Phòng mất nước cho trẻ trong mùa nóng

(CDC Hà Nam)

Nước đóng vai trò rất quan trọng với con người. Nếu thiếu nước, chúng ta có thể đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe. Với trẻ nhỏ, mất nước ảnh hưởng lớn đến cơ thể, sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Cha mẹ cần chủ động nhận biết và phòng tránh mất nước cho trẻ trong mùa nắng nóng.

 Thời tiết nắng nóng, khiến nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, làm cơ thể trẻ dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng của trẻ còn yếu, cho nên thời tiết nắng nóng khiến trẻ bị mắc bệnh và chịu nhiều tác động không tốt đối với sức khỏe.

Phần lớn trẻ dưới 5 tuổi, mọi nhu cầu của bản thân đều phụ thuộc vào cha mẹ hay người chăm sóc. Việc chăm sóc thích hợp, đặc biệt là vào những lúc thời tiết quá nóng sẽ góp phần giúp trẻ thích nghi tốt hơn, cải thiện sức đề kháng, giúp trẻ luôn khỏe mạnh.

Nguyên nhân mất nước

Trẻ nhỏ có thể dễ dàng bị mất nước trong thời gian thời tiết nóng do đổ mồ hôi và không uống đủ nước. Ngoài ra, nguyên nhân mất nước cũng có thể do: Có nhiều hoạt động thể chất hoặc tập thể dục; Chơi ngoài nắng nóng; Bị sốt cao; Nôn ói hoặc tiêu chảy nặng; Ăn hoặc uống không đủ.

Dấu hiệu mất nước nhẹ

Chóng mặt; Cảm thấy buồn nôn hoặc đau đầu; Có nước tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu; Có ít tã ướt hơn bình thường hoặc nếu tã của chúng ít ướt hơn bình thường; Ít đi vệ sinh hơn bình thường; Lưỡi và miệng khô. Nếu có những dấu hiệu này, cách điều trị tốt nhất là cho trẻ uống nước. Nếu trẻ từ chối thì cho trẻ uống sữa bình thường của trẻ uống. Không cho đồ uống có đường như nước ngọt hoặc đồ uống thể thao, điều này có thể làm cho tình trạng mất nước càng nghiêm trọng hơn.

Dấu hiệu trẻ mất nước nặng

Rất khát; Mệt mỏi và thờ ơ; Trông nhợt nhạt và mắt trũng sâu; Có ít nước mắt hơn bình thường; Bứt rứt, buồn ngủ; Thở nhanh hơn bình thường và nhịp tim nhanh. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước nặng phải đưa trẻ đi khám ngay hoặc đến bệnh viện cấp cứu gần nhất.

Giữ trẻ đủ nước trong thời tiết nóng

Nếu trẻ đang tuổi bú, cho bé bú thường xuyên theo yêu cầu trong mùa nóng, có thể thường xuyên hơn bình thường. Để đủ nước, có khi thêm cả uống nước mỗi khi ăn; Nếu trẻ bú bình, cũng có thể cho bú tăng số lượng; Trẻ hơn 6 tháng tuổi có thể được cho từng lượng nhỏ nước chín, sau hoặc giữa bữa bú; Cho trẻ lớn uống nước thường xuyên trong ngày, 1 đến 1,5 lít (1- 6 ly) mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ khỏe mạnh

Tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết:  Nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội, nước rau má, nước mía…giúp cơ thể trẻ luôn có sức đề kháng tốt; Thực hiện tốt việc “nuôi con bằng sữa mẹ”: Đây là biện pháp chủ động nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là trẻ nhỏ và trẻ nhũ nhi. Vì sữa mẹ ngoài dưỡng chất quan trọng còn có một lượng kháng thể dồi dào, giúp trẻ luôn khỏe mạnh; Tăng cường các món canh bổ dưỡng: Giúp trẻ giải nhiệt mùa nắng nóng, cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, nhằm trẻ ăn uống dễ dàng, thuận lợi hơn. Để cơ thể trẻ luôn được cung cấp đầy đủ chất bổ dưỡng, là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Lưu ý khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ

Vì thời tiết nắng nóng làm nhiệt độ môi trường bên ngoài luôn tăng cao, nhiều gia đình cố gắng tao điều kiện cho trẻ được thoải mái và dễ chịu bằng cách cho trẻ vui chơi, sinh hoạt trong phòng điều hòa. Tuy nhiên, nếu không chú ý những nguyên tắc căn bản hoặc sử dụng không điều độ sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, nếu cho trẻ sử dụng điều hòa trong thời gian kéo dài quá mức (thường trên 4 tiếng). Nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ làm cho đường hô hấp của trẻ sẽ bị khô khiến cho sức đề kháng đường hô hấp của trẻ bị giảm nên trẻ sẽ dễ bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết… làm trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ăn uống kém làm sức khỏe giảm sút.

Nếu có nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, phụ huynh nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8-10 độ C, hoặc duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độ C là hợp lý. Nhớ cho trẻ uống đủ nước để khỏi bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng điều hòa nhiệt độ để tránh cho trẻ (và cả người lớn) khỏi ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt. Khi định ra ngoài phòng điều hòa, nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng (để cơ thể có thời gian thích nghi với sự chuyển đổi không khí bên ngoài), điều này sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ.

Theo Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Mùa lạnh, người cao tuổi nên phòng bệnh như thế nào?

Ngọc Nga

Chăm sóc trẻ sơ sinh

CDC Hà Nam

Đề phòng viêm thoái hoá khớp ngón tay

Ngọc Nga

Để lại bình luận