Hợp tác viện – trường trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh
Ngày 11-11, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) và Bệnh viện FV chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ, cùng hướng đến mục tiêu củng cố nguồn nhân lực cho ngành kỹ thuật y sinh, không chỉ phục vụ cho Bệnh viện FV mà còn cho ngành y tế Việt Nam nói chung. Theo đó, mục tiêu chung của chương trình hợp tác liên kết đào tạo giữa 2 đơn vị là nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ của cả 2 đơn vị cũng như góp phần bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng tốt về quản lý và bảo trì trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, phòng khám, công ty trang thiết bị y tế ở khu vực phía Nam.
Ngoài ra, việc hợp tác này cũng sẽ hỗ trợ phát triển các công nghệ kỹ thuật mới trong ngành y tế, từ đó góp phần vào mục tiêu phát triển khả năng tự sản xuất một số trang thiết bị và vật tư y tế của Việt Nam.
Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác, Trường Đại học Quốc tế sẽ cung cấp các khóa đào nhân lực cho Bệnh viện FV trong nhiều lãnh vực khác nhau như kỹ thuật, quản trị…
Bệnh viện FV sẽ tiếp nhận sinh viên nhà trường đến thực tập, tham quan thực tế, tuyển dụng sau tốt nghiệp, hỗ trợ cung cấp và kết nối giảng viên cho các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Quốc tế.
2 đơn vị cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về trang thiết bị y tế, hợp tác nghiên cứu phát triển các kỹ thuật mới trong y tế và thường xuyên chia sẻ trao đổi các kiến thức mới.
Bên cạnh đó, Bệnh viện FV cũng dành tặng các trang thiết bị y tế cho Khoa Kỹ thuật y sinh của Trường Đại học Quốc tế hỗ trợ phục vụ công tác giảng dạy như máy siêu âm, máy nội soi, máy trợ thở, máy phá rung tim tự động, máy đo điện tim gắng sức… nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy được kiến thức và kỹ năng quý báu thông qua việc thực hành trên các thiết bị y tế hiện đại, giúp sinh viên bớt bỡ ngỡ sau khi tốt nghiệp.
Theo TS. Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, được hợp tác liên kết đào tạo với FV là niềm vinh dự của chúng tôi. Chúng tôi sẽ có rất nhiều lợi ích và cụ thể như là: sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tế thông qua việc thực tập, tham quan học hỏi tại Bệnh viện FV; với các thiết bị y tế do FV trao tặng hàng năm, sinh viên sẽ luôn được thực hành trên các thiết bị y tế hiện đại và thầy cô cũng có các thiết bị phục vụ nghiên cứu.
Còn bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành Bệnh viện FV cho rằng, lĩnh vực trang thiết bị y tế là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng trong vận hành hoạt động của bất kỳ bệnh viện nào, nhưng nhân sự ngành này chưa được đào tạo chuyên sâu.
“Trường Đại học Quốc tế là trường đại học hiếm hoi tại Việt Nam có đào tạo ngành kỹ thuật y sinh, liên quan đến quản trị và sử dụng, vận hành trang thiết bị y tế, còn FV là một trong số ít bệnh viện tiên phong tại Việt Nam có bộ phận thiết bị y tế chuyên biệt và bài bản. Do đó, FV và Trường Đại học Quốc tế ký kết hợp tác này để ngành y tế trong nước có được nguồn nhân lực về trang thiết bị y tế được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao”, bà Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Xác nhận 26 ca mắc covid 19 mới
Ngày 11.11, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid- 19 (BCĐ) thông báo ghi nhận 26 bệnh nhân (BN) Covid-19, là các trường hợp nhập cảnh, được cách ly ngay tại TP.HCM (25 ca) và Đà Nẵng (1 ca).Các ca mới được công bố là BN Covid-19 thứ 1.227 – 1.252 tại Việt Nam, đều có quốc tịch Việt Nam. Trong đó, 25 BN là các hành khách nhập cảnh từ Romania; 1 BN nhập cảnh từ Mỹ, quá cảnh Nhật Bản.
BCĐ cho biết trong ngày 11.11, thêm 4 ca được công bố khỏi bệnh. Đã có 1.091 BN Covid-19 được điều trị khỏi trong số 1.252 ca mắc ghi nhận tại Việt Nam đến nay. 15.540 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (Thanh niên, trang 3).
Dự kiến Việt Nam sẽ sản xuất vắc xin Covid-19 vào năm 2022
BYT cho biết, khâu thẩm định hồ sơ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid- 19 đang chuẩn bị hoàn tất, nhiều khả năng đầu tháng 12 tới Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm trên người tình nguyện.
Có 4 đơn vị trong nước đang nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19, trong đó 2 đơn vị đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ để được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, với nhóm nhỏ người được tiêm.
Nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng đạt yêu cầu qua các giai đoạn, hoàn thành trong năm 2021, dự kiến đầu năm 2022 Việt Nam sản xuất vắc xin này. Các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin của Việt Nam đã chuẩn bị cho việc sản xuất quy mô đến 30 triệu liều vắc xin Covid-19/năm trong giai đoạn 2021 – 2022 (Thanh niên, trang 3).
Giới chức ngành dân số lo ngại: Kết hôn muộn, người giàu không chịu… đẻ
Mặc dù Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế trong 14 năm qua, trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ sinh 2 con, nhưng theo Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình, đang có đến 21 tỉnh thành, đều là địa phương khá giả, có mức sinh dưới mức sinh thay thế. Thậm chí TP.HCM có năm mức sinh xuống 1,24 con/bà mẹ.
Theo ông Mai Trung Sơn – phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình, 63 tỉnh thành nên là “63 bức tranh khác nhau về dân số”, cụ thể là vận động người dân tỉnh thành giàu sinh đủ 2 con, các tỉnh thành sinh nhiều thì vận động để về mức sinh thay thế. Bên cạnh đó, giới chức ngành dân số đang lo ngại những xu hướng mới như kết hôn muộn thậm chí không kết hôn, làm mẹ đơn thân…
Giàu đẻ ít…
Theo ông Sơn, đã có những xu hướng mới xuất hiện ở Việt Nam, trong đó có tình trạng người giàu, có điều kiện chăm sóc trẻ thì ngại đẻ và ngược lại. Hiện có 21 tỉnh thành, gồm TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ có mức sinh dưới mức sinh thay thế (trung bình mỗi bà mẹ sinh dưới 2 con, thậm chí như TP.HCM có năm xuống 1,24 con/bà mẹ).
Trong khi đó có đến 33 tỉnh thành có mức sinh cao, có nơi xấp xỉ 3 con/bà mẹ. Nhóm tỉnh thành sinh nhiều tập trung ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc miền Trung và gần đây quay lại ở Đồng bằng sông Hồng. Trong số này, Hà Tĩnh và Nghệ An đang “đội sổ”, đẻ nhiều nhất nước.
“Gần đây chúng tôi có đến một số tỉnh Tây Bắc trong nhóm mức sinh cao nhất nước, có những gia đình 7-8 con mà thể hình các cháu đều thấp còi, thể lực yếu, khó đáp ứng về yêu cầu nhân lực của thị trường lao động về chiều cao, về dạy nghề…” – ông Sơn băn khoăn.
Bên cạnh đó, đã có những xu hướng cho thấy tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Việt Nam có xu hướng tăng hơn, tuổi có quan hệ tình dục lần đầu lại trẻ hơn, nguy cơ có thai ngoài ý muốn (100 phụ nữ có 42 người từng phá thai, một tỉ lệ rất cao) và kéo theo nguy cơ vô sinh thứ phát. Ngoài ra, nhiều phụ nữ không lập gia đình và quyết định làm mẹ đơn thân, đây là xu hướng đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam và tương tự tình hình trên thế giới.
TP.HCM khuyến sinh
Tháng 4 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 588 phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh, phù hợp độ tuổi sinh sản, trong đó đã có những hướng dẫn được cho là rất mới, rất đột phá: vận động nam nữ thanh niên kết hôn và sinh con trước tuổi 30, có chính sách hỗ trợ về giá nhà hoặc cho các gia đình trẻ ở các tỉnh thành có mức sinh thấp vay tiền mua nhà ở xã hội…
Sau hơn 6 tháng phê duyệt chương trình này, ông Sơn cho biết đến nay “có một số tỉnh thành đã có kế hoạch thực hiện riêng, như TP.HCM, địa phương đẻ ít nhất nước, đang rất tích cực trong chính sách vận động khuyến sinh”. Tuy nhiên nhìn chung ở cả 21 tỉnh thành có mức sinh thấp thì chính sách khuyến sinh cụ thể – như gia đình trẻ được vay bao nhiêu tiền hay được giảm bao nhiêu khi mua nhà ở xã hội – chưa nhiều, chưa rõ ràng.
Đã có ý kiến cho rằng mức sinh chung ở Việt Nam vẫn đang ở mức thay thế, nhân lực có thể dịch chuyển từ vùng có mức sinh cao đến vùng mức sinh thấp, không lo thiếu nhân lực. Thế nhưng ông Sơn cho biết không áp dụng chung chính sách cho 63 tỉnh thành, do còn những yêu cầu về chăm sóc, nuôi dạy trẻ mà các vùng nghèo, gia đình khó khăn chưa đạt tương tự vùng đồng bằng và khu vực phát triển hơn.
Do đó vẫn vận động tỉnh nghèo giảm sinh về mức sinh thay thế, tỉnh đã đạt mức sinh thay thế thì duy trì, còn các tỉnh khá giả đang đẻ ít thì vận động để mỗi gia đình sinh đủ 2 con (Tuổi trẻ, trang 14).