Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2021) có chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá”

(CDC Hà Nam)
Ngày 27/5/2021, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc (25 -31/5/2021).

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5). Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19, nhất là ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường…

Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng chống thuốc lá, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Hoạt động Phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh thành phố năm 2020 cho thấy so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5 xuống 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới.

Bà Phan Thị Hải, phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết tỉ lệ người sử dụng thuốc lá kiểu mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Năm 2015 tỉ lệ này mới ở mức 0,2%, hiện đã tăng lên 3,6%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, người hút thuốc lá nếu mắc COVID-19 bệnh sẽ nặng hơn và dễ tử vong hơn. Ông Lâm chia sẻ: tỉ lệ tử vong ở người mắc COVID-19 có hút thuốc lá cao hơn 2 lần so với người không hút. Các loại thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, đều dẫn đến những tổn thương phổi khó hồi phục.

Để hỗ trợ người cai nghiện thuốc lá, trong những năm qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã chú trọng triển khai tư vấn cai nghiện thuốc lá. Quỹ đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai 1800-6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh số 1800-1214, đồng thời hỗ trợ 8 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá. PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định: Thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chính là thời gian phù hợp nhất để người hút thuốc quyết tâm bỏ thuốc lá

Bà Phan Thu Phương, phó giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết kể từ khi mở tổng đài cai nghiện thuốc lá, 8.000 người đã sử dụng dịch vụ cai nghiện thuốc lá tại đây và đã có 1.500 người dừng thuốc lá từ 1 năm trở lên.

http://t5g.org.vn/

Bài viết liên quan

Tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại thuốc lá  cho đoàn viên, thanh niên

Mậu Ngọ

Đề nghị những người đến Quán Bờm 2, ở đường Nguyễn Văn Trỗi (TP. Phủ Lý) từ 11h đến 12h ngày 26/6; nhà ông Đinh Đăng Hùng, thôn 2, xã Thi Sơn (Kim Bảng) trưa ngày 27/6 liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất, hoặc CDC Hà Nam: 0983.199.839; 0915.028.963 để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống Covid-19.

admin

Tuyệt đối không chủ quan, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong điều trị bệnh COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận