Điểm báo ngày 29/7/2021

(CDC Hà Nam)
Tiêm vắc-xin COVID-19: Năm lưu ý quan trọng; Ngày 28/7, Việt Nam có 6.559 ca mắc mới COVID-19; Một ngày ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ; Gần 15.000 người của đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM đã khỏi bệnh…

Tiêm vắc-xin COVID-19: Năm lưu ý quan trọng

Không nên uống rượu bia trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng; luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24h là 2 trong 5 lưu ý quan trọng mà Bộ Y tế khuyến cáo người tiêm vắc-xin COVID-19.

Người được tiêm vắc-xin cần lưu ý 5 điểm sau: Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm; không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng; không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực…); bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ; nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Dấu hiệu cần đến ngay bệnh viện

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Trong quyết định này, Bộ Y tế lưu ý, khi thấy một trong những dấu hiệu sau, người được tiêm vắc-xin cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện. Cụ thể, ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái. Nếu toàn thân có những biểu hiện như chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường, đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn, sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt cũng cần đi bệnh viện càng sớm càng tốt.

Trước khi tiêm chủng, người đi tiêm cần lưu ý chuẩn bị 5 điều sau: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc-xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc… sử dụng gần đây. Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ. Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại; các bệnh mạn tính đang được điều trị; các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây. Người đi tiêm cũng nên cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.

Nếu tiêm lần thứ 2, nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm trước. Ngoài ra, cần cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm virus hoặc mắc COVID-19 (nếu có); các loại vắc-xin được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu là nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

Lưu ý quan trọng sau tiêm

Bác sĩ Đào Thị Hảo, Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nói rằng, cần đảm bảo giấc ngủ, chế độ sinh hoạt đều đặn như ngủ đủ giấc, ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tối đa. Giữ đủ nước cho cơ thể, nước giúp các tế bào loại bỏ độc tố. Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm. Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh… và chia nhỏ bữa ăn. Đặc biệt không để bụng đói trước khi tiêm vì nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, nhất là với người sợ kim tiêm.

Bác sĩ Hảo nói rằng, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu làm giảm hiệu quả của vắc-xin COVID-19, cũng không có bằng chứng cho thấy vắc-xin không an toàn đối với người sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, nên tránh uống rượu trước và sau khi tiêm vắc-xin vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin. Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. (Tiền phong, trang 1).

 

Ngày 28/7, Việt Nam có 6.559 ca mắc mới COVID-19

Tối 28/7 Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.698 ca mắc mới COVID-19 với 1 ca nhập cảnh và 3.697 ca ghi nhận trong nước (781 ca trong cộng đồng). Như vậy trong ngày 28/7, có 6.559 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 6.555 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (2334), Bình Dương (631), Đồng Tháp (153), Đồng Nai (137), Cần Thơ (66), Khánh Hòa (61), Trà Vinh (54), Bến Tre (52), Đà Nẵng (50), Phú Yên (34), Bình Thuận (32), Ninh Thuận (25), Vĩnh Phúc (12), Quảng Nam (11), Hậu Giang (6), Hà Nội (5), Hải Dương (5), Thái Nguyên (5), Gia Lai (4), Ninh Bình (4), Hà Giang (3), Bình Phước (3), Thừa Thiên Huế (2), Hà Tĩnh (2), Cà Mau (2), Đắk Nông (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), Thanh Hóa (1).

Tính đến chiều ngày 28/7, Việt Nam có tổng 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 117.042 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bộ Y tế cho hay hiện có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định. Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.

Trong ngày có 4.511 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 27.457. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca và 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 106 ca tử vong do COVID-19 (số 525-630) từ ngày 19-26/7 tại 6 tỉnh, thành phố sau:

+ Tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 19-26/7: 91 ca

+ Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 20/7: 1 ca

+ Tại Đồng Tháp từ ngày 23-24/7: 2 ca

+ Tại Đồng Nai ngày 25/7: 1 ca

+ Tại Kiên Giang ngày 26/7: 2 ca

+ Tại Long An ngày 22-26/7: 9 ca

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 126.405 xét nghiệm cho 364.614 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.598.823 mẫu cho 16.212.643 lượt người. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

Bộ Y tế đã ban hành công văn số 6075/BYT-TB-CT ngày 28/7/2021 về việc thông báo danh sách các đơn vị sản xuất, cung ứng trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, Viện nghiên cứu trực thuốc Trung ương và đơn vị y tế của các Bộ, ngành để các đơn vị chủ động liên hệ, có kế hoạch mua sắm trang bị phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. (Tiền phong, trang 5).

 

Mọi người dân Việt Nam trong độ tuổi tiêm chủng an tâm đều được tiêm vaccine Covid-19

Chúng ta đang khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm thực hiện mục tiêu tiêm khoảng 150 triệu liệu vaccine Covid-19 cho khoảng 70% dân số để đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Mọi người dân trong độ tuổi tiêm chủng an tâm đều sẽ được tiêm chủng để Việt Nam có thể sớm đưa mọi hoạt động kinh tế – xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 diện rộng

Theo Bộ Y tế, tính tới sáng 28-7, trên cả nước ta đã tiêm được tổng cộng hơn 5,1 triệu liều vaccine Covid-19. Trong đó, đã tiêm mũi 1 được 4.562.339 liều và tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

Bộ Y tế cho biết, việc tiêm vaccine Covid-19 hiện nay nằm trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay trên toàn quốc với mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, có 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng để đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Hiện, việc tiêm chủng đang được ưu tiên, khẩn trương tiến hành tại các địa phương có tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh.

Việc tiêm vaccine Covid-19 trong giai đoạn đầu tiên khi vaccine chưa về nhiều sẽ tập trung cho 13 nhóm đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/CĐ-CP. Khi vaccine Covid-19 về nhiều sẽ đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác và tiến hành tiêm đại trà cho tất cả những người trong độ tuổi tiêm chủng vaccine theo nguyên tắc đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay có các loại vaccine Covid-19 được bào chế dựa trên nhiều công nghệ như: Vaccine bất hoạt; vaccine sử dụng vector virus; vaccine protein tái tổ hợp; vaccine DNA; vaccine RNA; vaccine vỏ virus. Đến nay, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện một số vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các loại vaccine này bao gồm: 1- Covid-19 Vaccine AstraZeneca do hãng AstraZeneca sản xuất; 2 – Gam – Covid-19-V ac (tên khác là Sputnik V) của JSC Generium – Liên Bang Nga; 3 – Vero Cell, Inactivated (tên khác là SARSCoV-2 Vaccine (Vero Cell, Inactivate) của Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. – Trung Quốc; 4- Comirnaty của Hãng Pfizer; 5- Moderna của Hãng Moderna.

Các loại vaccine Covid-19 trên được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại nước ta, với sự tham gia của nhiều lực lượng như Y tế, Quân đội, Công an và các bộ, ngành và được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc bao gồm các cơ sở công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế.

Về lịch tiêm chủng, hầu hết các vaccine Covid-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách thời gian giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Cụ thể: 1- Covid-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần; 2- Gam-Covid-Vac (Sputnik V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần; 3- Comirnaty của hãng Pfizer: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần; 4- SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell): Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần; 5- Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần.

Các loại vaccine trên đều tiêm bắp, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine. Phần lớn các vaccine phòng Covid-19 được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng loại vaccine. Trong khoảng từ 6-24 tháng, vaccine phải được sử dụng tùy theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng loại.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine Covid-19 thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có gần 7,5 triệu liều với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm hơn 5 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ và hơn 2,49 triệu liều AstraZeneca… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vaccine, riêng trong tháng 7 này sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vaccine sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Chúng ta đang khẩn trương đẩy mạnh “Chiến lược Vaccine” và “Ngoại giao Vaccine” để quyết tâm đạt mục tiêu có đủ 150 triệu liều phục vụ cho Chiến dịch tiêm chủng trên cả nước, cho tất cả mọi người trong độ tuổi tiêm chủng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Hà Nội bắt đầu tiêm diện rộng cho người dân

Nằm trong chiến dịch tiêm chủng chung của cả nước, từ ngày 28-7, ngành Y tế Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 diện rộng cho người dân. Theo Sở Y tế Hà Nội, đây là chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử tại thành phố, kéo dài trong hơn 9 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022). Trong chiến dịch này, hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19 của Moderna, Pfizer, AstraZeneca… sẽ được phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội.

Trong chiến dịch tiêm chủng của thành phố, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.

Nhằm thực hiện chiến lược vaccine, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ngày 22-7 đã ký ban hành Phương án triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên địa thành phố. Theo đó, thành phố triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn nhằm phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, với mục tiêu trước mắt là triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với yêu cầu thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.

Thực hiện đồng thời chiến dịch tiêm chủng, TP Hà Nội hiện đã bố trí được 704 dây chuyền tiêm, đang khẩn trương bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới để có được 1.200 dây chuyền tiêm, phục vụ cho mục tiêu tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu ngành Y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ 1.200 dây chuyền tiêm thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng.

Theo phương án, kế hoạch của thành phố, trong năm 2021, triển khai chiến dịch ngay sau khi tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Khi nguồn vaccine chưa đủ sẽ phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: Có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung… Khi có đủ vaccine sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố để tiêm cho khoảng 70% số người trong độ tuổi tiêm chủng, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tại Hà Nội. (An ninh Thủ đô, trang 17).

 

Cách ly F0, F1 tại nhà, làm sao để dân an tâm?

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ca nhiễm tăng cao khiến bệnh viện quá tải, nên việc F0 nhẹ, không triệu chứng (kể cả F1) cần được cách ly theo dõi y tế tại nhà là cấp thiết. Kể cả việc test nhanh Covid-19 cũng cần khuyến khích.

Tuy nhiên ngành y tế chưa có hướng dẫn cách test cũng như quy trình thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

Y tế phường gọi 115 cũng… “bó tay”

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh N.Ch (21 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết 7 ngày trước, qua xét nghiệm cộng đồng, gia đình anh phát hiện 3/6 người nhiễm Covid-19 (gồm ông, bà và mẹ). Khi ông, bà và mẹ được đưa đến khu cách ly theo dõi điều trị thì anh Ch., em gái và cha ở nhà. Ba người F1 ở 1 nhà, mỗi người 1 phòng, cha anh là người nấu ăn, đồ cần dùng thì đặt mua giúp, đặc biệt không ra khỏi nhà. Ăn riêng, ngủ riêng, không dùng đồ chung.

“Mỗi sáng uống 1 viên vitamin C 1.000 mg, rửa mũi, miệng bằng nước muối sinh lý (ngày 3 – 4 lần). Ngày ăn 3 bữa cơm, rau, thịt, cá như bình thường, ăn thêm trái cây. Ngoài ra, hằng ngày, cha con anh đều xông chanh, sả, gừng; tập thể dục nhẹ, hít thở sâu…”, anh Ch. cho biết. Cũng theo anh Ch., 2 ngày qua anh có sốt, anh không gọi y tế phường mà nhờ bác sĩ quen tư vấn, anh uống thuốc hạ sốt thì đỡ. Qua ngày thứ 7 thì y tế phường sẽ xuống xét nghiệm lại những gia đình có F0.

Một gia đình có ca F0 cách ly theo dõi y tế tại nhà ở một quận trung tâm tại TP.HCM rơi vào tình trạng khó thở. Nhưng được sự giúp đỡ của những người bạn và tư vấn của bác sĩ, F0 này đã luyện tập tư thế nằm và tình trạng khó thở đã được cải thiện.

Trưởng một trạm y tế phường tại TP.HCM cho biết F0 hay F1 cách ly tại nhà sẽ được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Nhưng chủ trương là không để F0 trong cộng đồng, được ở nhà do khu cách ly theo dõi điều trị thiếu chỗ, kể cả F1. F1 có nguy cơ cao như tiếp xúc thường xuyên, lâu dài và trực tiếp nhiều cũng không để ở nhà. “F1 hay F0 ở nhà thì nhân viên y tế cũng vất vả vì họ ở rải rác. Bên cạnh đó còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong nhà và ra xung quanh”, vị trưởng trạm y tế này nói. Ông dẫn chứng, có một ca F1 cách ly tại khách sạn theo dõi sức khỏe, nhưng sau đó thành F0 và suy hô hấp nhanh. Gọi tổng đài 115 bận nên nhờ tài xế quen chuyển đi bệnh viện (BV).

“F1 hay F0 cách ly theo dõi y tế tại nhà được khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở… thì phải báo liền y tế phường để tích cực liên hệ xe cấp cứu để chuyển đi cơ sở y tế. Nhưng y tế phường mang tính chất chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ gọi xe… chứ không can thiệp thực tế được. Còn thời gian mất bao lâu tùy thuộc vào Trung tâm cấp cứu 115 bận hay không”, vị trưởng trạm y tế chia sẻ. Cũng theo vị này, thời điểm trước, trung tâm y tế không vận chuyển F0, chỉ vận chuyển F1, nhưng giờ trung tâm y tế cũng vận chuyển F0 vì quá nhiều, càng lúc càng khó khăn. “F0 hay F1 ở nhà tự chăm sóc sức khỏe, nâng cao đề kháng cơ thể như vitamin. Không khuyến khích F0, F1 dùng kháng sinh, thuốc điều trị”, vị này nói thêm.

Cấp cứu chậm trễ sẽ ảnh hưởng tính mạng con người

Trước đó, ngày 27.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiểm tra hệ thống chuyển bệnh nhân của Trung tâm cấp cứu 115 đặt tại công viên phần mềm Quang Trung (Q.12). Ông Phong cho biết, trong thời gian qua nhận được nhiều cuộc gọi của lãnh đạo địa phương về việc khi gọi cho 115 thì đều nghẽn. Chủ tịch TP.HCM lý giải cái nghẽn lớn nhất là đầu ra, tức các BV tiếp nhận; đồng thời cho hay TP.HCM đang nâng cấp máy móc, thiết bị, con người để nâng cao năng lực tiếp nhận bệnh.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bày tỏ sự sốt ruột với tiến độ vận hành 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực (đặt ở TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Tân và H.Bình Chánh) vì tính cấp thiết của các trạm này. Theo lãnh đạo TP, dịch bệnh chuyển biến rất nhanh, sự chậm trễ của cấp cứu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho rằng còn vướng về phương tiện xe cứu thương, hậu cần, chỗ thay đồ bảo hộ, khu vực phun khử trùng xe, xử lý rác thải y tế… liên quan đến địa phương nên rất cần hỗ trợ. Mặt khác, lực lượng tham gia các trạm cần thực hiện theo mô hình sinh hoạt tại chỗ. Trước một số vướng mắc này, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 hệ thống lại các đề xuất để giải quyết luôn một lần với tinh thần hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời để nâng cao năng lực chuyển bệnh. Ông Phong đề nghị Sở TT-TT và công viên phần mềm Quang Trung triển khai nhiều kênh tư vấn, hướng dẫn nhằm giải đáp các thắc mắc, phản ánh người dân, bệnh nhân trong thời gian giãn cách.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm cấp cứu 115 không đủ xe cứu thương cho yêu cầu hiện tại, số xe hiện có là 23 chiếc và chuẩn bị lên 29 chiếc. Các BV TP có khoảng 250 xe cứu thương. Do vậy, một công ty sẽ chuyển một số xe thành xe cứu thương. Ngoài ra, TP còn taxi có kết nối tổng đài 115. Taxi hỗ trợ cũng sẽ tổ chức lại như xe cứu thương, cử 1 điều dưỡng theo xe, trang bị 1 bình ô xy để hỗ trợ trong quá trình vận chuyển.

Trong khi đó, hôm qua 28.7, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm cấp cứu 115 sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở Y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển các trường hợp F0 vào các BV thu dung điều trị Covid-19, không để các trường hợp F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ…

Cho dân test nhanh?

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã chỉ đạo vùng nào nguy cơ trọng tâm, trọng điểm thì làm xét nghiệm, không làm dàn trải. Sử dụng chủ yếu test nhanh để giảm bớt lực lượng lấy mẫu, giảm áp lực xét nghiệm, giảm bớt chi phí xét nghiệm nhằm tăng cường chi phí điều trị. Mạnh dạn sử dụng test nhanh tại địa phương mà trong đó các đoàn, hội sẽ đảm trách hướng dẫn cộng đồng thực hiện, không cần đến lực lượng nhân viên y tế làm test nhanh. Hiện TP làm từ 120.000 – 150.000 test nhanh/ngày.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, thì ủng hộ chủ trương cho người dân tự test nhanh để phòng bệnh dịch. Ông cũng có những chia sẻ hướng dẫn người dân cách lấy mẫu test nhanh bằng các loại test được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi. Tuy nhiên, ông Khanh khuyến cáo, khi phát hiện dương tính, người dân phải báo cho y tế phường (đặc biệt là người có nguy cơ), đồng thời tự cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe. Trong nhà cần có thuốc giảm đau, hạ sốt, ho, trị tiêu chảy…, những loại thuốc trong tủ thuốc gia đình.

Tuy nhiên một chuyên gia về dịch tễ học, tuy đồng tình cho test nhanh để phát hiện F0 kịp thời trên những đối tượng nguy cơ, nhưng theo ông không thể để người dân tự làm. Nhà nước phải làm thế nào để người dân được test nhanh một cách thuận lợi. Theo lý giải của vị chuyên gia, nếu để người dân tự làm, nếu phát hiện dương tính thì khả năng sẽ không khai báo vì sợ, họ sẽ tự ở nhà và nguy cơ tử vong ở nhà.

Chiều 28.7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, PV Thanh Niên đặt câu hỏi về việc TP.HCM có tính đến phương án mở rộng cho người dân tự mua test nhanh về kiểm tra Covid-19 để giảm áp lực cho đội ngũ xét nghiệm. Người dân, doanh nghiệp có thể mua que thử ở đâu, trong trường hợp dương tính qua test nhanh thì xử lý theo quy trình nào… Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói rằng việc test nhanh đơn giản, bản thân cũng tự thực hiện thử. Ngành y tế đã tập huấn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất test cho công nhân. Vừa qua, Sở Công thương cũng đề nghị tập huấn cho nhân viên các siêu thị.

Theo ông Nam, test nhanh là vật tư y tế do Bộ Y tế cấp phép, danh mục đã được công bố nên người dân và doanh nghiệp tham khảo, mua và sử dụng, có thể tham khảo thêm hướng dẫn từ Sở Y tế. Riêng câu hỏi về quy trình xử lý khi dương tính test nhanh thì chưa nhận được câu trả lời từ ông Nam. (Thanh niên, trang 1).

 

Một ngày ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ

Bệnh viện điều trị Covid -19 Cần Giờ là bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid -19 đầu tiên trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Phóng viên Thanh Niên đã đến tận nơi, ghi nhận những tất bật, vất vả của bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại nơi này.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, từ tháng 3.2020, TP.HCM chọn Trung tâm y tế H.Cần Giờ (trước đó là Bệnh viện (BV) H.Cần Giờ) làm BV điều trị Covid-19, tiếp nhận cứu chữa những ca nhiễm từ nhẹ đến nặng. BV có sức chứa khoảng 600 giường (gồm 2 cơ sở, với sức chứa 300 F0/cơ sở), có 29 bác sĩ (BS) và 52 điều dưỡng (ĐD), bao gồm các y BS đến hỗ trợ tăng cường (lực lượng ở TP.HCM và chi viện từ tỉnh Ninh Bình).

Sáng 23.7, chúng tôi có mặt tại BV điều trị Covid-19 Cần Giờ. Gặp chúng tôi, các BS của BV nhắc nhở phải cẩn trọng mọi lúc mọi nơi bởi nguồn lây nhiễm tiềm ẩn xung quanh, và giới thiệu các khu vực bệnh nhân (BN) F0 đang được cách ly điều trị cũng như khu vực “vùng đỏ” không được phép tiếp cận.

Khoa lâm sàng là nơi điều trị các ca F0 và khoa hồi sức tích cực (ICU) tiếp nhận những BN nặng. Các khu vực đều hạn chế tối đa người ra vào, đội ngũ y BS vào khám chữa bệnh phải trang bị kỹ càng đồ bảo hộ. Tại khoa ICU, thấy chúng tôi đến, các ĐD chỉ kịp gật đầu chào rồi ai nấy lại vùi đầu vào công việc.

Không kịp ăn trưa

Mãi đến gần trưa (23.7), BS Trần Hải Long (được điều động từ BV Chợ Rẫy) từ trong phòng BN ra, mới trao đổi được với chúng tôi.

Áo ướt đẫm vì mặc đồ bảo hộ nhiều giờ liền, BS Long cảnh báo chúng tôi về mức độ nguy hiểm khi vào khu vực này. Bởi khoa ICU là khu vực tiếp nhận các BN ở cấp độ nặng từ 3 đến 4. Hầu hết các BN được đưa đến ICU đều có bệnh nền và nguy cơ tử vong, do đó mức độ lây nhiễm tại đây cao hơn.

BS Long nhắc nhở: “Mọi thứ xung quanh đều không được đụng vào; phải đeo khẩu trang N95, mặc đồ bảo hộ…; vài chục phút rửa tay khử khuẩn một lần để đảm bảo”.

BS Long cho biết, khoa ICU đang điều trị cho 10 BN, trong đó có 1 người nước ngoài, 4 BN phải thở máy, 4 BN khác phải dùng HFNC (điều trị ô xy dòng cao qua Canuyn mũi – PV). Tất cả các kíp trực đều thường xuyên theo dõi tình trạng BN qua thiết bị camera lẫn kiểm tra thực tế. Mỗi ca trực bố trí 2 BS và 4 ĐD phụ trách tất cả công việc tại ICU. “Những ngày qua là quãng thời gian rất mệt và áp lực kéo dài với lượng công việc tăng gấp 2 – 3 lần trước đó”, BS Long chia sẻ.

Do lượng công việc dồn dập nên khi vào việc, cả ca trực tức tốc cùng nhau phân thuốc, kiểm tra sổ sách cũng như theo dõi tình hình BN trong phòng bệnh…

12 giờ trưa, cơm được đưa tới trước cửa phòng làm việc của khoa ICU. Người chuyển cơm để các phần cơm vào phòng chờ rồi rời đi nhanh chóng. Đến gần 14 giờ chiều, khi mọi thứ đã tương đối ổn thì cả ca trực mới… sực nhớ đến giờ cơm trưa. Người ăn vội cho đỡ đói, người chỉ dùng một ít rồi để dở đó, tranh thủ ngả lưng…

“Không có thời gian”, một nữ ĐD (xin không nêu tên) cười và nói thêm, có những hôm ca trực không kịp ăn vì lo công việc suốt.

Nơi giành giật sự sống cho người bệnh

BS Trần Hải Long cho biết, đến đây mới hiểu được nỗi vất vả mà các đồng nghiệp đã và đang làm việc tại BV. Khoa ICU được gọi là phòng tuyến cuối cùng bởi chỉ tiếp nhận các trường hợp chuyển biến nặng và đối mặt với nguy cơ tử vong. Đội ngũ y BS tại đây luôn trong tâm thế tập trung cao độ với công việc để cứu BN.

“Bản thân tôi cũng đã chứng kiến ca bệnh tử vong tại khoa này cách đây vài ngày. Họ chuyển nặng vì Covid-19 và cũng có thể vì bệnh nền, các ca nằm tại đây chủ yếu là người lớn tuổi. Nhiều thứ ở đây còn thiếu. Do vậy, mọi người ở đây đều hợp sức để chung tay hỗ trợ nhau. Chúng tôi đang cố gắng để giành lại sự sống cho BN”, BS Long nói.

Một BS khác (xin không nêu tên) ví khoa ICU như cái đáy phễu, là nơi những ca chuyển nặng, cần thở máy được đưa đến chữa trị để giành lại sự sống từ lưỡi hái tử thần.

Tại khoa ICU hiện có 6 máy thở (kể cả 2 máy vừa được tăng cường). “Có thêm 2 chiếc máy, y BS rất vui. Có thêm máy thở là có thêm hy vọng cho người bệnh”, một BS chia sẻ.

Mừng vì một ngày không có ca tử vong

20 giờ 30 cùng ngày 23.7, ca 3 vào trực tại khoa ICU với đội ngũ 2 BS, 4 ĐD. Cũng như những lần trực trước, ca trực phân chia người lấy thuốc, người kiểm tra camera quan sát BN, người chuẩn bị dụng cụ bảo hộ ứng phó sẵn khi các ca bệnh chuyển nặng.

Theo các ĐD tại đây, tình huống bệnh chuyển nặng thông thường xảy ra vào đêm khuya. Do đó, ca trực sẽ phân công một người trực camera lẫn bộ đàm.

22 giờ đêm, ĐD Nguyễn Văn Hòa (31 tuổi, được tăng cường từ BV TP.Thủ Đức) trực camera phát hiện BN tại giường số 2 “đi ngoài” trong giai đoạn không tỉnh táo nên thông báo ca trực. Lúc này, BS Hoàng Anh và ĐD Nghĩa vào xử trí, chăm sóc cho BN.

BS Anh và ĐD Nghĩa vội mặc đồ phòng hộ cấp 4 (loại chống thấm và tốt nhất hiện nay – PV) kín mít rồi bắt tay vào công việc. Do BN không nằm yên một chỗ nên công tác xử trí cũng gặp nhiều khó khăn.

Khi vừa xử lý BN giường số 2 xong, thì bộ đàm từ phòng bệnh vang lên: “Giường số 7 BN chuyển nặng, không đi tiểu được, thêm người!”. Các BS, ĐD nhanh chóng mặc đồ bảo hộ rồi vào xử trí cho BN.

Loay hoay hơn 1 giờ đồng hồ, các BS, ĐD mới rời khỏi phòng bệnh, mồ hôi ướt cả áo. Gần 12 giờ đêm, ĐD Hòa vẫn dán mắt vào màn hình để theo dõi tình trạng của BN cũng như theo dõi nhịp tim của từng ca bệnh. Do các ca nhiễm Covid-19 thuộc cấp độ nặng nên khi không buộc phải tiếp xúc gần để xử trí, thì y BS theo dõi qua camera. “Mặc đồ bảo hộ rất nóng và khi vào phòng bệnh càng nóng hơn, do không dùng máy lạnh, nên sẽ nhanh bị mệt”, ĐD Hòa nói.

Nói chuyện với ĐD Hòa, chúng tôi biết thêm nhiều nỗi trăn trở của đội ngũ y tế trong thời điểm dịch này. ĐD Hòa tâm sự: “Do nhân lực không đủ nên mọi người trong một ca trực sẽ lo từ A đến Z, từ việc chăm sóc, cho BN ăn uống đến dọn vệ sinh phòng bệnh lẫn vệ sinh cá nhân cho BN. Việc gì cũng phải học để chủ động ứng phó khi gặp vấn đề…”.

Thời gian trôi dần đến sáng, ca trực mới chuẩn bị thay phiên vào điều trị bệnh, tiêm thuốc cho 10 BN khoa ICU.

Qua một đêm trực, ĐD Hòa rất mừng vì không có BN tử vong. “Có những đêm trực mà cả kíp trực phải xoay liên tục vì BN chuyển nặng; có khi tất bật đến tận sáng. Hôm nay mừng vì một ngày không có ca tử vong”, ĐD Hòa nói. (Thanh niên, trang 12).

Gần 15.000 người của đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM đã khỏi bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực xây dựng bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch của TP.HCM, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, giúp giành giật sự sống cho rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Với nhân lực, vật lực được bổ sung, các bệnh viện (BV) dã chiến đều hoạt động ổn định, TP.HCM đang kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh nhân (BN), ngăn chặn kịp thời các ca trở nặng.

17 người từng nguy kịch tại BV hồi sức COVID-19 xuất viện

Chiều 26-7, BV hồi sức COVID-19 đã trao giấy chứng nhận xuất viện cho 17 ca bệnh.

BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV hồi sức COVID-19, cho biết BV chủ yếu tiếp đón BN nặng và nguy kịch. Đến nay, BV đã tiếp nhận 400 BN trong tổng số 460 giường bệnh hiện có. Trong đó có 83 BN được chuyển từ độ nguy kịch sang độ vừa và nhẹ. Ngày 26-7, BV vui mừng tiễn 17 BN hoàn toàn hồi phục và xuất viện.

Các BN đều được xét nghiệm PCR có chỉ số CT >30 (chỉ số đo nồng độ virus), đủ tiêu chuẩn xuất viện. Theo BS Thức, trong tuần tới, BV tiếp tục triển khai thêm 700 giường bệnh và tăng cường trang thiết bị máy thở, máy ECMO, máy lọc máu để chữa trị BN nặng. Hiện nguồn nhân lực chủ lực của BV là của BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhân dân 115. BV mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhân lực của Sở Y tế cũng như Bộ Y tế để mở rộng quy mô tiếp nhận người bệnh kịp thời.

Có mặt tại lễ xuất viện và trao giấy chứng nhận cho các BN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19, chia sẻ: “Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với các BN cũng như của BV hồi sức COVID-19. Chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành công tác thu nhận, cứu chữa cho các BN COVID-19 rất nặng, nguy kịch của TP.HCM, BV đã thu được những “quả ngọt” ban đầu”.

Cũng theo ông Sơn, có được thành quả này là nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo TP cho đến Chính phủ, Bộ Y tế đã sớm xây dựng và có những giải pháp về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế ban đầu, hình thành nên một cơ sở y tế hiện đại, giúp giành lại mạng sống cho nhiều BN nặng và nguy kịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), riêng ngày 25-7 có 2.115 BN xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến sáng 26-7 là 14.704 người… (Pháp luật TP.HCM, trang 5).

 

Giảm tỷ lệ người chết là mục tiêu cấp thiết

Chiều 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố phía nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho biết, 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ. Tất cả lực lượng đều cố gắng, được sự ủng hộ của người dân. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch vẫn còn hết sức phức tạp. Một số tỉnh dịch cơ bản được kiểm soát, công tác phòng, chống dịch đi vào nền nếp, nhưng số lượng ca nhiễm chưa giảm rõ rệt. Tại TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Long An… dịch đã lây lan rộng, sâu, việc dập dịch ở những địa phương này sẽ kéo dài hơn dự kiến và hơn nhiều các tỉnh, thành trong khu vực. Trong đó, tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh khác so với phần còn lại của các tỉnh, thành phố trong khu vực và khác so với cả đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu, các tỉnh, thành phố phải lo được lưu thông, phân phối mặt hàng thiết yếu cho từng người dân, có chính sách hỗ trợ thật sự thiết thực hiệu quả đến từng người dân, dứt khoát không để người dân thiếu nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Ở các khu vực người dân thực hiện Chỉ thị 16, trong điều kiện dịch thấm sâu, phải tổ chức hệ thống giám sát quản lý y tế ở cộng đồng thật dày và hoạt động thật trơn tru. Mỗi người dân ở tại cộng đồng của mình có lực lượng và chính quyền địa phương, trong đó nòng cốt là y tế và được phân công theo dõi quản lý sức khỏe đến từng gia đình, từng đối tượng có nguy cơ để bất kỳ ai có triệu chứng liên quan đến Covid-19 đều được báo cáo, được hỗ trợ y tế kịp thời kể cả những triệu chứng của các bệnh khác.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, ở những nơi doanh nghiệp chưa hoạt động, nhu cầu người dân về quê là nhu cầu chính đáng, các tỉnh, thành phố nên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ tổ chức đưa đón bà con về quê chu đáo. Riêng các tỉnh không tổ chức đưa bà con về quê thì phải có biện pháp tuyên truyền cho bà con tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch nơi địa phương đang sinh sống, tuyệt đối không để bà con vì tỉnh không tổ chức được mà bằng mọi cách vi phạm quy định tìm đường về quê.

Sáng 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 và số 9; làm việc với lãnh đạo tỉnh, Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Long An. Phó Thủ tướng yêu cầu Long An phải thực nghiêm Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; phát huy mạnh hơn nữa tổ công tác Covid cộng đồng trong việc giám sát người từ phương xa về không khai báo y tế; giám sát chặt chẽ những nhà trọ có nhiều người… Phó Thủ tướng đề nghị Long An hỗ trợ tiếp TP Hồ Chí Minh “gói sẵn” hàng hóa nông sản để chuyển đến người dân trong khu vực phong tỏa và những suất cơm cho người dân trong những khu cách ly, lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch…

Trong ngày, Bộ Y tế, các địa phương tiếp tục kiểm tra, triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tại buổi làm việc với tỉnh Ðồng Nai về công tác phòng, chống Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Ðông Nam Bộ đề nghị tỉnh Ðồng Nai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa bàn; phải bảo vệ bằng được “vùng xanh”, khoanh chặt điểm dịch; tăng cường bốn tại chỗ, nhất là phải xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên để bóc tách người nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng…

Tại cuộc họp Sở chỉ huy phòng, chống Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, “chia lửa” với lực lượng công an trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát, tổ chức lực lượng hỗ trợ… Các cấp, các ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định “chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết” và việc bảo đảm số lượng người đi làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn chiều 28/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay trong phòng, chống dịch của thành phố là công tác điều trị. Thành phố sẽ đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho người F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ nhằm giúp cho các bệnh nhân nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.

Theo thông báo từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong ngày 28/7 có 4.353 người mắc Covid-19 đủ điều kiện và đã được xuất viện, trong đó, 2.355 trường hợp ra viện sau điều trị bảy ngày và được lấy mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT PCR cho kết quả âm tính, nhưng tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà hoàn toàn (có phòng riêng, ăn riêng, sinh hoạt riêng, không tiếp xúc với bất kỳ ai trong gia đình, không ra ngoài…) trong vòng bảy ngày tiếp theo. 1.998 người còn lại được ra viện sau 14 ngày điều trị. Ðây là những người sau khi được điều trị bảy ngày, làm xét nghiệm bằng kỹ thuật RT PCR cho kết quả dương tính, làm test nhanh sau chín ngày và cho kết quả âm tính một hoặc hai lần, kiểm tra tình trạng sức khỏe ổn định, đủ điều kiện ra viện. Nhóm này sẽ phải tiếp tục tuân thủ tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị người bệnh Covid-19.

Trưa 28/7, sau khi huyện Nam Sách (Hải Dương) xác định có thêm những ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 do liên quan đến ca bệnh phát hiện trước đó, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu huyện Nam Sách ngay lập tức báo động trong toàn huyện, đặt địa phương trong tình trạng khẩn cấp về phòng, chống dịch, nhất là những nơi có người đi lại, tiếp xúc với người bệnh. Trước mắt, mở rộng phong tỏa xã Thái Tân, đóng cứng toàn bộ thị trấn Nam Sách để thần tốc truy vết, xét nghiệm, làm cơ sở xác định nguy cơ cho từng khu vực. Tất cả các xã còn lại phải lập chốt, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, kiểm soát chặt chẽ tình hình…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu mọi công dân trên địa bàn hạn chế tối đa ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, áp dụng từ 28/7 đến ngày 1/8. Ngoài ra, từ 0 giờ ngày 29/7 cho đến khi có thông báo mới, Cà Mau sẽ hạn chế tối đa các trường hợp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa vào tỉnh bốc xếp hàng hóa tại điểm cố định riêng, mà phải lên xuống hàng hóa ở những điểm tập trung do địa phương bố trí…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 28/7 cả nước có 6.559 ca mắc mới Covid-19, trong đó bốn ca nhập cảnh và 6.555 ca ghi nhận trong nước tại 36 tỉnh, thành phố. Như vậy đến chiều 28/7, Việt Nam có tổng số 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước. Ðáng chú ý, trong ngày Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 106 người chết do Covid-19 từ ngày 19 đến 26/7 tại sáu tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh (91 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (1 ca), Ðồng Tháp (2 ca), Ðồng Nai (1 ca), Kiên Giang (2 ca), Long An (9 ca). (Nhân dân, trang 1).

 

TPHCM lập thêm 4 BV dã chiến điều trị COVID-19 với quy mô 10.400 giường

Đến nay toàn TPHCM có 37 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất khoảng 55.000 giường bệnh được chia thành 5 tầng tháp với vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Ngày 27/7, Chủ tịch UBND TPHCM quyết định thành lập thêm 4 bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Sở Y tế, gồm:

– Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Hóc Môn với quy mô 700 giường, 610 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ.

Cơ sở này hoạt động trên cơ sở trưng dụng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn.

– Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Nguyễn Tri Phương có quy mô 200 giường với 250 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ có trụ sở tại Quận 5.

– Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 có quy mô 5.500 giường với 950 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ đặt tại TP.Thủ Đức.

– Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 có quy mô 4.000 giường với 700 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ đặt tại TP. Thủ Đức.

Cả 4 bệnh viện nói trên được xây dựng với các khu chuyên môn như khu điều hành, hành chính, khu tiếp đón và phân loại người bệnh, khu chẩn đoán hình ảnh, khu xét nghiệm, khu hồi sức cấp cứu, khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình, khu cách ly chờ ra viện…

Như vậy, đến nay toàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 37 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất khoảng 55.000 giường bệnh được chia thành 5 tầng tháp với vai trò, nhiệm vụ khác nhau.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC), hiện tại thành phố có 67.990 ca mắc COVID-19.

Tính đến sáng 27/7, tổng số người phải cách ly là 47.082; trong đó có 8.871 người đang được cách ly tập trung, 38.211 trường hợp tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Trong ngày 26/7, có thêm 1.955 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 16.659. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tận dụng thời gian vàng thực hiện Chỉ thị 16 quyết liệt phòng chống dịch, không để lây lan

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang tận dụng thời gian vàng thực hiện Chỉ thị 16, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan.

Chiều ngày 27/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các tỉnh: Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre. Đây là ngày thứ 9 các tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự họp, tại điểm cầu Bộ Y tế có các đồng chí lãnh đạo các Cục/Cục/Văn phòng của Bộ Y tế.

Số ca mắc tăng nhanh; giám sát chặt người về từ TP Hồ Chí Minh và lái xe đường dài

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh đều cho biết, trong thời gian qua số ca bệnh COVID- 19 đều gia tăng nhanh và các chùm ca bệnh đa số có yếu tố dịch tễ liên quan đến người trở về từ TP Hồ Hồ Chí Minh và lái xe đường dài do đó các địa phương đều “chú trọng khoanh vùng, giám sát dịch tễ các trường hợp này”.

Cụ thể, tại Sóc Trăng, từ ca nhiễm đầu tiên hôm 4/7, đến nay số trường hợp dương tính với COVID-19 đã tăng nhanh, lên 144 ca. Có 1.190 trường hợp là F1 đang cách ly tập trung.

Hiện tại khu công nghiệp trên địa bàn có khoảng 20.000 công nhân làm việc, trong đó đặc biệt tại các nhà máy chế biến thuỷ sản có môi trường khép kín nên Sóc Trăng tổ chức mô hình hoat động “3 tại chỗ”.

Tỉnh lập hơn 1.000 tổ COVID-19 cộng đồng và hơn 100 chốt tại nhiều điểm trên địa bàn để đảm bảo  thực hiện Chỉ thị 16 “ ở trong chặt và ở ngoài cũng chặt”; đã  thiết lập 10 vùng cách ly y tế trên địa bàn.

Tại An Giang, trong 3 ngày gần đây (25-27/7), số ca mắc tăng mạnh với hơn 110 ca, chủ yếu là đối tượng F1 chuyển thành bệnh nhân. Hiện toàn tỉnh đang có 175 trường hợp. Hiện 3 chùm ca bệnh ở huyện Châu Thành, Châu Đốc và TP Long Xuyên. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm các trường hợp liên quan, do đó, dự kiến số ca bệnh sẽ gia tăng.

“An Giang kiên quyết cố gắng bảo vệ an toàn cho các khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh quán triệt chỉ các khu công nghiệp nào đảm bảo an toàn phòng chống dịch mới cho hoạt động, những khu vực nào không an toàn, tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động. Đồng thời tỉnh cũng đã tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho công nhân các khu công nghiệp”- đại diện tỉnh An Giang nói.

Tại Tiền Giang, từ 5/6 đến nay, tỉnh có hơn 2.052 bệnh nhân, 231 ca khỏi, 32 ca tử vong. Hiện tất cả các địa phương trong tỉnh đều có ca mắc COVID-19. Đại diện tỉnh Tiên Giang thẳng thắn cho biết, những ngày gần đây số ca nhiễm tăng nhanh. Nếu thời gian đầu chỉ khoảng 30 ca/ngày thì mấy ngày qua tăng nhanh, có ngày tăng lên 200 ca. Toàn tỉnh đã thành lập 291 Tổ truy vết.

“Chúng tôi cho rằng tình hình diễn biến dịch của địa phương rất phức tạp, tới đây số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng. Do đó, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế chi viện thêm cho tỉnh 10 bác sĩ chuyên ngành hồi sức”- đại diện tỉnh Tiền Giang nói.

Tại Bến Tre, từ 3/7 đến nay đã ghi nhận 585 trường hợp dương tính với COVID-19; 8/9 huyện, thị đã có bệnh nhân COVID-19.

Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 16 từ 19/7, tại cuộc họp, đại diện 3 trên 4 tỉnh gồm Bến Tre, An Giang và Tiền Giang cho biết đã yêu cầu người dân không ra đường nếu không có lý do thực sự cần thiết từ 18h hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Riêng với An Giang, tỉnh đang xem xét có thể kéo dài Chỉ thị 16. Còn Bến Tre đề xuất sau 14 ngày thực hiện Chỉ thị 16 thì không dừng đột ngột mà giảm dần mức độ.

Nâng cao năng lực điều tri, cách ly

Do số ca bệnh tăng nhanh và dự báo tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp nên các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang và Tiền Giang đều cho biết, ngoài các cơ sở điều trị đã có, số giường bệnh đã chuẩn bị, các địa phương đều đã chủ động thiết lập, lên kế hoạch thiết lập thêm bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng… Đồng thời thiết lập thêm khu vực điều trị cho bệnh nhân nặng. Hiện các tỉnh đều thực hiện “phân tầng” điều trị.

Tại An Giang, có 14 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện dùng làm khu điều trị bệnh nhân COVID-19, riêng Bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng đến rất nặng với tổng số khoảng 90 giường; Trung tâm Y tế tuyến huyện và Phòng khám đa khoa khu vực tiếp nhận điều trị bệnh nhân không triệu chứng, bện nhẹ đến trung bình với tổng số hơn 150 giường.

Hiện nay, do lượng bệnh nhân tăng nên tỉnh đã chuyển toàn bộ hoạt động của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành sang điều trị bệnh nhân COVID-19 quy mô 100 giường. “An Giang dang xây dựng mở rộng thêm 300 giường bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19”- đại diện tỉnh An Giang thông tin.

Tại Tiền Giang hiện có 6 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, với quy mô khoảng 3.290 giường theo các tuyến, “tầng” khác nhau, trong đó có 80 giường dành điều trị bệnh nhân nặng – sẽ đi vào hoạt động ngày mai- 28/7.

Tại Sóc Trăng, bệnh nhân tại 4 bệnh viện dã chiến đã được phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt tại bệnh viện Trung tâm là nơi chỉ điều trị nặng và nguy kịch.

Để chủ động trong điều trị, tuần tới thêm khu điều trị quy mô 150 giường sẽ được tỉnh Sóc Trăng đưa vào vận hành, nâng công suất điều trị của tỉnh lên hơn 600 giường với 40 giường dành cho bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng.

Tại Bến Tre, hiện năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh khoảng 1.750 giường theo các tuyến điều trị khác nhau.

Về xét nghiệm, các tỉnh này hiện thực hiện được khoảng từ 900- hơn 2.200 mẫu đơn/ngày, trong đó 4 cơ sở xét nghiệm của Tiền Giang có thể xét nghiệm 2.247 mẫu đơn/ngày.

Về cách ly, các tỉnh đều đang lên kế hoạch mở rộng các khu cách ly tập trung theo các tuyến khác nhau. Trong đó, An Giang đã chuẩn bị đủ điều kiện cách ly 4.000 giường và đang mở rộng thêm cơ sở cách ly nâng quy mô lên 5.000 giường.

Tiền Giang đã đưa vào hoạt động 69 khu cách ly, hiện đang cách ly 3.985 người; Bến Tre là 4.549 giường; Sóc Trăng đang mở rộng thêm cơ sở cách ly, nâng tổng số giường lên hơn 7.600.

Tại cuộc họp, đại diện 4 tỉnh này cho biết đã được phân bổ khoảng 395.000 liều vắc xin COVID-19 cho 3 đợt tiêm, đến nay, các tỉnh  đang bắt đầu tiêm đợt 3.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, xét nghiệm 50% công nhân trong khu công nghiệp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch của 4 địa phương này

TS Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, chí trong thời gian ngắn số ca dương tính của 4 địa phương gia tăng nhanh. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truy vết, giám sát. Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc giãn cách tránh tình trạng “bên ngoài chặt nhưng bên trong lỏng lẻo”, bởi nếu không thực hiện nghiêm thì nguy cơ lây nhiễm gia tăng là hiện hữu.

Các địa phương cần thường xuyên đánh giá nguy cơ của từng khu vực theo từng mức độ và phân loại để triển khai giải pháp chống dịch phù hợp. Đối với khu vực nguy cơ rất cao cần nhanh chóng tổ chức truy vết triệt để nhằm cách ly nguồn lây ra cộng đồng.

Đồng thời các địa phương cũng cần rà soát, chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất về cách ly.

“Cả khu giãn cách và cách ly đều cần phải tuân thủ quy định về thời gian lấy mẫu xét nghiệm. Cần tiếp tục tăng công suất xét nghiệm và trả kết quả nhanh hơn. Tuy nhiên, trong xét nghiệm cần linh động huy động nhân lực từ khu vực nguy cơ thấp sang khu vực có nguy cơ cao  lấy mẫu”- TS Đặng Quang Tấn nói.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các tỉnh tăng tốc triển khai tiêm vắc xin COVID-19, có thể lập thêm các điểm tiêm chủng lưu động. Tuy nhiên việc tổ chức tiêm phải đảm bảo an toàn, thực hiện tiêm giãn cách, tránh tập trung đông người tại một thời điểm. Không để lãng phí bất kỳ liều vắc xin nào.

Liên quan đến công tác cách ly, phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, PGS.TS Nguyễn  Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh Bộ Y tế đã có những hướng dẫn về phòng chống dịch và đảm bảo toàn trong các khu công nghiệp do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn này.

Đồng thời các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch ngay cả ở các doanh nghiệp thực hiện “2 điểm đến 1 an toàn” và phải yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị phải có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch ngay từ khi chưa có ca bệnh. Tránh tình trạng bị động, lúng túng khi có dịch. Phải xét nghiệm định kỳ hàng tuần ít nhất cho 50% công nhân trong các nhà máy của các khu công nghiệp.

 Xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn chi tiết Bộ Y tế

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh dự báo tình hình dịch của 4 tỉnh sẽ diễn biến phức tạp hơn. “Tôi đề nghị các tỉnh không chủ quan, tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc, quyết liệt trong bối cảnh số ca mắc trong 9 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của các tỉnh vẫn tăng cao. Đây là thời gian vàng, phải thực hiện đồng bộ “chặt trong- chặt ngoài” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Về đề nghị của một số tỉnh không dừng đột ngột thực hiện Chỉ thị 16, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay hiện nay có 3 chỉ thị 15, 16 và 19 theo từng mức giãn cách khác nhau đã được hướng dẫn cụ thể.

Về phòng chống dịch trong cộng đồng, Thứ trưởng đề nghị phải tăng cường năng lực xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm để khoanh vùng, truy vết, phong tỏa. Tại các địa bàn phong tỏa, phải sàng lọc ít nhất 1% dân số bằng các phương thức xét nghiệm.

Về cách ly, 4 tỉnh cần nâng cao năng lực cách ly với ít nhất 10.000 chỗ/tỉnh và xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn chi tiết Bộ Y tế đã ban hành.

Trước dự báo số ca mắc có khả năng tăng nhanh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải xây dựng ít nhất 5.000 giường điều trị, với ít nhất 100 giường ICU/tỉnh. Trong đó, Trung tâm ICU phải đặt ở bệnh viện đa khoa tỉnh, kết nối với hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời kết nối các bệnh viện dã chiến hay bệnh viện tuyến dưới. Cùng đó, các bệnh viện dã chiến cần đặt ở từng khu vực.

“Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ tập trung điều trị bệnh nhân nặng, các bệnh nhân còn lại thực hiện phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh quá tải cho bệnh viện đa khoa tỉnh, bởi tuyến cuối này còn tập trung chăm sóc sức khoẻ cho người dân mắc các bệnh nặng khác”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Đối với đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 10 bác sĩ hồi sức của Tiền Giang, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giao các Cục/Vụ liên quan để làm việc thống nhất lại với Sở Y tế Tiền Giang trình lãnh đạo Bộ Y tế điều phối phù hợp, tuy nhiên tỉnh phải có thời gian dự kiến và địa điểm làm việc của số bác sĩ này để phát huy hết năng lực khi đến hỗ trợ tỉnh.

“Về các trang thiết bị Bộ Y tế đã thông tin sẽ cấp phát cho các địa phương, chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển về. Tuy nhiên, các địa phương phải phát huy năng lực 4 tại chỗ, chủ động trong phòng chống dịch”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/2/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/7/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận