Bản tin dịch COVID-19 trong 24h qua: Cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam

(CDC Hà Nam)
Đến sáng ngày 20/9, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 18 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Tất cả các ca bệnh nhập cảnh đều được cách ly ngay. Một số đường bay quốc tế đã và sắp được khai thác trở lại sau một thời gian tạm dừng vì COVID-19. Tuy nhiên, trên thế giới, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng. Do đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dịch COVID-19 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách trách nhiệm, thường xuyên”. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, “không để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu”.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 20/9/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 30.731.488 người mắc; 957.156 người tử vong

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

– Việt Nam đứng thứ 165/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1068 ca mắc COVID-19

Trong đó:

– Số ca điều trị khỏi: 942 ca.

– Số ca tử vong: 35 ca.

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng Số TH đang được cách ly tập trung Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế
377 691 15.200 9.106

1. Tính đến 9h ngày 20/9: Việt Nam có tổng cộng 377 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

+ Từ 18h ngày 19/9 – 6h sáng 20/9: ghi nhận 0 ca mắc mới.

2. Số ca bình phục trong 24h qua: 1 ca.

3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca.

4. Số ca tiến triển tốt:

– Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2:  14 ca.

– Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca.

-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 22 ca.

5. Số người cách ly: 24.396 người.

– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 410 người.

– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.790 người.

– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú:  9.196 người.

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 377 ca.

7. Số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay:  551 ca.

8. Nhận xét:

Tính đến 9h ngày 20/9:Theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers, thế giới ghi nhận hơn 30,6 triệu người nhiễm, hơn 955.000 người tử vong do mắc COVID-19, khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở châu Âu.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.925.941 ca nhiễm và 203.717 người tử vong.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, tổng số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 hiện lần lượt 5.312.537 và 85.650. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, hiện quốc gia này ghi nhận 4.497.434 người mắc COVID-19 và 135.857 người tử vơng vì COVID-19

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 279.526 ca nhiễm và 4.830 ca tử vong, tăng lần lượt 3.257 và 47 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 236.519 ca nhiễm. Thủ đô Jakarta từ 14/9 tiếp tục siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Tại Việt Nam: Đến 9h sáng ngày 20/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không ghi nhận ca mắc COVID- 19 mới, như vậy đã sang ngày thứ 18 Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Các địa phương có ca nhiễm COVID-19 cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Tại TP. Hồ Chí Minh đã 51 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng.

Tại TP Hà Nội cũng đã qua 32 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng

Tại Hải Dương là 21 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng.

* Về công tác chỉ đạo điều hành:

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về COVID-19 diễn ra mới đây với sự tham gia của một số tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, địa phương. Không khí lao động, làm ăn của người dân và doanh nghiệp đang trở lại nhịp điệu nhanh hơn trước.

+ Thủ tướng lưu ý, trên thế giới, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước như Ấn Độ. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực. Do đó, các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách trách nhiệm, thường xuyên. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, “không để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu.

+ Nhắc lại câu chuyện 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Việt Nam, Thủ tướng cảnh báo việc xuất hiện dấu hiệu chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép. Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt “Thông điệp 5K” và áp dụng các chế tài xử phạt các vi phạm trong phòng chống dịch, đặc biệt là biện pháp đeo khẩu trang ở nơi đông người, phương tiện giao thông công cộng. Tiếp tục thực hiện phương châm không tập trung đông người khi không cần thiết, nhất là các lễ hội.

+ Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh, cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa hành khách tại các sân bay, không để tụ tập đông người, dễ lây nhiễm. Các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an chỉ đạo giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Hành khách làm thủ tục lên huyến bay quốc tế đầu tiên Nội Bài – Narita (Tokyo) được khai thác trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng vì COVID-19.

  Ảnh: Internet

* Về công tác điều trị:

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 942 bệnh nhân COVID-19/1.068 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 22 ca.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 1 trường hợp phải thở oxy hỗ trợ, và 1 trường hợp nặng thở máy xâm nhập.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Tăng cường quản lý người đến, về từ vùng có dịch theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”

Ngọc Nga

08 mẫu xét nghiệm thực hiện ngày 13,14/02/2021 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Mậu Ngọ

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 24/12/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận