Bà bầu và nỗi niềm bị trĩ

(CDC Hà Nam)

Bầu bí vốn đã mệt mỏi vì thai nghén hoành hành. Những ngày tháng gần lầm bồn, các chị em mang thai còn gặp rất nhiều rắc rối về sức khỏe. Đó là các bệnh loãng xương, chuột rút, chán ăn,  tiểu đường… Một trong những bệnh tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu và ức chế cho bà bầu là trĩ.

 Nguyên nhân khiến bà bầu bị trĩ

Quá trình mang thai khiến phụ nữ dễ bị trĩ, búi trĩ, chảy máu lợi hơn do tuần hoàn máu trong cơ thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Điều này khiến các tĩnh mạch giãn nở, đặc biệt là khu vực xương chậu do chịu áp lực từ trọng lượng của túi ối. Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng lên cũng góp phần gây ra bệnh trĩ, vì làm giãn các thành mạch và làm chúng dễ bị sưng hơn.

Ngồi nhiều, hạn chế vận động, uống ít nước, tăng cân quá nhiều cũng khiến ba bầu bị trĩ. Và “thủ phạm” gây ra hoặc góp phần làm tình trạng trĩ thêm trầm trọng chính là táo bón.

Các bệnh ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, hiện tượng thai nhiều tháng cũng có thể gây chèn ép và cản trở đường về của tĩnh mạch làm cho đám rối trĩ căng phồng lên, gây bệnh.

Trĩ khi mang thai gây ngứa, đau, hoặc chảy máu trong hoặc sau khi đi tiêu, gây nhiều khó chịu cho thai phụ. Một số phụ nữ bị bệnh trĩ khi mang thai lần đầu tiên. Nếu đã từng mắc bệnh trĩ trước đó, có nhiều khả năng thai phụ sẽ bị lại hoặc bị nặng hơn khi mang thai. Đặc biệt, những phụ nữ trong quá trình mang thai đã bị trĩ, sau khi sinh con nếu không biết giữ gìn sức khỏe sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Làm thế nào để hạn chế bị trĩ cho các bà bầu

Bị trĩ khi mang thai không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi như nhiều mẹ bầu lo lắng. Trong quá trình chuyển dạ, có thể lực đẩy sẽ tác động và làm tình trạng bệnh trĩ nặng hơn, tuy nhiên, tình trạng này thường biến mất sau khi sinh. Bà bầu rất dễ mắc trĩ nhưng cũng dễ khắc phục và phòng ngừa được nếu như bạn chú ý đến sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. Luôn giữ vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo. Sử dụng khăn vải mềm nhúng vào nước ấm lau nhẹ nhàng vùng hậu môn sau khi đi tiêu hoặc sau khi tắm và giữ cho vùng này luôn khô ráo. Việc dư thừa độ ẩm có thể gây ra những kích ứng ở khu vực này.

Bà bầu phải tránh bị táo bón bằng cách bổ sung thêm các loại rau xanh, trái cây và lượng nước đầy đủ cho cơ thể. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như lê (có thể ăn cả vỏ), quả bơ và các quả mọng nước; các loại rau như bông cải xanh, rau cải; các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, bỏng ngô; các loại đậu như đậu lăng và đậu xanh; các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt óc chó…Nên chọn mua thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, người bán uy tín, thông tin hạn dùng rõ ràng để hạn chế phần nào các loại khuẩn có hại và hóa chất trong rau quả.

Thai phụ nên uống nhiều nước và thường xuyên luyện tập, chỉ đơn giản là đi bộ hay tập các bài tập liên quan tới xương chậu cũng rất tốt.  Tăng cường vận động cơ thể, đặc biệt chú ý tập luyện cơ vùng chậu để vùng cơ này mềm mại, khỏe, từ đó hạn chế được bệnh trĩ. Sau khi đại tiện nên rửa sạch sẽ và lau khô. Nên cố gắng giảm căng thẳng và áp lực không cần thiết.

CDC Hà Nam tổng hợp

 

Bài viết liên quan

Làm thế nào để kiểm soát lượng muối ăn trong ngày?

Ngọc Nga

Chế độ ăn uống cho người thường xuyên chóng mặt

CDC Hà Nam

Dấu hiệu cảnh báo chị em nhiễm loại virus có thể gây ung thư

Ngọc Nga

Để lại bình luận