Điểm báo ngày 21/7/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Không để bệnh nhân thiếu máy thở, nhân viên y tế thiếu dụng cụ phòng hộ; Kháng thể ở người tiêm vắc xin cao gấp 3 lần so với người từng mắc COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế: Không để bệnh nhân thiếu máy thở, nhân viên y tế thiếu dụng cụ phòng hộ

Về vấn đề hậu cần cho phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Đồng thời khẳng định: “Chúng ta không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế”.

Trưa ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 để nghe báo cáo tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó xem xét, quyết định những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trước những diễn biến dịch phức tạp hiện nay.

Hơn 6.800 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã được điều động đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày, có xu hướng gia tăng từng ngày. Các ca mắc tại tất cả các quận, huyện và 309/312 phường, trong đó quận Bình Tân là quận ghi nhận số ca mắc nhiều nhất tập trung chủ yếu tại phường An Lạc. Có 72 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch trên địa bàn Thành phố.

Tỉnh Bình Dương, trong 7 ngày gần đây số ca mắc vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 140 ca/ngày. Tỉnh có 9 chuỗi lây nhiễm với 11 ổ dịch liên quan đến TP. Hồ Chí Minh và 7 ổ dịch được phát hiện qua giám sát cộng đồng.

Tỉnh Long An có 29 chuỗi lây nhiễm trong đó 17 chuỗi cơ bản đã được kiểm soát, 12 chuỗi vẫn đang diễn biến. Trong 7 ngày gần đây, số ca mắc mới trong địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, có sự xuất hiện của các ổ dịch mới.

Tỉnh Đồng Nai có 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc nhất là chuỗi lây nhiễm liên quan đến TP. Hồ Chí Minh như chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.

“Ngành Y tế đã tích cực hỗ trợ cho các địa phương khu vực này, tăng cường công tác điều trị cho các bệnh nhân nặng nhằm giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, đồng thời nhận định thời gian tới, đặc biệt là 5-7 ngày nữa, tình hình diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng có thể gia tăng.

Về vấn đề hậu cần cho phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại đây quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương. Trong 2 ngày 17-18/7/2021, Bộ Y tế đã chuyển về kho dã chiến 299 máy thở các loại.

Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở ô xy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo ôxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển một số vật tư, trang thiết bị điều trị cho các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở đề xuất, đề nghị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế.

Dựa trên phân loại độ nặng, bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện theo chiến lược “tháp 3 tầng”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Không để bệnh nhân thiếu máy thở, tăng cường năng lực điều trị cho các khoa hồi sức cấp cứu nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: Bộ Y tế đã điều động hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực hơn 6.844 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế.

“Số lượng đang sẵn sàng chi viện thêm hơn 9.000 người. Hôm nay, sẽ tiếp tục đưa người đến hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam”- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Bảo đảm đủ oxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã ban hành và huy động các trang thiết bị, thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng hộ, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí oxy… cho công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Về năng lực sử dụng oxy hiện nay, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy. Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50-100% công suất.

Hôm qua, Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ oxy, tăng khả năng phân phối.

Về đáp ứng các yêu cầu liên quan đến bảo đảm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, Bộ Y tế đã báo cáo và xin ý kiến Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chủ động công tác hậu cần đối với trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm, điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng.

Các Bộ thống nhất cao với Bộ Y tế về việc không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Kháng thể ở người tiêm vắc xin cao gấp 3 lần so với người từng mắc COVID-19

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Israel, những người đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 có đáp ứng hệ thống miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 mạnh hơn nhiều so với những người đã bị mắc COVID-19.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Những người được tiêm chủng có nồng độ kháng thể cao nhất, khoảng gấp 3 lần so với những người đang hồi phục sau mắc COVID-19 có triệu chứng. Hơn nữa, trong khi 99,4% những người được tiêm chủng có kết quả dương tính với kháng thể kháng COVID-19 trong mẫu máu chỉ sau 6 ngày tiêm liều vắc xin thứ hai, thì tỷ lệ này chỉ là dưới 76% ở những người đang hồi phục sau mắc COVID-19”.

Chuyên gia về COVID-19, Tiến sĩ Eric Cioe-Peña, giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu thuộc Northwell Health, New York (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đây là một nghiên cứu đáng khích lệ, giúp khẳng định thêm rằng tiêm chủng phòng COVID-19 mang lại đáp ứng miễn dịch mạnh hơn so với phục hồi sau mắc COVID-19. Điều này có thể khuyến khích những người tin rằng họ đã được bảo vệ tốt vì đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục đi tiêm phòng COVID-19”.

Nghiên cứu mới này do Noam Shomron thuộc Đại học Tel Aviv và Tiến sĩ Adina Bar Chaim thuộc Trung tâm Y tế Shamir ở Tel Aviv (Israel) đồng chủ trì. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá nồng độ kháng thể COVID-19 trong hơn 26.000 mẫu máu của những người đã được tiêm vắc xin và chưa được tiêm vắc xin, cùng với những người đã khỏi bệnh sau mắc COVID-19. Kết quả cho thấy, có sự khác biệt liên quan đến tuổi tác giữa người đang hồi phục sau mắc COVID-19 và người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nam giới và phụ nữ có nồng độ kháng thể khác nhau sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc sau mắc COVID-19. Ở nhóm người trên 51 tuổi, nồng độ kháng thể ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Theo nhóm nghiên cứu, điều này có thể liên quan đến sự thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ estrogen, hiện tượng thường xảy ra ở phụ nữ độ tuổi này, gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Tiến sĩ vi rút học Amesh Adalja, thuộc Đại học Johns Hopkins, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Chúng ta đã biết rằng có sự khác biệt trong đáp ứng miễn dịch thay đổi theo giới tính. Đây có thể là kết quả của sự khác biệt về tỷ lệ các hoóc môn (estrogen và testosterone) giữa 2 giới.

Nhìn chung, những người trưởng thành trẻ tuổi có nồng độ kháng thể cao hơn và duy trì lâu hơn so với những người cao tuổi sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng: “Ở người trẻ, nồng độ kháng thể cao thường là do đáp ứng miễn dịch mạnh, trong khi ở người cao tuổi, phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch thường liên quan đến tình trạng bệnh nặng”. Họ cũng nhấn mạnh: “Cần tiến hành nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với COVID-19 ở những người đang phục hồi sau mắc COVID-19 và ở những người sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 11)

 

Ngày mai bắt đầu tiêm vắc xin đại trà

Chiều 20.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5.

Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh TP.HCM bước qua ngày thứ 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, còn 19 tỉnh thành khu vực phía nam khác bước sang ngày giãn cách thứ 2.

Khó dự báo đỉnh dịch

Nhận định về tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ngành y tế TP đã có nhiều nỗ lực nhưng dịch bệnh vẫn phức tạp, khó dự báo chính xác về đỉnh dịch. Thống kê cách đây 3 ngày, TP ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm nhưng 2 ngày qua chỉ còn khoảng 3.000 ca. Ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận chưa thấy dấu hiệu khả quan và đề nghị trong 10 ngày tới cần áp dụng quyết liệt các biện pháp chống dịch. “Đỉnh dịch của TP.HCM có giảm hay không phụ thuộc vào năng lực của ngành y tế, năng lực của cả hệ thống chính trị và nhận thức của người dân. Chúng tôi hy vọng dịch sẽ giảm xuống trong 7 – 10 ngày tới khi áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi 19 tỉnh khu vực phía nam”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM cần cố gắng “bóc F0 ra khỏi cộng đồng” để tránh tình trạng ca nhiễm tiếp tục lây lan trong cộng đồng; nếu không phát hiện kịp thời thì lây cho người có bệnh nền dẫn đến bệnh nặng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không kịp thời đưa vào cơ sở điều trị.

Giải pháp được Phó thủ tướng nhấn mạnh đó là kiên trì giãn cách và thực hiện phải nghiêm ngặt, trong đó tính toán phương án áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn ở một số địa bàn đặc thù. “Cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất trong lúc này để kiểm soát lây lan. TP.HCM cần làm sớm các biện pháp cần thiết đối với các khu vực mà nếu cứ để tình hình thế này sẽ rất khó kiểm soát”, ông Đam nói. Bên cạnh tiếp tục các chiến lược của Bộ Y tế đối với khu vực nguy cơ cao, TP.HCM cần tiếp tục nỗ lực xét nghiệm với tần suất cao hơn đối với khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.

Ông Đam nhìn nhận thách thức lớn nhất của TP.HCM là giảm tỷ lệ ca nhiễm F0 có diễn biến thành nặng và từ nặng thành rất nặng bởi ở các nước tiên tiến trên thế giới, nếu đã diễn biến rất nặng thì rất khó cứu chữa. Vừa qua, TP.HCM đã nỗ lực thành lập các trung tâm thu dung và điều trị Covid-19 ban đầu, đây là sáng kiến làm hay nên cần tiếp tục sẵn sàng các khu vực khác, bố trí hệ thống ô xy trung tâm để giảm số lượng bệnh nhân chuyển nặng, qua đó giảm nguy cơ tử vong.

Đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế

Đối với 18 hạng mục mà TP đề nghị, ông Đam cho biết có những hạng mục có tiền cũng không mua được như ECMO nên trước mắt cần cố gắng xoay xở trong trang thiết bị hiện có. Phó thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương áp dụng cơ chế mua sắm đặc biệt để tạo điều kiện tối đa trang thiết bị, nhất là vật tư tiêu hao cho tuyến đầu chống dịch. “Phải đảm bảo cho các bệnh viện trên địa bàn TP, khu điều trị bệnh nặng không kể của TP.HCM hay T.Ư dứt khoát không được thiếu đồ bảo hộ, vật tư y tế đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế”, ông Đam nhấn mạnh.

Phó thủ tướng nhận định TP.HCM phải tính đơn vị bằng tháng mới có thể đưa cuộc sống quay về bình thường như trước khi có dịch. TP.HCM cũng cần thiết lập cơ chế phân phối hàng hóa, lo cho bữa ăn cho 10 triệu dân, từng bước mở cửa các kênh phân phối bảo đảm an toàn; đồng thời chăm lo đời sống các hộ khó khăn, các nhóm yếu thế. Chính phủ tiếp tục ưu tiên vắc xin cho TP.HCM trong thời gian tới để TP kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cảm ơn sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan T.Ư và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch. Hiện TP.HCM đang lấy ý kiến các chuyên gia về việc siết chặt hơn Chỉ thị 16 để ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan dịch trong cộng đồng. Ông Nên mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan T.Ư, các tổ công tác đặc biệt để kịp thời đưa ra các phương án có hiệu quả hơn.

Trong 2 tuần TP.HCM sẽ tiêm hết 930.000 liều

Về kế hoạch tiêm vắc xin, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết ngày 20.7 đang triển khai thí điểm tại các bệnh viện như: Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định và Nhi đồng TP. Chiều nay (21.7) sẽ triển khai xuống các địa bàn, trước mắt tổ chức tại các điểm đã được tập huấn kỹ trước khi đồng loạt vào ngày mai (22.7). Hiện vắc xin đã được chuyển đến trung tâm y tế các quận huyện. Khi triển khai chính thức, TP.HCM sẽ vận hành thử nghiệm 2 ngày, sau đó tăng tốc dần với mục tiêu trong 2 tuần sẽ tiêm hết 930.000 liều. Trong thời gian giãn cách xã hội nên sẽ tuyệt đối tránh tình trạng tụ tập đông người.

Đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin đợt này gồm: lực lượng chống dịch (số chưa được tiêm); người mắc bệnh mãn tính và người trên 65 tuổi; người nghèo, các đối tượng chính sách; người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất mặt hàng thiết yếu; công nhân người nước ngoài, người thân nhân viên y tế.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ cao như: người khó khăn, người làm công việc giao thương, vận chuyển… Hiện cơ sở dữ liệu vẫn chưa cập nhật đầy đủ người trên 65 tuổi (ước tính trên 650.000 người) nên sẽ thực hiện cuốn chiếu, ưu tiên trong đợt 5 và đợt 6 sẽ tiêm hết cho các đối tượng này.

Theo kế hoạch, mỗi phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm, toàn TP vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm; khi mọi việc ổn sẽ tăng số lượng lên 200 người/ngày/điểm tiêm, TP cũng huy động 100 xe cấp cứu để xử lý kịp thời, nhanh chóng khi có sự cố. Ông Đức cho biết TP.HCM đã lên kế hoạch tiêm cho 2 triệu người nên rất mong Bộ Y tế quan tâm phân bổ vắc xin theo số lượng và chủng loại trong tháng 7 và tháng 8.2021 để tổ chức tiêm chủng liên tục.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin cho người thân của nhân viên y tế và những hộ khó khăn, sinh sống trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Lãnh đạo Bộ Y tế thống nhất với đề xuất này. Về phân bổ vắc xin cho TP.HCM trong tháng 7.2021, TP có lũy tiến 2 triệu liều, đến hết tháng 8 hoặc tháng 9.2021 có được 5 triệu liều. Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến nghị trong giai đoạn này, TP.HCM nên tập trung tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên chứ không nên tổ chức theo vùng nguy cơ dịch bệnh. (Thanh niên, trang 4+5)

 

Nhận định chính xác ‘vùng đỏ’ để ra quyết sách chống dịch

Việc vẽ ra bản đồ cảnh báo các khu vực nguy hiểm sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách nhắm đúng mục tiêu, điều tiết nguồn lực một cách hiệu quả.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 18-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: “Tại 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, cần linh hoạt hai mũi “giáp công”: Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 rất cao. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn…”. Có thể thấy Việt Nam một mặt tập trung dập đại dịch nhưng mặt còn lại quan trọng không kém là tìm cách tổ chức đời sống xã hội để thích ứng với virus SARS-CoV-2. Làm thế nào xác định được “vùng đỏ” (nguy hiểm) để chống đại dịch và tạo ra “vùng xanh” (an toàn) để sinh tồn? Pháp Luật TP.HCM sẽ làm rõ những vấn đề này qua loạt bài “2 mũi giáp công” để thích ứng với SARS-CoV-2.

Giữa lúc đại dịch diễn ra vô cùng phức tạp, một câu hỏi lớn mà rất nhiều người dân ở TP.HCM đặt ra: “Tình hình dịch nguy hiểm đến đâu?”. Để trả lời câu hỏi này, phải có giải pháp thiết lập “bản đồ dịch bệnh”, trong đó xác định được các “vùng đỏ”. Chính phủ ngay từ đầu đã xác định “chống dịch như chống giặc”. Như vậy, nếu xem “dịch” là “giặc” thì các “vùng đỏ” sẽ giúp nhận diện được số lượng kẻ địch (số ca F0, F1…), hình thái kẻ thù (biến thể virus), mức độ nguy hiểm (độc lực virus), tốc độ tấn công (tỉ lệ lây nhiễm)…

Từ xây dựng bản đồ phân “vùng đỏ”…

Theo ThS Bùi Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT, Sở TN&MT TP.HCM), hiện nay ở Việt Nam, ví dụ Hà Nội, Bắc Giang, TP.HCM, đã có bản đồ hiển thị số ca nhiễm, ca nguy cơ nhiễm theo vùng địa lý. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán phân vùng nguy cơ dựa vào các yếu tố không gian địa lý thì chưa có.

Các chuyên gia dịch tễ và chính sách công đều đồng ý với nhau rằng: Trong quản lý nhà nước thì lãnh thổ được chia thành các đơn vị hành chính (tỉnh, thành, quận, huyện…) nhưng khi chống dịch, phải chia lãnh thổ thành các khu vực nguy cơ. Vì vậy, TP phải lượng hóa được vùng nguy cơ dựa trên việc đánh giá sự di chuyển, tiếp xúc và tương tác giữa người dân, tổ chức với nhau.

Điển hình, nhóm ThS Bùi Hồng Sơn mô phỏng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 bằng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trên nền tảng Ur-scape. Nhóm chia TP ra từng đơn vị nhỏ, xem xét các yếu tố nguy cơ (ví dụ dựa vào số lượng, khoảng cách với chợ, trung tâm thương mại, khu chung cư, trường học… tại một không gian cụ thể). Kết quả, nhóm phân chia TP thành nhiều vùng với độ nguy cơ khác nhau, bao gồm: (I) Vùng nguy cơ thấp, (II) vùng nguy cơ, (III) vùng nguy cơ cao, (IV) vùng nguy cơ rất cao. Trong tương lai, nếu tiếp cận được các thông tin về số ca nhiễm trên từng đơn vị địa lý, các nghiên cứu GIS có thể dự báo: Sẽ có bao nhiêu ca F0 ở từng vùng địa lý cụ thể; tổng số ca F0 chưa được phát hiện trên toàn địa bàn TP; khu vực nào có mật độ F0 cao… Từ đó có thể nhận định rõ các giải pháp cụ thể để ngăn ngừa các kịch bản xấu nhất.

… Đến việc dự báo các kịch bản

Tương tự, nhóm PGS-TS Lê Trung Chơn, PGS-TS Quản Thành Thơ và một số nhà nghiên cứu khác (ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng kỳ vọng có thể dùng GIS để mô phỏng lan truyền dịch bệnh thông qua các dữ liệu điều tra dịch tễ (ví dụ thông tin di chuyển) của F0, F1, F2… Từ đó đưa ra các dự báo về nguy cơ lây nhiễm, lan truyền dịch bệnh theo không gian và thời gian.

Ngoài ra, khi TP áp dụng các chính sách chống dịch như Chỉ thị 15, 16; hay thí điểm việc cách ly F0, F1 ở nhà… thì việc theo dõi, thống kê dữ liệu từ các hoạt động này cũng rất quan trọng. Đó là nền tảng để đưa ra các dự báo nguy cơ theo từng kịch bản tương ứng với từng phương pháp chống dịch khác nhau của TP.

Hiện nay, GIS cùng với công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… có thể tạo ra những mô phỏng, dự báo tiệm cận độ chính xác cao nhất. Đó sẽ là tín hiệu rất đáng mừng để người làm chính sách cân nhắc chiến lược và chiến thuật chống dịch.

PGS-TS Lê Trung Chơn nhận định: Bằng việc phân tích dữ liệu dịch tễ kết hợp với mật độ dân cư, tình hình kinh tế – xã hội… trên nền tảng GIS, các nhà làm chính sách có thể dự báo nguy cơ lan truyền dịch bệnh theo không gian và thời gian.

“Vùng đỏ” và quyết sách chống dịch

Với các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, TP có thể điều tiết, tập trung nguồn lực chống dịch. Ví dụ, tăng cường giãn cách xã hội, truy tìm F0 để cách ly, ưu tiên tiêm chủng vaccine, tập trung nguồn lực chữa trị… tại các “vùng đỏ”. Còn với các khu vực nguy cơ thấp, chúng ta có thể thực thi chính sách cởi mở hơn.

Đúng như ý kiến của một số chuyên gia về GIS, thực tế khi dịch COVID-19 xảy ra ở Việt Nam, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa theo địa phận hành chính (tỉnh này phong tỏa với tỉnh kia, quận này phong tỏa với quận kia…). Từ đó gây ra chính sách giãn cách cực đoan.

Ở TP.HCM, với việc quản lý chợ truyền thống, TP nên dựa trên GIS để có thể đánh giá chính xác nguy cơ, sau đó mới quyết định đóng chợ nào, mở chợ nào hoặc tái tổ chức hoạt động chợ cho phù hợp với tình hình dịch. Trong công tác xét nghiệm, lãnh đạo TP ngày 15-7 thừa nhận áp lực lấy mẫu theo chỉ tiêu lớn đã làm nảy sinh các bất cập, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn nhân lực và thời gian. Như vậy, nếu chúng ta nhận diện được các vùng nguy cơ, cộng với chiến thuật lấy mẫu hợp lý (ví dụ lấy mẫu theo cụm – cluster sampling) thì sẽ giảm thiểu được nguồn lực về con người, thời gian và chi phí.

Việc nhận diện được các “vùng đỏ” cũng góp phần vào sự phối hợp chính sách, điều tiết nguồn lực ở các địa phương. Ví dụ, ở vùng kinh tế TP.HCM, bao gồm TP và các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương…, việc xây dựng “vùng đỏ” sẽ xóa đi ranh giới hành chính, thay vào đó vẽ ra các vùng dự báo nguy cơ. Chính quyền các tỉnh dựa vào đó đồng bộ hóa chính sách.

Ví dụ, các địa phương nên thống nhất chính sách phong tỏa hay điều tiết giao thông… Ngoài ra, họ có thể hỗ trợ nhau về nguồn lực chống dịch, dựa trên nguyên tắc khu vực an toàn giúp khu vực nguy hiểm; nơi nguy hiểm ít giúp nơi nguy hiểm nhiều các vấn đề: Nguồn nhân lực, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm… Nói nôm na là “hậu phương ưu tiên nguồn lực cho tiền tuyến”.

Nếu xác định được “vùng đỏ” ở chu vi càng hẹp, tức phân chia mức nguy hiểm không chỉ giữa các quận trong một TP, mà còn giữa các phường trong một quận, thậm chí giữa các hẻm trong một phường thì khả năng điều tiết nguồn lực càng cao. Ví dụ, bằng việc sử dụng GIS thì chúng ta có thể điều phối và phân bố y bác sĩ, tình nguyện viên, vaccine, thậm chí là nguồn thực phẩm… một cách hiệu quả đến từng hẻm hay từng cụm dân cư.• (Pháp luật TP.HCM, ngày 20/7, trang 1)

 

TP.HCM thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, để hỗ trợ công tác chuyển người bệnh COVID-19 trở nặng đến bệnh viện tuyến trên kịp thời góp phần giảm tỷ lệ tử vong, Sở Y tế thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch.

Với số trường hợp COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện đã vượt qua con số 30.000 và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đội ngũ y, bác sĩ của tất cả bệnh viện được phân công tiếp nhận và điều trị COVID-19 thật sự đã nỗ lực hết mình cứu chữa người bệnh. Bên cạnh số lượt người bệnh khỏi bệnh và ra viện tăng dần thì số trường hợp chuyển nặng vẫn luôn là nỗi lo của các y, bác sĩ và tất cả đều mong muốn người bệnh sớm được chuyển đến các bệnh viện có năng lực chuyên môn cao hơn để điều trị.

Hiện nay, tổng cộng đã có 38 bệnh viện thuộc 4 tầng điều trị khác nhau và hầu hết các bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất, việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối và hỗ trợ cho công tác chuyển viện giữa các bệnh viện được thuận lợi và nhanh chóng là một nhu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Từ những yêu cầu thực tiễn này, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch. Tổ công tác này gồm 15 thành viên, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 làm tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế và lãnh đạo phòng Nghiệp Vụ Y.

Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện điều trị COVID-19, làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh (các bệnh viện thu dung điều trị và các bệnh viện hồi sức COVID-19 thuộc tầng 2, 3 và 4).

Ngoài ra, tổ công tác còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh COVID-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu (nếu có), cũng như kịp thời ghi nhận, giới thiệu nhân rộng những cá nhân và tập thể có cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Nhiều giải pháp giảm tác hại của dịch Covid-19

Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đến ngày 20/7 đã vượt mốc 60 nghìn người. Số ca mắc mới vẫn tập trung ở các tỉnh, thành phố phía nam.

Do vậy, bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, tăng tốc bóc tách F0, làm sạch ổ dịch…, các địa phương cần tập trung cho công tác điều trị để giảm tác hại của dịch.

Vấn đề lo ngại nhất của TP Hồ Chí Minh là số ca F0 tiếp tục gia tăng sau 11 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị cũng như mục tiêu giảm số bệnh nhân nặng, hạn chế tử vong. Căn cứ vào yêu cầu, đề nghị cụ thể của TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các địa phương đang tăng cường đội ngũ y, bác sĩ hỗ trợ, nhất là bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Thành phố cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các chuyên gia đầu ngành về điều trị, dự phòng, góp phần điều chỉnh, bổ sung vào tổng thể các giải pháp phòng, chống dịch nhằm mục tiêu kéo giảm các ca F0, tăng năng lực điều trị F0 nặng, giảm tử vong và nhiều giải pháp về cách ly, quản lý F1 tại khu cách ly và gia đình.

Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình hình dịch là hết sức lo ngại. Số ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Ðồng Tháp… vẫn đang tăng cao. Nguy cơ dịch lan rộng giữa các địa phương, vùng lân cận với nhau và lan xa ra các tỉnh phía nam, kể cả các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Bộ. Từ thực tế đó, công thức chống dịch “Phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch và thu dung điều trị” chỉ còn hiệu quả đối với những tỉnh còn tương đối ít, có thể kiểm soát, truy vết những trường hợp liên quan ca bệnh. Nay dịch “nổ như đom đóm” khắp nơi, tỷ lệ truy vết được các ca F1 quá ít… thì công thức cũ không hoàn toàn phù hợp. Việc truy vết chưa cần đặt nặng trong giai đoạn hiện nay mà cần tập trung giảm tác hại của dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, để giảm nhẹ thiệt hại do Covid-19, cần tăng cường hệ thống nhân lực; tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế, kể cả hệ thống ô-xi, khí nén cho các cơ sở điều trị và tăng khả năng thu dung điều trị ca bệnh nặng. Hiện việc điều trị các ca F0 vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên. Tại TP Hồ Chí Minh và Ðồng Tháp, tỷ lệ ca bệnh nặng phải hỗ trợ ô-xi, thở máy chức năng cao, ECMO ngày một nhiều. Tỷ lệ tử vong tại hai địa phương này cũng đang tăng lên, gần tương đương tỷ lệ tử vong trên thế giới. Hy vọng, với những thay đổi về giảm thời gian cách ly F0, F1, cho cách ly F0, F1 tại nhà, test nhanh mẫu gộp ba và sử dụng phác đồ điều trị mới với các thuốc chống đông, kháng thể đơn dòng… sẽ giúp hệ thống điều trị bớt quá tải và giảm gánh nặng cho các khu cách ly.

Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cùng các trang thiết bị khác, vật tư tiêu hao cho kho dự trữ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, chắc chắn số lượng không thể như mong muốn của các địa phương (có địa phương đề xuất mức hỗ trợ trang thiết bị rất lớn). Do đó, các địa phương cần phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, không lệ thuộc hoàn toàn vào Trung ương. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hệ thống cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên cũng phải chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người mắc Covid-19. Bộ Y tế cũng lập hai trung tâm điều trị tích cực (ICU) tại Ðồng Nai và Cần Thơ để phục vụ theo khu vực. Do vậy, các tỉnh cần phải liên hệ để hỗ trợ nhau, tránh lãng phí nguồn lực vì hiện nay không có đủ nhân lực để hỗ trợ làm các kỹ thuật cao như ECMO.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục cử các đoàn công tác hỗ trợ các địa phương ứng phó dịch. Trong đợt kiểm tra mới đây, đoàn công tác Bộ Y tế đề nghị tỉnh Ðồng Tháp chuẩn bị nhân lực, vật lực để đáp ứng với từng cấp độ dịch, trong đó mấu chốt nhất là vấn đề điều trị và xét nghiệm. Tỉnh cần đẩy mạnh hơn việc xét nghiệm sàng lọc tại các bệnh viện, các cơ sở kinh doanh thiết yếu, các khu vực chợ đầu mối, các trường hợp về từ vùng dịch… Các cơ sở y tế tăng cường tầm soát phát hiện bệnh nền, phát hiện sớm bội nhiễm (mệt nhiều lên, ho có đờm đục…) để chuyển tuyến điều trị cao hơn…

Do số ca F0 đang gia tăng tại Bình Dương (có thể tăng lên từ 8 đến 10 nghìn trường hợp), Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương nhanh chóng thành lập và kích hoạt tháp điều trị “ba tầng” và tập trung nguồn lực đúng trọng tâm. Tầng thứ ba, tầng cao nhất trong mạng lưới (thường là Trung tâm hồi sức Covid-19), là nơi sẽ dốc nhiều nguồn vật lực và nhân lực nhất nhằm bảo vệ tối đa người bệnh. Nhân lực ở tầng thứ ba phải là những người có kinh nghiệm điều trị, tinh nhuệ, có thể thiết lập hệ thống thở máy, chạy ECMO… Tại đây, tập trung những bệnh nhân nặng (khoảng 5 đến 10% tổng số người bệnh), do đó ngoài lực lượng bác sĩ tinh nhuệ cần đội ngũ điều dưỡng. Trung bình một người bệnh Covid-19 nặng cần một bác sĩ và ba điều dưỡng để bảo đảm chăm sóc và điều trị 24/24 giờ.

Ngày 20/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch giữa các bệnh viện. Tổ công tác có nhiệm vụ nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 và các bệnh viện điều trị Covid-19; làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh. Mặt khác, tổ công tác kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh Covid-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu nếu có. Hiện công tác điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang thực hiện theo thứ tự bốn tầng với 38 bệnh viện tham gia và hầu hết đã sử dụng gần hết công suất. Cho nên việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối sẽ hỗ trợ cho công tác chuyển viện giữa các bệnh viện được thuận lợi, nhanh chóng và là một nhu cầu rất cấp thiết hiện nay.

Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, công tác điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hiện đang trôi chảy với ba yếu tố thuận lợi. Trước hết, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thông qua cơ chế mua sắm thiết bị y tế sao cho tiết kiệm và nhanh nhất có thể trên tinh thần công khai, minh bạch. Thứ hai là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, cho mở kho dự trữ phòng, chống dịch của Bộ tại TP Hồ Chí Minh và vận chuyển toàn bộ thiết bị trong kho về bệnh viện. Ðây là giải pháp rất kịp thời trong thời điểm số bệnh nhân nặng đang gia tăng. Bộ Y tế cũng đang vận chuyển trang thiết bị tại nhiều nơi tập hợp tại kho dã chiến của Bộ ở phía nam và giao quyền cho bác sĩ Nguyễn Tri Thức chủ động điều động khi cần thiết. Thứ ba là nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp đang dồn tâm, dồn lực tài trợ các thiết bị vật tư y tế, thuốc, suất ăn hỗ trợ các bệnh viện trong công tác điều trị.

Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức cho biết thêm, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hiện tập hợp nhiều bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện trong thành phố đến bệnh viện trung ương như Chợ Rẫy và đội ngũ bác sĩ từ Thanh Hóa, Hải Phòng… vào hỗ trợ. “Giờ đây chúng tôi đoàn kết thành một khối dốc tâm, hết sức vì sức khỏe nhân dân TP Hồ Chí Minh”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ. (Nhân dân, trang 5)

 

Xét nghiệm ở tần suất cao hơn để củng cố từng khu vực an toàn

Chiều tối 20-7, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng các lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ KH-CN, Bộ TT-TT… có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Về phía TPHCM có đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM được phân công phụ trách các công việc cụ thể trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người nghèo

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin về kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 đợt 5. Theo đó, đợt này TPHCM được phân bổ hơn 930.000 liều, trong đó có 3 loại chính là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Ngày 20-7, TPHCM đã tổ chức tiêm ngừa thí điểm ở những bệnh viện chưa chuyển thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 ở các quận và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Các bệnh viện tập trung tiêm cho người trên 65 tuổi và cho người có các nhóm bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì…).

Theo kế hoạch, TPHCM tổ chức tiêm tại 20 bệnh viện và 624 điểm tiêm (mỗi điểm tiêm 120 liều/ngày), đảm bảo yêu cầu giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong 624 điểm này, trước mắt sẽ vận hành 615 điểm, còn lại trong vùng phong tỏa thì sẽ tiêm ngay sau khi gỡ phong tỏa để đảm bảo an toàn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc tiêm vaccine sẽ triển khai từ ngày 22-7 và dự kiến tiêm trong vòng 2 tuần. Lãnh đạo TPHCM cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm thông tin về số lượng vaccine, bởi nếu thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhưng lại chưa đủ vaccine để tiêm sẽ dẫn đến người dân bức xúc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định quan điểm ưu tiên tối đa vaccine về cho TPHCM. Bởi TPHCM đã phát triển, chống dịch vì cả nước thì cả nước vì TPHCM. Dù số lượng vaccine về tới Việt Nam trong tháng 8 không nhiều, nhưng Trung ương sẽ cố gắng phân bổ cho TPHCM 5 triệu liều vaccine để đến hết tháng 9 có 50% dân số TPHCM được tiêm ít nhất một mũi.

Liên quan đến nội dung này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, số lượng vaccine TPHCM nhận theo tiến độ phân bổ, nhưng việc tiêm ngừa phải được thực hiện khẩn trương, an toàn và không để dẫn đến lây nhiễm trong quá trình tiêm. Theo đồng chí, bên cạnh việc tiêm vaccine theo đúng đối tượng ưu tiên như hướng dẫn của Bộ Y tế thì cần quan tâm thêm một số đối tượng. Đó là người thân của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch như y bác sĩ… Kế đến là ưu tiên đến những người dễ trở nặng khi mắc Covid-19, giúp TPHCM thực hiện được mục tiêu hạn chế tử vong vì bệnh Covid-19.

Mặt khác, ở TPHCM hiện có nhiều người nghèo, người lao động tạm trú trong các phòng trọ, khu nhà trọ chật hẹp và không thể thực hiện giãn cách theo đúng quy định, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, cần quan tâm tiêm ngừa cho những người này để hạn chế nguồn lây nhiễm có thể phát sinh trong thời gian tới. Ngoài ra, TPHCM còn đề nghị quan tâm hơn đến những người làm công tác từ thiện, những người xung kích trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19.

Biện pháp mạnh ở địa bàn đặc thù

Về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận xét, tình dịch bệnh ở TPHCM vẫn phức tạp khó lường, dự báo chính xác rất khó khăn. Vì vậy, trong 10 ngày tới, TPHCM vẫn phải áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. “Chúng tôi hy vọng dịch sẽ giảm trong thời gian 7-10 ngày tới sau thời gian áp dụng Chỉ thị 16 ở 19 tỉnh thành”, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu đúng như dự báo của Thứ trưởng Bộ Y tế thì TPHCM vẫn phải tiếp tục nỗ lực cao độ trong một tuần nữa. Theo Phó Thủ tướng, qua trực tiếp theo dõi tình hình, nhận thấy chưa có nơi nào ở nước ta đứng trước thực tiễn như TPHCM vừa rồi. Theo đó, Việt Nam đã qua nhiều đợt dập dịch, có những lúc dịch vào khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, những nơi ấy không thể so được với TPHCM, do các điều kiện kinh tế – xã hội, quy mô dân số khác nhau.

Phó Thủ tướng chia sẻ khó khăn với TPHCM, sự vất vả của nhân dân TPHCM khi phải giãn cách xã hội kéo dài với những mức độ khác nhau. Dù vậy, đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo những ngày tới số ca mắc mới vẫn còn lớn. Đặc biệt, biến chủng lần này khi bệnh nhân trở nặng thì chuyển biến xấu rất nhanh, nên TPHCM vẫn phải tiếp tục cố gắng “bóc” sớm F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây nhiễm tiếp và tổ chức theo dõi y tế, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. “Chúng ta đứng trước thách thức rất lớn”, Phó Thủ tướng nhận xét và cho rằng TPHCM cần chuẩn bị cơ sở thu dung F0 lớn. Với những vùng xanh, vùng vàng, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM nỗ lực xét nghiệm ở tần suất cao hơn để củng cố từng khu vực an toàn từ nhỏ đến lớn.

Đồng tình với ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM về việc tính toán một số địa bàn quá đặc thù, để tới đây có giải pháp mạnh mẽ hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lúc này, thực hiện cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất để giảm sự lây lan. Vì vậy, TPHCM cần thảo luận sớm, có biện pháp cần thiết đối với một số khu vực mà xét thấy nếu duy trì như hiện nay vẫn khó kiểm soát việc giãn cách nghiêm ngặt.

Gửi lời cảm ơn đoàn công tác đã lắng nghe, chia sẻ hỗ trợ cùng TPHCM trong thời gian khó khăn này, đồng chí Nguyễn Văn Nên thông tin, TPHCM đang lấy ý kiến các chuyên gia, các bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16. Việc này nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng hiện nay. Đây là mục tiêu mà những ngày qua, TPHCM đề ra nhưng chưa đạt được. “TPHCM mong muốn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tổ công tác đặc biệt gồm lãnh đạo các bộ cùng chia sẻ, bàn bạc kịp thời để thống nhất các giải pháp hiệu quả hơn, cùng thực hiện giải pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 có siết chặt, nâng cao, tăng cường để đạt kết quả như kế hoạch đề ra”, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Có thêm 3 triệu liều vaccine Moderna về Việt Nam trong tuần này

Dự kiến trong tuần này Việt Nam sẽ nhận 3 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna. Đây là lô vaccine do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua cơ chế COVAX facility.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, theo dự kiến trong tuần này, sẽ có 3 triệu liều vaccine Moderna về Việt Nam.

Trước đó, Bộ Y tế cho biết Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong quý 3 từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều và đồng ý bán thêm thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.

Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều vaccien phòng COVID-19.

GS.TS Đặng Đức Anh cũng cho biết, trong quý 3 sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý 4 là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam. Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Tính đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có tới 7,1 triệu liều là AstraZeneca; 2 triệu liều vaccine Moderna, 194.200 liều vaccine Pfizer…

Tính đến hết ngày 19/7, Việt Nam Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.305.501 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là 3.995.710 người, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 309.791 người. (Công an nhân dân, trang 1)

 

Lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn: 9 chùm ca bệnh rất phức tạp

Ngày 20/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận hàng chục ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, chùm ca bệnh mới phát hiện tại nhà thuốc Đức Tâm lây lan khá nhanh với hơn chục ca mắc, liên quan nhiều địa điểm ở thủ đô.

Sáng 20/7, Hà Nội công bố ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 3 nhân viên nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ, Đống Đa). Trước đó, ngay trong đêm 19/7, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã phong tỏa tạm thời khu vực nhà thuốc Đức Tâm và gần 10 hiệu thuốc liền kề, kể cả khu tập thể xung quanh với khoảng 300 người dân đang sinh sống để truy vết, xét nghiệm, phun khử khuẩn. Đến trưa 20/7, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận thêm 21 ca, riêng chùm ca bệnh tại nhà thuốc Đức Tâm có thêm 8 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, liên quan nhiều địa điểm tại các quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức.

Tầm soát các trường hợp ho, sốt, mất vị giác

Sáng 20/7, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, chùm ca bệnh ở nhà thuốc Đức Tâm là rất phức tạp. Bên cạnh hơn chục ca dương tính đã được ghi nhận, một số trường hợp F1 liên quan địa chỉ này đang có dấu hiệu trở thành F0.

Ông Ngọc Anh cho rằng, nhà thuốc Đức Tâm đã thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của thành phố về việc kiểm soát người đến mua thuốc điều trị ho, sốt; chưa thực hiện tốt việc phối hợp thông báo thông tin về các trường hợp ho, sốt để xét nghiệm mà để xảy ra lây nhiễm; khi có triệu chứng bệnh mới đi xét nghiệm. Ông biểu dương việc Sở Y tế đình chỉ cơ sở này, đồng thời yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm về việc để lây lan dịch bệnh…

Với việc phát hiện chùm ca bệnh mới tại nhà thuốc Đức Tâm, từ ngày 5/7 đến chiều 20/7, Hà Nội ghi nhận 9 chùm ca bệnh phức tạp, liên quan nhiều địa chỉ. Thành phố hiện có 45 điểm phong tỏa tại 17 quận, huyện. Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ cao, khó lường, vì thế, thành phố đã tăng cường 2 “cánh quân”. Một là tầm soát các trường hợp ho, sốt, mất vị giác; hai là tầm soát các khu vực nguy cơ cao để khóa chặt mầm bệnh.

Hà Nội sẽ xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt, không có yếu tố dịch tễ trên địa bàn để phát hiện nguy cơ trong cộng đồng, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết.

Kiểm soát người về từ vùng dịch

Theo số liệu báo cáo, lưu lượng người dân từ vùng dịch về Hà Nội vẫn nhiều. Ngày 19/7 có 1.377 khách từ TPHCM về qua đường hàng không; 3.190 khách thuộc các tuyến từ Đà Nẵng trở vào về Thủ đô qua đường bộ… “Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, nếu không bám sát di biến động dân cư từ cơ sở mà để trễ chỉ 1-2 ngày thôi thì rất nguy hiểm”, ông Ngọc Anh nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho rằng, dù tình hình phức tạp, nhưng đến thời điểm hiện tại, thành phố vẫn kiểm soát tốt tình hình. Theo vị này, với các chùm ca bệnh được phát hiện những ngày qua qua truy vết triệt để, đều đã cơ bản xác minh được nguồn lây, liên quan yếu tố từ ngoài xâm nhập vào, không phải là dịch bệnh phát sinh trong nội bộ thành phố. “Việc các chùm ca bệnh phát sinh lốm đốm trong thời gian qua là một yếu tố giúp chúng ta chủ động rà soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khoá chặt nguồn lây, tránh tình trạng cùng một lúc bung ra số lượng lớn, lúc đó thì rất khó khăn để phòng chống”, vị này nhận định.

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, khoảng 10.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp diện nguy cơ cao ở Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Những trường hợp này gồm công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh); người làm dịch vụ vận tải, lái xe, phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc tại nhà ga; tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh; người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp; công nhân vệ sinh tại các quận, huyện… (Tiền phong, trang 4)

CDC Hà Nam tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận