Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Sinopharm tiêm cho 3 đối tượng; Đà Nẵng tái bùng phát dịch vì chủ quan; Những lưu ý đặc biệt sau tiêm vắc-xin; TP Hồ Chí Minh quyết tâm khống chế dịch Covid-19…
Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Sinopharm tiêm cho 3 đối tượng
Được sự uỷ quyền của Chính phủ, chiều 20/6 tại sân bay Quốc tế Nội Bài, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Vero-Cell của Sinopharm và 502.400 chiếc bơm tim tiêm chủng dùng 1 lần, loại 1ml.
Vero-Cell là vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và được Chương trình COVAX mua để giúp các nước tiếp cận với vắc xin một cách công bằng.
Vắc xin Vero-Cell đã được cung cấp tới hơn 70 quốc gia, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Hơn 450 triệu liều vắc xin Vero-Cell đã được sản xuất, trong đó 100 triệu liều đã được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp. Dự kiến, 500 nghìn liều vắc xin Vero-Cell mà Việt Nam tiếp nhận hôm nay sẽ được tiêm cho 3 nhóm đối tượng: Công dân nước CHND Trung Hoa làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại nước CHND Trung Hoa; người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với nước CHND Trung Hoa.
Trung Quốc là một trong số ít các nước đã nghiên cứu thành công, đưa vào thử nghiệm và tiến hành tiêm chủng vắc xin COVID-19 sớm nhất. Đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt 07 loại vắc xin ngừa COVID-19 sản xuất và tiêm chủng trong nước cũng như viện trợ, xuất khẩu cho các nước (trong đó có 02 loại vắc xin của Sinopharm và Sinovac đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp).
Tính đến ngày 07/6/2021, Trung Quốc đã xuất khẩu và viện trợ 350 triệu liều vắc xin cho các nước. Trong đó, xuất khẩu vắc xin đến hơn 50 quốc gia; hoàn thành viện trợ cho 66 quốc gia và 01 tổ chức quốc tế; cam kết cung cấp cho COVAX lô hàng đầu tiên 10 triệu liệu vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Ngày 8/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này đã cung cấp cho khu vực Đông Nam Á 100 triệu liều vắc xin và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để Đông Nam Á phòng chống dịch bệnh.
Theo trang thống kê bridgebeijing.com, đến nay, các vắc xin Trung Quốc chủ yếu được chuyển cho các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau đó là Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Phi.
Vắc xin của Sinopharm đã được chính phủ Trung Quốc sử dụng viện trợ cho Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar, Pakistan… và bán cho Pakistan, Mông Cổ, các nước Trung và Đông Âu. Vắc-xin của SinoVac đã được bán cho hơn 30 quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan. (Tiền phong, trang 4).
Đà Nẵng tái bùng phát dịch vì chủ quan
Sau hơn 1 tháng kiểm soát và khống chế được dịch bệnh, Đà Nẵng lại bùng phát dịch bệnh COVID-19 mà nguyên nhân do chủ quan, lơ là việc kiểm soát ở các chốt chặn.
Không được bình yên
Sau 12 ngày được “nới lỏng”, từ 12h trưa qua (20/6), Đà Nẵng lại phải tạm dừng hoạt động tắm biển, kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ sau khi thành phố (TP) bùng phát dịch với hơn 30 ca mắc COVID-19 được phát hiện chỉ trong hai ngày 18 và 19/6. Lần này quận Thanh Khê là tâm điểm. Nhiều khu vực ở quận Thanh Khê buộc phải tạm thời phong tỏa để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Trước đó, ngày 18/6, Đà Nẵng phát hiện ca dương tính trong cộng đồng (Bệnh nhân 12437) là nhân viên bảo vệ Công ty nhựa Duy Tân (quận Thanh Khê). Theo khai thác dịch tễ, ngày 6 và 10/6 bệnh nhân có tiếp nhận xe chở hàng từ TP HCM đến nhập hàng vào kho của công ty tại số 407 Lê Duẩn (Đà Nẵng). Nguồn lây nhiễm đươc ngành y tế Đà Nẵng xác định từ đây, khi lái xe từ TP HCM trước đó đã được xác định dương tính.
Ðợt cao điểm mới
Sau 31 ngày yên bình, Đà Nẵng lại phải bắt tay tiếp tục vào một đợt cao điểm mới trong phòng, chống dịch. Tại buổi họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố sau khi có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đã phải thốt lên: “Bao nhiêu công sức, cố gắng của thành phố một tháng qua coi như làm lại từ đầu”. Nguyên nhân chủ yếu để dịch bùng phát vẫn là chủ quan, lơ là. “Nếu như xe tải và người lái xe từ TP HCM đi vào Đà Nẵng được kiểm soát và chỉ cần thực hiện khai báo y tế việc họ từ TP HCM vào đây thì tin chắc rằng không để xảy ra hậu quả. Chỉ vì lơi lỏng, thiếu ý thức trách nhiệm dẫn đến hậu quả khôn lường,” ông Quảng phê bình các lực lượng được giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Công ty nhựa Duy Tân đã không có ý thức khai báo y tế theo quy định khi tiếp nhận hàng hóa, người từ vùng dịch về. Bản thân F0 trước đó cũng không ý thức báo cáo theo yêu cầu. Bí thư Đà Nẵng yêu cầu lực lượng chức năng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với chủ Công ty nhựa Duy Tân theo đúng quy định; nếu vi phạm phải xử nghiêm, đình chỉ hoạt động của công ty này.
Bí thư Đà Nẵng đã đề nghị Công an TP Đà Nẵng phải kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của chốt đã bỏ lọt trường hợp lái xe từ TP HCM đi vào Đà Nẵng. Đồng thời yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh lại hoạt động tại các chốt kiểm soát. Bổ sung lực lượng, phương tiện, khẩn trương làm nhà container cho anh em làm việc tại các chốt. (Tiền phong, trang 4; Thanh niên, trang 4; Lao động, trang 3).
Những lưu ý đặc biệt sau tiêm vắc-xin
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, Việt Nam tiêm gần 2 triệu liều vắc-xin COVID-19, chưa trường hợp nào có biểu hiện huyết khối trong 28 ngày sau tiêm.
Bộ Y tế cho biết, mục tiêu làm sao đạt trên 2/3 dân số tiêm vắc-xin, đạt miễn dịch cộng đồng mới kiểm soát tốt nguy cơ dịch COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế có một số người còn e ngại các tác dụng phụ khi đi tiêm vắc-xin. “Tất cả vắc-xin bản chất là đưa chất lạ vào cơ thể. Vắc-xin nào cũng có tỷ lệ nhất định về tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của vắc-xin”, PGS Cơ nói.
Hiện tại, tất cả các nước đều báo cáo tác dụng phụ không mong muốn của vắc-xin AstraZeneca như biểu hiện sốt, đau mỏi người giống như triệu chứng cúm, đau mỏi, sưng nề tại chỗ tiêm. “Đây là biểu hiện thông thường sau tiêm vắc-xin, người dân ko nên quá lo lắng với các biểu hiện thông thường này. Có người tiêm về cảm giác ớn lạnh, có người sốt 39-40 độ phải dùng thuốc hạ sốt. Đừng quá lo lắng, đó là triệu chứng thông thường sau tiêm vắc-xin. Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, sau tiêm 2-3 ngày tuyệt đối không uống bia rượu, hạn chế hoạt động nặng, hoạt động thể thao”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, nếu có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, nôn ngay sau khi tiêm, đây là những triệu chứng bác sĩ, điều dưỡng cần xử lý kịp thời ngay sau tiêm. Cá biệt có những trường hợp xảy ra muộn, người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế, báo cho cơ sở y tế biết để người dân được cấp cứu, điều trị kịp thời. (Tiền phong, trang 4).
TP Hồ Chí Minh quyết tâm khống chế dịch Covid-19
Tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và nguy hiểm khi mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng, xâm nhập vào các cơ sở y tế, các khu công nghiệp (KCN). Lãnh đạo thành phố đã quyết định nâng cao mức độ các biện pháp phòng, chống dịch, chấp nhận phát triển kinh tế chậm lại, nhằm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường.
Xuất hiện nhiều ổ dịch mới
Tính đến 6 giờ ngày 20-6, TP Hồ Chí Minh đã có 1.796 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố; trong đó 1.549 trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: Ðặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus (vi-rút) Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm và nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan rất nhanh và rộng tại thành phố. Các chuỗi dịch lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện. Ðáng chú ý, thành phố đã ghi nhận nhiều ca bệnh là công nhân ở các công ty, KCN, nhân viên y tế và nhân viên văn phòng…
Việc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để “thủng lưới” với hơn 60 nhân viên và các trường hợp liên quan là bài học sâu sắc đối với ngành y tế thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu, sự tấn công của Covid-19 vào BV là điều “không thể ngờ” khi mầm bệnh xâm nhập vào văn phòng, bộ phận hậu cần của BV chứ không phải là các khoa điều trị. Tuy nhân viên y tế đã duy trì việc mang khẩu trang, phương tiện phòng hộ mỗi khi tiếp xúc người bệnh, nhưng nhân viên văn phòng vẫn chưa có được thói quen này. Ðây chính là kẽ hở để mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào BV.
Bên cạnh đó, các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng được phát hiện trong thời gian gần đây vẫn chưa rõ nguồn lây, như: Xưởng cơ khí ở Hóc Môn, chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, chuỗi vựa ve chai quận 1, chuỗi Công ty Kim Minh quận 5, Công ty thực phẩm Trung Sơn… Gần đây, thành phố còn phát hiện một số ca bệnh là người bán hàng rong, tài xế xe công nghệ… Qua đó cho thấy, những ca bệnh bất ngờ vẫn xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Ðức cho biết: Bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt, chấp hành nghiêm của các tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống Covid-19, thì vẫn còn một vài đơn vị, cá nhân lơ là trong thực hiện giãn cách xã hội. Chính vì thế, dù thành phố đã kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm lớn như nhóm truyền giáo Phục hưng nhưng vẫn để nhiều ổ dịch khác tiếp tục xuất hiện, chưa được khống chế một cách triệt để. Trước tình hình đó, TP Hồ Chí Minh đã quyết định triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khống chế dịch Covid-19, không để mất kiểm soát tình hình.
Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch
Sau khi xem xét tình hình thực tế diễn biến dịch Covid-19, ngoài tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tối 19-6,
UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10 về “Siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”. Ðây được xem là hành động quyết liệt của thành phố để sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp trước đây, Chỉ thị số 10 đã bổ sung nhiều nội dung nhằm nâng mức độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; dừng hoạt động các chợ tự phát; tạm dừng hoạt động đối với xe buýt, ta-xi, xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển…
Chị Cao Nguyễn Dương Ðông, khu phố 14, phường 12, quận Gò Vấp chia sẻ, sáng nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra các điểm chợ tự phát trên địa bàn phường. Hầu hết người buôn bán tại các chợ tự phát đều chấp hành tốt và nhanh chóng dọn dẹp hàng hóa. Người dân đã quen mua hàng ở các chợ tự phát vì gần nhà, nay chợ dừng hoạt động cũng có chút bất tiện khi phải đi chợ xa hơn. Tuy nhiên, đây là quyết định cần thiết để thành phố ngăn chặn nguồn lây của dịch.
Ðồng chí Dương Anh Ðức cho biết: Trong tình hình hiện nay, thành phố sẽ linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những nơi nào kiểm soát tốt dịch sẽ nới lỏng giãn cách, những nơi nào vẫn còn diễn biến phức tạp thì có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã thiết lập phong tỏa các khu phố 2, 3, 4, phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) trong 14 ngày, do tình hình dịch ở những nơi này còn mức nguy cơ cao.
Ngay từ rạng sáng 20-6, huyện Hóc Môn đã lập các chốt chặn tại ấp Thới Tây 1, Tân Thới 2 và Tân Thới 3. Người dân trong khu vực phong tỏa tuyệt đối không ra ngoài và được nhận thức ăn, nhu yếu phẩm ở bên ngoài gửi vào. Các chợ được kiểm soát chặt chẽ khi ra, vào trong khi các gian hàng tự phát chung quanh chợ được thông báo dừng hoạt động. Ðường phố và các khu vực thường tập trung đông người tại huyện Hóc Môn cũng được lập các cổng rào hạn chế đi lại, hàng quán tạm dừng hoạt động. Mặc dù đời sống có nhiều ảnh hưởng và bất tiện, nhưng người dân vẫn hợp tác và nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của các đơn vị chức năng.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong BV và nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào BV, Sở Y tế thành phố tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong BV, siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ. Sở Y tế thành phố đã yêu cầu sau giờ làm việc ở BV, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người chung quanh để tránh lây dịch bệnh. Ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, phòng, chống dịch trong KCN qua việc lấy mẫu tầm soát có trọng tâm ở KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn; xét nghiệm toàn bộ người lao động trong KCN có người nhiễm, nghi nhiễm và mở rộng xét nghiệm trong tất cả các KCN. Sở Y tế sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phối hợp với các cơ quan y tế của thành phố và đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tổ chức xét nghiệm bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.
Trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: Toàn thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm, nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, cần phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Về lâu dài, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc-xin. Chính vì thế, bên cạnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thành phố chú trọng đến công tác tiêm vắc-xin cho người dân trên địa bàn. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nền nếp, kỷ cương trong quá trình phòng, chống dịch, với quyết tâm sớm khống chế được dịch Covid-19. “Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài, bảo đảm sức khỏe cho mọi người và sự an toàn, phát triển bền vững của thành phố” – đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. (Nhân dân, trang 8).
Việt Nam mua 30 triệu liều vaccine do AstraZeneca sản xuất của VNVC
Ngày 19/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP về mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC).
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) với các điều kiện sau:
Chấp nhận mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 của Công ty VNVC đã mua của AZ (bao gồm cả số lượng vaccine mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vaccine của công ty VNVC).
Chấp nhận giá mua vaccine theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với Công ty, trong đó:
Giá mua vaccine là giá tạm tính, trường hợp AZ giảm giá bán cho Công ty VNVC thì Công ty phải giảm giá tương ứng cho Bộ Y tế; trường hợp AZ tăng giá bán cho Công ty VNVC thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho VNVC theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng.
Thanh toán chi phí vận chuyển vaccine về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế do AZ cung cấp cho VNVC theo các điều khoản trong hợp đồng giữa AZ và công ty VNVC.
Thanh toán các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng theo số tiền Công ty VNVC phải thanh toán thực tế cho ngân hàng.
Chính phủ cũng chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine hoặc việc sử dụng vaccine cho AstraZeneca và Công ty VNVC.
Công ty VNVC có thể giao hàng không đúng tiến độ.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về đơn giá, số lượng trên cơ sở kết quả đã đàm phán với công ty VNVC. (Công an nhân dân, trang 1; Lao động, trang 3).
Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay?
Bộ Y tế đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021, tức sẽ tiêm đủ cho 70% dân số. Liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu này, khi tiến độ vắc xin về rất chậm?
Tuổi Trẻ đã gặp gỡ ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Thuấn cho biết:
– Có nhiều nguồn vắc xin: Chính phủ điện đàm với lãnh đạo các nước, đàm phán với nhà sản xuất, từ nguồn của COVAX Facility đã và đang về Việt Nam; nguồn thứ hai từ thỏa thuận ba bên giữa Bộ Y tế, Công ty AstraZeneca và Công ty VNVC.
Một nguồn nữa là Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Pfizer mua 31 triệu liều. Cách đây vài ngày, sau khi có chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã đàm phán thành công mua 20 triệu liều vắc xin Spunik V của Nga.
Bên cạnh đó còn có nguồn của các tổ chức, các quốc gia hỗ trợ, như Nhật Bản hỗ trợ 1 triệu liều và có thể hỗ trợ thêm; Trung Quốc cũng hỗ trợ và lô vắcxin vừa đến VN vào ngày 20-6. Bộ Y tế đang đàm phán thêm với các đối tác và đang chờ ý kiến chính phủ nước bạn, tiến tới đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ để đưa vào kênh đàm phán chính thức giữa chính phủ hai nước, nhằm sớm có thêm vắc xin cho Việt Nam.
Ngoài ra, các nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước cũng đang có tiến triển tốt, vắc xin của Nanogen (vắc xin Nano Covax) đã xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo Luật dược, vắc xin hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 mới có thể đề xuất cấp phép, nhưng trong trường hợp khẩn cấp Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt vắc xin sớm. Một đơn vị khác cũng đang được giao đàm phán nhận chuyển giao công nghệ vắc xin ngừa COVID-19 hiện đại mRNA.
Hiện đàm phán đã thành công, đơn vị này đang xây dựng cơ sở vật chất để có thể sản xuất vắc xin ngay trong 2021.
Có thể tiêm 10 triệu mũi/tháng
* Số lượng vắc xin Việt Nam tiếp cận được như trên là rất lớn, nhưng về tiến độ cung cấp còn đang chậm. Tới đây tình hình này có được cải thiện không, thưa ông?
– Về tiến độ cung cấp tới đây tôi cho rằng sẽ tốt hơn, bởi các hợp đồng của Việt Nam hầu hết là mới ký, đối tác sẽ chuyển giao theo hợp đồng và hợp đồng cũng ưu tiên cung cấp trong năm 2021.
Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Chính phủ, của Chủ tịch nước đã thúc đẩy các công ty cung ứng cho Việt Nam tới đây theo đúng tiến độ, mặc dù nguồn cung hạn chế. Sự hỗ trợ này có tác động thuận lợi để Việt Nam sớm nhận nguồn vắc xin đã đàm phán được chuyển sớm về Việt Nam.
Ngoài ra, sau khi Việt Nam đàm phán mua được vắc xin Moderna, Pfizer, nhiều công ty vắc xin lớn của thế giới đang hoàn thiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để có thể có nguồn cung cho thế giới cũng bày tỏ sẵn sàng cung cấp thêm vắc xin cho Việt Nam.
* Với lượng vắc xin này, như lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ ý định trong năm 2021 sẽ tiêm được cho 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu này thực hiện có khả thi không, thưa ông, bởi bây giờ đã sắp hết tháng 6 mà mới có khoảng 2,4 triệu người được tiêm chủng?
– Thực tế đây là mục tiêu mà Bộ Y tế phấn đấu đạt được. Chúng tôi đang nỗ lực và hy vọng đạt được mục tiêu đó trong năm nay, do có niềm tin về nguồn cung vắcxin. Thứ hai, Bộ Y tế được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới đây sẽ thành lập một ban chỉ đạo tiêm chủng quốc gia, trụ sở ban này đặt ở Bộ Quốc phòng, với sự hỗ trợ rất tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin – truyền thông, từ đó đưa ra một chu trình hoàn chỉnh cho việc tiêm chủng, chắc chắn việc điều phối từ trung ương đến địa phương sẽ hiệu quả, khoa học.
Ngoài ra, hệ thống tiêm chủng của Việt Nam cũng rất có kinh nghiệm. Tất nhiên đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, Bộ Y tế cũng rất cẩn trọng, đã đưa ra các bước đi phù hợp: tập huấn nhiều lần từ trung ương, tỉnh, huyện, tập huấn đội ngũ trực tiếp tham gia tiêm chủng, chỉ cho phép cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng tham gia đợt này để tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Về tốc độ tiêm chủng, chúng ta hoàn toàn có thể tiêm được 10 triệu mũi/tháng hoặc hơn thế do chúng tôi huy động cả hệ thống y tế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hệ thống y tế tư nhân… tham gia.
* Thưa ông, 70% dân số được tiêm chủng trong năm 2021 là mong muốn rất lớn, nhưng nếu không đạt được thì sớm nhất bao giờ chúng ta sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng?
– Mục tiêu sớm nhất là hết năm 2021, nhưng nếu do những yếu tố bất khả kháng, lý do khách quan, đặc biệt do nguồn cung vắc xin từ nước ngoài, thì sẽ cố gắng hoàn thiện mục tiêu này trong 6 tháng đầu năm 2022.
Sẽ sớm có chính sách tiêm chủng mở rộng
* Gần đây có 53 y bác sĩ, cán bộ nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm ngừa đủ 2 mũi vắcxin nhưng vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo ông, hiệu quả thực tế của vắc xin liệu có như mong đợi?
– Phải nói rằng không có vắc xin nào đảm bảo miễn dịch 100%, cũng như an toàn 100%. Chúng ta đánh giá hiệu quả của vắc xin dựa trên nhiều yếu tố: thứ nhất là về phòng bệnh, thứ hai là khả năng giúp hạn chế lây lan, thứ ba là giảm tử vong khi mắc bệnh.
Các vắc xin hiện tại đang lưu hành có tỉ lệ giảm mắc thì tùy từng loại vắc xin, như vắc xin AstraZeneca từ 65 – 82%, vắc xin của Pfizer và Moderna thì dao động trong khoảng 90 – 95% và tỉ lệ tử vong đối với các vắc xin hiện tại đang lưu hành giảm được 100%.
* Có ý kiến cho rằng việc chống dịch trong 1 năm rưỡi qua ở Việt Nam rất tốt, nhưng khi chuyển sang giai đoạn vắc xin thì chúng ta bị chậm, lỡ nhịp. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
– Việc tiêm vắc xin như chỉ đạo của Thủ tướng là biện pháp căn bản, lâu dài để chúng ta có vũ khí tấn công virus, đây là yếu tố quyết định để chống dịch có thành công hay không. Thứ hai, về vấn đề vắc xin, ngay từ những tháng ngày đầu tiên khi xảy ra dịch năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế bên cạnh việc nghiên cứu phát triển vắc xin thì phải quyết liệt mua vắc xin.
Bộ Y tế đã sử dụng các kênh, các diễn đàn, với sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, đến nay đã ký kết được với nhiều đối tác như tôi đã nói ở trên.
Nhưng trong quá trình chuyển vắc xin cho Việt Nam, các đối tác cung cấp cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tỉ lệ mắc COVID-19 của từng nước; có thời điểm Việt Nam chuẩn bị nhận được vắc xin của COVAX thì Campuchia xảy ra dịch lớn, COVAX đã chuyển lô vắc xin đó cho Campuchia, đó là yếu tố khách quan.
Bộ Y tế đã và đang cố gắng huy động tối đa, nhanh nhất để có vắc xin cho Việt Nam, bên cạnh nghiên cứu phát triển vắc xin nội để chúng ta có thể tự chủ được vắc xin.
* Như ông nói nguồn vắc xin khá dồi dào, vậy khi nào những người dân bình thường của Việt Nam có thể được tiêm vắc xin?
– Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện việc tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 và có những chính sách để mở rộng tiêm chủng, tiến tới tiêm chủng sớm nhất cho tất cả mọi người có chỉ định tiêm ngừa. (Tuổi trẻ, trang 1).
Giọt hồng Thành phố Hoa’ tiếp nhận hơn 1.000 đơn vị máu giữa mùa dịch Covid-19
Dù đang giữa mùa chống dịch Covid-19 nhưng có trên 1.000 người dân TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) tình nguyện hiến máu cứu người trong ngày hội “Giọt hồng Thành phố Hoa” năm 2021.
Ngày 20.6 tại TP.Đà Lạt, dù đang giữa mùa chống dịch Covid-19, nhưng có trên 1.000 người dân phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng) tình nguyện hiến máu cứu người trong ngày hội “Giọt hồng Thành phố Hoa” năm 2021, thuộc chương trình Hành trình đỏ lần thứ 9. Năm nay, tỉnh Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh, thành phố của cả nước liên tiếp tổ chức Hành trình Đỏ trong 9 năm liền.
Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng đã vận động trên 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, đoàn viên, thanh niên tại các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP.Đà Lạt tham gia hiến máu tình nguyện.
Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm y tế Đà Lạt đã điều động lực lượng 40 y bác sĩ tham gia phục vụ công tác khám sàng lọc và tiếp nhận máu, bố trí 30 giường lấy máu và 1 xe cấp cứu, thuốc thiết yếu sẵn sàng cấp cứu tại điểm hiến máu.
Ban tổ chức huy động 70 tình nguyện viên hỗ trợ các khâu trong tổ chức hiến máu, đảm bảo tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid -19.
Những người tham gia hiến máu thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong khu vực tiếp nhận máu như khử khuẩn trước và sau khi hiến máu, hướng dẫn đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay phòng dịch Covid-19, giãn khoảng cách, tất cả đều khai báo y tế, khám sàng lọc…Ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng, cho biết kết quả ngày hội hiến máu tình nguyện “Giọt hồng Thành phố Hoa” của tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận 1.054 đơn vị máu, vượt so với dự kiến số lượng máu tiếp nhận 1.000 đơn vị. Toàn bộ số máu này cung cấp cho Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để cứu người trong lúc dịch Covid-19, nguồn máu hiến khan hiếm. Không chỉ tại TP.Đà Lạt, tại các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Cát Tiên và TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng hưởng ứng chương trình Hành trình Đỏ nên đã và sẽ tiếp tục tổ chức hiến máu, dự kiến tiếp nhận từ 1.000 – 1.500 đơn vị máu hiến để đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong tỉnh và chi viện máu cho tuyến Trung ương trong lúc dịch Covid-19. (Thanh niên, trang 3).
TP.HCM đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin Covid-19
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã được BYT cấp 4 đợt vắc xin , trong đó đợt 4 có 836.000 liều Covid-19 (dự kiến sẽ tiêm xong vào khoảng ngày 27.6). Dự kiến hôm nay (21.6), TP.HCM triển khai đồng loạt tiêm vắc xin Covid-19 trên phạm vi toàn địa bàn, với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ, trong 1 ngày sẽ có khoảng 180.000 – 200.000 người được tiêm.
Trong ngày 20.6, đã có 21 bệnh viện cử 69 đội tiêm đến 8 công ty trên địa bàn Q.7 để tiêm vắc xin Covid-19 cho 8.490 công nhân: Công ty may Nhà Bè (3.000); Công ty TNHH Tân Thuận (357); Công ty cổ phần VNG (1.000); Công ty Furukawa Automotive Parts VN (1.000); Công ty TNHH Nikkios Việt Nam (1.000); Công ty TNHH Kim May Organ Việt Nam (1.157); Công ty TNHH MTEX VN (438) và Công ty STRONGMAN (538). Cùng ngày, tại Sân vận động Gia Định (P.12), Q.Bình Thạnh cũng đã tiêm cho khoảng 200 người là các thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã được Bộ Y tế cấp 4 đợt vắc xin Covid-19, trong đó đợt 4 có 836.000 liều (dự kiến sẽ tiêm xong vào khoảng ngày 27.6). Hiện TP.HCM có đến 2,385 triệu người thuộc 10 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và tiêm miễn phí vắc xin phòng Covid-19 theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Theo đó, ngoài nhân viên y tế tuyến đầu thì các đối tượng sống ở vùng có dịch cũng được tiêm ưu tiên, gồm: người dân sống ở Q.Gò Vấp; người dân P.Tân Thới Nhất, P.Thạnh Lộc (Q.12) và công nhân, người trên 65 tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục đào tạo… Sau khi tiêm xong 836.000 liều của đợt 4, khi có nguồn vắc xin, TP.HCM sẽ tiếp tục tiêm cho số còn lại thuộc diện đối tượng ưu tiên. (Thanh niên, trang 3; Lao động, trang 2).
Lần đầu tiên tại Việt Nam cứu được sản phụ gặp tai biến cực kỳ hiếm gặp sau sinh
Các bác sĩ Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai vừa thông báo ca lâm sàng hiếm gặp, lần đầu tiên được can thiệp thành công tại Việt Nam. Sau 90 phút “đấu trí” với tử thần, các bác sĩ đã “giành” lại sự sống từ lưỡi hái tử thần cho sản phụ 33 tuổi trở lại với 3 con thơ. Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận sản phụ 33 tuổi từ tuyến dưới chuyển lên. Bệnh nhân nhập viện với tình trạng mất máu nghiêm trọng. Chỉ số hồng cầu của người bệnh chỉ còn 1,4 triệu (bình thường là 4,5-5,5 triệu hồng cầu); HST 44 G/L, HGB 0,13 l/l. Theo bệnh án chuyển tuyến, sản phụ sinh thường (con thứ 3). Sau khi sinh, tử cung không co hồi gây chảy máu liên tục – dân gian gọi là băng huyết. Tại bệnh viện tỉnh, để cứu sống sản phụ, các bác sĩ buộc phải tiến hành cắt tử cung để cầm máu. Tuy nhiên, máu vẫn chảy không ngừng qua đường âm đạo và trong ổ bụng rất nhiều dịch máu. Mạch nhanh lên 120 lần/ phút, huyết áp giảm 90/60mmHg.
Trước diễn tiến ngày càng nguy kịch, các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã hội chẩn trực tuyến qua điện thoại với Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả buổi hội chẩn từ xa qua Telehealth, bệnh nhân được chuyển tuyến cấp cứu lên Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai. Tại Bạch Mai, các bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang lập tức hội chẩn cấp cứu để đưa ra phương án chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Kết quả chụp MSCT cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương chảy máu từ mạch máu quanh trực tràng. Những quyết định, phác đồ xử trí được hoạch định chớp nhoáng, bởi lẽ, nếu muộn hơn một chút thôi, bệnh nhân sẽ dẫn tới biến chứng rối loạn đông máu, suy gan, suy thận và tổn thương não,…
Sau 90 phút cân não, bằng tất cả trí lực và hệ thống trang thiết bị hiện đại, kíp bác sĩ Trung tâm Điện quang đã làm nên kỳ tích trong lịch sử điện quang can thiệp Việt Nam. Nhớ lại khoảnh khắc “đấu trí” với tử thần đó, BSCKII. Phan Hoàng Giang, người trực tiếp thực hiện ca can thiệp cho biết: “Đây là lần đầu tiên, chúng tôi gặp trường hợp chảy máu sau đẻ mà nguồn gốc lại từ động mạch mạc treo tràng dưới. Ca lâm sàng này rất hiếm gặp trên thế giới. Ca được báo cáo lần đầu tiên là vào năm 2015. Và trong một nghiên cứu lên đến 783 bệnh nhân thì chỉ có 8 bệnh nhân mắc (chiếm 1% các trường hợp chảy máu sau đẻ). Với những bệnh nhân đã cắt tử cung càng khó khăn trong quá trình tìm động mạch tử cung nhằm cầm máu và gây tắc.
Ca sản phụ này khá phức tạp và mất nhiều thời gian hơn so với ca chảy máu sau đẻ thông thường. Bình thường, chúng tôi chỉ gây tắc nhánh mạch tổn thương và cầm máu tạm thời động mạch chậu trong hai bên. Tuy nhiên với bệnh nhân này, chúng tôi cần tìm thêm các nhánh chảy máu quanh trực tràng, gồm 6 nhánh mạch 2 bên: động mạch trực tràng trên, động mạch trực tràng giữa và động mạch trực tràng dưới. Sau khi xác định được nhánh chảy máu, chúng tôi phải lựa chọn vật liệu gây tắc mạch cũng như vị trí can thiệp để không bị hoại tử trực tràng”. Sau 36 tiếng theo dõi an toàn, sản phụ đã được xuất viện, trở về nhà cùng chồng và 3 con thơ.
Đánh giá kết quả của ca can thiệp này PGS.TS. Vũ Đăng Lưu, Giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Có được kết quả này, ngoài nhờ có hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai còn có các nhóm bác sĩ có chuyên môn sâu trong tất cả các lĩnh vực: thần kinh, tiêu hóa, sinh dục tiết niệu, hô hấp, cơ xương khớp, tim mạch… Trung tâm chúng tôi luôn có các hình thức nghiên cứu khoa học: ca lâm sàng, báo cáo staff, review các ca can thiệp, câu lạc bộ tiếng Anh, báo cáo chuyên môn bằng tiếng Anh để các bác sĩ luôn trao dồi vốn ngoại ngữ và có cơ hội cập nhật liên tục các kiến thức lâm sàng cùng bạn bè quốc tế. Các bác sĩ của Trung tâm thường xuyên được tham gia các diễn đàn khoa học, tham dự hội nghị trong nước và quốc tế, đi học các khóa tại nước ngoài… Vì vậy, chúng tôi luôn cập nhật các kiến thức khoa học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực. Do đó, mặc dù chưa gặp ca bệnh nào trên lâm sàng, nhưng nhờ tự học hỏi nên chúng tôi cũng đã thực hiện thành công ca bệnh hiếm và khó. Với ca bệnh cụ thể này, ngoài kiến thức về giải phẫu, các bác sĩ còn cần phải biết lựa chọn vật liệu can thiệp để bệnh nhân sau can thiệp không bị hoại tử trực tràng, (Tiền phong, trang 10).
Đinh Hạnh tổng hợp