiều đoàn kiểm tra Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới – cơ sở sản xuất ra sản phẩm pate Minh Chay được phát hiện có vi khuẩn Clostridium Botulinum gây độc tố Botulinum.

Theo danh sách khách hàng mà Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới cung cấp, từ ngày 1/7 đến 28/8 có 1.187 khách hàng ở Hà Nội mua pate Minh Chay.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã gọi điện và liên hệ được với 694 khách hàng, còn 493 khách hàng chưa liên hệ được.

Riêng với số khách hàng mà cơ quan chức năng đã liên hệ được, họ có mua 850 lọ pate Minh Chay, 43 lọ ruốc nấm heri, 88 lọ muối vừng bát bảo đặc biệt, trong đó đã sử dụng (hoặc bỏ đi) 685 lọ pate Minh Chay, 28 lọ ruối nấm, 71 lọ muối vừng và chỉ còn lại 165 lọ pate Minh Chay đang thu hồi.

Trước đó, tối 1/9, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho biết đã có công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội điều tra, xác minh và xử lý vụ việc nhiều người ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết, từ ngày 13/7 đến 18/8/2020 đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị, trong đó có 2 trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai, 5 trường hợp tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 2 trường hợp tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh.

Đặc điểm chung của các bệnh nhân là có triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở …. Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng. Website của công ty này là pate.1001monchay.com; minhchay.com.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong (Tiền phong, trang 2). 

 

Liên tiếp 2 người tử vong do sốt xuất huyết, người dân vẫn còn rất chủ quan

Điểm chung của 2 bệnh nhân Covid-19 vừa tử vong do SXH ở Hà Nội là đều không phân biệt được sớm triệu chứng của bệnh SXH với bệnh khác, cố gắng tự điều trị tại nhà dù bệnh đã có dấu hiệu nặng, khi nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn…

Vì thế, trong mùa cao điểm của dịch bệnh với số ca mắc SXH đang tăng nhanh như hiện nay, các chuyên gia chỉ rõ, người dân cần tuyệt đối tránh các sai lầm thường gặp sau.

Tránh nhầm lẫn SXH với các bệnh sốt khác

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ…

Để phân biệt, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Bác sĩ Cường cho biết thêm, các triệu chứng của bệnh SXH rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường khác nên người dân khi có các biểu hiện sốt cao một cách đột ngột trong 1- 2 ngày đầu, dùng thuốc hạ sốt không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Không tùy tiện dùng thuốc hạ sốt

Ngày 1-9, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một bệnh nhân tử vong do SXH (ca tử vong thứ 2 ở Hà Nội) là nam bệnh nhân 57 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm. Ca bệnh này đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng suy đa tạng. Chẩn đoán khi tử vong: sốc nhiễm khuẩn/rối loạn đông máu-sốc Dengue/Ngộ độc paracetamol.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc tự ý dùng thuốc hạ sốt, paracetamol để điều trị các bệnh sốt nói chung, SXH nói riêng còn rất phổ biến. Đây là sai lầm cần tránh, đặc biệt bệnh nhân SXH tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh bừa bãi.

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em – Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, người dân cần thận trọng, tham vấn ý kiến chuyên gia y tế khi dùng các loại thuốc hạ sốt để điều trị SXH.

Lý do vì trên thị trường có một số loại thuốc có tác dụng hạ sốt song lại có thể gây hại cho bệnh nhân SXH. Đấy là chưa kể người dân không nên lạm dụng thuốc hạ sốt bởi có thể gây ngộ độc, tổn thương gan.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tự ý truyền dịch tại nhà để điều trị khi thấy SXH là sai lầm đáng tiếc mà nhiều người mắc phải. Trong thực tế, đã có nhiều bệnh nhân SXH vì ngại đến cơ sở y tế để khám, tự ý điều trị bằng truyền dịch tại nhà dẫn đến tử vong.

Điển hình như ca tử vong đầu tiên do SXH ở Hà Nội cách đây nửa tháng, nam thanh niên chưa đầy 20 tuổi được chẩn đoán mắc SXH nhưng ngại không vào viện mà ở nhà tự truyền dịch. Khi chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà, 2 ngày sau thì tử vong do suy đa tạng.

Bác sĩ Cấp nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không tự truyền dịch tại nhà để phòng ngừa biến chứng dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.

Thấy hết sốt cũng không được chủ quan

Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân SXH thường có nhiều mức độ khác nhau: bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân SXH nặng.

Với trường hợp bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện điều trị.

BS Nguyễn Kim Thư cũng cảnh báo, đa số bệnh nhân SXH thường có dấu hiệu cảnh báo từ ngày thứ 3, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt nên người bệnh thường chủ quan nghĩ là đã khỏi bệnh.

Do đó, nhân viên y tế luôn phải theo dõi sát sao bệnh nhân hàng ngày, tiến hành xét nghiệm công thức máu cũng như theo dõi tình trạng bệnh nhân để xử lý kịp thời nếu người bệnh có diễn biến nặng lên (An ninh thủ đô, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/2/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận