Điểm báo ngày 19/2/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương mua vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân; Phòng chống dịch COVID-19, tại Hải Dương: Quyết liệt, chạy đua với thời gian

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương mua vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân

Sáng 18/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII nhằm đánh giá về tình hình chăm lo, tổ chức Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2021.

Chăm lo tổ chức Tết cho nhân dân vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm chống lãng phí

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực quan tâm, chăm lo tổ chức Tết cho nhân dân vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm chống lãng phí đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, đặc biệt không khí vui vẻ, phấn khởi đón xuân Tân Sửu 2021, đó là sự cộng hưởng của tinh thần Tết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thành công rất tốt đẹp và 91 năm thành lập Đảng. Nhân dân bày tỏ sự đồng tình với chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19; đồng tình cao với Nghị định 100 về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, các bộ, ban, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện nghiêm túc quy định số 08-QĐ/TW của BCH TƯ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhất là gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; không sử dụng công quỹ để chia thưởng, làm quà biếu, quà tặng, không sử dụng phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp lễ, Tết. An ninh chính trị, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác phòng, chống cháy nổ, phòng chống tội phạm được chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.

Huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, cần phải bắt tay ngay vào công việc, không được quá say sưa với Tết, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp để kiểm soát đại dịch COVID-19, không để ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19. Huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị cần triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan sớm tham mưu với Bộ Chính trị phân công công tác các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và định hướng kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, ngay sau Tết, các cấp, các ngành tập trung ngay vào chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện tốt công tác đối ngoại; bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đồng ý với Tờ trình của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân

Tại Phiên họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư sáng 18/2, các thành viên cũng đã cho ý kiến về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý với Tờ trình của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân Việt Nam. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vaccine được tiến hành thực hiện trong điều kiện khẩn cấp và áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của nhà sản xuất. Giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2./. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 2).

 

Phòng chống dịch COVID-19, tại Hải Dương: Quyết liệt, chạy đua với thời gian

Ngày 18/2/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch dịch COVID-19 làm việc với Hải Dương. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã “chiến đấu” với 23 ngày chống dịch. Hiện nay, 12/12 huyện thị, thành phố của tỉnh đã có dịch.

Ngay khi đến Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra thực địa tại các khu cách ly tập trung tại huyện Cẩm Giàng, một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phúc Điền và Tân Trường.

Qua kiểm tra đánh giá công tác chống dịch tại huyện Cẩm Giàng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền cũng như doanh nghiệp trên địa bàn.

Là huyện có hơn 60.000 công nhân cùng với 5 khu công nghiệp lớn, việc chống dịch tại huyện này có khó khăn hơn các địa bàn khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng còn đang phức tạp nên không được chủ quan và đồng tình với các biện pháp phòng chống dịch hiện nay tỉnh Hải Dương hiện nay đang triển khai.

Ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết thêm, phòng chống dịch của Cẩm Giàng hiện đang dồn sức khoanh vùng dập dịch ngay trong các Khu công nghiệp. Tỉnh Hải Dương yêu cầu, chủ doanh nghiệp phải đăng ký xét nghiệm cho người lao động. Đến nay đã có 100 doanh nghiệp đăng ký và cho kết quả âm tính. “Điều này cho thấy tạm yên tâm tại các nhà máy, công ty. Tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo chính quyền huyện và Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn doanh nghiệp trong COVID-19. Có chấm điểm, cương quyết chỉ cho các doanh nghiệp an toàn mới được phép đi vào hoạt động”, ông Bản thông tin.

Đối với giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nói: Yêu cầu chính quyền huyện Cẩm Giàng và Tổ công tác phòng chống dịch của UBND tỉnh phải gám sát chặt chẽ, nâng cao hơn 1 cấp so với Chỉ thị của Thủ tướng. Tại các khu cách ly trên địa bàn huyện phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền cũng như công dân. Cương quyết xử phạt các vi phạm về nội quy trong khu cách ly.

Ngoài tập trung chống dịch trong các khu công nghiệp, huyện Cẩm Giàng cần quan tâm đến các khu dân cư. Tổ chức lấy mẫu diện rộng những nơi nguy cơ cao, sàng lọc và loại trừ mầm bệnh ngay từ sớm ở cộng đồng.

Chỉ đạo công tác chống dịch tại “ổ dịch” Chí Linh, ông Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Thành ủy báo cáo nhanh, trong 7 ngày gần nhất, tại TP ghi nhận 92 ca mắc. Tất cả các ca mắc mới này đều là F1 đã được cách ly từ trước và đã dự báo được. Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tin tưởng, TP Chí Linh đã hoàn toàn làm chủ được dịch bệnh. Từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Về công tác xét nghiệm, tính đến đầu giờ chiều 18/2/2021, Hải Dương đã lấy được 146.337 mẫu xét nghiệm. Số mẫu trong ngày đã lấy đạt 22.600.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa đoàn công tác với tỉnh Hải Dương, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cần tăng cường các ứng dụng thông tin trong truy vết, là công cụ hữu hiệu giup cơ quan quản lý nhà nước tăng cường truy vết.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương hoàn toàn đồng tình với góp ý của ông Hà Anh Đức. “Chúng tôi thấy rất đúng và triển khai ngay. Giao cho Giám đốc Sở TT-TT phải kết nối và triển ngay lập tức”, ông Thăng khẳng định.

PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện tốt Chỉ thị 16. Đây là “cơ hội vàng” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh “Làm tốt nhất có thể duy trì liên tục để đạt mục tiêu chống dịch. Nếu không không cứng với sự hy sinh của đất nước, con người trong chống dịch công tác chống dịch của Hải Dương.

Đánh giá cao những nỗ lực của Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Tình hình dịch tại Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã hoàn thành Bệnh viện dã chiến số 3, vì vậy yêu cầu sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 đi vào hoạt động để giảm tải cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngay từ ngày mai (19/2).

Làm việc tại hội trường UBND tỉnh Hải Dương kết nối trực tuyến với các huyện, thị, thành phố của Hải Dương. Thứ trưởng Bộ Y tế đã lắng nghe trình bày của các huyện

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ: “Sau khi dịch bắt đầu bùng phát tại Hải Dương, chúng ta đã trải qua khoảng thời gian 3 tuần để chống dịch COVID. Tính đến thời điểm hiện nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố đều đã có ca nhiễm. Chúng tôi sẽ nắm bắt lại tình hình và sẽ tăng cường sự hỗ trợ về y tế đối với ngành Y tế Hải Dương để nhanh chóng dập được dịch tại địa bàn này”.

Qua các điểm kiểm tra đột xuất khu phong tỏa ở chợ Hải Tân, Thạch Khôi và BVĐK Hòa Bình. Thời điểm kiểm tra TP Hỉa Dương đã thực hiện tốt giãn cách xã hội. “Về cơ bản chúng ta đã an tâm như Chí Linh, Nam Sách…tuy nhiên, nguy cơ cần hết sức lưu ý và cảnh giác ở huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương. Hệ thống y tế cần được cảnh báo và giám sát đối với những trường hợp nghi ngờ như ho, sốt… Về xét nghiệm tập trung nguồn lực trả kết quả xét nghiệm nhanh. Đề nghị 24 giờ sa khi lấy mẫu phải có kết quả. Nếu cần, Hà Nội sẽ hỗ trợ nguồn nhân lực xét nghiệm cho Hải Dương.

Xây dựng các tình huống xử lý COVID-19 trong doanh nghiệp. Nêu cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

“Bộ Y tế luôn sát cánh và hỗ trợ các Hải Dương trong công tác phòng chống dịch.”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định, cả hệ thống chính quyền của Hải Dương đang “lăn lóc” chống dịch. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm về công tác xét nghiệm hiện nay.

Đang từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh. Hải Dương hiện đang phản ứng mau lẹ, chủ động. “Nếu chúng tôi khoanh vùng dập dịch tốt ở Cẩm Giàng sẽ có cơ hội dập dịch thành công tại Hải Dương. Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn 1 số địa phương nên cần tập trung quyết liệt. Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện Chỉ thị 16.

“Buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế là sự động viên rất lớn, nguồn cổ vũ cho tỉnh Hải Dương tiếp tục chống dịch. Sớm đẩy lùi dịch bệnh sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường” – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8; Công an nhân dân, trang 4).

 

Huy động nguồn lực nhanh, quyết liệt dập dịch Covid-19

Ngày 18.2, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã trực tiếp về kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Hải Dương.

Đi kiểm tra các bệnh viện dã chiến tại tỉnh Hải Dương, các điểm nóng của dịch COVID-19 tại tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hải Dương nói chung và TP.Chí Linh nói riêng đã thực hiện tốt chỉ thị 05 của Chịnh phủ.

Việc quyết định phong toả toàn bộ TP.Chí Linh và cách ly 2.340 công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam là quyết định đúng đắn, kịp thời được Bộ Y tế đánh giá rất cao.

Làm việc tại TP.Chí Linh (Hải Dương), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: Các lực lượng hoàn thành bước đầu nhiệm vụ của mình. Dịch bệnh COVID-19 ở Hải Dương dù phát sinh một số ca mới tại các khu cách ly nhưng dịch cơ bản đã được kiểm soát.

“Mặc dù địch phát hiện trong hoàn cảnh bị động nhưng Hải Dương đã huy động nguồn lực nhanh chóng dù cận Tết. Việc xây dựng cơ sở cách ly tập trung nhanh chóng, thần tốc. Hai khu cách ly cho Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam đã giãn cách ra là đúng đắn. Giao khu cách ly cho quân đội là đúng đắn để làm quyết liệt việc cách ly.

Thời gian tới, giảm giãn cách cho TP.Chí Linh là cần thiết, để đưa vào sản xuất các khu công nghiệp, cơ sở nào đủ điều kiện đánh giá lại. Thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống địch, vừa phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Hải Dương cần có sự chia sẻ

Đồng chí Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh Hải Dương cho biết: Đến nay đã 23 ngày Hải Dương ghi nhận ca mắc COVID-19 và 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội. Thời gian gần đây có một số thông tin chưa đúng về Hải Dương. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ. Dịch COVID-19 ở Hải Dương có sự khác biệt so với nơi khác. Đó là, đây là chủng virus mới có tốc độ lây lan nhan; Dịch phát ra ở doanh nghiệp là Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam có nhiều công nhân (2.300 công nhân), sinh hoạt chung, ăn uống, giao tiếp chung nên việc lây lan ra cộng đồng nhanh chóng; Ổ dịch ở Hải Dương là bom nổ chậm nằm đã lâu mà chưa phát hiện nên việc khoanh vùng dập dịch khó; Dịch diễn ra vào cận Tết nên việc dập dịch khó khăn. Những yếu tố trên khiến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hải Dương khó khăn.

Bí thư tỉnh Hải Dương khẳng định: Hải Dương không chậm chạp, thiếu quyết đoán trong một số tình huống, một số thời điểm khiến cho dịch bùng phát. Chúng tôi khẳng định luồng dư luận này không chính xác. Phải nhìn lại đa chiều toàn bộ lộ trình chống dịch ở Hải Dương sẽ thấy rõ điều tôi vừa khẳng định.

Từ 27.1, Hải Dương xuất hiện ca nhiễm đầu tiên lại Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam. Khi đó chúng tôi đang đi dự Đại hội Đảng toàn quốc XIII. Ngay lập tức, Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Thành uỷ Chí Linh đã báo cáo với tổ chức xin dừng tham dự Đại hội, trở về nhà để trực tiếp dập dịch. Từ Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức họp trực tuyến tại nơi nghỉ của các đại biểu để chỉ đạo công tác chống dịch. Hôm sau, chúng tôi đã quyết định phong toả toàn bộ TP.Chí Linh và cách ly 2.340 công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời mà Bộ Y tế đã đánh giá rất cao. Bộ ghi nhận Hải Dương đã khoá chặt được ổ dịch tại Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam ngay từ đầu, không để lan toả sang địa phương khác. Đó là sự quyết đoán, mau lẹ chứ không phải là chần chừ hay chậm chạp như một số người đang nghĩ.

“Đến nay, có thể nói là tình hình ở Hải Dương đã được kiểm soát, mặc dù vẫn còn những nơi trên địa bàn có ca nhiễm phát sinh. Chậm trễ hay không phải nhìn vào yếu tố dịch tễ trên địa bàn để đánh giá đúng. Chúng tôi thống nhất chiến lược truy vết nhanh, khoanh vùng xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và cách ly, phong toả gọn để không làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp.

Khi đưa ra các quyết định ở các giai đoạn của dịch, Hải Dương đều xin ý kiến của đoàn chuyên gia y tế và Bộ Y tế về mặt dịch tễ học. Nên phong toả ở đâu, cách ly chỗ nào phải dựa trên cơ sở dịch tễ, cơ sở khoa học, tuyệt đối không phong toả cực đoan. Chúng tôi quyết định cách ly toàn tỉnh là vì sự an toàn của Hải Dương và của cả nước.

Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương đưa ra”, Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho hay. (Lao động, trang 2).

 

Hỗ trợ, tăng khả năng dập dịch cho Hải Dương

Trong bối cảnh 12/13 tỉnh, thành trên cả nước có đợt dịch mới đã kiểm soát dịch khá hiệu quả thì riêng Hải Dương, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm hiện lên đến 557.

Tính đến chiều tối 17-2, Việt Nam ghi nhận thêm 18 ca nhiễm, tất cả đều ở Hải Dương. Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có năm ổ dịch lớn gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và ổ dịch mới tại TP Hải Dương.

Tỉnh Hải Dương đang thực hiện phong tỏa 71 khu dân cư, chín thôn, hai xã và hai huyện, TP. Toàn tỉnh có 103 khu cách ly tập trung.

Ổ dịch TP Hải Dương phức tạp, tỉnh đề nghị được chi viện 

Theo nhận định của BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, ổ dịch mới tại TP Hải Dương có tính chất phức tạp còn hơn ở huyện Cẩm Giàng, bởi thời gian ủ bệnh đã lâu nên các F0 tiếp xúc với nhiều người. Việc truy vết cũng đang gặp khó khăn do vào đúng dịp tết Nguyên đán. BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP Hải Dương đã phải thiết lập 11 vùng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Sáng 17-2, BCĐ phòng, chống dịch tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập thêm phòng xét nghiệm để nâng cao công suất, tăng khả năng dập dịch. Cụ thể, tỉnh này đề nghị BV Bạch Mai thiết lập labo xét nghiệm tại BV dã chiến số 2 (tại ĐH Y tế Kỹ thuật Hải Dương); BV Bệnh nhiệt đới trung ương lập labo tại BV dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế Chí Linh); Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lập labo tại huyện Cẩm Giàng.

Hải Dương cũng đề nghị BV Bệnh nhiệt đới trung ương hỗ trợ một kíp chuyên gia điều trị bệnh nhân tại BV dã chiến số 3 (Trường ĐH Sao Đỏ, TP Chí Linh). Tỉnh mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ một số vật tư, thiết bị trong công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng đề nghị quân đội trực tiếp điều hành các khu cách ly tập trung quy mô trên 100 người. Với khu số lượng ít hơn, quân đội sẽ giữ vai trò nòng cốt trong điều hành nhằm quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung vốn do dân sự quản lý.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hôm nay (18-2), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người đã phụ trách bộ phận thường trực chống dịch tại Đà Nẵng và TP.HCM, sẽ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế về Hải Dương để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay.

Người dân TP Chí Linh dùng tem phiếu đi chợ

Sáng cùng ngày, UBND TP Chí Linh (Hải Dương) đã yêu cầu các xã, phường có chợ cần phải cấp thẻ ra vào chợ cho các hộ kinh doanh cố định và bán cố định trong chợ.

Những hộ kinh doanh bán cố định ra vào chợ phải có giới hạn thời gian cụ thể. Tùy vào tình hình thực tế, địa phương cho phép bán hàng 2-3 ngày luân phiên trong một tuần.

Ghi nhận tại phường Phả Lại, TP Chí Linh sáng cùng ngày, toàn bộ người dân và tiểu thương đều sinh hoạt, ra vào chợ theo hình thức tem phiếu.

Các phiếu phát ra sẽ có thời gian lưu hành trong vòng 15 ngày. Cụ thể, mỗi hộ dân được phát năm phiếu ra vào chợ, mỗi phiếu có giá trị một lượt ra, vào.

Các tiểu thương, người bán hàng sẽ được phát ba phiếu, mỗi phiếu có giá trị ba lượt ra, vào. Theo đó, các tiểu thương sẽ không được bán hàng trong ba ngày liên tiếp. Đối với người dân, việc ra vào phải áp dụng theo ngày chẵn/lẻ không sát nhau.

Để tránh tụ tập đông người, phiếu ra vào chợ dân sinh được UBND các xã, phường phát trực tiếp cho người dân tại gia đình.

Ông Bùi Xuân Linh, Phó Bí thư đoàn phường Phả Lại, chia sẻ: “Ban đầu khi chúng tôi đến phát phiếu, bà con rất hoang mang. Tuy nhiên, qua hệ thống loa truyền thanh, chúng tôi đã giải thích về nguyên nhân của việc tại sao phải phát hành phiếu cũng như cách sử dụng. Qua đó, bà con đều tin tưởng và chấp hành với mong muốn dịch bệnh nhanh kết thúc, nhịp sống nhanh trở lại yên bình”.

Tại các khu vực chợ dân sinh của TP Chí Linh, hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm túc chủ trương này. Một số người còn chủ động lập danh sách các nhu yếu phẩm cần mua để tránh mất lượt sử dụng giấy ra vào chợ, hạn chế tối đa tiếp xúc gần khi tham gia mua bán tại các khu vực chợ dân sinh. (Pháp luật TPHCM, trang 12).

 

Thêm 18 ca mắc mới Covid-19 tại Hải Dương

Tối 18-2, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong vòng 12 giờ  qua, cả nước ghi nhận thêm 18 ca mắc mới dịch Covid-19 ( từ ca bệnh thứ 2.330-2.347) đều ở tỉnh Hải Dương.

Ca bệnh  2330-2347: trong đó 15 ca là F1, được cách ly trước đó; 1 ca trong khu vực phong toả; 1 ca phát hiện qua giám sát ho, sốt trong cộng đồng; 1 ca phát hiện qua giám sát, khám sàng lọc tại trung tâm y tế. Công tác điều tra dịch tễ đang được tiếp tục.

Hiện có 2 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh; 1 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương và 15 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Như vậy tới nay, Việt Nam đã ghi nhận 2.347 người mắc dịch Covid-19, trong đó có tổng cộng 1.448 ca mắc mới do lây nhiễm trong nước. Tổng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 tới nay là 755 ca.

Hiện nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly trong cả nước là gần 145.000 người.

Về tình hình điều trị, trong ngày cả nước có thêm 25 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh lên 1.605 người. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 163 người đã âm tính với SARS-CoV-2. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 35 ca. (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Thanh niên, trang 3).

 

Hà Nội tiếp tục nâng cấp mức độ phòng chống dịch

Ngày 18.2, Hà Nội vẫn nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn TP là ‘rất cao’ và ‘tiếp tục nâng cấp mức độ để khống chế mức độ lây lan của dịch’.

UBND TP.Hà Nội yêu cầu toàn bộ các trường hợp về từ Hải Dương (từ 0 giờ ngày 2.2 tới nay) và các ổ dịch tại các tỉnh, TP khác (trong thời gian 14 ngày vừa qua) lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà, thời gian tính từ khi rời ổ dịch đến khi đủ 14 ngày (nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính); chủ động liên hệ với cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.

Riêng đối với những người về từ H.Cẩm Giàng (Hải Dương), UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định cách ly tại nhà (thời gian cách ly đủ 14 ngày kể từ khi rời ổ dịch, nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính), lấy mẫu xét nghiệm; đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc cách ly y tế tại nhà đảm bảo đúng quy định. Thứ tự được ưu tiên xét nghiệm như sau: người về từ Hải Dương từ 0 giờ ngày 2.2; người về từ các ổ dịch của các tỉnh, TP khác đã ghi nhận ca nhiễm trong thời gian 14 ngày vừa qua; nhóm đối tượng ngẫu nhiên tại các khu vực có nguy cơ cao như nhà máy, nơi có nhiều người từ các địa phương khác trở về, đặc biệt nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc; đội ngũ y tế phòng chống dịch, ưu tiên các nơi có nguy cơ phơi nhiễm cao, cán bộ trong các khu cách ly tại các khu vực đang phòng chống dịch, quân đội, công an. Kiểm tra việc chống dịch tại 2 quận Hoàng Mai và Long Biên chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng hiện Hà Nội phải đối mặt với “nguy cơ hiện hữu” của việc dòng người đổ về làm việc sau tết, nên yêu cầu cơ quan chức năng thủ đô tập trung cao độ, nâng cao mức độ giám sát để khống chế dịch, hoàn thành việc rà soát người về từ Hải Dương trước 20.2. Theo Sở Y tế Hà Nội, đến chiều 18.2, toàn TP đã rà soát được 28.000 người trở về từ Hải Dương để lấy mẫu xét nghiệm. (Thanh niên, trang 3).

 

TP.HCM cách ly tập trung 100% người đến từ Hải Dương

Ngày 18.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục có thông báo mới về giám sát đối tượng đến TP.HCM phòng Covid-19.

Cụ thể, HCDC ban hành hướng dẫn mới về cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm đối với người đến từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo đó, cách ly tập trung 100%, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm đối với: người ở tỉnh Hải Dương đến TP từ ngày 3.2 đến nay; người ở Quảng Ninh đến TP từ 1 điểm ở TP.Hạ Long và 4 xã ở TX.Đông Triều từ ngày 3.2 đến nay; người ở H.Yên Mỹ, Khoái Châu (Hưng Yên) đến TP từ 10.2 đến nay. Người dân ở một số địa điểm thuộc 11 tỉnh đi đến TP.HCM thuộc diện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Gia Lai.

Cũng trong ngày 18.2, HCDC cho biết đã tiếp nhận 3.528 người khai báo y tế và lấy mẫu ngẫu nhiên người từ các tỉnh thành khác về TP.HCM sau tết tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế. Trong đó, đã chuyển cách ly tập trung 155 người, 7 người cách ly tại nhà, 3.366 người tự theo dõi sức khỏe. Trong số này, HCDC thực hiện lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên 3.464 người, trong đó 3.266 người đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, 198 đang chờ kết quả. (Thanh niên, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/11/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận