Điểm báo ngày 18/3/2021

(CDC Hà Nam)
Nghiên cứu ‘hộ chiếu vắc-xin’, mở lại đường bay quốc tế; 9 học sinh ngộ độc sau khi uống nước ngọt miễn phí; Khánh Hòa và Hải Dương có thêm 7 ca mắc mới Covid-19; Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La; Phát hiện một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép; Mối lo từ thuốc đông y trên mạng xã hội

Nghiên cứu ‘hộ chiếu vắc-xin’, mở lại đường bay quốc tế

Phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, sáng 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và giao thương có sự kiểm soát.

Không có trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tiếp theo. Ở trong nước, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, song nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực. Trong khi đó, nguồn cung ứng vắc-xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc-xin được sản xuất trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 mới có.

Vì thế, ông Long cho rằng, cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K, đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. “Cuộc chiến chống đại dịch chưa có điểm kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của vi rút đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Đề cập vấn đề phản ứng sau tiêm vắc-xin AstraZeneca đang rất được người dân quan tâm, ông Long cho hay, đến cuối giờ chiều 16/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch… Trong đó có 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khỏe.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vắc-xin AstraZeneca, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi: “Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế, đồng thời tổ chức điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19”, ông Long cho biết.

Nghiên cứu “hộ chiếu vắc-xin”

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh trên thế giới suy giảm, tiêm chủng được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia và đang được triển khai khẩn trương tại nước ta theo lộ trình. Tuy nhiên, chủng vi rút mới nguy hiểm hơn đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, đơn vị nào, công dân nào. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị không được lơ là, chủ quan, phải quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong “điều kiện bình thường mới”.

Đối với vấn đề vắc-xin, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân. Cùng với đó, xem xét tiếp cận nguồn vắc-xin khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vắc-xin, tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc-xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và giao thương có sự kiểm soát.

Về kinh tế, xã hội, Thủ tướng cho biết, gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới. “Chúng ta hiểu rằng một bộ phận người dân, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, dịch vụ, du lịch rất khó khăn. Không phải chúng ta chỉ thấy thành tích mà còn thấy những tồn tại, bất cập trong xã hội, một bộ phận người dân đang thiếu việc làm. Chúng ta tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và hàng không”, Thủ tướng phát biểu (Tiền phong, trang 3).

 

9 học sinh ngộ độc sau khi uống nước ngọt miễn phí

Ngày 17-3, Công an TP Vinh (Nghệ An) cho biết đã mời một nhóm người (chưa cung cấp danh tính) đến làm việc để làm rõ nguyên nhân 9 học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi uống nước ngọt phát miễn phí trước cổng trường.

Trước đó, vào đầu giờ học chiều 16-3, nhiều học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (TP Vinh) đến trước cổng trường nhận nước ngọt phát miễn phí từ một nhóm người đi xe thùng có biển kiểm soát Hà Nội.

Sau khi nhận nước từ nhóm người này, có 53 em đã mở chai uống nước và có 9 em bị đau bụng, buồn nôn phải đưa vào phòng y tế của trường, sau đó đưa lên Trạm y tế phường Quang Trung để giải độc.

Ngay khi phát hiện sự việc, các giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung đã ngăn học sinh không tiếp tục nhận nước và thu hồi ngay 183 chai. Khi chất vấn về lý do phát nước miễn phí, nhóm người phát nước đã chạy xe đi nhưng các thầy cô ngăn lại và báo công an.

Trước sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Quang Trung, ngày 17-3, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An chỉ đạo các phòng giáo dục, trường học quan tâm nhắc nhở học sinh không ăn uống đồ trôi nổi trước cổng trường (Sài Gòn giải phóng, trang 9). 

 

Khánh Hòa và Hải Dương có thêm 7 ca mắc mới Covid-19

Chiều tối 17-3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong 12 giờ qua, cả nước có thêm 7 ca mắc mới Covid-19 (từ ca thứ 2.561-2.567), trong đó có 5 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Khánh Hòa, 2 ca mắc mới còn lại là trường hợp F1 tỉnh Hải Dương.

Ca bệnh 2.561 (nam, 39 tuổi) ghi nhận tại phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương là F1 của BN 2.528, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 17-3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Ca bệnh 2.567 (nữ, 21 tuổi) ghi nhận tại phường Hoàng Tân, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương là F1 của BN 2.451, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 17-3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Các ca bệnh từ 2.562 – 2.566 là người Việt Nam từ Liên bang Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh ngày 14-1 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 16-3, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân trên được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Cam Lâm (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La

Ngày 17-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim An (sinh năm 1969, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La), nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La, về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La phê chuẩn. Việc khởi tố bị can An là diễn biến mới nhất trong quá trình Công an tỉnh Sơn La mở rộng điều tra vụ án sai phạm trong đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Sơn La.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, bị can Nguyễn Thị Kim An cùng các đối tượng Bùi Thị Thu (sinh năm 1969, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị và công nghệ Hưng Phát) và các đối tượng trú tại thành phố Sơn La gồm: Sa Văn Khuyên (sinh năm 1960, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La), Bùi Thị Hoa (sinh năm 1965, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế tỉnh Sơn La), Mai Anh Tuấn (sinh năm 1987, chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế tỉnh Sơn La) đã có những sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế gây thiệt hại ngân sách nhà nước (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Phát hiện một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép

Ngày 17-3, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM cho biết, vừa phối hợp với Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa kiểm tra và phát hiện cơ sở chăm sóc da Kang Beauty ở số 96 đường Hồ Bá Kiện, phường 15, quận 10 đang tổ chức hoạt động giải phẫu thẩm mỹ không phép.

Theo đó, ngày 16-3, các đơn vị nói trên đã ập vào kiểm tra cơ sở Kang Beauty. Qua kiểm tra, cơ sở này chỉ xuất trình giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng không xuất trình được chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động liên quan đến cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh.

Theo giấy phép kinh doanh, cơ sở Kang Beauty chỉ được kinh doanh bán lẻ mỹ phẩm và chăm sóc da (không bao gồm dịch vụ chăm sóc da gây chảy máu; không giải phẫu thẩm mỹ, không dùng kỹ thuật cao). Tuy nhiên, cơ sở Kang Beauty có 5 phòng được trang bị giường phẫu thuật, đèn phẫu thuật, máy hấp dụng cụ kim, kéo, dao phẫu thuật cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc; 2 phòng chăm sóc da; 1 phòng làm việc khác có chứa các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho các dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ.

Cơ sở này còn chuẩn bị “đối phó” với cơ quan chức năng như làm thang máy dùng thẻ từ, thang bộ khóa cửa sắt, ngăn không cho cán bộ kiểm tra lên kiểm tra các tầng trên lầu.

Bà Phạm Thị Kim Yến, chủ cơ sở Kang Beauty cho biết cơ sở đã hoạt động từ tháng 10-2020 đến nay, thực hiện hàng chục ca phẫu thuật sửa mũi, nâng mí, cắt mí, hút mỡ… với giá rẻ hơn các cơ sở thẩm mỹ có giấy phép khoảng 30%.

Lực lượng đã niêm phong, tạm giữ các vật tư trang thiết bị y tế, thuốc và các giấy tờ có liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở.

Đây là đợt kiểm tra chuyên đề do Công an TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM thực hiện nhằm làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế, kịp thời ngăn chặn các cơ sở hoạt động không phép, hoạt động trá hình, lén lút và xử lý nghiêm các vi phạm cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn TPHCM (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Mối lo từ thuốc đông y trên mạng xã hội

Sử dụng chiêu bài thổi phồng công dụng chữa bách bệnh của các loại thuốc đông y tự chế…, nhiều “thần y” đã bắt bệnh, bán thuốc rầm rộ trên mạng xã hội. Tin vào những lời quảng cáo “có cánh”, nhiều người đã phải chịu hậu quả nặng nề. Dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về hệ lụy khi khám, chữa bệnh trên mạng xã hội, nhưng mối lo vẫn còn đó khiến nhiều người rước họa vào thân.

Suýt chết vì… mua thuốc online

Thời gian gần đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nội tiết trung ương đã tiếp nhận 3 bệnh nhân đái tháo đường tự ý mua thuốc Nam, thực phẩm chức năng được quảng cáo kiểm soát đường huyết cấp tốc trên mạng xã hội. Sau một thời gian dùng thuốc, 3 người này đã phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, đường huyết tăng cao. Thậm chí, có trường hợp bệnh tiến triển nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân nam 64 tuổi (ở Hà Nội), mắc bệnh đái tháo đường 3 năm, tăng huyết áp 2 năm kèm biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2 nhưng đã tự ý bỏ đơn thuốc do bác sĩ chỉ định, thay vào đó dùng thuốc đông y rao bán trên mạng xã hội. Sau 22 ngày uống, bệnh nhân phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt, đau tức ngực. Khi bệnh nhân vào viện đã trong tình trạng suy hô hấp, tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi… May mắn, nhờ được cứu chữa kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 55 tuổi (ở tỉnh Bắc Giang) trong tình trạng cổ chân sưng to, đau nhức, đi lại khó khăn sau khi sử dụng thuốc đông y mua trên mạng xã hội.

Là nạn nhân của việc mua thuốc đông y trên mạng xã hội, ông Trần Văn Yên, đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) kể lại, cách đây 6 tháng, đi khám tại bệnh viện, ông được bác sĩ chẩn đoán ung thư sỏi mật phải phẫu thuật. Tuy nhiên, ông không thực hiện theo chỉ định của bác sĩ mà tự uống thuốc đông y mua trên mạng xã hội Facebook. Sau 1 tháng sử dụng, ông bị những cơn đau bụng hành hạ nên phải nhập viện và bác sĩ đã phải chỉ định phẫu thuật ngay vì sỏi đã gây tắc nghẽn đường dẫn mật.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Hiện nay, trên các trang Facebook, Zalo… nhan nhản quảng cáo bán các loại thuốc chữa bệnh thần kỳ. Ví như, Facebook “Chữa ung thư bằng Nam y” quảng cáo bệnh sẽ biến mất chỉ sau 6 tháng uống thuốc; hoặc Facebook của lương y Vy Văn Chiến với lời quảng cáo: Phá nát từng viên sỏi dù là 5, 10 hay 20mm… Trước thông tin này, bác sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo, mọi người khi có vấn đề về sức khỏe thì nên đến khám, chữa bệnh ở những cơ sở y tế đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Nếu sử dụng thuốc đông y phải có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc trong thuốc đông y có trộn thành phần thuốc Tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi.

Bác sĩ Nguyễn Công Bình, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nội tiết trung ương) lưu ý, người bệnh cần tỉnh táo, tránh dùng các sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không được cấp phép đang rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Về nguy hại của việc tự ý mua và sử dụng thuốc đông y trên mạng xã hội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thực trạng này rất nguy hiểm vì hầu hết người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận. Chưa kể, thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm…, khiến người bệnh có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Trong mọi trường hợp, việc sử dụng thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trên môi trường mạng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng ngoài tuân thủ quy định về cung cấp thông tin trên môi trường mạng còn phải bảo đảm các quy định của ngành Y tế về quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt tại Luật Quảng cáo 2012; Luật An toàn thực phẩm 2010… Năm 2020, Sở đã xử phạt 4 tổ chức, cá nhân với số tiền 87,5 triệu đồng do vi phạm quy định của Luật Quảng cáo như: Quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng với nội dung xác nhận của Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh… Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường hơn nữa quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng nói chung, quảng cáo các sản phẩm thuốc nói riêng, kịp thời phát hiện, phối hợp các đơn vị liên quan để xử lý các sai phạm theo quy định.

Mối họa từ việc mua, bán thuốc đông y trên mạng xã hội tồn tại đã lâu và gây nhiều bức xúc cho xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho những “thần y” này. Chỉ khi kết hợp nhiều giải pháp thì mối lo về thuốc đông y trôi nổi trên mạng xã hội mới dần được loại trừ (Hà Nội mới, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/01/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/01/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/8/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận