Triệu chứng sốt virus ở người lớn
Thời tiết lúc giao mùa, mưa nắng, nóng lạnh thất thường là điều kiện cho các loại virus phát triển và gây bệnh. Nhìn chung sốt virus triệu chứng khá giống với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, tình trạng sốt ở sốt virus sẽ kéo dài ngày hơn, các dấu hiệu nặng nề hơn sốt do cảm cúm. Khi bị sốt virus sẽ gây ra các triệu chứng như:
Sốt cao: Đây cũng là biểu hiện dễ nhận biết của sốt virus. Ban đầu chỉ sốt nhẹ, sau đó thân nhiệt cơ thể tăng dần từ 39 – 41 độ C. Sốt cao có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, do vậy khi sốt trên 38,5 độ C thì phải dùng thuốc hạ sốt và chườm mát để hạ sốt càng nhanh càng tốt.
Chườm mát giúp hạ sốt khá hiệu quả.
Cơ thể mệt mỏi và đau nhức: Khi nhiễm virus, cơ thể con người bắt đầu rơi vào trạng thái mất cân bằng. Gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải rất khó chịu. Đây được coi là triệu chứng đặc hiệu của sốt virus ở người lớn. Khi sốt, thân nhiệt cũng tăng lên nhanh chóng gây hiện tượng đau nhức toàn thân, đặc biệt là các cơ bắp.
Ngạt mũi, khó thở, nhức đầu: Sốt virus gây ho và sổ mũi, dịch mũi có thể gây tắc khoang mũi gây khó thở. Nhức đầu là triệu chứng đến sau khi bị sốt và đau nhức cơ thể. Người bệnh cần tránh căng thẳng và cần được nghỉ ngơi, thư giãn.
Đau nhức mắt: người bị sốt virus sẽ cảm thấy nóng rát, đôi khi đau trong nhãn cầu, mắt đỏ, cảm giác rất khó chịu.
Phát ban nổi mẩn đỏ trên da: Biểu hiện này sẽ xuất hiện sau 2 – 3 ngày sốt. Do tình trạng sốt kéo dài, thân nhiệt cơ thể luôn ở mức cao. Da người bệnh sẽ xuất hiện nhiều mẩn đỏ nhỏ li ti trên khắp cơ thể. Hầu hết sốt virus ở người lớn đều có biểu hiện này.
Xuất hiện hạch: Đây là triệu chứng khi virus, vi khuẩn xâm nhập đường hô hấp, các hạch nhỏ sẽ xuất hiện ở đầu, cổ và có thể sờ thấy bằng tay.
Viêm phổi là một biến chứng do sốt virus.
Biến chứng nguy hiểm do sốt virus ở người lớn
Phần lớn các ca sốt virus là lành tính, thường sẽ khỏi hẳn sau 7 – 10 ngày từ khi sốt. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, sốt virus có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Viêm phổi: là biến chứng nặng của bệnh sốt virus người lớn, khi bị viêm phổi thì con đường lây nhiễm của virus trở nên dễ dàng hơn. Có thể tạo thành dịch lây lan rộng rãi và khó kiểm soát.
Viêm thanh quản: Thanh quản của người bệnh có thể sưng phù lên, chèn hẹp thanh quản, gây khó thở, thở rít, thậm chí gây thiếu oxy cho cơ thể. Trường hợp này cần được hỗ trợ thở bằng bình oxy.
Viêm cơ tim, loạn nhịp và ngừng tim: Sau khi hết sốt có trường hợp bị biến chứng, cơ thể vẫn mệt mỏi. Xuất hiện những cơn đau ở tim do viêm cơ tim. Nhịp tim ở người bệnh đập loạn, thậm chí là ngừng tim gây ngất lịm.
Biến chứng ở não: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của sốt virus ở người lớn. Thường thì biến chứng này dễ xảy ra ở trẻ nhỏ hơn. Biểu hiện của biến chứng ở não là gây co giật, hôn mê sâu. Nếu không kịp thời điều trị có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề sau này.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị sốt virus ở người lớn mà chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Do vậy, khi bị sốt virus, người bệnh cần lưu ý một số điều sau để bệnh nhanh khỏi và tránh biến chứng:
Cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng và bổ sung thêm các loại quả chứa nhiều vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Tình trạng sốt cao liên tục khiến cơ thể mất nước, do vậy, việc đầu tiên và dễ làm nhất khi bị sốt virus đó là uống nhiều nước.
Hạ sốt: Sốt cao có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, do vậy khi sốt quá cao cần uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ kết hợp chườm nước mát (chú ý không được dùng đá lạnh để chườm).
Ở trong phòng nhiệt độ vừa phải, không để nhiệt độ quá thấp so với thân nhiệt, mặc quần áo thoáng mát, sạch sẽ và dễ thấm hút mồ hôi. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ chống bội nhiễm.
BS. Trần Hùng
Suckhoedoisong.vn