Những cách đơn giản giúp cải thiện trí nhớ người cao tuổi

(CDC Hà Nam)

Suy giảm trí nhớ ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày và tâm lý của người cao tuổi. Rối loạn về trí nhớ này cần được phòng ngừa và phát hiện sớm triệu chứng đề khắc phục.

Vùng trí nhớ trên não là kho lưu trữ thông tin, nhưng khi càng lớn tuổi thì các sự kiện càng trở nên khó lưu giữ và nhớ lại hơn. Bệnh về trí nhớ ở người cao tuổi khá phổ biến. Tình trạng bệnh nhẹ có thể khiến người cao tuổi hay quên đồ vật, quên những chuyện vừa xảy ra…, bệnh nặng có thể dẫn đến suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, người cao tuổi không nên quá lo lắng, ngay từ bây giờ hãy áp dụng những cách để tăng cường trí nhớ và hỗ trợ cho bộ não.

Bộ não chứa hơn hàng trăm tỷ tế bào thần kinh. Khi tuổi tác ngày càng cao, các tế bào thần kinh dần lão hoá, khiến cho các chức năng của cơ thể và việc ghi nhớ suy giảm. Tuy nhiên, tin tốt lành là chúng ta vẫn có thể từng bước cải thiện tình trạng này. Nguy cơ mất trí nhớ có thể giảm nhờ những thay đổi về chế độ dinh dưỡng và lối sống.

Bệnh suy giảm trí nhớ và Alzheimer ở người cao tuổi

Trí nhớ sẽ giảm dần khi tuổi tác tăng cao. Đây là rối loạn chức năng phổ biến ở người cao tuổi do tế bào thần kinh bị lão hoá. Người mắc chứng suy giảm trí nhớ thường nhầm lẫn, hay quên, nếu bệnh nặng sẽ không thể kiểm soát cảm xúc hành vi hay chăm sóc chính mình. Tình trạng này xảy ra đột ngột kèm với mất ý thức, người mắc bệnh cần được khám chữa kịp thời để phát hiện các bệnh lý như Alzheimer.

Đối với bệnh Alzheimer, các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện vào những năm 60 tuổi. Alzheimer là bệnh phổ biến nhất của chứng giảm – mất trí ở những người lớn tuổi. Chứng mất trí nhớ do não mất hoặc giàm chức năng nhận thức, suy nghĩ, ghi nhớ và suy luận, qua đó làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy và kiểm soát hành vi, gây cản trở cuộc sống và hoạt động hàng ngày.

Chăm sóc bộ não cho tuổi già thông thái

Để phòng ngừa bệnh về trí nhớ ở người cao tuổi, bậc cao niên nên tham gia vào các hoạt động xã hội để kích thích não bộ hoạt động tốt hơn, tăng khả năng duy trì trí nhớ. Một chế độ ăn uống đúng về thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer ở người cao tuổi.

– Tập thể dục thường xuyên để tăng cường đưa máu chứa oxy và dưỡng chất lên não.

– Không hút thuốc vì thuốc lá gây co thắt mạch máu và đẩy nhanh tiến trình xơ cứng động mạch, làm giảm lưu lượng máu lên não.

– Ăn nhiều trái cây, rau củ vì chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, các hoạt chất chống oxy hóa nhóm polyphenol và nhiều hợp chất giúp hạ huyết áp.

– Ăn nhiều cá, đặc biệt là cá có nhiều mỡ, vì omega-3 trong mỡ cá đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc và chức năng của não. Ngoài ra, dầu cá còn giúp phòng tránh đột quỵ.

– Nên hạn chế hoặc từ bỏ rượu, bia vì rượu, bia có thể làm suy yếu trí nhớ thính giác (loại trí nhớ giúp ta nhớ rất tốt các thông tin từng nghe), trí nhớ thị giác (loại trí nhớ giúp ta nhớ tốt các thông tin từng đọc, từng thấy).

– Ngủ ngon giấc vào ban đêm: Người khó ngủ thường có nguy cơ bị suy giảm trí tuệ nhiều hơn người có giấc ngủ ngon. Trước giờ ngủ để giữ tinh thần thư thái bằng cách nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc ngâm chân nước ấm, không nên xem tivi hoặc ăn ngay trước khi vào giấc ngủ. Nên uống một ly sữa ấm trước giờ ngủ khoảng 30 phút – 60 phút.

Chế phẩm bổ sung cần thiết cho não bộ

Song song với việc ăn uống, tập luyện, người cao tuổi có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung hỗ trợ trí não như:

– Axit folic và vitamin B12 giúp làm giảm lượng homocysteine, một loại axit amin có thể làm trầm trọng thêm sự hẹp động mạch, gây mất trí nhớ nặng hơn.

– Vitamin D liên quan đến khả năng học hỏi, ghi nhớ và cân bằng tâm trạng, có vai trò bảo vệ, chống suy giảm trí tuệ.

– Dầu cá omega-3 có tác động giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn chặn chứng trầm cảm.

– Phosphatidylserine là dưỡng chất giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp các chất hóa học trong não bộ và cải thiện chức năng nhận thức. SPS (Soy Phosphatidylserin) là dưỡng chất được tổng hợp từ đạm đậu nành, tham gia cấu trúc màng phospholipid ở não.

Theo Báo 24h

 

Bài viết liên quan

Người thận yếu, thận suy nên chăm sóc thế nào an toàn?

Ngọc Nga

Những điều cần lưu ý sau khi sảy thai

Ngọc Nga

Rối loạn lo âu, ứng phó thế nào?

admin

Để lại bình luận