Tiêm vắc xin COVID-19 giúp tránh hội chứng mệt mỏi mãn tính sau mắc

(CDC Hà Nam)

Mặc dù người cao tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi COVID-19, một nghiên cứu mới đây cảnh báo rằng những bệnh nhân trẻ tuổi có thể gặp các vấn đề về khả năng tập trung và mệt mỏi kéo dài, ngay cả khi chỉ nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ.

Hội chứng mệt mỏi mãn tính sau mắc COVID-19

Nghiên cứu mới cho thấy, nhiều trường hợp mắc COVID-19 ở độ tuổi từ 19 đến 30 đều gặp các triệu chứng điển hình của chứng rối loạn thường được gọi là hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS).

Theo TS. Peter Rowe, Trung tâm Nhi Johns Hopkins ở Baltimore, thành viên nhóm nghiên cứu: Từ lúc nhiễm COVID-19 từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, các trường hợp này đều mắc bệnh hô hấp tương đối nhẹ và không cần thở oxy hay nhập viện. Nhưng tất cả bệnh nhân đều gặp tình trạng mệt mỏi, choáng váng cũng như khó tập trung ngay từ đầu. Họ không thể hoàn thành các hoạt động trước đây có thể thực hiện dễ dàng, như ngồi thẳng lưng trước máy tính, nấu ăn hay tập thể dục”.

Các nhà khoa học phát hiện rằng, các trường hợp này đều mắc chứng “không dung nạp tư thế đứng” nghiêm trọng, một tình trạng mà người bệnh thường choáng váng hay ngất xỉu sau khi đứng yên trong vài phút và tim đập nhanh. Họ đều mắc chứng không dung nạp tập thể dục (biểu hiện là tình trạng khó chịu trầm trọng sau hoạt động gắng sức) cũng như chứng viêm liên quan đến dị ứng, bao gồm các cơn phát ban tái phát và không dung nạp một số loại thực phẩm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng đối mặt với các triệu chứng điển hình khác của CFS như ngủ kém, khó tập trung suy nghĩ.

Đặc biệt, các triệu chứng CFS tăng lên ở nhiều bệnh nhân đang hồi phục sau khi nhiễm COVID-19.

Các dữ liệu gần đây cũng cho thấy phần lớn bệnh nhân COVID-19 đều mắc chứng “sương mù não” (một thuật ngữ dùng để chỉ triệu chứng rối loạn chức năng nhận thức, ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ của bệnh nhân), đau đầu, tê và ngứa ran, đau cơ, nhức mỏi ở các mức độ khác nhau.

Tại sao COVID-19 lại gây ra CFS?

Các chuyên gia lưu ý, chưa thể xác định chắc chắn về mối quan hệ nhân quả giữa COVID-19 với hội chứng mệt mỏi mãn tính. Có khả năng đây là kết quả trực tiếp do tác động của virus đối với hệ thống thần kinh thực vật của bệnh nhân. Hoặc cũng có thể do tác động gián tiếp xuất phát từ phản ứng miễn dịch của người bệnh với virus.

Trong khi các phương pháp điều trị nhắm đến mục đích kiểm soát tình trạng viêm và nhịp tim tăng cao đem lại hiệu quả tốt, hàng ngày bệnh nhân “vẫn khá suy nhược” mặc dù đã nỗ lực điều trị tích cực. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của họ từ 11 đến 14 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Vì thế, những người trẻ tuổi hãy tiêm phòng vắc-xin để có thể tránh mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính hậu nhiễm COVID-19. Bởi chứng bệnh quái ác này có thể cướp đi khả năng sinh hoạt bình thường, suy nghĩ, di chuyển theo ý muốn của bệnh nhân, ảnh hưởng đến học tập cũng như công việc của họ. Hội chứng này có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là suốt đời đối với một số bệnh nhân.

Như Huệ tổng hợp

                    

 

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 09 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Sở đồ tóm tắt về chuẩn đoán và xử trí phản vệ.

CDC Hà Nam

05 mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ngày 09/01/2021 đều có kết quả hiện tại âm tính

CDC Hà Nam

Để lại bình luận