Điểm báo ngày 25/6/2021

(CDC Hà Nam)

Chậm nhất tháng 6.2022 phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước; Phía nam lao đao vì Covid-19; Vượt ngưỡng 2.000 ca bệnh, TP.HCM sẵn sàng 5.000 giường điều trị

Chậm nhất tháng 6/2022 phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước

Thủ tướng nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin”.

Chiều 24.6, trong buổi thăm, làm việc với một số cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thực hiện thành công chiến lược vắc xin có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ số 1 để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rất lớn, Việt Nam không thể mãi đóng cửa, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài là không thể tránh khỏi, các biến chủng của vi rút nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn.

Tuy nhiên, nguồn cung vắc xin hiện đang thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9.2021. Việc chuyển giao công nghệ vắc xin không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước đòi hỏi nền tảng nghiên cứu khoa học lâu dài qua các thế hệ với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư về nguồn lực, con người… một cách căn cơ, chiến lược. Việc tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin cũng đòi hỏi nhiều điều kiện, như điều kiện bảo quản vắc xin khắt khe.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin”. Thủ tướng yêu cầu phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin nói chung và trước mắt là vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6.2022 phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có vắc xin Covid-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn. Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Tư pháp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, kịp thời cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin.

Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của nhà nước trong điều kiện cho phép để làm “vốn mồi” cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 hiện đã có gần 8.000 tỉ đồng.

Cùng ngày, theo tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để trao đổi về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và WHO trong bảo vệ sức khỏe người dân và phòng chống đại dịch Covid-19, nhất là vấn đề vắc xin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vắc xin tiếp theo của chương trình COVAX đã cam kết; khẳng định sẽ triển khai chiến lược tiêm chủng kịp thời và an toàn. Thủ tướng cũng đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương; nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Tedros đánh giá cao Việt Nam với các biện pháp chống dịch, ghi nhận các đề nghị của Việt Nam sẽ được ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vắc xin cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vắc xin trong khu vực; khẳng định sẽ cử các chuyên gia WHO tới Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vắc xin của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. (Thanh niên, trang 3; Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1; Công an nhân dân, trang 1)

 

Phía nam lao đao vì Covid-19

Bên cạnh “điểm nóng” TP.HCM, nhiều tỉnh thành phía nam trải dài từ Duyên hải Nam Trung bộ đến Đông Nam bộ đang căng mình ứng phó tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp.

Bình Dương F0 tăng nhanh

Ngày 24.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương ghi nhận thêm 27 ca dương tính với Covid-19, trong đó có một ca là tài xế của Công ty sách – thiết bị trường học TP.HCM. Như vậy, đến nay tại Bình Dương đã ghi nhận 191 ca dương tính lây lan trong cộng đồng tính từ đợt dịch thứ 4 (tháng 5.2021).

Theo CDC Bình Dương, vào ngày 30.5, 2 nữ sinh viên dương tính với Covid-19 có liên quan đến ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đang học tại TP.HCM về thăm nhà tại P.Bình Chuẩn (TP.Thuận An) đã lây cho mẹ, chị gái và người em trai. Sau đó, đến bệnh nhân (BN) 8113 từ Hà Nội vào TP.HCM, tiếp xúc với 3 F0 từ chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, sau đó lên Bình Dương đi nhiều nơi, ăn cơm tối tại Công ty Phúc Đạt khiến số ca dương tính được phát hiện tại công ty này lên đến 7 ca (trong đó, có 2 BN đã về Hà Tĩnh và lây lan dịch tại đây).

Ngày 12.6, Bình Dương tiếp tục ghi nhận 1 ca dương tính là nữ công nhân (CN) tại Công ty TNHH PuKu (KCN Đồng An 1, TP.Thuận An), lưu trú tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Đến nay đã lây lan cho 4 CN khác. Cũng trong thời gian này, Bình Dương tiếp tục ghi nhận thêm 4 ca dương tính là những người làm chung với 1 BN ở Công ty tin học Huy Hoàng (TP.HCM), cư trú tại chung cư Marina Tower (P.Vĩnh Phú, TP.Thuận An).

Đồng Nai lo mầm bệnh từ vùng lân cận

Còn tại Đồng Nai, sáng 24.6, Đoàn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 1 khu nhà trọ, 2 doanh nghiệp và Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai. Sau đó, đoàn họp với UBND tỉnh Đồng Nai với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, họp trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết trong đợt dịch thứ 4 này, trên địa bàn có 4 ca nhiễm do lây lan trong cộng đồng. Về tình hình chung thì Đồng Nai vẫn đang kiểm soát tốt, tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và Bình Dương đang diễn biến phức tạp thì nguy cơ Đồng Nai bị lây nhiễm, bùng phát dịch nhất là trong KCN là rất cao. “Hiện có khoảng 10.000 người lao động sống tại TP.HCM nhưng làm việc tại Đồng Nai và ngược lại, hằng ngày di chuyển qua lại nên nguy cơ lây nhiễm dịch vô cùng lớn”, ông Vũ cho biết. Để ngăn chặn dịch xâm nhập KCN, Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản phòng chống như kêu gọi người lao động ở vùng dịch hạn chế di chuyển, các công ty tổ chức cho CN lưu trú tại công ty… Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần có sự phối hợp, bàn bạc giữa TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho hay đến nay, các ca dương tính, ca F1 nguy cơ cao đều lây từ TP.HCM và Bình Dương qua. Trong khi đó, quy mô công nghiệp Đồng Nai rất lớn, với khoảng 1,2 triệu CN, nếu như bị dịch xâm nhập, đặc biệt là tại các KCN thì thiệt hại không đếm xuể. “Dịch chưa xâm nhập mạnh là may mắn thôi, nếu không có phản ứng quyết liệt hơn không sớm thì muộn Đồng Nai cũng giống như Bình Dương”, ông Dũng cảnh báo. Hiện UBND tỉnh đang lấy ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, sau đó xin ý kiến Chính phủ về việc ra văn bản tìm giải pháp quản lý chung giữa các địa phương.

Bàn về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các địa phương triển khai chống dịch rất tốt, nhưng một số thứ chỉ là trên giấy chứ thực tế chưa hiệu quả. Như việc số tài xế từ vùng dịch như TP.HCM, Bình Dương hằng ngày đi đến Đồng Nai, tỉnh chưa nắm được. “Chúng ta không cấm, nhưng nhất quyết phải kiểm soát chặt người từ vùng dịch đi đến các địa phương khác. Ngoài người lao động thì cần quan tâm, chú ý đến giới tài xế, phụ xe; phải nắm được lịch trình của họ từ TP.HCM đến Đồng Nai và đi những đâu, yêu cầu phải khai báo y tế, thông báo địa điểm”, Phó thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế phối hợp với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cũng như các địa phương lân cận bàn giải pháp quản lý các đối tượng qua lại giữa các tỉnh trên tinh thần không đổ lỗi cho nhau khi có ca dương tính. Về kiến nghị nguồn vắc xin Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay Chính phủ đang nỗ lực cố gắng để có vắc xin sớm nhất và sẽ ưu tiên cho CN.

Xuất hiện ổ dịch tại KCN ở Tây Ninh

Ngày 24.6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh họp khẩn sau khi ghi nhận thêm 5 ca mắc Covid-19 mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty TNHH Winga Việt Nam (thuộc KCN Thành Thành Công, TX.Trảng Bàng). Trước đó, tối 23.6, Sở Y tế đã kiểm tra nhanh 150 mẫu ngẫu nhiên cho kết quả âm tính và 395 mẫu xét nghiệm Realtime-PCR tại Công ty Winga Việt Nam, trong đó có 90 mẫu được gửi đến Viện Pasteur (TP.HCM) xét nghiệm, thì có 5 mẫu dương tính với Covid-19 (4 CN ngụ tại Long An và 1 người ngụ tại ấp Phước Dân, xã Phước Chỉ, TX.Trảng Bàng). Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh đề nghị ngành y tế phối hợp các đơn vị liên quan phong tỏa Công ty Winga để ngăn chặn lây nhiễm, yêu cầu toàn bộ 1.000 CN ở lại, không di chuyển ra bên ngoài; đưa 29 trường hợp F1 đi cách ly tập trung; tiếp tục lấy 610 mẫu đi xét nghiệm; đề nghị TX.Trảng Bàng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Tính đến nay trên địa bàn Tây Ninh đã có 8 ca dương tính với Covid-19 cộng đồng (tại TX.Trảng Bàng và H.Gò Dầu).

Bình Thuận, Phú Yên giãn cách xã hội một số địa phương

Cũng trong ngày 24.6, UBND tỉnh Bình Thuận họp khẩn sau khi phát hiện 1 nhân viên y tế của BVĐK Bình Thuận có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. BN là nữ bác sĩ vừa được BVĐK Bình Thuận tiếp nhận từ Đồng Nai về công tác tại khoa sản từ ngày 14.6. BN có nhà ở H.Tuy Phong, thường xuyên di chuyển trên các chuyến xe nội tỉnh Phan Thiết – Tuy Phong. Trong 6 ngày qua, BN tiếp xúc với 308 F1, trong đó hơn 200 người là nhân viên y tế của BVĐK Bình Thuận. Để ngăn chặn dịch lây lan, từ 12 giờ ngày 24.6, Bình Thuận thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ TP.Phan Thiết. Tương tự, từ 0 giờ ngày 25.6, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với toàn H.Tuy Phong. Đồng thời, Bình Thuận đã cho tạm ngưng tiếp nhận BN đến khám bệnh tại BVĐK Bình Thuận và Trung tâm y tế H.Tuy Phong từ ngày 24.6.

Cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Phú Yên xác nhận hiện tỉnh này có 8 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 liên quan đến BN 13960. Trong đó, TP.Tuy Hòa có 6 trường hợp và TX.Đông Hòa có 2 trường hợp. Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa, cho biết hiện TP có 5 khu vực dân cư và Trung tâm đa khoa Đức Tín bị phong tỏa. TP.Tuy Hòa đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 15 giờ ngày 24.6. Các khu vực đã phong tỏa do có F0 thì thực hiện theo Chỉ thị 15 trong vòng 15 ngày kể từ 15 giờ ngày 24.6.

Tại Khánh Hòa, CDC tỉnh ghi nhận thêm 1 ca dương tính Covid-19 là nam (7 tuổi, trú tổ dân phố Phúc Sơn, P.Cam Phúc Nam, TP.Cam Ranh). Trường hợp này liên quan đến 3 BN 13949, 13951, 13952 ở Thái Bình. Theo điều tra dịch tễ, lúc 21 giờ 15 ngày 19.6, BN cùng với mẹ và anh trai lên xe khách của nhà xe Trung Đức (BS 15B-036.84) tại Thạch Ngọc (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Đến 22 giờ 10 ngày 20.6, BN cùng mẹ và anh trai xuống xe tại tổ dân phố Phúc Sơn (Cam Phúc Nam, Cam Ranh). 7 giờ ngày 21.6, gia đình BN đến Trạm y tế Cam Phúc Nam khai báo y tế. BN cùng mẹ và anh trai ở nhà không đi đâu, chỉ tiếp xúc với bà nội ở cùng nhà. Sáng 24.6, nhận được thông báo từ CDC Thái Bình, BN cùng mẹ và anh trai được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm BN dương tính Covid-19; mẹ và anh trai âm tính lần 1. Hiện BN đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa điều trị. Các trường hợp tiếp xúc gần, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định. Như vậy, trong hai ngày 23 và 24.6, Khánh Hòa ghi nhận 2 ca dương tính với Covid-19. (Thanh niên, trang 2)

 

Vượt ngưỡng 2.000 ca bệnh, TP.HCM sẵn sàng 5.000 giường điều trị

Ngày 24.6, Sở Y tế TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp, số bệnh nhân (BN) đã vượt qua con số 2.000 ca.

Theo đó, ngoài 9 bệnh viện (BV) (với quy mô 3.500 giường) đang tiếp nhận điều trị BN mắc Covid-19 trên địa bàn, ngành y tế tiếp tục tạm chuyển đổi công năng của BV H.Bình Chánh (500 giường, bao gồm giường trẻ em, 20 giường hồi sức) và BV đa khoa khu vực Thủ Đức (1.000 giường, bao gồm cả giường trẻ em, 25 giường hồi sức) trở thành những BV chuyên tiếp nhận điều trị BN Covid-19.

Sở Y tế chỉ đạo BV H.Bình Chánh sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ BV trở thành BV điều trị Covid-19 Bình Chánh, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 25.6.

Còn BV đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú, tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú thành BV điều trị Covid-19 Thủ Đức theo mô hình “tách đôi BV”, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 28.6. Sở Y tế phân công BV Lê Văn Việt (BV Q.2 cũ) tạm thời tiếp nhận BN đang chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa khu vực Thủ Đức. BV TP.Thủ Đức tiếp nhận BN đang điều trị tại khoa Hồi sức của BV đa khoa khu vực Thủ Đức.

Ngoài các BV điều trị Covid-19 hiện hữu, ngành chức năng còn tính đến phương án BV dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11), Nhà triển lãm Q.7 và nhà văn hóa thể thao các quận. Ngoài công suất giường bệnh tăng thì tổng số giường hồi sức sẽ có 1.000 giường.

Về năng lực xét nghiệm Covid-19, TP.HCM hiện có 28 đơn vị xét nghiệm, bao gồm cả ngoài Viện Pasteur TP.HCM và các BV trực thuộc bộ, ngành T.Ư trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu tất cả BV hạng 1, 2, 3 còn lại và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực gửi Viện Pasteur TP.HCM để thẩm định công nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 trong năm 2021, bảo đảm mỗi 300 giường phải có một hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR. Năng lực xét nghiệm mẫu đơn, test nhanh và các biện pháp khác có thể lên đến 50.000 và mẫu gộp có thể lên đến 500.000 mẫu. (Thanh niên, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Đồng Nai chủ động ngăn chặn, tập trung cao độ để “ngăn” dịch COVID-19 xâm nhập

Đồng Nai nằm sát Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có bến cảng, giao thương lớn với Bình Dương,… nếu để dịch bệnh COVID-19 xâm nhập sẽ “cực kỳ khó khăn”, do đó tỉnh phải chủ động ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn.

Đây là nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vào sáng 24/6 của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Nai rất lớn

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 35 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca mắc trong đợt 4 này (2 ca liên quan đến các ổ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1 ca liên quan đến Đà Nẵng, 1 ca liên quan đến Bình Dương). Hiện, các lực lượng phát hiện 500 trường hợp F1; 2.000 trường hợp F2.

“Với đặc thu có mối liên hệ mật thiết với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương – nơi có số lượng ca mắc COVID-19 lớn, nên khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Nai rất lớn”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai nhận định.

Báo cáo hệ thống dự phòng điều trị, Đồng Nai có gaàn 20 khu cách ly, có khả năng 3.000 – 5.000 người; chuyển đổi công năng Bệnh viện Phổi Đồng Nai thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, trong trường hợp cần thiết sẽ tiếp tục chuyển đổi công năng Bệnh viện Da liễu Đồng Nai… Dưới dự hỗ trợ của Bộ Y tế, Đồng Nai có 3 đơn vị xét nghiệm khẳng định, năng lực đạt khoảng 5.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 50.000 mẫu gộp/ngày. Trong thời gian tới, dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Đồng Nai có thể nâng công suất lên 12.000 mẫu đơn/ngày.

“Với 1,2 triệu công nhân – số lượng đông nhất cả nước, tỉnh Đồng Nai tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp. Đến nay, Đồng Nai tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, không hạn chế di chuyển giữa vùng có dịch về địa phương, chắc chắn Đồng Nai sẽ có nhiều ca mắc trong thời gian tới”, ông Phan Huy Anh Vũ cho biết.

Cùng với việc kiến nghị sớm có vắc xin tiêm cho công nhân, người lao động, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề xuất sớm có cuộc họp với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương nhằm hạn chế luồng di chuyển giữa các vùng để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh; chủ trương bố trí công nhân ở lại làm việc, phục vụ sản xuất…

Nên có chiến lược xét nghiệm phù hợp; sớm triển khai khu hồi sức nặng 

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số nhà máy sản xuất tại Đồng Nai sáng 24/6 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu nhà trọ phường Long Bình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, số ca mắc COVID-19 tại địa phương chủ yếu là ca đơn lẻ có nguồn xâm nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận.

Với số lượng công nhân đông nhất cả nước, Đồng Nai cần giá rõ nguy cơ, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với từng mức độ dịch; kiểm tra chặt chẽ, giám sát kỹ lưỡng việc giao thương giữa các địa bàn, cơ sở sản xuất, nhà máy trong các khu công nghiệp, khu nhà trọ; quản lý từ khi đi làm về đến nơi lưu trú, không tụ tập nơi lưu trú, hạn chế ra ngoài…

Do đó, trong kế hoạch phòng, chống dịch, tỉnh Đồng Nai cần đánh giá rõ nguy cơ, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với từng mức độ dịch; triển khai các giải pháp giám sát chặt chẽ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp để bảo đảm an toàn dịch tễ phòng, chống dịch; chuẩn bị hệ thống máy móc phục vụ xét nghiệm, điều trị…

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị, Đồng Nai nên có chiến lược xét nghiệm phù hợp, đặc biệt việc bảo vệ các bệnh viện, cơ sở y tế để phát hiện sớm, nhanh các trường hợp có dấu hiệu lâm sàng mắc COVID-19 khi đến khám, chữa trị; phối hợp nhuần nhuyễn chiến lược xét nghiệm test nhanh, mẫu đơn, mẫu gộp.

Bộ Y tế phân công Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn Đồng Nai trong việc chuẩn bị cơ sở hồi sức, hỗ trợ cho tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu khi có trường hợp nặng, phải sử dụng các hệ thống hồi sức; điều 1 máy thở ECMO cho Đồng Nai để tỉnh sớm triển khai khu hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng với số lượng từ 10-20 giường và tăng lên 50 giường trong thời gian tới.

Phải có giải pháp quản lý lịch trình cụ thể của công nhân từng phân xưởng, nhà máy

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao tinh thần cảnh giác, chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch của Đồng Nai trong thời gian qua; đồng thời đề nghị tỉnh chủ động ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn.

Đồng Nai nằm sát Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có bến cảng, giao thương lớn với Bình Dương,… nếu để dịch bệnh xâm nhập sẽ “cực kỳ khó khăn”, do đó, tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ người đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương sang Đồng Nai và ngược lại.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kiểm soát chặt không có nghĩa “ngăn sông cấm chợ”, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người qua lại trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh khai báo y tế, đặc biệt đối với công nhân, lái xe chở hàng, lái xe đường dài…

Tương tự, Đồng Nai phải có giải pháp quản lý lịch trình cụ thể của công nhân từng phân xưởng, nhà máy, nhất là những người đang sinh sống ở nơi khác, làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thống nhất khoanh gọn ngay từ đầu, làm nhanh, bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật chất để lực lượng y tế yên tâm, tập trung công tác chuyên môn chống dịch.

Về xét nghiệm, Đồng Nai hết sức lưu ý phải có sự điều phối, chỉ đạo thống nhất, ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ khâu lấy mẫu, xét nghiệm đến khớp nối kết quả bảo đảm nhanh chóng, chính xác, kịp thời

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đaọ phân cấp, phân quyền rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, với chủng mới của virus SARS-CoV-2, Đồng Nai cần bàn kỹ lưỡng các tình huống, để bình tĩnh, chủ động, sẵn sàng phòng, chống dịch; căn cứ vào thực tiễn, quyết định khoanh vùng gọn, nghiêm ngặt, tập trung toàn lực để dập dịch.

“Tuyệt đối tránh tình trạng, bên ngoài phong tỏa nghiêm ngặt, bên trong lại “lùng nhùng” do không có đủ lực lượng để quản lý”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Về quản lý di chuyển giữa các địa phương, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế họp với các địa phương để thống nhất cơ chế phối hợp, triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ, quản lý chặt chẽ người qua lại giữa các tỉnh trong khu vực, tránh để dịch bệnh lây lan giữa các địa bàn.

Hiện nay, Trung ương đã và đang nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để đảm bảo nguồn vắc xin phòng COVID-19 cho cả nước. Khi có vắc xin sẽ ưu tiên cho các khu vực sản xuất để bảo vệ sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Đà Nẵng yêu cầu lái xe chở hàng phải có giấy xét nghiệm COVID-19

Lái xe chở hàng hóa từ vùng có dịch đến TP phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ hoặc đã tiêm vắc xin.

Ngày 23-6, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã gửi văn bản đến các Sở GTVT trên cả nước và các đơn vị liên quan về việc tiếp nhận phương tiện và lái xe phải đảm bảo đầy đủ điều kiện, yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.

Động thái này được đưa ra sau khi TP Đà Nẵng phát hiện nguồn lây là tài xế xe tải đến từ TP.HCM bỏ hàng cho một công ty nhựa ở Đà Nẵng.

Văn bản này quy định chặt chẽ về hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô về phương tiện, người điều khiển, hàng hóa, các thông tin cần cung cấp và trình tự vận chuyển hàng hóa từ vùng an toàn đến vùng có dịch và ngược lại.

Cụ thể, đối với phương tiện phải được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi vận chuyển theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Đối với lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải có điện thoại thông minh có cài đặt các phần mềm NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn, phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt, những người trên phải được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi đi vào TP Đà Nẵng hoặc phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng đúng quy định. Hàng hóa vận chuyển từ các vùng dịch trước khi được xuất đi phải đảm bảo an toàn phòng dịch.

Sở GTVT TP Đà Nẵng hướng dẫn, các đơn vị kinh doanh vận tải cần chuẩn bị phương án vận chuyển hàng hóa (số lượng phương tiện, hành trình, dự kiến điểm dừng nghỉ, ngày giờ phương tiện hoạt động…); danh sách phương tiện, lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe (nếu có); các điểm/khu vực bốc xếp dỡ hàng hóa (vùng an toàn hoặc vùng dịch); thông tin về xét nghiệm và tiêm phòng cho lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa (nếu có); các nội dung khác có liên quan cần thiết vận chuyển.

Trước khi vận chuyển hàng hóa vào vùng dịch và ngược lại, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo ngay các thông tin trên đến Email, Zalo hoặc đường dây nóng…của Sở GTVT để được hỗ trợ, tránh kéo dài thời gian kiểm tra tại các chốt kiểm soát ở địa phương.

Phải nghiêm túc thực hiện các biện phòng chống dịch và phun khử khuẩn phương tiện theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương nơi đến.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô (xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi) đi từ TP Đà Nẵng đến các địa phương có ca lây nhiễm COVID-19 theo công bố của Bộ Y tế và ngược lại.

Trừ trường hợp đặc biệt, vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng và xe vận chuyển phục vụ phòng chống dịch.

Đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô có hành trình đi qua các tỉnh/TP được Bộ Y tế công bố có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thì không được dừng, đỗ để đón, trả khách trên địa bàn Đà Nẵng (trừ trường hợp cấp thiết như: phục vụ công tác phòng chống dịch, cấp cứu, xe công vụ…).

Các hoạt động vận tải hành khách đi đến các địa phương còn lại và trong TP Đà Nẵng thì được hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, chỉ được vận chuyển tối đa không quá 50% số chỗ theo quy định. (Pháp luật TP.HCM, ngày 24/6, trang 2)

 

Phải chống dịch bằng ‘hai chân’

Do có nhiều ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, TP.HCM đang chạy đua truy vết rất tốn kém nhưng luôn trong tư thế “rượt đuổi”. Từ đó có quan điểm cho rằng nên làm như một số nước: giảm truy vết, không phong tỏa, tập trung vắc xin cho người dân.

Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia.

* Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (trưởng bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM):

Khoanh vùng dập dịch còn nguyên giá trị

Chúng ta cần phải hiểu rằng nguồn vắc xin ngừa COVID-19 có giới hạn. TP.HCM chẳng thể nào trong một thời gian ngắn lại có thêm 1 triệu liều được. TP.HCM vừa có trong tay 836.000 liều, và số lượng này chỉ mới có thể triển khai tiêm chủng bảo vệ cho lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất.

Trong bối cảnh hiện nay, quan điểm giảm phong tỏa, bớt khoanh vùng truy vết xét nghiệm và trông chờ vào vắc xin là hoàn toàn sai lầm. Có thể thấy các ca mắc mới xuất hiện ở TP.HCM có tại nhiều điểm (cộng đồng và doanh nghiệp) và giải pháp đầu tiên, tốt nhất là phải nhanh chóng truy vết, xét nghiệm những vùng lân cận, cả những vết của trường hợp này đi qua.

Còn với vấn đề giãn cách xã hội, thực hiện cách ly theo chỉ thị 10 của TP.HCM hoặc phong tỏa các khu vực, nhóm, tổ dân phố… trong giai đoạn này là điều hết sức cần thiết. Trong bối cảnh này, TP.HCM phải chống dịch theo hình thức “đi hai chân”. Tức vẫn phải tiêm vắc xin (dù chưa chủ động được), song song phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều trị. Phương pháp chống dịch này được đúc rút từ nhiều đợt chống dịch và đến nay vẫn còn nguyên giá trị với TP.HCM.

Tuy vậy tất cả các giải pháp đòi hỏi cần phải được áp dụng nhuần nhuyễn, linh động. Theo đó khi phát hiện ổ dịch, phong tỏa diện rộng tuy cần thiết nhưng không nên bắt buộc phải kéo dài phong tỏa 14 hoặc 21 ngày. Sau 3 ngày đã làm xét nghiệm “quét qua sàng lại” trên diện rộng, các khu vực này có thể thu hẹp, chỉ nên chú trọng vào các khu vực nguy cơ cao.

Việc “khoanh vùng càng rộng càng tốt”, đương nhiên lực lượng y tế sẽ khỏe nhưng thực tế cho thấy sự tuân thủ của người dân chưa cao, cũng như nguồn lực của chính quyền địa phương có giới hạn. Điều này kéo dài chính là nguy cơ cực kỳ nguy hiểm. Và chiến lược này Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia nhiều lần khuyến cáo các địa phương, trong đó có TP.HCM.

Về chiến lược xét nghiệm, vẫn phải bắt buộc thực hiện ở các nơi, bao gồm nơi phát hiện ca mắc và trong cộng đồng dân cư, các khu vực bến xe, siêu thị… Đúng ra ngoài xét nghiệm trong cộng đồng dân cư, đợt này TP.HCM phải xét nghiệm bắt buộc đối với người có tiếp xúc nhiều người như bán vé số, xe ôm, bán đồ ăn nước uống, tài xế…

Ngoài ra việc xét nghiệm cần phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, bao gồm RT-PCR và cả test nhanh; mẫu đơn và cả mẫu gộp nhằm đảm bảo thời gian phát hiện ca dương tính nhanh nhất. Đây là bài toán khó nhưng TP.HCM phải giải quyết, nếu muốn đuổi kịp và khống chế dịch.

Bên cạnh xét nghiệm rà soát ca mắc trong cộng đồng, TP.HCM phải bảo vệ bằng được các khu công nghiệp và phải tiêm xong 836.000 liều vắc xin mà Chính phủ phân bổ trong 5 ngày.

* TS.BS Nguyễn Thanh Phong (trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):

Kết hợp các giải pháp để trì hoãn lây lan

Có thể thấy tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM hiện đang rất phức tạp, số ca mắc ngày một tăng cao, ở nhiều nơi. Riêng tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi (quy mô 500 giường), nơi tôi vừa được phân công kiêm nhiệm phó giám đốc phụ trách chuyên môn, hiện số bệnh nhân được chuyển vào điều trị đã gần phủ kín.

Dịch COVID-19 ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng rất khác. Do đó không thể áp dụng một cách rập khuôn theo mô hình của một số nước đang làm, đó là bớt truy vết, không phong tỏa và tập trung vào tiêm vắc xin. Các giải pháp này cần phải được thực hiện song song cùng lúc, bao gồm khoanh vùng, tăng tốc truy vết xét nghiệm, nâng cao ý thức tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K và cuối cùng mới là vắc xin. Đó là 4 yếu tố quan trọng nhất, chỉ khi được thực hiện đồng bộ chúng ta mới có thể sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, thực tế việc tuân thủ của người dân trong phòng chống dịch chưa thực sự nghiêm ngặt. Vẫn còn nhiều người không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Do đó, tùy điều kiện việc phong tỏa, truy vết, thực hiện biện pháp 5K vẫn là các cách giúp chúng ta hạn chế sự lây lan dịch từ các điểm nóng ra các khu chưa có dịch. Đây cũng là cách để trì hoãn không cho số ca mắc tăng cao thêm trong cộng đồng trong lúc chờ đợi có vắc xin. (Tuổi trẻ, trang 2)

Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/01/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận