Sáng ngày 13/7/2021, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn tiêm chủng các loại vắc xin phòng COVID-19 mới. Hội nghị được kết nối với hơn 700 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Cục, Vụ, Văn phòng thuộc và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Tại điểm cầu tỉnh Hà Nam, chủ trì hội nghị có BSCKI. Trương Thanh Phòng – Phó giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo và cán bộ một số các đơn vị trung tâm, bệnh viện/huyện/thị xã trên địa bàn tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận một số loại vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Moderna, Pfizer/BioNTech và VeroCell. Như vậy, thời gian tới, cùng một thời gian, Việt Nam sẽ triển khai Chiến dịch tiêm lớn nhất lịch sử với nhiều loại vaccine khác nhau.
GS.TS Đặng Đức Anh khẳng định quan điểm của Bộ Y tế “tiêm đến đâu, an toàn đến đó” triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tốc độ. Trước đó, sau khi tiếp nhận các loại vaccine mới ngoài AstraZeneca, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn ngay cho các đơn vị trên toàn quốc. Để đáp ứng được yêu cầu đó, toàn tuyến phải triển khai sàng lọc các đối tượng tiêm từ bây giờ để khi có vaccine, những người đã được sàng lọc sẽ được mời đến tiêm chủng. Việc sàng lọc mất thời gian nên nếu hoàn thành sớm sẽ giúp điểm tiêm chủ động.
Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Trong 5 hoạt động chính của Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của quốc gia, bao gồm các tiểu ban như: Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine; tiêm chủng; an toàn tiêm chủng; giám sát chất lượng vaccine; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và truyền thông.
Hội nghị tập huấn lần này có nhiều nội dung quan trọng; trong đó có việc tuyên truyền, hướng dẫn cho đối tượng tiêm chủng biết cách tự theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường trong tiêm chủng; Truyền thông để người dân và các cơ quan tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hiểu và thực hiện các hướng dẫn của các tiểu ban nhằm hạn chế tối đa các sự cố bất lợi. Các tiểu ban tiếp tục thực hiện theo dõi, kiểm tra giám sát thực hiện an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm quy mô toàn quốc; chỉ đạo phối hợp xây dựng các phác đồ, xử trí các sự cố, phân tích đánh giá quy trình cấp cứu, xử trí điều trị các ca bệnh có sự cố bất lợi sau tiêm và các biến chứng sau tiêm, chỉ đạo tổ chức đào tạo tập huấn theo dõi và giám sát…
Các điểm tiêm chủng phải chấp hành nghiêm 5K, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc các Sở Y tế triển khai sớm bằng văn bản: Lập các đường dây, tổ cấp cứu liên khu vực theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Triển khai sàng lọc qua khai báo y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử; trạm y tế xã sàng lọc người dân trên địa bàn… Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành lập Ban an toàn tiêm chủng tại Sở Y tế, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh, các khoa cấp cứu, các bác sĩ triển khai thực hiện; trong đó, các bác sĩ nội khoa, ngoại khoa được tập huấn có thể tham gia tổ chức cấp cứu để đảm bảo đủ lực lượng phục vụ an toàn tiêm chủng. Mục tiêu thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với 75 triệu dân Việt Nam được tiêm 150 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, thời gian triển khai chiến dịch trên toàn quốc từ tháng 7/2021 đến 4/2022…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn tiêm chủng các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Vắc xin Comirnary của Pfizer, vắc xin Moderna, vắc xin Vero Cell của Sinopharm./.
Mậu Ngọ