Ngăn dịch COVID-19, cần quản chặt người hoàn thành cách ly
“Tình hình hiện nay đang tiềm ẩn mọi yếu tố có thể dẫn đến tình huống xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng với diễn biến phức tạp, đồng thời nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn từ bên ngoài”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 4/5.
Nhiều áp lực
“Đến nay, đương nhiên tình hình còn rất phức tạp nhưng cơ bản đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Ông đặc biệt lưu ý, ba đợt dịch trước hoặc dịch bùng phát từ nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài hoặc từ bên trong, nhưng đợt dịch lần này từ bên trong mà áp lực từ biên giới Tây Nam cũng rất lớn, thêm nữa có biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, nặng hơn.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó một số nước chung đường biên giới với Việt Nam…
Ở trong nước, mặc dù công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền được triển khai khẩn trương, tích cực, song còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh hiện nay rất đáng quan ngại với nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh hợp pháp, nhập cảnh trái phép, tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm.
“Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra. Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng. Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót; kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến”, Phó Thủ tướng nói.
Quản lý chặt 14 ngày sau khi cách ly tập trung
Qua phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà.
Các ý kiến thống nhất đánh giá, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly mắc COVID-19. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo.
Điển hình là ca bệnh 2899 tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam sau khi về theo dõi, giám sát y tế tại nhà đã gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức ăn uống với rất nhiều người. Hay trường hợp ca bệnh là chuyên gia Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Yên Bái đã di chuyển đến rất nhiều tỉnh thành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, từ 0h ngày 4/5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4/5 phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt, nhằm đảm bảo việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ hoàn thành văn bản này và ban hành trong chiều tối 4/5 để từ sáng 5/5, các trung tâm và các địa phương căn cứ thực hiện đúng.
Phó Thủ tướng yêu cầu: “Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm. Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự, mời chuyên gia vào và bàn giao về thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cam kết ghi nhận và hướng dẫn những người này tuân thủ các quy định ra sao. Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm”. (Tiền phong, trang 3)
Nguy cơ xuất hiện ổ dịch COVID-19 ở Hội An
Ngày 4/5, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo các ngành về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, đợt dịch trước, toàn tỉnh ghi nhận 118 ca mắc COVID-19 (3 ca tử vong), trong đó 96 ca liên quan Đà Nẵng và 22 ca nhập cảnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam chưa ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Liên quan ca dương tính tại Đà Nẵng, sống tại Hội An (Quảng Nam), ngay trong đêm 3/5, ngành y tế đã cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 35 trường hợp F1 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 34 trường hợp F2; tiếp tục truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, thông tin, một điểm chung của 2 ca bệnh tại Đà Nẵng và Hà Nam là phát bệnh sau 14 ngày cách ly, và lây lan rất nhanh. Do đó, có thể đối mặt đợt bùng dịch rất mạnh.
“Dự lường có thể Hội An sẽ có một ổ dịch, do đó cần hết sức khẩn trương, quyết liệt”, ông Kiệm nói.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, cần nhận định cho sát tình hình, theo dõi nắm bắt diễn biến tình hình Đà Nẵng từ đó tính toán cho địa phương, trong đó cần tập trung nhất là ở Hội An. Tranh thủ giờ vàng để xử lý, nếu không dịch lan ra thì sẽ tốn kém rất nhiều, việc dập dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Riêng ngành giáo dục trong ngày 4/5 phải hoàn thành việc khai báo của học sinh, phụ huynh, để từ đó có biện pháp tiếp theo. (Tiền phong, trang 5)
Bịt lỗ hổng cách ly để ngăn Covid-19 lây lan
Thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung 14 ngày vẫn ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2, làm lây lan dịch.
Trước việc liên tiếp 3 trường hợp mắc Covid-19 xuất hiện sau khi ra khỏi khu cách ly, khiến Việt Nam bùng phát một đợt dịch mới, cả cơ quan chức năng và các chuyên gia đều đặt dấu hỏi về các lỗ hổng hiện hữu trong cách ly.
Cụ thể, bệnh nhân (BN) 2899 sau khi kết thúc cách ly tại Đà Nẵng đã tự đi xe khách về quê, sau đó đi giao lưu ở nhiều nơi, lây nhiễm cho 15 người khác. Các chuyên gia Trung Quốc sau cách ly tập trung cũng tự tiện di chuyển khắp nơi, đi bar, vào Đà Nẵng, đi Lai Châu, mà không hề có cơ quan nào quản lý, nhắc nhở, theo dõi sức khỏe. Hay BN Covid-19 người Ấn Độ trú tại Park 10 (Times City) cũng tự đi taxi từ khu cách ly ở Hải Phòng về Hà Nội, và chỉ được phát hiện mắc bệnh khi tự đi xét nghiệm dịch vụ.
Trước đó, trường hợp BN người Nhật tử vong tại khách sạn ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) thì chỉ khi BN này qua đời, công an và chính quyền địa phương mới biết là có người sau cách ly về cư trú tại địa bàn.
Chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương
Chiều 4.5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Ban chỉ đạo), chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo để thảo luận về tình hình dịch bệnh hiện nay và các biện pháp cần gấp rút triển khai trong thời gian tới, nhất là công tác cách ly.
Phó thủ tướng đã chỉ đạo từ 0 giờ ngày 5.5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4.5 phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly quán triệt, nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú. “Phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng đặt vấn đề cần có các quy định thật cụ thể về người từ nơi cách ly đi về như thế nào? Chính quyền địa phương, cơ sở, nòng cốt là y tế và công an, có trách nhiệm đến bàn giao đến từng gia đình ra sao? Người hoàn thành cách ly tập trung phải thực hiện những gì trong 14 ngày theo dõi, giám sát y tế?… Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự, khi mời chuyên gia vào và bàn giao về thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cam kết ghi nhận và hướng dẫn những người này tuân thủ các quy định ra sao. “Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, tới những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng, cực kỳ nguy hiểm”, Phó thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh tại phiên họp của Ban chỉ đạo, ông đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm: “Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải nỗ lực để không bao giờ có tình huống đó xảy ra”.
Theo Phó thủ tướng, tới đây, phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng. Thời gian tới, sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót; kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến.
Sẽ cách ly bao nhiêu ngày?
Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong ngày 4.5 Bộ Y tế đã có tin khẩn gửi giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật/trung tâm y tế dự phòng 63 tỉnh/thành phố đề nghị tạm thời chưa cho ra khỏi khu cách ly tập trung tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính), do thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2, làm lây lan dịch. Thời gian bắt đầu thực hiện quy định từ 0 giờ ngày 4.5. Tuy nhiên, thời gian cách ly thêm cụ thể bao nhiêu ngày thì chưa có quyết định.
Trong khi đó, tại Hải Dương, sáng 4.5, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương, yêu cầu toàn tỉnh Hải Dương kích hoạt mức cảnh báo cao và đặt Hải Dương vào tình trạng khẩn cấp đối với nguy cơ dịch bệnh. Theo đó, tất cả công dân ở địa phương khác về tỉnh phải thực hiện khai báo y tế, các trường hợp từ vùng dịch thì phải cách ly y tế theo quy định. Kịp thời phát hiện, áp dụng ngay các biện pháp cách ly, lấy mẫu xét nghiệm với những trường hợp F1, F2. Cách ly tập trung đủ 21 ngày đối với những trường hợp F1.
Cùng ngày 4.5, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu triển khai mô hình cách ly “14 + 7 + 7”. Nghĩa là ngoài 14 ngày cách ly tập trung, cần có 7 ngày cách ly tại gia đình và 7 ngày tự cách ly bản thân. Đối với các trường hợp cách ly ở ngoài tỉnh, khi bàn giao về Quảng Ninh sẽ tiếp tục cách ly theo chủ trương trên. Đặc biệt, nhà nào có cách ly tại gia đình thì UBND cấp xã, phường sẽ đặt biển cảnh báo (biển đỏ, chữ vàng) trước cửa để nhân dân biết, giám sát; hết thời gian mới được dỡ biển. (Thanh niên, trang 2; Lao động, trang 3; Tuổi trẻ, trang 2; Công an nhân dân, trang 4)
Siết chặt phòng, chống dịch COVID-19
Các TP lớn và nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt siết lại các hoạt động, hạn chế tập trung đông người trong lúc các ca nhiễm mới trong cộng đồng tiếp tục tăng.
Bản tin chiều 3-5 của Bộ Y tế thông báo cả nước ghi nhận thêm 19 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng, chín ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa-Vũng Tàu (1), Kiên Giang (1), Đà Nẵng (2), Khánh Hòa (5). 10 ca ghi nhận trong nước gồm Vĩnh Phúc tám ca, Hà Nam hai ca.
TP.HCM, Hà Nội tạm dừng nhiều hoạt động
Sáng 3-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp khẩn để bàn về các giải pháp kiểm soát dịch sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng cuộc chiến phòng chống dịch chưa xác định thời gian kết thúc, trong khi virus ngày càng có nhiều biến thể nguy hiểm. Với chuỗi hai ca mắc vừa qua đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lớn từ những lỗ hổng trong các khu cách ly tập trung, quản lý người sau cách ly tập trung và quản lý người nhập cảnh.
Theo đó, ông Phong yêu cầu cần tập trung kiểm soát các nguy cơ này, bởi ông cho rằng nếu không xác định được nguyên nhân gây bệnh thì sẽ rất khó để điều trị có hiệu quả.
Tiếp đó, cần thực hiện nghiêm Công điện 570 ngày 2-5 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, Trung ương và TP.HCM về công tác phòng chống dịch.
Ông Phong yêu cầu từ 18 giờ ngày 3-5, TP.HCM tạm dừng các dịch vụ massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử và các sự kiện thể thao tập trung đông người. Trước đó, ba dịch vụ không thiết yếu cũng bị tạm dừng hoạt động, gồm quán bar, karaoke, vũ trường.
Tạm dừng hoạt động Công viên nước Đầm Sen bảy ngày để kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Sở dĩ đơn vị này phải tạm dừng hoạt động vì qua phản ánh của báo chí, trong kỳ nghỉ lễ Công viên nước Đầm Sen đã tập trung đông người, không ai đeo khẩu trang… đã vi phạm các quy định phòng chống dịch. Qua xác minh, các đơn vị liên quan cho rằng phản ánh của báo chí là có cơ sở và đề nghị UBND TP tạm ngưng hoạt động để đơn vị này khắc phục.
Trưa cùng ngày, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có thông báo khẩn gửi đến trường học trên địa bàn yêu cầu toàn bộ giáo viên, học sinh khai báo y tế sau kỳ nghỉ lễ.
Cùng ngày 3-5, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ra quyết định yêu cầu quán ăn uống đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè dừng hoạt động từ 17 giờ ngày 3-5 cho đến khi có thông báo mới. Các khu di tích, cơ sở tôn giáo cũng được yêu cầu dừng đón khách.
Đối với nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà, chủ cơ sở phải vệ sinh khử khuẩn; đảm bảo khách giãn cách xã hội tối thiểu 1 m hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung; khuyến khích khách hàng mang về. Trường hợp không đáp ứng đầy đủ công tác phòng dịch, chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền sẽ bắt buộc dừng hoạt động cơ sở kinh doanh.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT TP Hà Nội thông báo kể từ ngày 4-5, học sinh tạm dừng học trực tiếp và chuyển qua học trực tuyến.
Hiện Hà Nội ghi nhận ba ca COVID-19, đều liên quan đến ca nhiễm ở Hà Nam, sau 73 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. TP đang tạm dừng tổ chức lễ hội, phố đi bộ; các dịch vụ bar, karaoke, vũ trường, game đóng cửa từ 0 giờ ngày 30-4.
Trong ngày, các tỉnh, thành khác như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Long An, Cần Thơ… cũng ra quyết định siết lại các hoạt động để phòng chống dịch. Trong đó, Vĩnh Phúc cho học sinh nghỉ học một tuần, từ ngày 3 đến 8-5.
Đà Nẵng có ca nghi nhiễm cộng đồng
Chiều 3-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng ghi nhận một trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Ca nghi nhiễm này tên NTN (ngụ TP Hội An, Quảng Nam), là nam nhân viên bán vé khu vực spa tại khách sạn PA, đường 2/9, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng sốt, mệt mỏi từ chiều 2-5. Tối cùng ngày, bệnh nhân đến BV Hoàn Mỹ, TP Đà Nẵng.
Trước khi có triệu chứng, bệnh nhân đến nhiều nơi ở TP Đà Nẵng và TP Hội An, có lịch trình tiếp xúc phức tạp, từng đi bar và nhiều lần đi hát karaoke… (Pháp luật TP.HCM, ngày 4/5, trang 12+13)
Hà Nội tạm dừng hoạt động trung tâm massage, spa, phòng tập gym, rạp chiếu phim… để phòng dịch
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu: từ 0 giờ ngày 5/5, tạm dừng hoạt động tại các rạp, trung tâm chiếu phim, các cơ sở dịch vụ massage, spa, phòng tập gym, sân vận động… và hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người không cần thiết.
Chiều 4-5, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh – Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, trên thế giới, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới và tử vong gia tăng liên tục ở nhiều quốc gia, đặc biệt tại Ấn Độ, Nepal…
Tình hình dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng như tại Thái Lan, Malaysia, đặc biệt là Campuchia và Lào là các quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam cũng ghi nhận số mắc ngoài cộng đồng tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Nhắc lại hàng loạt công việc mà TP đã triển khai quyết liệt để khoanh vùng dập dịch trong những ngày qua, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đề nghị các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, TP, các chỉ đạo từ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Các quận, huyện, sở, ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền quyết liệt, hiệu quả, để người dân nắm được từ các nội dung của các công điện của UBND TP; đồng thời, thực hiện tổ chức hiếu hỷ văn minh, thực hiện nghiêm khai báo y tế.
“Từ 0 giờ ngày 5/5, tạm dừng hoạt động tại các rạp, trung tâm chiếu phim, các cơ sở dịch vụ massage, spa, phòng tập gym, sân vận động… hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người không cần thiết.
Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn” – Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Cùng đó, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết và xử lý dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan bùng phát dịch bệnh.
Các đơn vị mở rộng xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, hoặc các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh Covid-19 khác và các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng;
Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, chủ động rà soát các trường hợp bệnh nhân đến khám có biểu hiện sốt, ho, khó thở… và tổ chức xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh.
Sở Y tế chỉ đạo các nhà thuốc khi thấy những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở… đến mua thuốc cần báo ngay cho trạm Y tế trên địa bàn để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
CATP chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã/xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép và chủ các cơ sở lưu trú có chứa người nhập cảnh trái phép.
Bên cạnh đó, phải tăng cường vai trò của tổ Covid cộng đồng rà soát, lập danh sách người dân quay trở lại Thành phố trên địa bàn sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5 để giám sát, quản lý và tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết và xử lý dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan bùng phát dịch bệnh… (An ninh thủ đô, trang 3).
Thanh Huyền tổng hợp