Rà soát kỹ biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch trong lĩnh vực, địa bàn; phân công cán bộ xử lý công việc thay các thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó là nội dung tại Công văn số 35/TTg-KGVX ngày 13-1-2021 về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công văn nêu rõ, trong thời gian tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều đồng chí lãnh đạo, trong đó, có thể có những đồng chí đang là thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ngành, địa phương sẽ tham gia đoàn đại biểu dự Đại hội.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng mới vi rút SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn đã xuất hiện ở nhiều nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí bộ trưởng; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; phân công cán bộ xử lý công việc thay các thành viên ban chỉ đạo tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch trong lĩnh vực, địa bàn. Các đồng chí hiện là trưởng ban chỉ đạo, thành viên ban chỉ đạo nếu tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội cần bàn giao, thống nhất cơ chế điều hành, cơ chế thông tin với các đồng chí được phân công thay mình xử lý công việc liên quan tới phòng, chống dịch, đảm bảo công tác phòng, chống dịch thông suốt, hiệu lực, hiệu quả (Hà Nội mới, trang 1).
Đua nhau mở ngành học mới khối sức khỏe: Cần kiểm tra chuyên môn một số trường
Năm nay, nhiều trường ĐH dự kiến mở thêm ngành học mới khối sk. Có trường chưa bao giờ đào tạo khối ngành này cũng tham gia mở ngành. Hiện tượng này làm dấy lên nỗi lo ngại chất lượng nhân lực ngành y trong tương lai. Vì sao chỉ phần lớn các trường tư mở ngành ?
Từ tháng 12.2020, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, đã thông tin năm nay trường sẽ mở một số ngành học mới. Cụ thể, với sự đầu tư cho khối sk trong những năm gần đây, năm 2021 trường dự kiến mở các ngành mới ở khối sức khỏe như y đa khoa, y học cổ truyền… bên cạnh những ngành hiện đã có như răng hàm mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học.
Giải thích về lý do mở nhiều ngành học khối sức khỏe trong năm nay, thạc sĩ Võ Văn Tuấn cho biết chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của xã hội khi tỷ lệ bác sĩ/vạn dân hiện nay vẫn còn thiếu. Năng lực của các trường y dược hiện nay vẫn còn hạn chế về quy mô, đội ngũ, cơ sở vật chất… Các trường ngoài công lập mở những ngành học này để bù đắp thêm vào sự thiếu hụt đó.
“Quan trọng nhất là việc mở các ngành này ở các trường ngoài công lập phải đảm bảo những điều kiện cụ thể theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT. Các trường ngoài công lập có nhiều điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất, trả lương cao để tuyển gv giỏi… Sắp tới, tất cả các y bác sĩ tốt nghiệp ra trường đều phải có chứng chỉ hành nghề như ở các nước tiên tiến. Nghĩa là sinh viên dù tốt nghiệp ở trường nào đều phải thi lấy chứng chỉ này, đáp ứng một chuẩn chung để đi hành nghề”, thạc sĩ Tuấn chia sẻ.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cũng cho biết trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021, trường sẽ tuyển nhiều ngành học mới, trong đó có 8 ngành thuộc khối sức khỏe. Cụ thể, trường sẽ tuyển mới các ngành: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, quản lý bệnh viện, bất động sản, kỹ thuật y sinh, công nghệ sinh học y dược, tâm lý học, quản trị sự kiện, quan hệ công chúng, giáo dục tiểu học.
Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, lý do Ban lãnh đạo nhà trường quyết định tuyển mới các ngành học này dựa vào nhu cầu của xã hội. Mùa TS 2020, các ngành khối sức khỏe trước đó của trường có rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Đầu năm 2021, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho biết năm nay trường dự định mở 11 ngành mới với 4 ngành học khối sức khỏe: răng hàm mặt, dược học, quản lý bệnh viện, kỹ thuật y sinh. Đáng lưu ý là trường này chưa từng đào tạo khối ngành sức khỏe trước đây.
Giải thích về lý do mở các ngành sức khỏe, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho biết một trong những nhiệm vụ của trường ĐH là nghiên cứu nhu cầu xã hội, giúp người học lựa chọn ngành nghề có nhu cầu xã hội cao. Trong thời gian dịch Covdi- 19, Ban lãnh đạo trường nhận thấy nhu cầu nhân lực y tế, sức khỏe rất cao nên trường quyết định đầu tư vào các ngành này. Tập đoàn sở hữu trường cũng đã đầu tư một khu vực rộng lớn để phục vụ cho việc thực hành các ngành khối sức khỏe của tất cả sinh viên các trường thành viên.
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng dự kiến mở mới thêm 2 ngành khối sức khỏe là điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học bên cạnh dược đã có.
Như vậy, hiện nay tại khu vực phía nam, hầu hết các trường ĐH tư thục đều tham gia đào tạo khối sức khỏe.
Giải thích nguyên nhân vì sao phần lớn các trường ĐH tư thục tham gia mở ngành sức khỏe, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Ủy ban Quốc gia Đổi mới gd đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, cho rằng do nhu cầu người học cao, từ đó dẫn đến lợi nhuận cao. Mặc dù phải đầu tư nhiều hơn nhưng học phí các ngành học này cũng cao gấp nhiều lần so với ngành khác.
Nỗi lo nhân lực y tế không đạt chuẩn
Nói về việc các trường ĐH tư thục dự kiến mở nhiều ngành học khối sức khỏe trong năm nay, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM), cho biết các trường ĐH khi được phép đào tạo có nghĩa đã trải qua thẩm định về những điều kiện cần thiết mở ngành.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, là người từng tham gia điều trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học và hiện nay làm nhiệm vụ quản lý, ông nhận thấy để đào tạo các ngành học khối sức khỏe, các trường vẫn còn cần rất nhiều lưu ý.
Đào tạo y bác sĩ cần hướng đến sản phẩm đầu ra và sự chấp nhận của xã hội với sản phẩm này. Bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều sinh viên học khối ngành sức khỏe ra trường nhưng mổ, khám bệnh, chăm sóc người bệnh…, thậm chí là thái độ làm việc không đạt yêu cầu nên cơ sở y tế phải đào tạo lại.
“Nếu nhân lực y tế không đạt chuẩn thì sẽ bị đào thải. Chứng chỉ hành nghề sắp tới áp dụng là cách tốt để chứng minh y bác sĩ đầy đủ khả năng hành nghề. Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ Y tế còn quy định là chứng chỉ hành nghề chỉ có thời hạn 5 năm. Trong quá trình hành nghề, y bác sĩ vẫn phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục”, bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ.
Tương tự, GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) cho rằng chứng chỉ hành nghề y dược không do trường cấp, vì vậy nếu trường đào tạo không đạt chuẩn thì người học chỉ tốn tiền mà không thể hành nghề bác sĩ. Nếu trường mở ngành mà đào tạo không đạt chuẩn thì dần dần ngành đó sẽ “chết”. Nhưng nếu việc cấp chứng chỉ hành nghề có tiêu cực thì sẽ có họa lớn cho xã hội. “Đây là điều cần lường trước khi áp dụng cấp chứng chỉ hành nghề”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, để siết lại đầu vào, từ năm 2019 Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Việc đưa ra ngưỡng điểm như vậy bước đầu nhận được sự đồng thuận của xã hội trước thực tế nhiều trường có điểm đầu vào quá thấp.
“Vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ GD-ĐT chọn một số bác sĩ, giáo sư giỏi thực hiện kiểm tra chuyên môn một số trường ĐH, nếu đào tạo không có chất lượng thì dừng, không cho phép đào tạo… Đó mới là kế sách lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Vinh cũng cho rằng trong việc mở ngành học khối sức khỏe, cũng cần kiểm tra lại năng lực và sự liêm chính của những người được giao đọc, thẩm định hồ sơ mở ngành vì trong số các trường làm tốt cũng có thể sẽ xuất hiện một số trường bất chấp chất lượng để kéo người học (Thanh niên, trang 17).
Bệnh viện Nhân dân 115 đón nhận danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới
Ngày 13-1, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho BV Nhân dân 115. Tham dự buổi lễ có nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng lãnh đạo sở, ban, ngành TP.HCM.
TS.BS Phan Văn Báu – giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 – khẳng định trong suốt 30 năm qua, với ý chí “vươn ra biển lớn”, bệnh viện đã đạt được các phát triển vượt bậc, trở thành bệnh viện đa khoa hạng 1, tuyến cuối trung ương về chuyên môn và khoa học kỹ thuật.
Thành lập năm 1989 với tiền thân là Viện Quân y 115, từ chỗ chỉ có 200 giường bệnh, 200 nhân viên y tế với trang thiết bị thô sơ, đến nay Bệnh viện 115 có tới 1.600 giường bệnh nội trú; 2.500 viên chức, người lao động.
Với 45 khoa phòng, trong đó đặc biệt gây dấu ấn lớn trong y khoa với 5 chuyên khoa sâu mũi nhọn gồm thần kinh, thận niệu, tim mạch, gây mê hồi sức và ung bướu…, mỗi ngày đơn vị cấp cứu khoảng 350 bệnh nhân; khám, điều trị cho hơn 6.000 người bệnh nội, ngoại trú…, góp phần cùng ngành y tế TP.HCM chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để đạt được điều này, TS.BS Phan Văn Báu cho biết đơn vị luôn có chiến lược phát triển về mọi mặt như đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học; cải tiến, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và tăng cường hợp tác quốc tế.
“Đó là cả một chặng đường dài, tâm huyết và dày công phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động của bệnh viện”, TS.BS Báu khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức biểu dương thành tích xuất sắc mà Bệnh viện Nhân dân 115 đạt được và khẳng bệnh viện được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới hoàn toàn xứng đáng.
Đồng thời đề nghị bệnh viện chủ động sáng tạo nâng cao chất lượng chuyên môn; ứng dụng nhiều hơn các trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán, điều trị bệnh và đặc biệt phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
“Từ mô hình phát triển của Bệnh viện Nhân dân 115 hi vọng sẽ góp phần lan tỏa, tạo động lực cho nhiều bệnh viện khác của TP.HCM phát triển”, ông Đức kỳ vọng.
Dịp này, TS.BS Phan Văn Báu – giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 – cũng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân; 4 cá nhân là các bác sĩ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú (Tuổi trẻ, trang 4).
Hà Nội xét nghiệm SARS-COV-2 với 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu
Trong đợt cao điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đoàn kiểm tra của Hà Nội sẽ kết hợp lấy mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngày 12-1, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATTP Tết của thành phố Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã ra quân kiểm tra tại quận Tây Hồ. Ngoài đoàn của thành phố, ở cấp quận, dịp cao điểm này, quận Tây Hồ cũng đã thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành và giám sát ATTP. Hiện các đoàn đã kiểm tra 182 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp với số tiền 11 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá 14,6 triệu đồng. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, năm nay, ngoài việc kiểm tra công tác bảo đảm ATTP Tết, cơ quan chức năng còn tập trung vào việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Theo kế hoạch, lực lượng chức năng thành phố sẽ lấy 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm SARS-CoV-2, qua đó xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh (An ninh thủ đô, trang 8).
Trời lạnh, mỗi ngày, hàng trăm bệnh nhân đột quỵ nhập viện cấp cứu
Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ – Bệnh viện Lão khoa Trung ương từ cuối tuần qua đến nay, mỗi ngày có 50 – 60 bệnh nhân nhập viện. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca đột quỵ vào cấp cứu cũng tăng…Theo bác sĩ Nguyễn Danh Cường, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ – Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết rét sâu, rét kéo dài những ngày gần đây là nguyên nhân khiến cho lượng bệnh nhân tới cấp cứu và số ca bệnh nặng tăng đột biến. Bình thường mỗi ngày tại khoa tiếp nhận khoảng 30 – 40 ca song từ cuối tuần trước đến nay mỗi ngày tiếp nhận từ 50-60 bệnh nhân, đa phần là ca nặng. Trong đó, 1/3 số ca vào cấp cứu là bệnh nhân đột quỵ, số còn lại do mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch. Tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Bạch Mai, ngày 13-1, TS Đào Việt Phương cho biết, trung bình mỗi ngày, tại khoa tiếp nhận khoảng 35 bệnh nhân đột quỵ. Vào những đợt rét đậm như hiện nay, số ca đột quỵ tăng, có ngày hơn 50 trường hợp vào cấp cứu (An ninh thủ đô, trang 8).
Phẫu thuật thành công ca cong vẹo cột sống bẩm sinh cho cháu bé 3 tuổi
Ngày 13-1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) thông tin, các bác sĩ khoa Chấn thương – Chỉnh hình Cột sống của viện này vừa phẫu thuật thành công cho một ca vẹo cột sống bẩm sinh đặc biệt. Bệnh nhi là B.Đ, 3 tuổi, đến từ Thanh Hóa. Cháu bé được bố mẹ phát hiện có bất thường tại cột sống khi 2 tuổi, đi khám được chẩn đoán là vẹo cột sống ngực – thắt lưng bẩm sinh mức độ lớn do dị tật nửa đốt sống L1. Cháu bé vẫn đi lại được nhưng cột sống lệch vẹo, cúi ngửa khó khăn, hạn chế vận động do đau lưng. Các bác sĩ nhận định, tình trạng biến dạng cột sống của cháu B.Đ đã là mức độ nặng, góc vẹo 66 độ. Nếu trì hoãn để đợi khi cháu được 6 tuổi trở lên mới chỉ định mổ như các trường hợp thông thường thì không thể phẫu thuật nắn chỉnh được vẹo cột sống. Vì vậy, các bác sĩ đã nghiên cứu và quyết tâm tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng cột sống cho bệnh nhi, dù với trẻ mới chỉ 3 tuổi như cháu bé này thì những tai biến, biến chứng của phẫu thuật và gây mê hồi sức sẽ cao hơn trẻ từ 6 tuổi trở lên. Bác sĩ Nguyễn Duy Thụy, khoa Chấn thương – Chỉnh hình Cột sống (Bệnh viện 108) cho biết, ca phẫu thuật cho bệnh nhi B.Đ là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay tại viện được thực hiện kỹ thuật này. Do cháu bé còn nhỏ tuổi nhưng đã biến dạng cột sống rất lớn, tính chất cuộc phẫu thuật rất phức tạp. “Có nhiều vấn đề đặt ra trong ca phẫu thuật cho bệnh nhi như: khả năng mất máu lớn, nguy cơ làm tổn thương tủy – rễ thần kinh. Muốn nắn chỉnh thì phải bắt nhiều vít vào cột sống nhưng không có loại vít cột sống dành riêng cho trẻ em. Chưa kể việc gây mê cho cháu bé mới 3 tuổi, nặng có 12kg là một thách thức lớn…” – bác sĩ Thụy phân tích. Dù vậy, ca phẫu thuật gần 4 tiếng cho bệnh nhi B.Đ đã thành công. Sau cuộc mổ, cháu bé được rút ống nội khí quản, tỉnh lại nhanh, nói chuyện được và không đau, hai chân vận động tốt. Đây không chỉ là thành công của Bệnh viện 108 mà còn là mốc đáng nhớ, mở ra cánh cửa mới cho cuộc sống của các bệnh nhi bị cong vẹo cột sống bẩm sinh (An ninh thủ đô, trang 8).