Nhận biết dấu hiệu sốt xuất huyết và Covid-19

(CDC Hà Nam)

Sốt xuất huyết gây sốt cao đột ngột kèm đau đầu vùng trán, đau sau hốc mắt còn Covid-19 gây viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus – Ký sinh Trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sốt xuất huyết và Covid-19 có đường lây nhiễm khác biệt. Tuy nhiên hai bệnh có triệu chứng lâm sàng không điển hình, ví dụ triệu chứng sốt, đau mỏi người, nên dễ gây nhầm lẫn.

Bác sĩ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng khác để phân biệt và chẩn đoán 2 bệnh. Covid-19 chủ yếu có các triệu chứng liên quan tới đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi, gây viêm phổi và suy hô hấp. Còn sốt xuất huyết gây sốt cao liên tục, đột ngột, đau mỏi người, đau hốc mắt và hai bên thái dương, diễn biến nặng từ ngày thứ tư đến ngày thứ 7.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền, bệnh cảnh rất khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Trong khi đó, sốt xuất huyết không có biểu hiện về đường hô hấp mà gây sốt, đau đầu vùng trán, buồn nôn, nôn, đau khớp, yếu người, và ban xuất huyết. Bệnh nhân cũng có thể biếng ăn, nhạt miệng, đau họng nhẹ.

Khi mắc sốt xuất huyết nặng, người bệnh có thể bị sốc, xuất huyết nặng và suy tạng, phải điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, tỷ lệ diễn biến nặng thấp. Một số ít trường hợp bị sốt, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc rong huyết ở nữ, nôn ói ra máu, đi đại tiện phân máu hoặc đen sệt như bã cà phê, vật vã, lừ đừ, li bì từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh dù hết sốt.

Hiện chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, thuốc chỉ giúp điều trị hỗ trợ, làm giảm triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, đau nhức, biến chứng và nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chi Lê.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chi Lê.

Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đều đến bệnh viện muộn. Vì vậy, bác sĩ Vân khuyến cáo người bệnh nên đi khám ngay khi có 5 dấu hiệu khi sốt gồm bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì; tăng nôn; đau bụng đột ngột; tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn; chảy máu ở chân răng, chảy máu cam… Bác sĩ sẽ đánh giá thêm các triệu chứng, biến chứng để có phương án xử trí phù hợp. Người cao tuổi, người có bệnh lý nền nên đi khám sớm khi bị sốt do dễ có những diễn biến bất thường, trở nặng khó kiểm soát.

Tiến sĩ Vân cũng lưu ý, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt. Khi cần truyền dịch, bác sĩ sẽ chỉ định và theo dõi sát tốc độ truyền để tránh sốc. Người bị sốt xuất huyết chú ý uống nhiều nước, bù điện giải như uống oresol để tránh bị thoát huyết tương nặng, cô đặc máu.

Người bệnh cũng nên sử dụng các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) chứa nhiều khoáng chất và vitamin tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn. Các thức ăn dạng lỏng và mềm như cháo, soup, sữa được khuyến khích, tránh cơm, thức ăn cứng khó nuốt dễ gây chảy máu.

Theo vnexpress.net

Bài viết liên quan

Xông hơi phòng COVID-19 dưới góc nhìn của chuyên gia hồi sức tích cực hàng đầu Việt Nam

Mậu Ngọ

7 nhóm người nên thực hiện tầm soát ung thư gan

Ngọc Nga

‘Thần dược’ chà là chống ung thư, chữa liệt dương, viêm khớp

Ngọc Nga

Để lại bình luận