Điểm báo ngày 30/12/2020

(CDC Hà Nam)
Sáu ca mắc COVID-19 nhập cảnh chui: Gia tăng F1, F2; 4/6 người nhập cảnh từ Myanmar mắc COVID-19; Bệnh viện Quân y 175 đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Gừng, tỏi, đậu, rau thơm… bỗng bị quản lý như dược phẩm

Sáu ca mắc COVID-19 nhập cảnh chui: Gia tăng F1, F2

Sau khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, các ca mắc COVID-19 đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khiến cơ quan chức năng phải huy động lực lượng lớn, truy vết xuyên đêm… Tới chiều 29/12, TPHCM mới có kết quả xét nghiệm COVID-19 người cuối cùng trong nhóm 6 người nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Việt Nam. Đó là thanh niên tên T.S.K. (SN 1997, quê Trà Vinh) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Anh K. khai với cơ quan chức năng rằng, anh từng đi xuất khẩu lao động ở Myanmar, nhưng công việc không thuận lợi nên nhập cảnh trái phép trở lại Việt Nam. Anh K. đi cùng bệnh nhân (BN) 1440 và BN1451.

Sau khi về đến TPHCM, anh K. đi xe ôm công nghệ đến xưởng đúc đồng thuộc khu phố Long Bửu (phường Long Bình, quận 9, TPHCM). Tại đây, anh xin việc làm tại xưởng đúc đồng và nghỉ ngơi tại phòng trọ ở khu phố Long Bửu. Trong các ngày 25-26/12, anh K. chỉ đi làm tại xưởng và về nghỉ ngơi tại phòng trọ.

Ngày 27/12, anh đi làm về, đi bộ đến đường Nguyễn Văn Tăng (Q.9) để photo chứng minh nhân dân, nhưng không tìm được tiệm photo nên quay về phòng trọ. Quá trình đi, anh đeo khẩu trang và không tiếp xúc với ai. Ngày 28/12, anh tiếp tục làm việc tại xưởng đúc đồng cho đến khi công an đến làm việc. Quá trình làm việc, anh có tiếp xúc với công nhân tại xưởng đúc đồng.

Ngành y tế TPHCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với anh K. và kết quả là dương tính. Ngày 29/12, toàn bộ khu nhà xưởng, nhà trọ mà anh K. làm việc và ở được phong tỏa tạm thời. Lực lượng y tế đã đưa 16 người liên quan, gồm chủ xưởng, công nhân, chủ nhà trọ đi cách ly tập trung. Bước đầu, những người tiếp xúc với anh K. đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 9, ông Nguyễn Ngọc Cường, anh K. khai không biết mình đang bị truy tìm. “Người này sau khi xuống xe tại quận 9 đã xin việc tại xưởng đúc đồng trên địa bàn và làm công nhân ở đây. K. nói rằng, trong những ngày qua, anh không đọc báo, không tìm hiểu tin tức nên không biết mình đang bị cơ quan chức năng, lực lượng y tế truy tìm”, ông Cường nói.

Trước đó, ngành chức năng TPHCM đã truy vết nhiều nơi BN1451 (ngụ chung cư Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5) từng đến. Sau khi đến TPHCM, ngày 24/12, BN1451 cùng 3 người tiếp tục đi xe 7 chỗ đến đường Tên Lửa (quận Bình Tân), uống cà phê tại quán số 158 đường Tên Lửa. BN cùng bạn gái đến khách sạn Rose (60 đường số 9, KDC Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) ở từ ngày 24 đến 27/12. Anh này cũng đến ngân hàng VPBank ở đường 9A KDC Trung Sơn và chi nhánh MobiFone ở số 313 An Dương Vương (phường 3, quận 5). BN1451 cùng 1 người bạn đến quán Ốc 49k gần vòng xoay Trung Sơn ăn, sau đó về khách sạn. BN đến quán lẩu dê Abu (32/10 Bông Sao, phường 5, quận 8) cùng 4 người bạn, sau đó đến quán Karaoke Su Su ở quận 8.

Ngày 27/12, BN về nhà tại lầu 4, phòng 423, lô B, chung cư Sư Vạn Hạnh. Nhân viên Trạm Y tế đến nhà BN lấy mẫu và chuyển BN cách ly tập trung. Tối cùng ngày, BN có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi lúc 22 giờ ngày 27/12.

Tiếp tục truy vết

Tính đến tối 29/12, TPHCM đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gần trăm người là F1, F2 của các ca COVID-19 trên, trong đó có 60 người liên quan BN 1451 và 16 người liên quan anh K. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, vẫn đang tiếp tục truy vết, khoanh vùng với những địa điểm mà các ca bệnh từng đến.

“Chúng ta không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoảng loạn trước tình hình dịch bệnh. Bên cạnh việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế, chúng ta cần cảnh giác trước các trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, hãy thông tin ngay đến chính quyền địa phương để được xử lý đúng quy định. Người nhập cảnh cần tuân thủ đúng quy định cách ly để không mang nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chính gia đình mình và cộng đồng”, đại diện Trung tâm nói (Tiền phong, trang 6).

 

4/6 người nhập cảnh từ Myanmar mắc COVID-19

Ngày 29/12, Bộ Y tế cho biết, thêm 3 ca mắc COVID-19 được cách ly tại Đồng Tháp, TPHCM, trong đó có 2 trường hợp nhập cảnh trái phép theo đường mòn, lối mở. BN1454 (nữ, 8 tuổi, quốc tịch Việt Nam) từ Mỹ quá cảnh Singapore, sau đó nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất trên bay chuyến bay SQ178 ngày 27/12, được cách ly tại TPHCM ngay sau khi nhập cảnh.

BN1452 (nữ, 31 tuổi, ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) từ Myanmar nhập cảnh trái phép ngày 24/12 cùng BN1440, BN1451, sau đó về Đồng Tháp. BN1453 (nam, 23 tuổi, ở quận 9, TPHCM) từ Myanmar nhập cảnh trái phép ngày 24/12 cùng BN1440, BN1451, BN1452, sau đó về TPHCM. Như vậy, trong 6 người nhập cảnh trái phép sáng sớm 24/12 (trong đó có anh K.), 4 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 (Tiền phong, trang 6).

 

Bệnh viện Quân y 175 đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Ngày 29-12, tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Bệnh viện Quân y 175 (1975-2020).

Đến dự buổi lễ còn có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng.

Được thành lập ngay sau khi thống nhất đất nước, trải qua 45 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Bệnh viện Quân y 175 đã luôn kế thừa, phát huy truyền thống Quân đội anh hùng với phẩm chất quý báu của “Bộ đội cụ Hồ”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Là Bệnh viện chiến lược của Quân đội tại TP Hồ Chí Minh, bệnh viện đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán, điều trị bệnh luôn được triển khai mạnh mẽ, có giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và xử lý thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp, đáp ứng kịp thời yêu cầu khám, chữa bệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.

Trong những năm qua, bệnh viện đã thực hiện hiệu quả chương trình quân dân y kết hợp, triển khai nhiều chương trình hoạt động theo mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng; chủ động tham gia tư vấn sức khoẻ, khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, đồng bào khó khăn tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên và nước bạn Campuchia. Bệnh viện Quân y 175 đã có nhiều đóng góp cho y tế biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường sa. Đặc biệt từ tháng 11-2019, bệnh viện đã cử cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1) và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về Tổ quốc an toàn, góp phần giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” cho bạn bè quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả mà Bệnh viện Quân y 175 đã đạt được trong 45 năm qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Bệnh viện cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh, làm tốt công tác quân-dân y kết hợp, phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện với phương châm “Sáng về y đức, Sâu về y lý, Giỏi về y thuật, Vững về y nghiệp” để nhanh chóng đưa Bệnh viện Quân y 175 trở thành một Trung tâm y tế đa năng hiện đại, ngang tầm khu vực.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bệnh viện Quân y 175 cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ. Đây chính là động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị, trong đó cần chú trọng nghiên cứu y học Quân sự với một số chuyên ngành mũi nhọn của y học lâm sàng; ưu tiên các đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Đồng thời, cần phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ ngoại ngữ, tinh thần thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp, lấy người bệnh làm trung tâm; tích cực triển khai những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến; nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện; sẵn sàng ứng phó và xử lý tốt các tình huống y tế khẩn cấp, trong đó có công tác phòng chống, dịch mà trước mắt là đại dịch Covid-19; ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến xây dựng Bệnh viện thông minh, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Bệnh viện vững mạnh toàn diện; trong đó cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc giỏi, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực còn thiếu, còn yếu và các ngành chuyên môn sâu. Bệnh viện phải thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên và người lao động của bệnh viện; xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, với Đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương nơi đóng quân.

Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng Ban Giám đốc Bệnh viện và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động của bệnh viện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị Anh hùng, sẽ đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đ­ược giao, góp phần đưa sự nghiệp y tế của nước ta tiếp tục phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế và ngày càng có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân ta.

Tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức, quản lý huấn luyện Bệnh viện Dã chiến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và bảo đảm lực lượng quân y cho quần đảo Trường Sa và vùng biển phía nam của Tổ quốc (Nhân dân, trang 5).

 

Gừng, tỏi, đậu, rau thơm… bỗng bị quản lý như dược phẩm

Đậu, gừng, tỏi, hạt sen… bỗng dưng bị Bộ Y tế đưa vào nhóm dược liệu và quản lý như kinh doanh thuốc khiến việc xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp bị đảo lộn, thậm chí tạm ngưng.

Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Thanh Minh, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu và logistics tại quận 7 (TP.HCM), phải chạy xuôi ngược liên hệ nhiều nơi tìm cách lấy các đơn hàng thực phẩm đã về đến cảng nhưng vướng quy định mới của Bộ Y tế.

Bộ Y tế làm khó doanh nghiệp thực phẩm

Các sản phẩm như óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh; thực phẩm bổ dưỡng: táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả… bị giữ tại cảng từ cuối tháng 10-2020.

Mới đây, hải quan linh động giải quyết cho một số mặt hàng, số khác vẫn nằm trong danh sách chờ hoặc đợi đến khi Bộ Y tế sửa đổi quy định mới được thông quan.

Ông Minh cho biết trước đây công ty vẫn nhập các loại thực phẩm này bình thường và hàng về cảng do Bộ NN&PTNT kiểm tra rồi đưa về kho. Nhưng gần đây Bộ NN&PTNT không kiểm tra nữa vì theo quy định mới, các mặt hàng nói trên thuộc kiểm tra của Bộ Y tế.

“Thực sự tôi không hiểu sao các sản phẩm thực phẩm thông thường như trên đã nhập khẩu bao nhiêu năm lại bị đưa vào quản lý như dược liệu. Mà nếu quản lý như dược liệu thì các công ty xuất nhập khẩu thực phẩm sẽ nghỉ hết do không đủ điều kiện.

Chúng tôi làm thực phẩm thì xây dựng nhà máy, kho hàng theo chuẩn an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT, nay sản phẩm bị chuyển sang Bộ Y tế quản lý thì mọi thứ lại phải thay đổi với các điều kiện của nhà máy và kho hàng của nhà thuốc. Như thế là quá lãng phí”, ông Minh nói.

Đại diện một doanh nghiệp (DN) ở Bình Định cũng bức xúc vì nhập khẩu một số loại nguyên liệu về chế biến nước giặt tẩy và làm hương xuất khẩu cũng bị xếp vào nhóm dược liệu nên công việc bị đình trệ.

Trước đây DN này thường nhập khẩu trái bồ hòn khô, vỏ quế khô, rễ hương bài khô, hương nhu tía… từ Ấn Độ, Nepal về sản xuất hàng không liên quan đến thực phẩm hay dược liệu. Trong đó trái bồ hòn, hương nhu tía dùng để làm chất giặt tẩy tự nhiên không hóa chất đang được người tiêu dùng trong nước khá ưa chuộng.

“Ngay khi nhận được thông tin từ đơn vị lo xuất nhập khẩu về quy định của Bộ Y tế, chúng tôi đã phải chuyển sang mua nguyên liệu trong nước với giá cao hơn nhiều. Một số nguyên liệu trong nước không có hoặc không đủ nên chúng tôi đã phải hủy một số đơn hàng xuất khẩu cuối năm”, đại diện công ty này cho biết.

Theo tìm hiểu, có hàng trăm DN nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu đang bị vướng bởi quy định tại thông tư số 48/2018 ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế. Thông tư này ban hành danh mục dược liệu, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu…

Rất nhiều mặt hàng người dân vẫn sử dụng hằng ngày biến thành dược phẩm. Trong khi đó, theo thông tư 03/2016 của Bộ Y tế, cơ sở xuất nhập khẩu dược liệu phải có đủ các điều kiện “đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu”, đạt các nguyên tắc “thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra…

Tổng cục Hải quan: cần sửa!

Để tránh việc một mặt hàng hai chính sách quản lý và tránh tình trạng hàng hóa ùn ứ tại cảng nhiều tháng qua, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Y tế sớm có ý kiến trả lời để tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Trong đó vào ngày 28-10-2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Bộ Y tế về vướng mắc liên quan đến chính sách nhập khẩu mặt hàng có nguồn gốc thực vật và đề nghị sớm cho ý kiến. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa trả lời.

Trong thời gian chờ ý kiến thống nhất, Tổng cục Hải quan đề xuất tạm thời giải quyết linh động theo quy định của cả Luật an toàn thực phẩm và Luật dược. Cụ thể, trường hợp DN khai báo nhập khẩu hàng hóa dùng làm thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm và nghị định hướng dẫn luật này.

Nếu DN khai báo nhập khẩu hàng dùng làm dược liệu thì thực hiện theo quy định tại Luật dược và nghị định hướng dẫn Luật dược. Trường hợp khai báo nhập khẩu hàng hóa khác (không dùng làm thực phẩm, không dùng làm dược liệu) thì DN tạm thời chọn một trong hai phương án trên.

Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian chờ ý kiến từ các bộ, đối với sản phẩm nhập khẩu được DN khai báo chủ yếu để làm thực phẩm như: đậu xanh, đậu đen, đậu nành, táo tàu, táo mèo, bạch quả, gừng, tỏi, sả, Tổng cục Hải quan chỉ đạo đơn vị hải quan địa phương giải quyết thủ tục nhập khẩu cho DN theo nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Về lâu dài, theo Tổng cục Hải quan, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư số 48/2018 theo hướng chỉ đưa vào danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu…

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thời gian qua đơn vị này nhận được rất nhiều phản ánh khó khăn của DN nhập khẩu thực phẩm do vướng thông tư số 48 của Bộ Y tế. Nguyên nhân cốt lõi vẫn là việc cơ quan soạn thảo là Bộ Y tế không phân định rõ sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Y tế, sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT.

Trước đó, nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm do Bộ Y tế chấp bút thì có 3 bộ chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Nhưng sau đó có thông tư 48 do Bộ Y tế soạn thảo thì lại gom các mặt hàng về cho Bộ Y tế làm hết!

Do đó muốn giải quyết dứt điểm khó khăn cho DN thì phải đợi Bộ Y tế sửa đổi thông tư.

Hàng loạt mặt hàng bỗng thành dược phẩm

Điều gây bất ngờ với các DN là trong danh mục của Bộ Y tế có đến hàng trăm loại thực phẩm rất phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày lại đưa vào danh mục dược liệu: các loại đậu hạt (đậu ván trắng, hạt bí ngô, óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh…); các loại rau thơm (bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng…); các loại gia vị (riềng, gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, sả, gấc, tỏi…); các loại nước mát (atisô, bồ công anh, cam thảo, sắn dây, chè vằng, nhân trần, rau má, râu bắp, hoa cúc…); thực phẩm bổ dưỡng (táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả…) và nguyên liệu như rễ cỏ tranh, hạt cau, lá khế, lá xoài, bồ kết.

Với quy định mới của Bộ Y tế, các loại trên là dược liệu và phải được quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh dược liệu. Điều này sẽ đẩy tất cả các DN xuất nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm có liên quan đến các mặt hàng nói trên vào thế không thể kinh doanh.

Tuần sau sẽ có hướng dẫn mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những vướng mắc này, đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết hiện cục đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và đang cùng 2 bộ này tháo gỡ vướng mắc.

“Trước đây việc nhập khẩu các sản phẩm này thực hiện theo thông tư 15 của Bộ NN&PTNT, không có vướng mắc nào phát sinh. Gần đây những sản phẩm này lại nằm trong danh mục dược liệu theo thông tư 48 và nghị định 54, từ đó nảy sinh những vướng mắc” – đại diện cục xác nhận.

Cũng theo vị này, trong số sản phẩm đang gặp vướng mắc có sản phẩm “giao thoa”, vừa là thực phẩm vừa là dược liệu, trong khi nhập khẩu dược liệu đang có những vấn đề cần chấn chỉnh.

“Như gừng thì vừa là thực phẩm vừa là dược liệu, trong nước trồng rất nhiều gừng không bán được, nhưng nhập khẩu gừng vẫn rất nhiều” – Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết.

Cục Quản lý y dược cổ truyền đã có kế hoạch họp bàn với Tổng cục Hải quan và đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT trong tuần tới nhằm tách danh mục này theo hướng sản phẩm hướng thực phẩm nhiều hơn sẽ ứng xử như với thực phẩm, sản phẩm nào là dược liệu sẽ trả về cho dược liệu.

“Ngay sau cuộc họp 3 bộ vào tuần tới sẽ ban hành ngay quy định để giải quyết vướng mắc hiện nay” – lãnh đạo cục nói.

Bán hành tỏi ngoài chợ phải có trình độ dược tá?

Nếu Bộ Y tế đưa các loại thực phẩm hằng ngày vào danh sách dược liệu thì việc một người bán lẻ ngoài chợ các loại hành, tỏi, gừng, quế, hồi, táo tàu, kỷ tử, hương nhu… cũng phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu.

Trong khi đó, điều 7 thông tư 03/BYT quy định điều kiện đối với cơ sở bán lẻ dược liệu về cơ sở vật chất phải có địa điểm cố định, diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 25m2, riêng biệt; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm, bảo đảm phòng chống cháy nổ; phải có khu vực trưng bày, khu vực bảo quản dược liệu.

Về nhân sự phải có đủ nhân viên trình độ phù hợp với công việc được giao, trong đó có ít nhất một người trình độ từ dược tá trở lên. Tất cả nhân viên phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn chuyên môn, cập nhật những quy định mới của Nhà nước về bảo quản, quản lý dược liệu (Tuổi trẻ, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/9/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận