Điểm báo ngày 19/4/2021

(CDC Hà Nam)
Người lao động ngành Y chịu tác động như thế nào do dịch COVID-19?; Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở nhiều nước; Bộ Y tế khuyến cáo nạn ‘thổi phồng’ công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

 

Chuyện ở phòng cấp cứu

Chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi đỗ xịch trước thềm phòng cấp cứu bệnh viện huyện. Hai thanh niên cởi trần khoe những hình xăm trổ kín lưng và hai cánh tay nhanh nhảu nhảy xuống hỗ trợ nhân viên y tế trên xe đỡ băng ca đưa người bị thương vào. Anh này còn khá trẻ và có vẻ bị thương nặng, nằm thiêm thiếp với băng quấn kín đầu và ngang lưng vẫn đang thấm máu. Chiếc quần anh ta đang mặc và băng ca trắng cũng loang lổ vết máu.

Trong khi các bác sĩ đang hối hả hồi sức, xử lý vết thương thì bốn, năm chiếc xe máy lại rờ đến, chở theo tám người dáng chừng bặm trợn cũng xăm trổ đầy mình. Họ dìu vào phòng cấp cứu hai người bị thương ở tay và ở chân, được băng tạm bằng những tấm vải xé vội.

Vừa thấp thoáng nhìn thấy nhóm người mới đến, hai thanh niên đi cùng người thanh niên bị thương nặng đến trước vội vã bỏ đi theo hướng cửa sau của phòng cấp cứu, để mặc bạn cho các bác sĩ, y tá. Chắc có liên quan một vụ ẩu đả vừa xảy ra, cho nên nhóm người mới đến đã nhận ra cậu thanh niên bị thương nặng. Họ gầm ghè như muốn “ăn tươi, nuốt sống” cho dù cậu ta đã bất tỉnh không biết gì cả, tạo nên một khung cảnh lộn xộn, ồn ào. Phải mất khá nhiều thời gian, các nhân viên y tế và bảo vệ bệnh viện mới bảo vệ được bệnh nhân, can ngăn phần nào sự giận dữ của nhóm người nọ. Tuy nhiên, họ vẫn sấn sổ vung tay, vung chân không để các bác sĩ và y tá cứu chữa cho thanh niên bị thương nặng. Người đàn ông trung niên trong nhóm với cánh tay băng bó gằn giọng đe dọa bác sĩ Tân đang xử lý vết thương cho cậu thanh niên: “Ê! Ông già để thằng này đấy, ra xem cho tôi và thằng em tôi ngoài kia xem sao!”. Dường như đã quen với tình huống thế này, bác sĩ Tân vẫn nhẫn nại xử lý vết thương của cậu thanh niên, trong khi nhẹ nhàng giải thích: “Cứ bình tĩnh, anh và cậu ngoài kia chỉ bị nhẹ thôi! Đã vào bệnh viện thì ai cũng như nhau cả, ca nào nặng hơn sẽ ưu tiên chữa trị trước”.

Thấy bác sĩ Tân kiên quyết, vả lại ngoài cổng đang đi vào mấy đồng chí công an, nhóm người hung hăng mới im tiếng, tản ra phía ngoài chờ đợi. Sau khi cậu thanh niên bị thương nặng đã được xử lý và cho chuyển bệnh viện tuyến trên, bác sĩ Tân mới đến bên người đàn ông trung niên và xem xét kỹ vết thương đang được các nhân viên y tế lau rửa, sát trùng. Ông bảo với người đàn ông nọ: “Vết thương của anh chỉ ở phần mềm thôi, băng bó xong, tôi sẽ cho đơn thuốc về nhà uống và lau rửa, thay băng tránh nhiễm trùng”. Trước sự ân cần, chu đáo của bác sĩ Tân, người đàn ông trung niên có vẻ hối hận, anh ta ngập ngừng cất lời xin lỗi, trong khi vị bác sĩ già không nói gì chỉ mỉm cười hiền hậu, gật gật đầu.  (Nhân dân, trang 5)

 

Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở nhiều nước

Theo tin nước ngoài và TTXVN, hệ thống y tế của Thái-lan có nguy cơ quá tải khi ngày 18-4, Thái-lan ghi nhận số ca mới mắc Covid-19 trong ngày ở mức kỷ lục là 1.767 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 42.352. Để ứng phó tình trạng gia tăng đột biến của các ca bệnh Covid-19, Chính phủ Thái-lan đã yêu cầu cung cấp thêm 25.000 giường bệnh trên toàn quốc, ngoài sức chứa bình thường của các bệnh viện.

* Chính quyền Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) quyết định đóng cửa khu chợ đầu mối phân phối rau quả lớn của thủ đô trong vòng hai tuần sau khi phát hiện khoảng 100 tiểu thương và nhân viên bảo vệ của chợ nhiễm Covid-19. Trong vòng chưa đầy một tháng, tổng cộng có 788 công nhân và người lao động có liên quan thuộc 36 nhà máy trên khắp Phnôm Pênh mắc Covid-19.

* Bộ Y tế Phi-li-pin (DOH) ngày 18-4 ghi nhận 10.098 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 936.133 người. Trong số ca nhiễm mới có 642 ca nhiễm các biến thể mới. Số người chết do Covid-19 ở Phi-li-pin tăng lên 15.960 người sau khi có thêm 150 người chết do dịch bệnh.

* Mông Cổ ngày 18-4 ghi nhận thêm 1.340 ca nhiễm Covid-19, số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 21.995. Mông Cổ đang thực hiện các biện pháp phong tỏa hoàn toàn trên toàn quốc đến ngày 25-4 tới nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

* Ngày 18-4, Ấn Độ có thêm 261.500 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.788.109 người. Đây là lần đầu mức tăng đột biến số ca nhiễm trong ngày ở Ấn Độ vượt mốc 260.000 ca. Trong 24 giờ, Ấn Độ có 1.501 người chết, nâng số người chết do Covid-19 lên 177.150.

* Một số tỉnh của Nhật Bản đã xác nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua với hàng trăm ca nhiễm mới. Riêng thủ đô Tô-ki-ô đã ghi nhận 759 trường hợp mắc Covid-19, mức cao nhất theo ngày kể từ hồi tháng 1. Tính đến sáng 18-4, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 525.218 ca mắc, trong đó có 9.584 người chết. Thủ tướng Nhật Bản đề nghị Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cung cấp thêm vắc-xin ngừa Covid-19.

* Tại đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc), Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (CHP) cho biết, đặc khu này ghi nhận 18 ca mắc Covid-19, trong đó có 10 ca nhập cảnh, tám ca lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm sáu ca không rõ nguồn lây. Bốn trong số 10 ca nhập cảnh có liên quan biến thể mới N501Y.

* Văn phòng Thủ tướng Pháp cho biết, Pháp sẽ áp đặt lệnh cách ly 10 ngày đối với tất cả công dân đến từ Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê và Nam Phi có liên quan các biến thể của Covid-19. Những người không thực hiện lệnh cách ly sẽ phải đối diện các án phạt. Các chuyến bay từ Bra-xin tới Pháp cũng sẽ tạm dừng ít nhất tới ngày 23-4.

* Bộ Y tế Công cộng Cu-ba ghi nhận thêm 12 người chết do Covid-19, con số trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch. Thành phố La Ha-ba-na tiếp tục là tâm dịch, với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trên cả nước là 366,4 ca mắc trên 100.000 dân.

* Chính phủ Goa-tê-ma-la thông báo hạn chế nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ Bra-xin, Anh và Nam Phi, trong nỗ lực kiểm soát sự gia tăng của các ca mắc Covid-19. Goa-tê-ma-la hiện ghi nhận gần 211.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 7.160 người chết.

* Li-bi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại thủ đô Tơ-ri-pô-li. Li-bi đã nhận được vắc-xin từ Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác. Vắc-xin được phân phối đến các vùng khác nhau thông qua 450 trung tâm tiêm chủng.

* Nhờ những nỗ lực kiểm soát dịch có hiệu quả, kể từ ngày 18-4, I-xra-en bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đi ra ngoài, đồng thời cho phép học sinh các cấp đi học bình thường trở lại. Tuy nhiên, Bộ Y tế I-xra-en cho biết, quy định đeo khẩu trang vẫn được thực hiện trong không gian kín tại các tụ điểm công cộng. (Nhân dân, trang 5)

 

Phạt 100 triệu đồng 2 công ty quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV Alifaco và Công ty TNHH Dược phẩm Khang Hải do vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Ngày 18-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cục đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV Alifaco (ở 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) và Công ty TNHH Dược phẩm Khang Hải (ở số 18, khu nhà số 10, ngõ 12 đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) do vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, Công ty Alifaco bị phạt 50 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm Boca và Khớp Khang Hải gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên các website là: viensui-boca.com và viensuiboca.work; Công ty Dược phẩm Khang Hải cũng bị phạt 50 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm Khớp Khang Hải trên website: hopkhanghai.net và youtube gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu 2 doanh nghiệp trên phải gỡ nội dung quảng cáo vi phạm và cải chính thông tin theo quy định. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Bộ Y tế khuyến cáo nạn ‘thổi phồng’ công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Ngày 18.4, theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP – Bộ Y tế), hiện nay việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến.

Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định. Các sản phẩm vi phạm thường gặp là quảng bá, thổi phồng công dụng với các bệnh như xương khớp, gout, đái tháo đường, tim mạch huyết áp, giảm béo, thậm chí cả bệnh ung thư…

Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo thực phẩm BVSK có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán sản phẩm; gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán sản phẩm.

“Có quảng cáo mạo danh bài thuốc gia truyền khiến người có bệnh hiểu lầm thuốc y học cổ truyền, dùng sản phẩm thực phẩm đó mà bỏ thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, ông Phong lưu ý.

Cục ATTP hướng dẫn người dân cần lưu ý thực phẩm BVSK không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Người dân cần tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi mua thực phẩm BVSK; đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm BVSK luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Người dùng chỉ chọn mua các sản phẩm thực phẩm BVSK có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Đặc biệt, mua sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa… (Thanh niên, trang 4)

Cùng chủ đề Khoa học & Đời sống, trang 2: “Lưu ý việc mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; Sức khỏe & Đời sống, trang 14: “Mua, sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Khuyến cáo khẩn của Cục An toàn thực phẩm”

 

Ưu tiên nguồn lực cho biên giới Tây Nam chống dịch

Ngày 18.4, đoàn công tác do GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, dẫn đầu đến kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.Hà Tiên (Kiên Giang) và làm việc với lãnh đạo tỉnh về một số nội dung cấp bách hiện nay.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ có các phương án hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng lực y tế của địa phương đáp ứng tinh thần phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống dịch; đặc biệt là tăng cường trang bị máy thở cho bệnh viện; chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cử chuyên gia trực tiếp hỗ trợ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP.Hà Tiên nhằm nâng cao năng lực điều trị tại chỗ, có thể điều trị các trường hợp bệnh nặng; kết nối với hệ thống hội chẩn, điều trị toàn quốc nhằm huy động lực lượng chuyên gia khi cần thiết.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các tỉnh biên giới phía Tây Nam được ưu tiên trong các kế hoạch tiêm chủng. Tại Kiên Giang, tất cả lực lượng biên phòng trên địa bàn tỉnh đã được tiêm phòng mũi 1, sắp tới sẽ triển khai tiêm mũi 2 để chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và sự chủ động cho kịch bản khi dịch bệnh có thể xuất hiện trong cộng đồng.

“Chúng tôi đánh giá khu vực của Tây Nam là khu vực tương đối nóng hiện nay về diễn biến dịch Covid-19. Bộ Y tế đã lập 5 đoàn công tác và đi kiểm tra đối với 13 tỉnh, thành ĐBSCL để làm sao cho tất cả địa phương đều có tâm thế và chuẩn bị cho tình huống dịch có thể xuất hiện trong cộng đồng và dịch có thể lan tràn. Đây là điểm mà chúng tôi chỉ đạo rất quyết liệt”, ông Long nói.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh vẫn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát tại khu vực biên giới giáp Campuchia để tránh xuất nhập cảnh trái phép. Chỉ tính riêng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã phối hợp với lực lượng liên quan bố trí duy trì 48 chốt trực, 4 đội cơ động và 3 tàu, xuồng tuần tra trên biển

Thêm 3 ca nhập cảnh nhiễm Covid-19

Ngày 18.4, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 3 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới là các ca nhập cảnh. Đây là các BN Covid-19 thứ 2.782 – 2.784 tại Việt Nam, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hòa Bình, Bắc Ninh và Khánh Hòa. Theo Bộ Y tế, đến nay đã 24 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hiện cả nước có 40.150 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19. Trong số 2.784 BN ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, có 2.475 ca đã được điều trị khỏi. (Thanh niên, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 15: “Phòng, chống dịch Covid-19: Ưu tiên hỗ trợ các tỉnh Biên giới Tây Nam”     

 

Tình hình Covid-19 ở Campuchia vẫn rất phức tạp

Chính phủ Campuchia kéo dài lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh và tạm thời đóng cửa tất cả điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng trên toàn quốc trong nỗ lực kiểm soát tình hình dịch Covid-19.

Tờ The Phnom Penh Post ngày 18.4 đưa tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ban hành chỉ thị mới, theo đó lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh được kéo dài đến hết ngày 28.4. Chính phủ Campuchia áp dụng lệnh cấm này kể từ hôm 6.4.

Chính phủ Campuchia có động thái này trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp kể từ đợt bùng phát dịch có liên quan đến một sự kiện ngày 20.2. Bộ Y tế Campuchia hôm qua thông báo nước này đã ghi nhận thêm 618 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 5.845 người, theo tờ Khmer Times. Bên cạnh đó, có thêm 2 người chết vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 43 người.

Hiện toàn bộ thủ đô Phnom Penh cùng TP.Takhmao (tỉnh Kandal) bị phong tỏa từ ngày 15 – 28.4 và một vài khu vực khác cũng được đặt trong trạng thái tương tự. Chính phủ Campuchia tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Theo quyết định của chính phủ ngày 18.4, trong thời gian phong tỏa, không ai ở Phnom Penh và Takhmao được phép rời khỏi nhà. Cũng theo quyết định này, cơ quan chức năng sẽ có hành động pháp lý nghiêm ngặt đối với người vi phạm lệnh phong tỏa. Chính phủ cũng đưa ra một số trường hợp ngoại lệ được phép ra khỏi nhà, bao gồm tình huống khẩn cấp như đến bệnh viện và chỉ có hai người trong một gia đình được phép ra ngoài mua thức ăn…

Tuy nhiên, có 5 người mắc Covid-19 vừa trốn khỏi thủ đô Phnom Penh để đến tỉnh Prey Veng và cơ quan chức năng đang truy lùng những người này. Thủ tướng Hun Sen từng cảnh báo bất kỳ ai vi phạm lệnh phong tỏa sẽ bị xét xử nhanh chóng và ngồi tù. Theo AFP, Campuchia đã thông qua luật phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt, trong đó người vi phạm các quy định phòng dịch có thể bị tuyên án tù giam, mức án cao nhất là 20 năm.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở các nước Đông Nam Á khác. Chẳng hạn, Thái Lan hôm qua đã ghi nhận thêm 1.767 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 42.352 người, với 101 trường hợp tử vong, theo tờ Bangkok Post. (Thanh niên, trang 24)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Dịch vẫn tăng ở Campuchia”

 

Siết chặt đường biên để hạn chế nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập

Ngày 18-4, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 làm Trưởng đoàn đã tới thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Kiên Giang.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên, sau khi kiểm tra, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ có các phương án hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng lực y tế của địa phương, đáp ứng tinh thần phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tăng cường trang bị máy thở cho bệnh viện; đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) cử chuyên gia trực tiếp hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên…

Sau khi kiểm tra cửa khẩu biên giới Hà Tiên, khu cách ly tập trung tại địa phương, Đoàn công tác khuyến cáo địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, tăng cường tuần tra trên biển để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra (kể cả các trường hợp xấu nhất) để chủ động ứng phó. Tất cả theo phương châm siết chặt đường biên, giữ vững đường biển để chặn dịch Covid-19.

Địa phương cũng cần xây dựng các kịch bản, phương án cách ly, phong tỏa để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế nhưng vẫn phòng, chống dịch hiệu quả… Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, tại Kiên Giang, tất cả lực lượng biên phòng trên địa bàn đã được tiêm phòng mũi 1 và sắp tới sẽ triển khai tiêm mũi thứ 2.

* Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 17-4 đến 18h ngày 18-4, nước ta ghi nhận 3 ca mắc mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Bắc Ninh và Khánh Hòa.

Như vậy, tính đến 18h ngày 18-4, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta là 2.784 ca.

* Về tình hình tiêm vắc xin, đến sáng 18-4, cả nước có thêm 1.423 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong ngày 17-4. Đến nay, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh, thành phố cho 67.789 người. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 3: “Kiểm soát chặt tuyến biên giới Tây Nam, ngăn ngừa dịch Covid-19”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Kiểm tra công tác phòng dịch tại Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Siết chặt đường biên, giữ vững đường biển”; Lao động, trang 1: “Siết chặt đường biên, đường biển, sẵn sàng cho tình huống có dịch Covid-19”

 

Bộ Y tế thay đổi phân bổ vaccine Covid-19, lên tiếng về việc doanh nghiệp nhập vaccine

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1896/QĐ-BYT điều chỉnh phân bổ 110.000 liều vaccine phòng Covid-19 của COVAX đợt 2.

Theo đó, đối với số lượng 80.000 liều dự kiến cấp cho quân đội, Bộ Y tế điều chỉnh lại như sau: cấp 35.000 liều cho quân đội để tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý; cấp 34.350 liều cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật 44 tỉnh, thành phố.

Theo quyết định của Bộ Y tế, đối với số lượng 30.000 liều cấp cho công an điều chỉnh cấp cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố 62 tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh báo cáo Sở Y tế phối hợp với công an tỉnh để tổ chức tiếp nhận, bảo quản vaccine phòng Covid-19 và cấp phát số vaccine này cho lực lượng công an tỉnh để tổ chức tiêm.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cấp bổ sung 10.650 liều cho 5 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An.

Cũng liên quan đến vaccine Covid-19, gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về nghi vấn công văn xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna (Mỹ) của Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex gửi Bộ Y tế có dấu hiệu giả mạo thông tin.

Về việc này, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã gửi văn bản tới Bộ Y tế thông báo về việc tìm kiếm, liên hệ với các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 (như: AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, Sputnik V, Moderna, Sinovac, Curevac…) nhập khẩu từ các nước Anh, Mỹ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc…

Bộ Y tế hoan nghênh nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc xuất xứ để cung cấp vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) là đơn vị trực tiếp hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam.

Đến nay, Cục Quản lý dược mới chỉ nhận được các văn bản của Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex thông báo về chủ trương tìm kiếm đối tác cung ứng vaccine phòng Covid-19 (Moderna) để nhập khẩu về Việt Nam. Bộ Y tế chưa nhận được hồ sơ của công ty đề nghị phê duyệt vaccine phòng Covid-19 do Moderna sản xuất. (An ninh Thủ đô, trang 2)

 

Tiêm nhiều loại văcxin ngừa Covid-19 tốt hơn?

Ý tưởng tiêm kết hợp nhiều loại văcxin Covid-19 để có hiệu lực bảo vệ cao hơn của nhiều quốc gia, theo các chuyên gia cũng đồng nghĩa phải chấp nhận rủi ro cao hơn.

Tiêm kết hợp nhiều loại văcxin Covid-19

Các nhà nghiên cứu Anh đang tiến hành nghiên cứu kết hợp hai loại văcxin ngừa Covid-19 của Moderna và Novavax để tăng hiệu quả miễn dịch. Sau khi tiêm văcxin của AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech, những người tình nguyện sẽ ngẫu nhiên được tiêm mũi hai bằng văcxin của Moderna hoặc của Novavax. Mỗi hình thức thử nghiệm sẽ có sự tham gia của 175 người, nâng tổng số người tham gia thử nghiệm bổ sung là 1.050 người.

Theo GS Matthew Snape, Đại học Oxford, Trưởng nhóm nghiên cứu, nếu có thể chứng minh việc sử dụng kết hợp các loại văcxin khác nhau mang lại hiệu quả miễn dịch tương tự như khi sử dụng cùng loại mà không gây phản ứng phụ thì điều này sẽ cho phép có thêm nhiều người hoàn tất quá trình tiêm phòng Covid-19 nhanh hơn, trong khi nhanh chóng giải quyết được tình trạng thiếu hụt một loại văcxin. Dự kiến, kết quả của việc thử nghiệm kết hợp văcxin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech sẽ có sớm nhất là trong tháng 4 hoặc tháng 5, trong khi kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ có vào tháng 7 tới.

Việc kết hợp tiêm nhiều loại văcxin có tạo ra hiệu lực bảo vệ cao hơn? PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đúng là mỗi loại văcxin khi được nghiên cứu ra để nhắm tới một chủng virus nhất định. Khi virus biến đổi bằng việc sinh ra nhiều chủng mới thì loại văcxin đó không có hiệu lực bảo vệ với chủng mới đó, buộc người ta phải nghiên cứu tiếp loại văcxin nhắm tới chủng mới đó. Khi tiêm nhiều loại văcxin khác nhau, sẽ cho hiệu lực bảo vệ cao hơn, phổ hiệu lực đối với virus rộng hơn. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp nên chọn.

Quan trọng nhất là phải kết hợp văcxin với điều tra dịch tế. Nếu xác định được đã xuất hiện nhiều biến chủng virus khác nhau thì phải tính đến nghiên cứu sản xuất văcxin bất hoạt nhiều chủng khác nhau chứ không phải là tiêm càng nhiều loại văcxin càng tốt.

Rủi ro cao hơn

PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết, tiêm cùng lúc nhiều loại văcxin Covid-19 sẽ cho hiệu lực bảo vệ cao hơn với nhiều chủng hơn, song cũng phải đổi mặt với rủi ro cao hơn so với tiêm 1 loại văcxin. Bởi bất cứ loại văcxin nào cũng có tỉ lệ rủi ro, việc tiêm văcxin mục đích chủ yếu là bảo vệ đối với chủng lưu hành phổ biến ở khu vực đó, quốc gia đó. Không cần thiết phải tiêm thật nhiều loại văcxin khác nhau nếu không thực sự cần thiết. Sau khi tiêm văcxin, thử huyết thanh miễn dịch là có thể biết khả năng bảo vệ bao nhiêu so với chủng đang lưu hành.

Thực tế, để sản xuất văcxin, nhà sản xuất áp dụng rất nhiều công nghệ khác nhau. Chỉ riêng ở Việt Nam, 4 nhà sản xuất văcxin đã sử dụng 4 công nghệ khác nhau, việc tiêm kết hợp các loại văcxin với công nghệ khác nhau liệu có rủi ro? PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay, dù là sử dụng công nghệ khác nhau nhưng đều nhắm đến tạo ra protein tái tổ hợp để tạo kháng thể bảo vệ cho người được tiêm. Do đó, điều này không đáng lo ngại bằng khả năng rủi ro xảy ra cao hơn cho người tiêm. Nhưng ở Việt Nam, các nhà khoa học hướng đến nghiên cứu văcxin phổ rộng chứ không kết hợp tiêm nhiều loại văcxin nêu trên.

Tuy có những hiệu quả bảo vệ trên lý thuyết khi tiêm nhiều loại văcxin nhưng tốt nhất nên tiêm liều thứ hai cùng loại văcxin với liều thứ nhất. Chỉ nên sử dụng biện pháp tiêm ngừa khác loại văcxin trong trường hợp bệnh nhân thuộc diện “nguy cơ cao ngay lập tức” hoặc thuộc diện “không có khả năng đi tiêm lại”, có lịch trình di chuyển phức tạp, dịch tễ không truy vết được. Còn theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các loại văcxin không thể thay thế cho nhau và tính an toàn và hiệu quả của hỗn hợp các văcxin chưa được đánh giá. (Khoa học & Đời sống, trang 3)

 

Ngộ độc vì chơi “chất nhờn ma quái”

Sau khi khi dùng slime để làm đồ chơi (hỗn hợp mềm, dẻo được tạo từ chất dính, hóa chất, nước…) nhiều học sinh đã phải nhập viện cấp cứu.

Sự việc mới nhất là 35 học sinh ở Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bị ngộ độc sau khi chơi slime. Đáng báo động là nhiều bậc phụ huynh vẫn thiếu kiểm soát, thả nổi việc con em mình mua, sử dụng đồ chơi, nhất là các loại đồ chơi lạ.

Mua trôi nổi hay đại lý đều… dính độc

Ngày 18/4, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Hòa Vang cho biết: Đây là ca ngộ độc đồ chơi có nhiều học sinh mắc phải. Một số cháu bị nặng phải chuyển lên Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng điều trị.

Trước đó, vào ngày 16/4, có hơn 35 học sinh ở trường học trên nhập viện. Nhiều cháu khó thở, cồn cào và có biểu hiện nôn ói, mệt mỏi. Tất cả cho biết do tiếp xúc với loại đồ chơi có mùi thơm khác thường, dẻo dẻo, được xác định là đất nặn (slime) – học sinh gọi là “chất nhờn ma quái”.

Theo một số phụ huynh thì, đồ chơi lạ được bán trước cổng trường, do bà tên Lựu đứng bán. Học sinh mua về trộn thêm với chất khác để tạo ra chất dẻo, nặn thành nhiều hình thù khác nhau mà mình thích để chơi.

Phụ huynh Lê Thị Tuyết N có con ngộ độc cho biết: Con tôi không trực tiếp mua đất nặn mà chỉ ngồi xem các bạn nặn, hít nhiều mùi từ đất nặn mà cũng đau bụng, nôn ói. Tuy có nhẹ hơn các em chơi đất nặn trực tiếp nhưng cháu vẫn rất ám ảnh.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, cùng với sự cứu chữa kịp thời của ngành y tế địa phương thì các lực lượng chức năng cũng đã đi thu thập các mẫu đồ chơi học sinh đã mua dùng và bị ngộ độc mang đi kiểm nghiệm để làm rõ nguyên nhân.

Em T.N.N (lớp 4/1, Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương) cho biết, chất slime sau khi mua ở tiệm tạp hóa về phải thêm nước và chất dính khác vào theo hướng dẫn trên mạng Youtube thì mới ra được các cục dẻo, có lúc mùi thơm, có khi mùi rất khó chịu.

Ông Võ Cường (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) cùng một số bạn bè trong nhiều lần mua đất nặn có mùi thơm bán trôi nổi dọc các công viên cũng vô tình khiến con em mình bị ngộ độc. Ông Cường cho biết: Thấy rẻ và trẻ con thích thì mua chứ cũng không rõ trong đó có chất gì, công dụng hay tác hại ra sao. Nhiều túi đựng đồ chơi toàn ghi chữ Trung Quốc. Đến khi ngộ độc mới sực tỉnh và tự nhủ cần phải cẩn thận hơn với các đồ chơi này.

Cần siết chặt quản lý

Trước sự việc đáng tiếc xảy ra, đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đã cử người phối hợp cùng các cơ quan liên quan để điều tra nguyên nhân và cảnh báo các phụ huynh, trường học cần khuyến cáo con em mình không nên chơi những loại đồ chơi lạ. Cụ thể loại đất nặn nghi làm các em học sinh ngộ độc lần này, ngành giáo dục Đà Nẵng cũng đã cảnh báo nhiều. Trong quá trình vui chơi, học tập, các phụ huynh và nhà trường nên nhớ, học sinh có bất cứ biểu hiện nào bất ổn về sức khỏe nên đưa đến cơ sở y tế.

BSCKII. Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Nhi hồi sức (thuộc Bệnh viện Phụ sản – Nhi TP. Đà Nẵng) cho biết: Sức khỏe các em ngộ độc nặng chuyển đến viện nay đã ổn định, không còn đáng lo. Kinh nghiệm cấp cứu, điều trị nhiều ca ngộ độc ở học sinh cho thấy, các bậc phụ huynh cần quan tâm sâu sắc đến con em mình hơn, không dùng các đồ chơi lạ. Ngộ độc đồ chơi cũng không kém phần nguy hiểm so với các loại ngộ độc khác, phải đưa đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng.

Làm việc với các cơ quan chức năng về nguồn gốc đồ chơi lạ đã bán cho học sinh, bà Lâm Thị Lựu, chủ tiệm tạp hóa trước cổng Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương cho biết, bà lấy lại của siêu thị N.K trên địa bàn Đà Nẵng về bán cho học sinh, do bà nghĩ là hàng của siêu thị, đại lý lớn nên bảo đảm.

Từ thông tin của bà Lựu, ngày 18/4, lực lượng chức năng Đà Nẵng tiếp tục làm việc với đại lý cung ứng đồ chơi slime để làm rõ chất gây ngộ độc cho hàng loạt học sinh.

Cùng với việc cứu chữa, cảnh báo thì cơ quan chức năng Đà Nẵng cần sớm có biện pháp hướng dẫn, chấn chỉnh, siết chặt hoặc cấm các địa điểm bán hành tạp hóa bán các đồ chơi lạ, có nguy cơ ngộ độc cho trẻ em. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)

 

Người lao động ngành Y chịu tác động như thế nào do dịch COVID-19?

Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (thực hiện tại 124 cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, bao phủ trên 115.000 lao động trong cả nước) cho thấy trong thời gian cao điểm của đại dịch, gần 70% người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng việc làm. Cụ thể, 38,9% bị giãn việc/ nghỉ việc luân phiên; 26,4% bị ngừng việc tạm thời. Theo Tổng cục Thống kê, số người mất việc là 14%. So với các lĩnh vực khác, lao động ngành Y tế chịu tác động theo hai chiều hướng đối lập nhau.

Tác động đến điều kiện làm việc

Số ít là những cơ sở y tế, đơn vị, bộ phận, lực lượng phải trực tiếp tiếp nhận, khám sàng lọc, truy vết, trực cách ly, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19, khối lượng và áp lực công việc là rất lớn.

Đối với những nhóm cơ sở y tế này, do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên nhiều thời điểm bị quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo. Nhiều cơ sở y tế đã cho y bác sĩ tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát, điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi mắc COVID-19. Quá tải về thời gian làm việc, áp lực công việc căng thẳng, nguy cơ bệnh tật, bị lây nhiễm, bị kìm hãm trong không gian hẹp, phải ăn nghỉ tại bệnh viện, xa gia đình hằng tuần, stress tâm lý, hy sinh quyền lợi và nhu cầu cơ bản bản thân,… là những trải nghiệm của nhóm người lao động ngành Y này.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, phần lớn các cơ sở ngành Y có mức độ ảnh hưởng không nặng nề, thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với các nhóm ngành khác.

Cụ thể, so với những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như giao thông – vận tải, du lịch – dịch vụ, tỉ lệ lao động ngành Y bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 thấp hơn 2 lần (xem bảng 1). So với các nhóm ngành còn lại, tỉ lệ thấp hơn khoảng 1,5 lần. So với khối giáo dục công, tỉ lệ lao động ngành Y cũng chịu ảnh hưởng ít hơn 1,5 lần.

Việc lao động ngành Y ít bị ảnh hưởng do Covid-19 là bởi trước và trong thời gian cao điểm phòng chống dịch (giãn cách xã hội), số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm đi nhiều lần do tâm lý e ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, tại thời điểm đó, hếu hết các bệnh viện truyến trung ương đều hạn chế tiếp đón và khám bệnh đối với những ca bệnh nhẹ nhằm phòng tránh lây nhiễm chéo. Các bệnh viện cho biết Bộ Y tế cũng có chỉ đạo tiến hành phân tuyến điều trị ở địa phương, cấp phát thuốc để bệnh nhân tự điều trị tại nhà. Do đó, vừa được giảm nhẹ áp lực, các cơ sở y tế vừa được duy trì công việc đều đặn, đảm bảo đủ quân số, thời lượng làm việc của người lao động.

Cụ thể, khối lượng công việc được ghi nhận giữ ổn định ở 36,2% người lao động; thậm chí giảm ở 40% người lao động. Áp lực công việc chỉ ghi nhận ở 47,5%. Thời giờ làm việc được giữ nguyên ở 60%, giảm ở 22,3% người lao động.

Lương, tình hình tài chính, đời sống của ngành y thế nào

Khi xem xét cụ thể về lương cơ bản, ta nhận thấy người lao động ngành Y tế cũng là nhóm ít bị ảnh hưởng nhất, khi chỉ có 6% bị giảm lương (tập trung chủ yếu ở những bệnh viện tư). Con số này hầu như không đáng kể so với tỉ lệ giảm chung của tất cả các ngành là gần 50% (trong đó Giao thông – vận tải là 80,4%; du lịch – dịch vụ là 77,6%; thương mại – tài chính là 54,3%; nông – lâm – thủy sản là 43,8%…).

So với lương, các khoản thưởng, phụ cấp của lao động ngành y có bị ảnh hưởng theo chiều hướng suy giảm. 50% bị cắt giảm thưởng. 34% bị cắt giảm phụ cấp/ trợ cấp. Tuy nhiên, điều này cũng là khá hơn so với lao động các ngành khác, vốn bị cắt giảm mạnh trực tiếp vào cơ hội làm việc và vào lương.

Có một câu hỏi đặt ra là: Tại sao có đến 40,8% NLĐ ngành Y tế bị ngừng/ giãn việc nhưng chỉ có 6% bị giảm lương? Lý do là bởi mặc dù cùng chịu ảnh hưởng giảm khối lượng công việc theo tình hình chung (có ít bệnh nhân đến khám, cũng như hạn chế tiếp nhận bệnh nhân) nhưng các bệnh viện vẫn luôn phải duy trì đội ngũ “trực chiến”, bởi y tế thuộc lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là bởi nguồn tài chính tích lũy của các bệnh viện đủ để duy trì quỹ lương tạm thời ổn định trong thời gian dịch Covid-19 trong năm 2020.

Khi xem xét ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gia đình, kết quả cho thấy nhóm lao động ngành Y tế cũng là nhóm ít chịu ảnh hưởng nhất so với các nhóm khác. Trong khi lao động ngành Giao thông – vận tải và Du lịch – Dịch vụ có đến gần 40% phải sử dụng tiền tiết kiệm, 15% phải vay mượn tài chính thì nhóm lao động ngành Y tế chỉ là trên 22% và 5,7%.

Việc duy trì khả năng chi tiêu của gia đình trong bối cảnh Covid-19 của lao động ngành Y là tốt nhất. Gần 42% cho rằng không ảnh hưởng gì và chỉ 46,5% cho rằng phải tiết kiệm.

Tác động về tâm lý ra sao

Xét về vấn đề tâm lý, trên phạm vi thế giới, các đợt bùng phát dịch làm tăng các triệu chứng lo lắng và trầm cảm ở nhân viên y tế. Ví dụ, nhân viên phục vụ chống COVID-19 cảm thấy có lỗi do thường xuyên chứng kiến cảnh bệnh nhân chết một mình, và họ cũng phải thông báo tin tức cho những người thân qua công nghệ chứ không thể gặp trực tiếp. Cảm giác có lỗi này có thể chuyển ngay lập tức hoặc cuối cùng thành lo lắng hoặc trầm cảm lâm sàng.

Mặt khác, ở nước ngoài, các đợt bùng phát dịch làm tăng khả năng nhân viên y tế sẽ từ bỏ công việc của họ. Ở một số quốc gia, 20% – 30% nhân viên y tế tỏ ra do dự về việc làm trong thời kỳ đại dịch. Lý do là để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, những điều này hầu như không được bộc lộ và trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với lao động ngành y ở Việt Nam. Ngoại trừ, sự vất vả, mệt mỏi của lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch tại một số cơ sở y tế có chỉ định.

Nhìn chung, trong bối cảnh COVID-19, Y tế là ngành đặc thù, mức độ chịu ảnh hưởng là khác nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Là lực lượng ở tuyến đầu phòng chống dịch, lao động ngành Y đối diện với nhiều áp lực và rủi ro trong công việc. Tuy nhiên, với vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, với nhu cầu xã hội rất cao, các điều kiện, chế độ chăm lo, đãi ngộ cho lao động ngành Y cơ bản được đảm bảo so với các ngành khác.

Cộng với các tiến bộ y tế, đặc biệt là độ phổ rộng của chiến dịch tiêm vaccine phòng chống COVID-19, ngành Y cũng sớm thích ứng và các tác động của dịch bệnh sẽ sớm trở nên bão hòa đối với lao động ngành Y.

Do đó, từ góc độ quan hệ lao động, dịch COVID-19 khó có thể làm nảy sinh tranh chấp, xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động trong ngành Y tế ở Việt Nam như với các ngành khác. (Lao động, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/7/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận