3 ‘vaccine’ đặc biệt giúp bạn sống chung với COVID-19

(CDC Hà Nam)

Khi xác định sống chung với COVID-19, nếu bạn muốn an toàn cho chính mình và những người xung quanh, chuyên gia khuyên bạn cần có 3 loại “vaccine” đặc biệt và kèm theo đó là những “bí quyết” cơ bản.

Ba loại “vaccine” đặc biệt đó là:

Một là, vaccine phòng COVID-19, có tác dụng giúp cơ thể sinh kháng thể, kích hoạt các tế bào nhớ của hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhận diện và tiêu diệt ngay khi virus SARS-CoV-2 dám bén mảng xâm nhập vào cơ thể ta.

Hai là, bạn cần có “vaccine miễn dịch nội tại”, là thứ vaccine bền vững lâu dài, thể hiện khả năng “nội công thâm hậu” của chính bạn, không phải vay mượn từ ngoài, sẵn sàng mọi lúc đánh chặn virus SARS-CoV-2 ngay khi chúng xuất đầu lộ diện.

Ba là, bạn cần có “vaccine ý thức“, là thứ vaccine luôn đóng vai trò cầu nối kết gắn hai thứ vaccine vừa nêu thành “kiềng 3 chân”, giúp cho miễn dịch của bạn luôn ở mức tối ưu và sẵn sàng bảo vệ cơ thể mọi lúc.

Vaccine ngừa COVID-19: 10 thông tin cơ bản cần biết

  1. Vaccine ngừa COVID-19 cho thấy là cách tiếp cận và chuẩn bị chiến lược nhất hiện nay, có thể giúp bạn phòng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách hiệu quả. Nếu không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bệnh sẽ nhẹ hơn và khó chuyển nặng.
  2. Các vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt đều cho thấy hiệu quả, bạn cần tiêm ngay dù là loại vaccine nào đã được cấp phép đưa vào triển khai.
  3. Không cần thiết làm test nhanh kháng thể trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tốt nhất, bạn vẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 khi đến lượt.
  4. Do tất cả vaccine được phê duyệt không sử dụng virus sống gây bệnh COVID-19, vì vậy không thể gây bệnh COVID-19 cho người được tiêm chủng. Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, làm xét nghiệm PCR không cho kết quả dương tính.
  5. Sau 14 ngày của tiêm mũi 1 cho thấy đã có khả năng phòng mắc COVID-19, nhưng giá trị phòng mắc COVID-19 vẫn cao hơn sau tiêm mũi 2.
  6. Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều, bạn vẫn có thể mắc bệnh COVID-19, nhưng bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong. Bạn vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng có thể không có triệu chứng, vô tình bạn trở thành “người lành mang virus” và vẫn có thể phát tán, lây truyền virus cho người khác.
  7. Hiện tại, không khuyến cáo làm test nhanh hoặc định lượng kháng thể cho những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
  8. Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều, bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa (giữ khoảng cách, khẩu trang, rửa khử khuẩn tay…5K). Nếu có triệu chứng nghi COVID-19, bạn vẫn cần khai báo y tế và làm xét nghiệm PCR.
  9. Theo thực tiễn diễn biến dịch COVID-19 hiện nay, khả năng rất cao phải tiến hành tiêm nhắc lại định kỳ, đi kèm phát triển nhanh và chủ động có các loại vaccine mới, có vậy mới theo kịp với sự xuất hiện các biến thể mới và tái tạo miễn dịch bền vững lâu dài cho bạn.
  10. Nhiều nghiên cứu hiện nay chưa xác định đầy đủ thời gian miễn dịch của người đã từng mắc COVID-19 (F0) kéo dài bao lâu, nhưng miễn dịch sẽ giảm theo thời gian, không bền vững và không phải bảo vệ vĩnh viễn cho bạn đối với COVID-19. Hiện nay, theo hướng dẫn Bộ Y tế, những người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm vaccine.

“Vaccine miễn dịch nội tại” : 10 dấu hiệu cảnh báo và 10 cách tối ưu miễn dịch cơ thể

Để có loại vaccin này, bạn cần chú ý những dấu hiệu cảnh báo và những mẹo sau đây:

10 dấu hiệu cảnh báo miễn dịch cơ thể tuột dốc:

  1. Luôn luôn thấy mệt mỏi
  2. Dễ mệt, khó thở khi lên dốc hay leo cầu thang bộ
  3. Dạo này bạn hay mắc bệnh.
  4. Bạn hay bị dị ứng so với trước.
  5. Bạn mất nhiều thời gian để chữa lành bệnh.
  6. Bạn hay gặp rắc rối về hệ tiêu hóa gần đây.
  7. Bạn hay bị đau khớp so với trước.
  8. Bạn dễ dàng bị stress so với trước.
  9. Bạn thấy da trở nên sạm và khô hơn so với trước.
  10. Bạn thấy mắt trở nên nhìn mờ và dễ mỏi mắt so với trước.

10 cách tăng cường và tối ưu hệ miễn dịch cơ thể :

  1. Ăn uống lành mạnh, hạn chế bia rượu.
  2. Tiêu thụ trái cây và rau quả đủ loại màu sắc dễ tìm kiếm quanh bạn: Nên ăn hai đến ba chén trái cây và rau mỗi ngày.
  3. Không để cơ thể mất nước, nhất là những ngày hè nắng nóng: Luôn nhớ uống đủ nước, cụ thể uống 8 ly nước (mỗi ly chứa khoảng 200 ml).
  4. Tiêu thụ nhiều kẽm giúp tăng miễn dịch: Thực phẩm giàu kẽm bao gồm hàu, cua, tôm hùm, thịt lợn, bí ngô, sữa chua, hạt điều, đậu xanh và ngũ cốc.
  5. Tranh thủ nhận vitamin D: Chỉ cần hai bàn tay và khuôn mặt tiếp xúc 10-15 phút hàng ngày với ánh nắng mặt trời có thể cung cấp cho bạn với 3.000 đến 5.000 IU vitamin D.
  6. Không quên dùng các chế phẩm sinh học: Thực phẩm như sữa chua, kefir, atisô, nấm, măng tây và kombucha…
  7. Ngủ ngon đủ giấc là ưu tiên trong duy trì miễn dịch: Hầu hết người lớn nên ngủ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.
  8. Duy trì hoạt động thể chất hàng ngày: Tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
  9. Chủ động kiểm soát căng thẳng và cảm xúc, kết hợp tập Yoga, thiền…
  10. Sinh hoạt nhóm và tăng tương tác cộng đồng.

“Vaccine ý thức”: 10 khuyến cáo cơ bản cần làm

  1. Luôn giữ khoảng cách an toàn, lên kế hoạch học và làm việc online trong bình thường mới.
  2. Khẩu trang như vật bất ly thân.
  3. Tự rèn thói quen rửa tay đúng lúc, hạn chế đưa tay sờ lên mắt mũi miệng
  4. Tự rèn thói quen súc rửa mũi và họng 2-3 lần hàng ngày.
  5. Bạn tự rèn cách nín thở trong 5-10 giây trong tình huống gặp người lạ bất ngờ.
  6. Tự học cách làm test nhanh kháng nguyên COVID khi cần thiết.
  7. Vệ sinh nhà cửa thông thoáng để sống chung lâu dài với virus.
  8. Thường xuyên kết nối thông tin liên quan về dịch tễ dịch COVID tại nơi bạn cư trú, khai báo y tế đầy đủ theo yêu cầu.
  9. Tích cực chữa và kiểm soát các bệnh nền và học cách tự chữa nếu không may bạn là Fo hay F1.
  10. Nhớ đi tiêm vaccine nhắc lại đúng thời hạn, nếu có yêu cầu.

                      Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 23/11/2021

Ngọc Nga

277 cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế từ Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình đến Hà Nam hỗ trợ chống dịch

Ngọc Nga

Mở rộng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết từ Việt Nam sang một số nước

CDC Hà Nam