Làm thế nào giảm căng thẳng giữa đại dịch?

(CDC Hà Nam)
Tập thể dục hợp lý, duy trì mối quan hệ xã hội bằng điện thoại, email hoặc xem các chương trình giải trí để cảm thấy dễ chịu hơn.

Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc người bệnh. 8 ca tử vong, chủ yếu là bệnh nhân có bệnh nền, đã tác động tâm lý của nhiều bệnh nhân đang điều trị và mọi người.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị có thể có những biểu hiện như mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, khó ngủ, buồn bã, thậm chí kiệt sức, sợ hãi, tức giận, tội lỗi, bất lực… Song, đây là những biểu hiện hoàn toàn bình thường của bất cứ bệnh nhân nào đang điều trị tại khu cách ly Covid-19.

Theo Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa các bệnh nhân trong khu điều trị thấp. Covid-19 không lây khi bệnh nhân và người nghi nhiễm được cách ly điều trị. Ngoài ra, bệnh viện luôn đảm bảo cung cấp mọi trang thiết bị hiện đại và nhu yếu phẩm cho toàn bộ bệnh nhân trong thời gian điều trị. Tất cả nhân viên trong khu điều trị đều có chuyên môn cao, được tập luyện kỹ lưỡng và đầy đủ, cập nhật điều trị bệnh liên tục. Bên cạnh đó, bệnh nhân Covid-19 được điều trị miễn phí, gia đình cũng nhận được hỗ trợ trong đại dịch.

Đối với nhân viên y tế, Bộ Y tế khẳng định luôn sẵn sàng cung cấp đầy đủ mọi trang bị bảo hộ sử dụng trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn.

Đối với những người phải cách ly ở trong nhà, Bộ Y tế khuyến cáo nên tập thể dục hợp lý, duy trì các mối quan hệ xã hội bằng email hay điện thoại, xem các chương trình giải trí dễ chịu. Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích để đối phó với cảm xúc cá nhân.

Nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng, hãy trò chuyện với nhân viên y tế hay nhân viên tư vấn. Liệt kê những cách bạn đã sử dụng trong quá khứ giúp bạn vượt qua khó khăn để kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân trong thời gian đầy thử thách này.

Đặc biệt, chỉ tiếp nhận và thu thập thông tin chính xác để xác định được nguy cơ và có những bước đề phòng hợp lý. Chọn các nguồn tin đáng tin cậy như trang web của WHO, Bộ Y tế hay các địa phương.

Trẻ nhỏ có thể phản ứng sự căng thẳng theo nhiều cách khác nhau như đeo bám, lo lắng, thu mình, tức giận, tè dầm hoặc dễ bị kích động. Khi đó, hãy đáp lại các phản ứng của trẻ theo cách cảm thông, lắng nghe và dành sự quan tâm cho trẻ nhiều hơn. Nếu có thể, hãy lên kế hoạch và tạo ra lịch trình mới ở các môi trường mới để trẻ được vui chơi giải trí an toàn.

Nên nói thật với trẻ về việc đã xảy ra, dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi để giải thích với trẻ, kèm thêm thông tin rõ ràng về cách giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Điều này bao gồm việc cho trẻ biết thông tin về những điều có thể xảy ra như một thành viên trong gia đình, hoặc chính trẻ nhỏ cảm thấy không khỏe, phải đến bệnh viện cách ly một thời gian để bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người xung quanh.

Theo vnxpress

Bài viết liên quan

2 thói quen hàng ngày gây hệ lụy ghê gớm tới sức khỏe bạn

CDC Hà Nam

Nổi mề đay, mẩn đỏ có thể là dấu hiệu chức năng gan suy giảm

Ngọc Nga

Nhận biết theo dõi sức khỏe khi nghi ngờ bị bệnh cúm A

Ngọc Nga

Để lại bình luận