Định hướng công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

(CDC Hà Nam)
Đó là chủ đề của hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội.Thông tin cho biết, thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo đó, 15 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong do AIDS). Đặc biệt trong 5 năm gần đây, phát hiện số ca nhiễm HIV mỗi năm giảm 2/3 (xuống còn 10.000 ca) và số tử vong giảm 80% (còn hơn 2.000 ca). Kết quả này giúp Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% trong năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) của Liên hợp quốc vào năm 2020.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền chưa quyết liệt; nhiều địa phương chưa xây dựng quy chế phối hợp liên ngành; kinh phí dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn khiêm tốn; cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt tại tuyến cơ cở thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động tại một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục; độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế.

Theo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế: Mặc dù dịch HIV/AIDS đã thuyên giảm, nhưng diễn biến còn phức tạp, gia tăng nhanh ở nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) và tiêm chích ma tuý (TCMT), chưa bảo đảm tính bền vững và còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Do vậy, HIV/AIDS hiện vẫn còn là vấn đề sức khoẻ công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam… Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tiếp tục cần phải có những chủ trương và biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới… và cần một chỉ thị mới về chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030 để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Xuân Thủy

suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn

Ngọc Nga

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 23 Giờ 20, ngày 01/02/2020

CDC Hà Nam

Hà Nam: Thông báo 23 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Để lại bình luận