Việc cần làm khi bị đau lưng

(CDC Hà Nam)
Đau lưng là một tình trạng phổ biến không chỉ ở người cao tuổi, mà còn thường gặp ở người trẻ. Lối sống thiếu vận động, sai tư thế làm tăng nguy cơ đau lưng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, 80% người dân từng bị ít nhất 1 lần đau lưng trong suốt cuộc đời.

Khi nào đau lưng là nguy hiểm?

Phần lớn các cơn đau lưng do tổn thương một hoặc nhiều thành phần cấu trúc của cột sống thắt lưng. Hay gặp nhất là thoái hóa các đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, trượt thân đốt sống, viêm khớp cùng chậu, các khối u cột sống, loãng xương… Trên 85% nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ đa số có liên quan nhiều đến nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt. Nhân viên văn phòng ngồi liên tục sai tư thế từ 7-8 giờ mỗi ngày hoặc công nhân ngồi lâu sai tư thế, không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý là những nghề nghiệp có tỉ lệ người bị đau lưng cao hơn hẳn những người làm việc khác.

Các nguyên nhân gây đau lưng cần đề phòng.

Các nguyên nhân gây đau lưng cần đề phòng.

Một số trường hợp đau lưng do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm nặng có thể dẫn đến hội chứng chùm đuôi ngựa do chèn ép thần kinh vùng cột sống lưng, gây mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, tê vùng hậu môn, yếu ở cả hai chân và nguy cơ cao bị liệt nếu không điều trị kịp thời. Trong bệnh viêm cột sống dính khớp thường gặp ở người trẻ, biểu hiện ban đầu chỉ là đau lưng, có thể kèm theo sưng khớp. Bệnh này nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến tàn phế do các đốt sống viêm dính lại với nhau. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên đứng hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài, nếu vì công việc phải đứng hoặc ngồi lâu thì nên đứng hoặc ngồi đúng tư thế và có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý và một khi có biểu hiện đau lưng phải đến cơ sở y tế sớm để chẩn đoán kịp thời những trường hợp đau lưng bệnh lý.

Tổn thương các cơ quan ở trong bụng hoặc tiểu khung cũng gây nên tình trạng đau lưng. Nếu chúng ta không lưu tâm và khám toàn diện thì nguy cơ bỏ sót những tổn thương này.

Đau lưng cũng là biểu hiện thận bị nhiễm vi khuẩn. Nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập niệu đạo từ đường ruột và ngược dòng đi lên bàng quang, thận, hoặc từ dòng nước tiểu bị tắc vì sỏi thận, khối u hoặc các vấn đề đường tiết niệu khác. Nhiễm trùng thận có thể gây viêm và đau tức ở hai bên lưng, tùy thuộc vào thận nào bị nhiễm trùng. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, cơ thể nhiễm trùng, tiểu đục, tiểu buốt.

Đau lưng cũng cảnh báo tình trạng u sau phúc mạc, u xơ tử cung. U sau phúc mạc là khối u bất thường xuất hiện giữa khoang ổ bụng và cột sống lưng (sau phúc mạc), thường gây đau lưng hoặc kèm theo đau bụng. U sau phúc mạc có thể bắt nguồn từ bào thai, có thể là u thần kinh nội tiết, u lympho bạch huyết, u tế bào mầm, hoặc khối ung thư di căn. U xơ tử cung là khối u đặc và thường lành tính, phát triển trên thành tử cung. Một số bệnh nhân bị u xơ không gặp bất kỳ triệu chứng nào, một số khác có thể bị đau lưng dưới, kinh nguyệt bất thường, rong kinh hoặc đi tiểu thường xuyên.

Phải làm gì?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau lưng mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau. Nhìn chung, bệnh được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng lui bệnh càng cao.

Để phòng tránh đau lưng không nên mang vác và bưng bê vật nặng nhất là làm sai tư thế. Không nên đứng ngồi lâu một chỗ (ngồi xem vô tuyến, đọc sách, viết…), phải có giải lao khoảng vài giờ một lần, kéo dài khoảng 10 phút để đi lại, vươn vai và làm các động tác thể dục nhẹ nhàng như: đứng lên, ngồi xuống, quay người… Khi đã có bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, bệnh về dạ dày, thận, gan mật…, cần tích cực chữa trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình. Hàng ngày nên vận động cơ thể một cách đều đặn, bài bản theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

BSCKI. Cao Thanh

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Các biện pháp thanh lọc cơ thể

Ngọc Nga

Cách chăm sóc ‘hậu COVID-19’ để hồi phục sức khỏe cho người bệnh

Ngọc Nga

Cảnh giác khi dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm

CDC Hà Nam

Để lại bình luận