Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, gây ra bởi ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.
Vi khuẩn thường tạo nha bào uốn ván. Nha bào này xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn… Sau đó, giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật, suy hô hấp, loạn nhịp tim, suy tim… dẫn đến ngưng thở và tử vong.
Để phòng ngừa uốn ván, người dân cần lưu ý:
– Xử lý vết thương đúng cách: Khi mới có vết thương dù lớn hay nhỏ, cần rửa ngay dưới vòi nước sạch để đẩy chất bẩn ra ngoài, làm sạch vết thương. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều bùn, đất, cát, thì nên dùng oxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô.
– Với vết thương có dị vật: Cần rửa tay sạch rồi lấy dị vật ra, băng bó vết thương và thay băng hàng ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì nên đến cơ sở y tế xử lý dị vật.
– Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu: đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành…, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế/bệnh viện. Tuyệt đối không tự chữa bằng các phương pháp dân gian như đắp thuốc, rắc thuốc bột…
Uốn ván là bệnh nguy hiểm, khi đã xuất hiện triệu chứng thì cơ hội sống sót là rất thấp. Do đó, việc tiêm phòng cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi bị chấn thương để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Bên cạnh đó, khi gặp các chấn thương, vết thương có nguy cơ uốn ván, người dân cần đến ngay bệnh viện để được tư vấn và xử trí vết thương kịp thời.
Theo VTV.vn