Thoát vị đĩa đệm: khi nào nên mổ?

(CDC Hà Nam)
Theo thống kê bệnh thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động.

Người bệnh cần nhận biết sớm các triệu chứng để có phương pháp chữa trị, điều trị kịp thời, tránh để bệnh ngày càng nặng và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây TVĐĐ cột sống, trong đó nguyên nhân hàng đầu là các chấn thương cột sống, sau đó là các tư thế xấu trong lao động. Các chấn thương vào vùng cột sống như ngã ngồi đập mông xuống đất, chấn thương tác động trực tiếp vào vùng cột sống hoặc TVĐĐ cấp tính sau khi nâng vật nặng.

Vận động cột sống sai tư thế: Một số trường hợp vận động sai tư thế cột sống như kiễng chân để lấy vật ở trên cao hoặc xa tầm tay với. Hoặc cố kéo một vật nặng hoặc xoay người đột ngột dẫn tới đau chói cột sống và có thể gây TVĐĐ.

Một số nghề nghiệp ảnh hưởng đến thoái hóa cột sống và đĩa đệm: Nhiều bệnh nhân không hề bị một chấn thương nghiêm trọng nào, nhưng công việc của họ thường xuyên bị chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại. Những người lái xe máy, ôtô, những người làm việc khuân vác, nông dân… bị thoái hóa cột sống sớm và nặng dễ dẫn tới TVĐĐ hơn.

Hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên cộng hưởng từ.

Hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên cộng hưởng từ.

Dấu hiệu nhận biết

Tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể có các triệu chứng khác nhau. TVĐĐ ở vùng cột sống thắt lưng hay gặp nhất (trên 90% các trường hợp TVĐĐ cột sống) gây đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên, đau thần kinh đùi bì. TVĐĐ cột sống cổ gây đau cổ, đau vai gáy, đau cánh tay: hội chứng cổ – vai – cánh tay.  Bệnh thường phát triển theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn đau cấp: Là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát. Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.

Giai đoạn chèn ép rễ: Đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn… nằm nghỉ thì đỡ đau. Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ. Ngoài ra, những thay đổi thứ phát của TVĐĐ như: phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính… làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.

Khi nào nên mổ TVĐĐ?

Tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh mà cân nhắc tới các biện pháp điều trị bảo tồn và điều trị can thiệp phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp như: nghỉ ngơi; vật lý trị liệu xoa bóp, tắm suối khoáng, đắp bùn; chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân,… Có thể dùng các biện pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh. Một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương TVĐĐ còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ cũng có tác dụng tương tự, chỉ định cho lồi hoặc TVĐĐ. Mặc áo nẹp cột sống có tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác lên vùng cột sống tổn thương, qua đó giảm lực tác động lên đĩa đệm.

Đối với TVĐĐ cấp, khoảng 85% bệnh nhân sẽ đáp ứng với điều trị nội khoa (uống thuốc, nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu) trong trung bình 6 tuần.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp sau đây, bệnh nhân nên được can thiệp ngoại khoa (mổ): Điều trị nội khoa thất bại sau 6-8 tuần. Bệnh nhân không muốn điều trị thử bằng nội khoa sau khi các bác sĩ chuyên khoa tiên lượng khả năng đáp ứng thấp. Cần mổ cấp cứu khi: rối loạn cảm giác (tê hoặc mất cảm giác), yếu liệt vận động, rối loạn tiêu tiểu và sinh dục liên quan đến TVĐĐ hay còn gọi là “hội chứng chùm đuôi ngựa”, dấu thần kinh khu trú tiến triển, đau kháng trị mặc dù đã dùng đến thuốc giảm đau gây nghiện.

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Cách xử trí khi tụt huyết áp

Ngọc Nga

Người bị viêm cầu thận cần hạn chế những thực phẩm nào để kiểm soát bệnh?

CDC Hà Nam

Đau thượng vị- dấu hiệu “đỏ” cảnh báo ung thư dạ dày hay bị bỏ qua

Ngọc Nga

Để lại bình luận