Điểm báo ngày 11/10/2021

(CDC Hà Nam)

Chống dịch Covid-19 đang đi đúng hướng; Loạn thuốc “xách tay” phòng, chữa Covid-19; Giảm gánh nặng chi phí y tế cho người bệnh mãn tính trong điều kiện phòng, chống Covid-19; Kiên trì bám chốt để phòng, chống dịch…

Chống dịch Covid-19 đang đi đúng hướng

Mặc dù đã có kinh nghiệm qua ba đợt dịch Covid-19 trước, nhưng đợt dịch thứ tư với biến thể Delta đã gây nhiều khó khăn, lúng túng. Với việc đưa ra nhiều quyết sách mới, cuộc chiến chống Covid-19 đã đạt được những kết quả, khi số ca mắc mới và số người chết đã giảm, số người khỏi bệnh nhiều… cho thấy hoạt động chống dịch đang đi đúng hướng.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng giai đoạn được cho là căng thẳng nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19 đợt thứ tư là từ ngày 23/8 đến 30/9. Giai đoạn này, ngành y tế đã triển khai chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện 48 giờ xét nghiệm một lần (nhanh hơn tốc độ lây lan của vi-rút SARS-CoV-2). Nhờ thế, số ca mắc mới được phát hiện sớm nhất, để đưa ra biện pháp quản lý, điều trị phù hợp. Đi liền với đó, ngành y tế cũng có những thay đổi trong cách tổ chức điều trị cho người nhiễm Covid-19; đưa vào sử dụng thuốc thế hệ mới… Vì vậy, số ca mắc mới, số người chết giảm và số ca được công bố khỏi nhiều lên mỗi ngày.

Thống kê của Bộ Y tế đến hết ngày 8/10 cho thấy, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm 44,7% so với hai tuần trước, giảm 47,3% so với một tuần trước. Đáng chú ý, đã có 91% số ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; so với trung bình bảy ngày trước, số ca nhập viện mới giảm 6,7%, số ca nặng nguy kịch giảm 16,4%, số ca thở máy xâm lấn giảm 17,1%… Đã có 7 trong tổng số 62 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không có ca mắc mới, 12 tỉnh, thành phố không có ca nhiễm mới thứ phát trong 14 ngày qua.

Trên cơ sở kết quả điều trị thời gian qua và kinh nghiệm từ nhiều nước, thời gian tới, bên cạnh duy trì các hoạt động phát hiện sớm, xét nghiệm, Bộ Y tế tiếp tục có những điều chỉnh trong công tác điều trị, trong đó, đáng chú ý nhất là việc đưa vào sử dụng sớm các loại thuốc điều trị. Như với thuốc kháng vi-rút, bổ sung thuốc Molnupiravir 400 mg bên cạnh Remdesivir, Favipiravir… Molnupiravir 400 mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ.  Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng vi-rút Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Nó giúp giảm tải lượng vi-rút rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau năm ngày điều trị, qua đó giảm tỷ lệ người bệnh tăng nặng phải nhập viện, giảm tử vong.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta khiến số mắc và số tử vong tăng cao. Có những lúc, tỷ lệ tử vong tại Việt Nam lên tới 2,5%, cao hơn mức trung bình của thế giới (2,1%). Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, cùng với giảm về số ca mắc, thì số người chết cũng giảm mạnh. Ở thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, số mắc thường ở mức hơn 10 nghìn ca mỗi ngày thì sáu ngày gần đây số ca mắc từ 3.500 đến 5.000 ca/ngày. Số người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh cũng tăng cao, có những ngày số khỏi nhiều gấp hơn 5 lần số mắc. Cùng với đó, số người chết đã và đang giảm. Nếu như trước đây có những ngày số người chết lên đến hơn 300 trường hợp thì đến nay đã giảm từ 110 đến 130 ca/ngày.

Để đạt được những kết quả này là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Về phía ngành y tế, cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhất là những quyết định về chuyên môn tạo ra sự thay đổi cuộc chiến chống Covid-19. Bộ Y tế đã thành lập bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam phòng, chống dịch. Rất nhiều đoàn công tác vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… chống dịch, đưa ra các quyết sách, giải pháp kiểm soát tử vong. Đặc biệt, có năm biện pháp được coi là trụ cột làm thay đổi “cục diện” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Thứ nhất, là triển khai cách ly F1 tại nhà, quyết định này đã giảm áp lực rất lớn cho các cơ sở cách ly tập trung và nhất là giảm lây nhiễm chéo tại chính các cơ sở cách ly tập trung.

Thứ hai, trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, số người mắc Covid-19 trở nặng cần nhập viện điều trị kịp thời gia tăng khiến các cơ sở y tế địa phương quá tải, lúng túng trong việc tiếp nhận xử trí, Bộ Y tế quyết định phân công các bệnh viện tuyến trung ương vào trực tiếp hỗ trợ điều trị Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng; thực hiện phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2…

Điều này đã tác động đáng kể đến việc giảm thiểu tử vong do phân loại đối tượng nguy cơ cao, rất cao để theo dõi liên tục, theo dõi diễn tiến người bệnh trở nặng hoặc cần nhập viện kịp thời. Đồng thời giúp các bệnh viện bớt lúng túng trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, cơ sở điều trị người nhiễm Covid-19 luôn trong tình trạng quá tải.

Thứ ba, Bộ Y tế đồng ý thực hiện cách ly, theo dõi, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà ở khu vực tâm dịch như TP Hồ Chí Minh. Đây là bước ngoặt của chiến lược điều trị, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện với chiến lược đưa y tế đến gần dân, nhất là ba túi thuốc điều trị, trong đó có thuốc kháng đông, kháng viêm để bệnh nhân kịp thời sử dụng sớm nhất; xét nghiệm, tiêm chủng, oxy, trạm y tế lưu động để kịp thời đưa người bệnh trở nặng vào điều trị tại cơ sở y tế…

Thứ tư, thành lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; trang bị thêm oxy và trang thiết bị y tế, đưa thuốc điều trị Covid-19, kháng đông, kháng viêm vào điều trị sớm…

Thứ năm, Bộ Y tế, các địa phương đã điều động khoảng 20.000 cán bộ y tế, sinh viên y khoa vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai, Long An các tỉnh Tây Nam Bộ chống dịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong vừa qua là rất lớn, thậm chí không tưởng tượng, nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Đây chắc chắn là bài học lớn cho công tác chống dịch. Mặc dù số người mắc và chết đều giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Mặt khác, chiến lược chống dịch cũng đã chuyển từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, đòi hỏi các bệnh viện cũng phải điều chỉnh để thích ứng trong giai đoạn mới.

Với các bệnh viện sẽ là “bệnh viện tách đôi”, một nửa khám, chữa bệnh thông thường và một nửa luôn sẵn sàng, chủ động chống dịch. Hiện, có một lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… trở về các địa phương sau thời gian tăng cường giãn cách xã hội, trong đó có cả những người dương tính. Chính vì vậy, các địa phương vẫn phải rất cảnh giác, nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.  (Nhân dân, trang 1)

Giảm gánh nặng chi phí y tế cho người bệnh mãn tính trong điều kiện phòng, chống Covid-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Ngày 10/10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7330/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về phí xét nghiệm Covid-19 đối với những người có bệnh mãn tính.

Văn bản nêu rõ, ngày 20/9/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo Bộ Y tế thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế (văn bản số 6665/VPCP-KGVX), đến nay Bộ Y tế chưa có báo cáo.

Tuy nhiên, dư luận tiếp tục phản ánh hiện tượng bất cập trong việc xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế, đặc biệt chi phí xét nghiệm quá sức chịu đựng của những người mắc bệnh suy thận mãn, kể cả những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021; kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật về việc này.

Đồng thời, Bộ Y tế chủ động phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. (Nhân dân, trang 8)

Cần quan tâm điều trị tâm lý cho người mắc Covid-19

Bên cạnh chống chọi lại bệnh tật, nhiều người mắc Covid-19 còn phải đối diện với các rối loạn về tâm lý, cảm xúc nảy sinh trong quá trình điều trị.

Cùng với phục hồi chức năng cơ thể như vận động, hô hấp, việc phục hồi chức năng về tâm lý, cảm xúc cũng là một phần quan trọng trong liệu pháp điều trị bệnh nhân. Thầy thuốc cần hiểu rõ về bản chất tâm lý, cảm xúc của người bệnh và cơ chế dẫn đến các rối loạn này. Người mắc Covid-19 không chỉ chiến đấu chống lại bệnh tật, mà còn đối diện với thử thách lớn từ môi trường xã hội, đó là sự hoang mang, lo lắng và sợ hãi, đặc biệt là trong trạng thái cô đơn.

Chúng ta đã biết, đa số người bệnh là người cao tuổi, có bệnh nền. Bản thân họ trước khi mắc Covid-19 đã phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của người thân, nay ở trong khu điều trị, họ tự chống chọi cùng sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ nhân viên y tế. Mặt khác, họ nhận thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19 nên có phần hoang mang, sợ hãi. Trên một cơ thể yếu đuối khi nhiễm bệnh, họ có thể dễ dẫn đến trạng thái ám thị hoặc hoang tưởng.

 Giống như các rối loạn khác, rối loạn về tâm lý, cảm xúc nếu không được điều trị đúng, đủ và kịp thời cũng sẽ để lại những di chứng đau lòng kéo dài đến suốt đời, không những với người bệnh, mà còn với cả người thân. Trên thực tế, không ít người bệnh đã rơi vào trạng thái dễ cáu giận, không hợp tác thậm chí không muốn sống. Vì vậy, bên cạnh điều trị theo đúng phác đồ, đội ngũ nhân viên y tế còn đảm nhiệm một trọng trách to lớn đó là điều chỉnh các rối loạn tâm lý, cảm xúc, mục đích tạo cho người bệnh có được trạng thái vui vẻ, phấn khởi, thoải mái và có niềm tin.

Ngoài điều trị chuyên môn, việc được chăm sóc tốt về tâm lý sẽ giúp người bệnh Covid-19 phục hồi tốt hơn, giảm nhẹ tác động đến bệnh nền (nếu có), hạn chế các biến chứng và sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước. Do vậy, nhân viên y tế phải có kỹ năng tư vấn tốt, nắm được các kiến thức cơ bản về tâm lý liệu pháp; lồng ghép điều trị phục hồi chức năng với điều trị tâm lý; chú trọng tương tác về lời nói, ánh mắt với người bệnh.

Đối với các cơ sở y tế, cần có một đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành tâm lý trị liệu (khoa tâm thần) túc trực thường xuyên; xây dựng đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp để chăm sóc người bệnh Covid-19 ngay tại giường bệnh, chăm sóc, vệ sinh cá nhân, vật lý trị liệu… Đối với người nhà cần thường xuyên tâm sự, an ủi, động viên bệnh nhân Covid-19, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ sớm vượt qua bệnh tật, sớm hồi phục trở lại. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 15: “Yêu cầu có giải pháp giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế”

TPHCM: Đến 31-10, sẽ có thêm 26 bệnh viện công lập phục hồi công năng

Ngày 10-10, Sở Y tế TPHCM cho biết, đang xây dựng lộ trình phục hồi công năng các bệnh viện trở về trạng thái “bình thường mới” với mục đích đảm bảo cho các bệnh viện thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới: vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân TPHCM và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.

Theo đó, ngành y tế TPHCM tiếp tục nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh; nghiên cứu thành lập “Khoa Covid” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa.

Có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân TPHCM và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.

Hiện đã có 42 bệnh viện công lập chuyển đổi công năng toàn phần hoặc một phần để tiếp nhận và điều trị Covid-19, với tổng số giường là 11,517 giường.

Theo kế hoạch, ngành y tế sẽ ưu tiên phục hồi bệnh viện quận, huyện trước, đảm bảo mỗi quận, huyện luôn có 1 bệnh viện thực hiện chức năng khám chữa bệnh thông thường, đồng thời luôn sẵn sàng 1 bệnh viện dã chiến của quận, huyện để tiếp nhận F0 khi được phát hiện và cần cách ly điều trị.

Khi tình hình dịch bệnh ổn định, số ca mắc Covid-19 giảm rõ, TPHCM sẽ hình thành mô hình bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 3 tầng thay thế cho các bệnh viện dã chiến của quận/huyện và bệnh viện dã chiến TPHCM.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện có Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi đã trở về công năng thành bệnh viện tiếp nhận người bệnh không mắc Covid-19.

Theo dự kiến của Sở Y tế TPHCM, đến ngày 31-10, sẽ có thêm 26 bệnh viện công lập phục hồi trở lại công năng ban đầu để tiếp nhận điều trị các bệnh thông thường cho người dân và đến ngày 31-12, sẽ tiếp tục phục hồi thêm 14 bệnh viện công lập.

Riêng các bệnh viện tư nhân, căn cứ vào tình hình thực tế tại các bệnh viện để chủ động đề xuất và thông báo lộ trình phục hồi công năng cho ngành y tế.

Ngành y tế yêu cầu các bệnh viện khi phục hồi về công năng ban đầu nhưng phải ở trạng thái “bình thường mới”, cụ thể:

Đảm bảo tuân thủ quy định sàng lọc, phân luồng và cách ly người nghi ngờ mắc Covid-19, có kế hoạch chủ động phối hợp các bệnh viện điều trị Covid-19 để chuyển bệnh an toàn.

Hình thành khoa hoặc đơn vị Covid-19 tại các bệnh viện trên cơ sở chuyển đổi khu cách ly người mắc, nghi mắc Covid-19 để sẵn sàng cách ly, điều trị người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Duy trì buồng cấp cứu sàng lọc tại khoa cấp cứu đảm bảo cấp cứu người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19.

Duy trì các buồng cách ly tại mỗi khoa lâm sàng để sẵn sàng cách ly người bệnh chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Đại dịch làm gia tăng rối loạn tâm thần

“Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu ngày 10/10.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn kết quả 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể, như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%), rối loạn giấc ngủ (41,1%)… Đại dịch có tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân… COVID-19 cũng khiến việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn. Tại Việt Nam, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng sau khi COVID-19 bùng phát.

Tại Hội thảo trực tuyến hưởng ứng ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10), ông Thuấn phát biểu, sức khỏe tâm thần là 1 trong 3 cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội. Sức khỏe tâm thần ngày càng có tầm quan trọng và một lần nữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh thông điệp “Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe”. Ông dẫn số liệu WHO rằng, trên toàn cầu, cứ 4 người thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, việc mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là điều bình thường và dễ hiểu. Những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học trực tuyến, thiếu tiếp xúc với họ hàng, bạn bè… đã gia tăng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần.

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, trên thế giới, cứ 7 trẻ em thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Trưởng Khoa Bán cấp tính nữ – Bệnh viện Sức khỏe tâm thần T.Ư 1, cho biết, thời gian qua, bệnh viện nhận tư vấn từ xa, điều trị nhiều ca bệnh liên quan sức khỏe tâm thần, cụ thể là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính với SARS-CoV-2, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung… Ngoài ra, nhiều trường hợp gặp tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp khi đến lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, bị sang chấn tâm lý khi phải giãn cách kéo dài. Một số trường hợp đến khám bệnh về sức khoẻ tâm thần có cuộc sống bị xáo trộn sau khi mất việc làm, giảm lương… do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết các bệnh nhân này là học sinh, sinh viên và người trong độ tuổi lao động.

Bác sĩ Vân cho hay, nếu các trường hợp này không được can thiệp ngay, bệnh diễn biến thành các chứng sợ tiếp xúc, rối loạn ám ảnh, ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.

Ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em

Trong báo cáo mới nhất ngày 5/10, UNICEF cảnh báo rằng, COVID-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ nhỏ, thanh thiếu niên trong nhiều năm tới. Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em, thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Nhưng đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần – một tảng băng không được chú ý trong một thời gian quá dài.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhận định: “18 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi – những yếu tố then chốt của tuổi thơ. Đại dịch đã gây ra tác động đáng kể, song đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức”.

Theo kết quả ban đầu của một cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia được thực hiện bởi UNICEF và Gallup – đơn vị được đề cập trong Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 5-24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì. (Tiền phong, trang 15)

Y tế TP.HCM chuẩn bị “tự lập”

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chậm nhất ngày 15-10 lực lượng chi viện cho TP.HCM chống dịch sẽ rút. Câu hỏi là TP.HCM sẽ làm gì để khỏa lấp “khoảng trống” về nhân sự.

Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh tại TP.HCM, nhân viên y tế khắp nơi đã lên đường chi viện cho TP chống dịch. Họ chăm sóc, điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm và vận hành các trạm y tế lưu động trong suốt hơn 3 tháng qua.

Y tế TP.HCM có thể đảm đương được?

Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức còn được gọi vui là “bệnh viện thập cẩm”, bởi là nơi nhận được sự chi viện đông đảo các lực lượng y tế từ cả nước. Theo thống kê có 11 đơn vị (bệnh viện trung ương và địa phương) với gần 500 nhân viên y tế chi viện hỗ trợ điều trị gần 3 tháng qua.

TS.BS Nguyễn Tri Thức – giám đốc điều hành bệnh viện này – chia sẻ trước đây các đoàn chi viện vẫn thường xuyên “đảo quân”, nhưng lần này rút thật sự. Có đoàn y bác sĩ từ Nghệ An và Hà Nội với 79 người đã rút, dự kiến trong các ngày tới, các đoàn còn lại sẽ tiếp tục về.

“Tất cả y bác sĩ chi viện đã làm việc hết mình, khi dịch bệnh tạm ổn, tôi nghĩ cần cho họ có khoảng thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động”, bác sĩ Thức nói và cho rằng số ca mắc, chuyển nặng giảm; các bệnh viện tầng 1 và 2 tương đối vắng bệnh nhân, do đó không còn quá lo lắng về áp lực điều trị.

“TP cũng đã chỉ đạo chúng tôi làm việc với Sở Y tế TP nhằm bổ sung lực lượng làm việc sao cho phù hợp nhất”, ông nhấn mạnh.

Còn TS.BS Nguyễn Thanh Vinh – phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng, kiêm quản lý Bệnh viện dã chiến số 10 (TP Thủ Đức) – cho hay khi lượng bệnh nhân ngày càng giảm, việc rút quân là hợp lý. “Suốt thời gian qua họ đã làm việc với 200% sức lực, nếu không có họ sẽ rất khó khăn”, bác sĩ Vinh nhận định.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Chánh Xuân – giám đốc Bệnh viện COVID-19 Củ Chi – cho hay đơn vị được chi viện của 3 đoàn y bác sĩ (70 người) từ các tỉnh. Với quy mô dự kiến trên 500 giường bệnh, bác sĩ Xuân nói rằng khoảng 1 tuần nay chỉ còn khoảng 40% bệnh nhân.

“Khi nhân lực chi viện rút, buộc chúng tôi phải cơ cấu lại nhân sự thay thế. Tuy vậy với lượng bệnh nhân ngày một giảm, chúng tôi có thể đảm đương được”, bác sĩ Xuân nói.

PGS.TS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ các nguồn nhân lực y tế khắp cả nước, giúp ngành y tế TP triển khai đồng thời “2 mũi giáp công”, đó là mô hình điều trị 3 tầng và điều trị, chăm sóc dựa vào cộng đồng. Cả “2 mũi giáp công” này đã mang đến hiệu quả tích cực.

Mục tiêu “2 trong 1”

Theo thống kê, hiện TP.HCM có 10 trung tâm hồi sức cấp cứu, trong đó 3 trung tâm hồi sức lớn thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Trung ương Huế quản lý. Dự kiến, các trung tâm hồi sức này sau khi nhân sự rút quân vẫn được duy trì, theo hình thức sáp nhập vào các bệnh viện dã chiến gồm số 16, 13 và 14.

Cụ thể, Bệnh viện ĐH Y dược sẽ tiếp quản trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Việt Đức (dự kiến ngày 15-10); Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp quản trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai (dự kiến ngày 20-10) và Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp quản trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Trung ương Huế (dự kiến cuối năm 2021).

Để từng bước tiếp quản, từ khá lâu ngành y tế TP.HCM đã chủ động cử lực lượng y tế của nhiều bệnh viện “cắm chốt” cùng làm việc để học tập, chuyển giao kỹ thuật.

TS.BS Nguyễn Thế Vũ – phó giám đốc phụ trách Bệnh viện quận 7 – chia sẻ đơn vị được giao tiếp quản một phần công việc khi trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai rút. Gần hai tháng nay, bệnh viện đã cử 9 bác sĩ, 11 điều dưỡng sang trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai vừa học vừa làm.

Được giao nhiệm vụ tiếp quản trung tâm hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế, TS.BS Phan Văn Báu – giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 – chia sẻ khá “tự tin” về chuyên môn. Ngoài nhân sự cơ hữu đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện, Bệnh viện Nhân dân 115 còn “chia lửa” phụ trách 300 giường hồi sức tại Bệnh viện hồi sức Thủ Đức và hỗ trợ Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh.

“Khi được giao nhiệm vụ chúng tôi sẽ rút lực lượng từ các nơi về và đảo quân liên tục, đồng thời cũng cần thêm sự hỗ trợ từ nhiều bệnh viện khác nhằm đảm bảo nhân lực chăm sóc cho các bệnh nhân ở tầng 1, tầng 2 của trung tâm hồi sức”, bác sĩ Báu nói.

Theo Sở Y tế TP, ngoài các đơn vị được phân công chính, ngành y tế sẽ điều động luân phiên thêm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố; quận, huyện đến các “bệnh viện dã chiến 3 tầng”. Đây được xem là giải pháp “2 trong 1”, nhân viên y tế vừa làm nhiệm vụ, vừa được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu để dần “tự lập” trong tương lai.

Rút có lộ trình, không thay đổi đột ngột

Ước tính về năng lực điều trị của ngành y tế TP, nếu đối chiếu với lộ trình chuyển trả công năng của các bệnh viện đến đầu năm 2022, TP vẫn còn duy trì trên 30 cơ sở điều trị với gần 30.000 giường (có 5.107 giường có hỗ trợ hô hấp). Điều này cho thấy ngưỡng năng lực điều trị của TP vẫn đủ sức đáp ứng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho rằng với tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng giảm, ngành y tế TP đang dần đáp ứng nhu cầu chăm sóc điều trị, cơ bản đủ sức tiếp quản khi các lực lượng chi viện rút quân.

Tuy nhiên, theo ông, ngành y tế cần phải có một hệ thống dự phòng cho tương lai, bằng việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, thông qua điều chỉnh nhiều chính sách, cơ chế phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực.

Khẳng định trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế đang rất thận trọng trong việc theo dõi sát diễn tiến dịch bệnh; tránh tình trạng để dịch gia tăng đột biến như thời gian vừa qua dẫn đến quá tải hệ thống y tế.

“Việc rút quân vì thế cũng được xây dựng theo lộ trình, không thay đổi quá đột ngột. Khi số lượng ca bệnh giảm, các bệnh viện mới lần lượt đóng cửa hoặc dồn bệnh nhân lại một bệnh viện để tránh việc duy trì một hệ thống hồi sức kéo dài gây lãng phí”, TS.BS Vĩnh Châu nói. (Tuổi trẻ, trang 1)

Tháng 12-2021, bệnh viện dã chiến sẽ dừng hoạt động

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa ký tờ trình gửi UBND TP.HCM về lộ trình tái cấu trúc các bệnh viện dã chiến trên địa bàn giai đoạn sau “mở cửa” 1-10.

Theo lộ trình này, từ cuối tháng 10 đến tháng 12-2021, các bệnh viện dã chiến của TP sẽ lần lượt ngừng hoạt động, hoàn thành “sứ mệnh” tiếp nhận chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 trong hơn 3 tháng qua.

Dừng dần dần

PGS.TS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết tính từ đầu tháng 7-2021 đến nay, TP đã thiết lập 16 bệnh viện dã chiến (cấp thành phố) với quy mô khoảng 37.000 giường, nhiệm vụ chính là tiếp nhận điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Và sau hơn 3 tháng hoạt động, các bệnh viện còn đang điều trị 9.443 trường hợp F0.

“Các bệnh viện dã chiến TP được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh – sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa các khu nhà tái định cư phục vụ người dân, Sở Y tế TP xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến này.

Theo đó, các bệnh viện lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, 11 và 12-2021. Trong đó các bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và số 5 (Thuận Kiều Plaza, quận 5) sẽ ngừng hoạt động sau cùng (cuối tháng 12-2021).

Đây là các bệnh viện được đầu tư hệ thống nguồn oxy lỏng, giường hồi sức đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động hoặc tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện khu vực trung tâm như Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình.

Vẫn duy trì bệnh viện dã chiến quận

Song song với việc giải thể các bệnh viện dã chiến TP, Sở Y tế TP cho rằng rất cần duy trì các bệnh viện dã chiến quận, huyện nhằm đảm trách tiếp nhận các trường hợp F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Như vậy, ngoài việc duy trì 15 bệnh viện hiện có (quy mô gần 7.000 giường), Sở Y tế TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện sớm thành lập (nếu chưa có) các bệnh viện dã chiến, quy mô từ 300 – 500 giường/bệnh viện, trong đó có 30 – 50 giường oxy.

Ngoài ra các bệnh viện dã chiến quận, huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp. Ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện để có thể sử dụng lâu dài. (Tuổi trẻ, trang 2)

Lực lượng chi viện rút dần, sẽ hỗ trợ qua telemedicine

Nhiều bệnh viện trung ương khẳng định rút nhưng vẫn sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM điều trị từ xa.

Theo thông tin từ các bệnh viện trung ương chi viện cho TP.HCM, các y bác sĩ hỗ trợ đã rút dần từ 5-10. Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế và bệnh viện sẽ làm việc với TP.HCM để đánh giá xem TP cần hỗ trợ thêm những gì, đồng thời bàn giao bệnh nhân và cơ sở vật chất trước khi rút toàn bộ y bác sĩ về lại Hà Nội và Huế.

“Tình hình đã ổn hơn rất nhiều, ngày 14-10 có thể có một số trung tâm hồi sức COVID-19 bàn giao cho TP, nhưng sau khi y bác sĩ rút đi vẫn có thể hỗ trợ TP điều trị bệnh nhân nặng từ xa, qua hệ thống telemedicine”, một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Một trong những vấn đề mà các bác sĩ nuối tiếc nhất trong đợt dịch này là tỉ lệ tử vong quá cao, con số cả nước vượt 20.000 ca, 80% trong số này ở TP.HCM, nâng tỉ lệ tử vong chung do COVID-19 tại Việt Nam lên 2,4%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 2,04%.

Theo các bác sĩ, có nhiều lý do dẫn đến tình huống này, trong đó có việc những người có bệnh nền sau khi mắc COVID-19 tình trạng nặng hơn bình thường. Thứ 2 là giai đoạn bệnh nhân gia tăng nhanh từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9, bệnh viện quá tải và thứ 3 là tình trạng bội nhiễm và kháng thuốc.

Tại cuộc tập huấn phác đồ điều trị vừa được Bộ Y tế tổ chức, ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – đánh giá chủng Delta lây lan nhanh, diễn tiến bệnh nặng khó kiểm soát là một trong những lý do quan trọng, bên cạnh đó còn có nguyên nhân là thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là y bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực.

Ở giai đoạn đầu của đợt dịch này, ông Khuê cũng cho rằng một số bệnh viện của TP.HCM còn lúng túng trong chuyển viện, việc phân tầng điều trị (5 tầng là quá rộng, trong khi cả nước chia 3 tầng), việc phân chia các phòng điều trị chưa hợp lý dẫn đến chưa thuận tiện trong điều trị và chuyển viện. (Tuổi trẻ, trang 3)

Yêu cầu Bộ Y tế làm rõ test COVID-19 đắt hơn chạy thận

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật về việc xét nghiệm với các bệnh nhân điều trị.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 7330 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phí xét nghiệm COVID-19 đối với người có bệnh mãn tính, nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh mãn tính trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

Nhắc lại văn bản trước đó ngày 20-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế, nhưng đến nay Bộ Y tế chưa có báo cáo.

Đặc biệt, dư luận tiếp tục phản ánh hiện tượng bất cập trong việc xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế, đặc biệt chi phí xét nghiệm quá sức chịu đựng của những người mắc bệnh suy thận mãn, kể cả những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm, phản ánh chi phí xét nghiệm COVID-19 còn đắt hơn tiền chạy thận.

Vì vậy, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản ngày 20-9, kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật về việc này.

Chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. (Tuổi trẻ, trang 4)

Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em: Từng bước để học sinh trở lại trường

Đến nay, Việt Nam đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 cho khoảng gần 55% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trẻ em vẫn chưa được tiêm. Muốn quay trở lại trường học, tham gia các hoạt động xã hội, học sinh từ 12-17 tuổi cần được từng bước tiêm vaccine COVID-19.

Dự kiến tháng 10 bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi

Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó riêng tại TPHCM có khoảng 1,8 triệu trẻ từ 5-18 tuổi. Thời gian qua, đặc biệt trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 4, đã có nhiều trẻ em trở thành F0, F1, phải điều trị COVID-19 hoặc cách ly y tế.

Tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 khá cao so với những đợt dịch trước. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến 1.9, cả nước có gần 40.000 trẻ em là F0 và F1, trong đó có hơn 11.800 trẻ em là F0. Trong đó, TPHCM là địa phương có số trẻ em là F0 và F1 cao nhất cả nước, với khoảng hơn 3.000 trẻ. Còn tại Hà Nội, khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em 0-5 tuổi.

Về vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến tháng 10 bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn. Cùng với lượng lớn vaccine Pfizer về Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đã có đề nghị và Việt Nam đang chờ nước bạn sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét.

Theo ông Thuấn, nguồn vaccine từ nay đến cuối năm không thiếu, dự kiến về tối thiểu 120 triệu liều. Ông dự tính trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiêm phủ một mũi vaccine cho trên 70% dân số trên 18 tuổi.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng – cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai tiêm chủng mạnh mẽ, để sớm đạt được 70% dân số tiêm vaccine. Đặc biệt, phải triển khai tiêm chủng cho cả trẻ em. Chỉ khi đó, chúng ta sẽ tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng.

Về vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, PGS Phu cho rằng, hiện nay thế giới đã có nhiều loại vaccine tiêm được cho trẻ em, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo khẩn trương tiêm cho trẻ em, vì vậy tôi cho rằng việc này sẽ sớm được triển khai. Hoặc chúng ta tiêm bao phủ vaccine cho người lớn và trẻ em trước mắt cần được bảo vệ bằng nhiều biện pháp dự phòng như 5K, thì có thể nới lỏng được các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế.

Tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ trẻ em nhưng cần hết sức thận trọng

Ngày 7.10, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã chính thức đệ trình hồ sơ lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, Pfizer/BioNTech cho biết vaccine ngừa COVID-19 của họ an toàn và tạo ra phản ứng mạnh với những kháng thể trung hòa, qua đó giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào. Trong thử nghiệm này, trẻ em từ 5-11 tuổi được áp dụng cơ chế tiêm 2 liều 10 microgam, so với 30 microgam đối với các nhóm tuổi lớn hơn. Các mũi tiêm cách nhau 21 ngày.

Hiện, Pfizer/BioNTech cũng đang thử nghiệm vacine ngừa COVID-19 với trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 2 tuổi và trẻ em từ 2-5 tuổi. Dữ liệu ban đầu đối với các nhóm này có thể được đưa ra ngay sau quý IV.

TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA – cho hay: Mới đây, Pfizer/BioNTech, hãng sản xuất vaccine COVID-19, công bố kết quả từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 lần đầu tiên trên trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, cho thấy kết quả an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt với lượng kháng thể trung hòa cao ngang ngửa với người lớn.

Ông cho biết họ đã sử dụng liều vaccine thấp hơn 1/3 so với người lớn (chỉ dùng 10 microgram, thay vì dùng 30 microgram cho mỗi liều), thời gian giữa 2 liều được giữ nguyên là 21 ngày. Kết quả thử nghiệm cung cấp các dữ liệu khá vững chắc để họ xin FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong bối cảnh lo ngại số lượng trẻ bị nhiễm COVID-19 ngày một gia tăng kể từ khi nước Mỹ mở cửa trở lại và học sinh trở lại trường học.

Hiện nay, ở Mỹ có 3 loại vaccine COVID-19 được cho phép sử dụng trong cộng đồng là Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson. Tuy nhiên chỉ có vaccine của Pfizer/BioNTech đang được cho phép sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên (liều và khoảng cách các liều là giống nhau) vì hiện chỉ có công ty này có các nghiên cứu lâm sàng trên nhóm người trẻ và có kết quả rõ ràng về độ an toàn và hiệu quả.

TS Nguyễn Hồng Vũ cũng cho rằng: “Trẻ em khác người lớn khá nhiều. Không những khác về tầm vóc, cân nặng, hình dáng bên ngoài mà quan trọng hơn là các đặc điểm sinh học bên trong của trẻ vẫn “còn đang phát triển” và không ai trong chúng ta muốn sự phát triển này bị ảnh hưởng xấu. Có một câu nói thường được nhắc đến khi các nghiên cứu khoa học được áp dụng lên trẻ em đó là “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”, để nhắc nhở rằng chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Do vậy nhóm trẻ em, cũng như các nhóm “nhạy cảm” khác như phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, người già, người có bệnh nền nguy hiểm… thường không được tham gia thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc hoặc vaccine mới ra”.

Đối với bệnh COVID-19, TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết: Hầu hết trẻ em khi mắc sẽ bị bệnh nhẹ, khỏi nhanh và phần lớn không có triệu chứng, chỉ một tỉ lệ rất rất nhỏ bị trở nặng hoặc tử vong. Đây là một hiện tượng đang được các nhà khoa học nghiên cứu và làm rõ với các kết quả khá thú vị.

“Nói chung, do đặc tính sinh học của trẻ em có nhiều điểm khác với người lớn nên việc sử dụng vaccine trên trẻ em nên được “cẩn trọng”, chỉ nên sử dụng các vaccine đã có nghiên cứu cụ thể và sử dụng đúng liều lượng phù hợp cho từng lứa tuổi”- TS Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh. (Lao động, trang 1)

Kiên trì bám chốt để phòng, chống dịch

Trong những ngày cao điểm chống dịch COVID-19, cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là lực lượng tại các chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ của tỉnh luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, kiên trì bám chốt, thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa đảm bảo an ninh, trật tự, vừa tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Hơn 7 tháng qua, Đại úy Hoàng Văn Sơn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh không về nhà để thực hiện nhiệm vụ trực chốt kiểm soát dịch BOT cầu Bạch Đằng.

Ngày 26/6, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch BOT cầu Bạch Đằng, Đại úy Hoàng Văn Sơn phát hiện 1 xe cứu thương tư nhân mang BKS 34A-398.86 của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hưng Dũng thuộc Sở Y tế Hải Dương (địa chỉ tại số 3A/429, phố Bình Lộc, phường Tân Bình, TP Hải Dương) có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Bằng kinh nghiệm công tác lâu năm, Đại úy Hoàng Văn Sơn quan sát thấy giấy xét nghiệm âm tính với virus SASR-CoV-2 có dấu hiệu bất thường, những người trên xe có biểu hiện đáng nghi. Quả vậy, trong quá trình kiểm tra, 6 người đi trên xe đã thừa nhận sử dụng giấy xét nghiệm giả để qua chốt kiểm soát. Vụ việc sau đó được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Quảng Yên khởi tố để làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng liên quan.

Ngay sau đó 1 ngày, Đại úy Hoàng Văn Sơn trong quá trình làm nhiệm vụ tiếp tục phát hiện Vũ Văn Phúc (trú tại xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) sử dụng giấy xét nghiệm giả để qua chốt kiểm soát và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Quảng Yên để điều tra, làm rõ.

Khi Quảng Ninh triển khai quy định yêu cầu công dân phải có giấy xét nghiệm virus SASR-CoV-2 kết quả âm tính theo thời gian quy định mới được vào tỉnh, không ít đối tượng đã làm giả loại giấy tờ này.

Cụ thể, từ ngày 7/5 đến nay, chốt Bạch Đằng đã phát hiện 32 vụ, 51 trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống dịch tại chốt, với hành vi làm giấy tờ giả, con dấu giả, trốn trên thùng xe tải để qua mặt lực lượng chức năng… (trong đó có 26 vụ vi phạm hành chính, phạt trên 300 triệu đồng, 6 vụ khởi tố hình sự với 7 bị can).

Trong số này, Đại úy Hoàng Văn Sơn trực tiếp phát hiện gần 20 vụ và phối hợp thu thập đủ chứng cứ trong quá trình điều tra làm rõ các đối tượng làm giả con dấu, tài liệu, sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức. Anh cho biết, bằng kinh nghiệm trong quá trình công tác, anh thường quan sát rất kỹ các giấy xét nghiệm COVID của người dân qua chốt để phát hiện các dấu hiệu bất thường như: Dấu mờ, dấu dạng scan, gạch, xóa, ngày đóng dấu… và biểu hiện khả nghi của các cá nhân.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, Đại úy Hoàng Văn Sơn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa, phương tiện giao thông, phòng, chống tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm bẩn lưu thông qua chốt, được lãnh đạo Công an thị xã Quảng Yên ghi nhận và đánh giá cao. Quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, chung tay cùng nhân dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh, giữ vững ổn định an ninh, trật tự, ngày 19/8/2021, Đại úy Hoàng Văn Sơn là một trong những cá nhân tiêu biểu của Công an toàn tỉnh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. ( Công an Nhân dân, trang 3)

Tử vong do COVID-19 giảm mạnh, khẳng định hiệu quả chiến lược điều trị

Những giọt nước mắt, những bàn tay nhăn nheo, những bộ đồ ướt đầm mồ hôi như đi từ trong mưa sau một ca trực – là hình ảnh của các “chiến sĩ áo trắng” suốt 4 tháng qua ở nơi “chiến trường” khốc liệt nhất của đại dịch COVID-19 phía Nam. Ở tầng điều trị cao nhất (tầng 3 của tháp điều trị 3 tầng), các bác sĩ vẫn từng giây, từng phút giành giật hơi thở cho người bệnh nặng.

Những đầu tháng 10, số ca tử vong do COVID-19 ở nước ta liên tục giảm, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, từ hơn 300 ca tử vong/ngày đến nay giảm xuống còn hai con số (ngày 9/10 có 74 ca). Từ đầu tháng 10 đến nay, số ca mắc COVID-19 ở nước ta cũng giảm mạnh, từ hơn 10.000 ca mắc mỗi ngày, nay giảm xuống hơn 3.000 ca. Số bệnh nhân ra viện mỗi ngày một nhiều, song bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực, cuộc chiến sinh – tử vẫn diễn ra.

Giành giật sự sống khỏi tay tử thần

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, dự kiến đến 15/10 Bộ sẽ rút dần lực lượng y tế chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Tại 6 Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, cuộc chiến sinh tử ở đây vẫn đang diễn ra từng giờ, từng phút. Theo chia sẻ của một bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương chi viện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Thủ Đức, ở thời điểm dịch diễn biến cực kỳ phức tạp, mỗi ngày chứng kiến hơn 10 bệnh nhân ra đi trước sự bất lực của thầy thuốc, sau mỗi ca trực về khu nghỉ, chị chỉ khóc. Đó là thời gian căng thẳng, áp lực và mệt mỏi nhất.

Cuộc chiến của họ không biết ngày và đêm, không có khái niệm thời gian, không biết hôm nay là thứ mấy… Các đồng nghiệp chỉ biết động viên nhau cố gắng, cố gắng hết sức, dù chỉ một hy vọng mong manh cứu người bệnh cũng không bỏ cuộc. Giờ đây, khi số ca tử vong ngày một giảm, áp lực nặng nề của họ mới giảm bớt. Theo nữ bác sĩ, mỗi một người bệnh được cứu sống lại một lần tiếp thêm sức mạnh để họ bước tiếp.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức là tầng cao nhất trong tháp điều trị 3 tầng ở TP Hồ Chí Minh. Vào thời gian cao điểm, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nặng/ngày từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, trong đó nhiều bệnh nhân đặt nội khí quản sớm, tổn thương phổi nguy kịch; rất nhiều trường hợp bệnh nhân không kiểm soát được oxy máu phải can thiệp ECMO.

Chi viện cho Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức, Ths Nguyễn Tiến Trung (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K Trung ương) cho biết: “Các bệnh nhân chuyển đến đây đều nặng, nếu không kịp thời cấp cứu sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Có trường hợp chuyển đến đã ngừng tim, hoặc đến viện tim đập rời rạc, phải khẩn trương cấp cứu. Làm việc ở đây đòi hòi anh em phải nhanh, người bệnh đến cửa phải ra tiếp đón ngay, không biết bệnh nhân nặng hay nhẹ mà luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.

Theo lời kể của BS Trung, áp lực của bác sĩ rất rất lớn, một ca trực làm việc 7-8 tiếng không được nghỉ. Khi bệnh nhân giảm dần, áp lực cũng ít hơn. Còn BS Đinh Hương Quỳnh, Khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chi viện cho Khoa Cấp cứu cho biết: Nhiều bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến nặng rất nhanh. Chẳng hạn như bệnh nhân nữ 38 tuổi, vào nhập viện đã hôn mê, thở oxy. Sau khi cấp cứu xong, có lúc bị rớt mạch, chúng tôi tiến hành hồi sức và có nhịp tim trở lại, song vẫn còn rất nguy kịch. Do bệnh nhân quá trẻ nên chúng tôi đầu tư điều trị tốt nhất cho người bệnh như lọc máu”.

BS Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, Bệnh viện có 3 khu vực điều trị bệnh nhân nặng, khu vực nặng nhất là chạy ECMO, sau đến khu ICU I và  ICU 2b, bệnh nhân đều thở máy. Chủ lực là bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài ra còn có lực lượng y bác sĩ chi viện của Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Viện Tim TP Hồ Chí Minh và đoàn bác sĩ của Hải Phòng,Thanh Hóa… vào hỗ trợ mới có thể vận hành được Bệnh viện Hồi sức 1.000 giường.

Hiệu quả rõ rệt

Gần 4 tháng qua, 500 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai xa gia đình, vào thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh để thu dung, điều trị bệnh nhân nặng. BS Ngô Chí Cương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bên cạnh việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng, họ còn hỗ trợ công việc hành chính không tên cho bệnh nhân như việc lưu trữ đồ dùng cho bệnh nhân. Kể về quá trình điều trị cho bệnh nhân ở đây, BS Cương chia sẻ rất nhiều câu chuyện, có những ngày nhiều bệnh nhân nguy kịch cùng lúc, các kíp trực “quay cuồng” trong việc cấp cứu, thiết lập ECMO.

“Thường bệnh nặng vào ngày thứ 7-10. Có người diễn biến từ nặng sang nguy kịch rất nhanh. Có bệnh nhân dương tính ở nhà 9 ngày mới vào viện trong tình trạng khó thở, thở oxy, sau nặng dần, phổi xơ hóa, chúng tôi phải can thiệp biện pháp kỹ thuật cao cuối cùng là ECMO, lọc máu để cứu bệnh nhân.”, BS Cương cho biết.

Tại một giường bệnh, nữ bệnh nhân vửa trải qua cửa tử, đang trong giai đoạn hồi phục được điều dưỡng vỗ dung xúc động cho biết: “Các bác sĩ Bạch Mai quá giỏi, tôi chỉ biết nói hai chữ “biết ơn” với họ”. Nữ bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch, sau nhiều ngày thở máy đã tỉnh lại, bà được rút ống nội khí quản, đã nói chuyện được bình thường. Bà khoe: “Tôi đã xét nghiệm 2 lần âm tính, hàng ngày được điều dưỡng vỗ dung cho phổi nhanh hồi phục, bác sĩ nói tôi sắp được ra viện”. Đây chỉ là một trong hàng trăm ca bệnh nguy kịch được cứu sống trong “trận chiến” khốc liệt lần này.

Khi dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn căng thẳng, TP đã xây dựng mô hình điều trị “tháp ba tầng” để đáp ứng được công tác thu dung, quản lý điều trị được hiệu quả. Các bệnh viện trong thời điểm đó đã triển khai cùng lúc thiết lập rất nhanh việc chuyển đổi công năng, áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi, thiết lập thêm rất nhiều bệnh viện dã chiến để thu dung bệnh nhân.

Vào cuối tháng 7 đầu tháng 8, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong tăng cao, TP Hồ Chí Minh đã triển khai quản lý điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, cung cấp túi thuốc cho người bệnh, có sự theo dõi, hỗ trợ của các trạm y tế lưu động. Nhờ việc các F0 được theo dõi tại nhà, đặc biệt là diễn biến giảm oxy trong máu, nên đã hạn chế được nhiều ca tử vong.

Các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 được thiết lập, đã kịp thời cấp cứu, can thiệp, điều trị cho các ca bệnh nặng, cứu sống nhiều người bệnh cần kề sinh tử.

Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, các Trung tâm Hồi sức tích cực là chỗ dựa về mặt chuyên môn, tham gia trong chỉ đạo tuyến; hỗ trợ tầng 2 để nâng cao chất lượng điều trị; thực hiện chuyển tuyến phù hợp, có sự hỗ trợ chuyên môn để phân loại bệnh nhân tốt; đánh giá đúng nguy cơ để chuyển bệnh viện phù hợp, chuyển tuyến an toàn. Đó là những điểm hết sức quan trọng và là thành công lớn trong công tác điều trị để góp phần giảm số ca tử vong.  Theo đánh giá của BS Khoa, dù số ca nhiễm vẫn tương đối cao nhưng số ca bệnh nhân nặng cần cấp cứu đã giảm, đặc biệt là số tử vong giảm. Với can thiệp 3 tầng điều trị, rõ ràng hiệu quả đã hiện hữu. (Công an Nhân dân, trang 4)

Khẩn cấp vắc xin cho miền Tây

Miền Tây có khoảng 20 triệu dân, chiếm gần 1/5 dân số cả nước, nhưng hiện nay tỷ lệ người trong độ tuổi được tiêm (mũi 1) vắc xin phòng Covid-19 chiếm chưa tới 30%.

Trong khi đó, từ đầu tháng 10 đến nay, khu vực này đón khoảng 300.000 người từ các vùng dịch phía nam tự phát về quê, nguy cơ dịch bùng phát là rất cao.

Có tỉnh mới đạt 13,9%

Thống kê trên Cổng vắc xin Covid-19 của Bộ Y tế cho thấy, cả khu vực miền Tây có kế hoạch phân bổ gần 22 triệu liều vắc xin, nhưng đến nay các tỉnh, thành mới được phân bổ khoảng 6,6 triệu liều.

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, hiện chỉ có Long An được phân bổ lượng vắc xin nhiều nhất với hơn 2,6 triệu liều và tỉnh này đã tiến hành tiêm cho khoảng 1,5 triệu người (chiếm 98% người dân trong độ tuổi); trong đó có khoảng 41% người trong độ tuổi đã được tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, 12 tỉnh, thành còn lại ở miền Tây mới được phân bổ khoảng 4 triệu liều.

Mấy hôm nay các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị khởi động lại sản xuất, nhưng quả thật không đủ vắc xin để tiêm cho công nhân và người lao động, thì rất khó để khôi phục sản xuất

2 tỉnh trong khu vực có tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt khá là Tiền Giang 50%, Bến Tre 39,4%, tuy nhiên, tỷ lệ người được tiêm mũi 2 ở 2 tỉnh này cũng chỉ mới đạt khoảng 10% số người trong độ tuổi.

Trong khi đó, các tỉnh còn lại đều có tỷ lệ tiêm mũi 1 rất thấp, và thấp nhất là tỉnh Cà Mau mới chỉ tiêm mũi 1 cho được 159.651 người, chiếm tỷ lệ 13,9% tổng số người trong độ tuổi.

Số người được tiêm đủ 2 mũi còn thấp hơn nhiều, đều dưới 10% tại Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Đặc biệt, TP.Cần Thơ nơi được xem là “thủ phủ” của miền Tây cũng mới có 7,7% số người trong độ tuổi được tiêm đủ 2 mũi.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), phân tích: “TP.Cần Thơ là trung tâm kinh tế của miền Tây, nơi giao thương của 12 tỉnh xung quanh, nhưng chỉ mới phân bổ được trên 420.000 liều vắc xin, tỷ lệ người được tiêm vắc xin mới chỉ đạt 24,8% số người dân cần được tiêm; trong đó mới 7,7% tiêm đủ 2 mũi. Trong khi đó, Khánh Hòa được phân bổ hơn 1,2 triệu liều hay như Quảng Ninh hơn 1,6 triệu liều, Hải Phòng gần 1,3 triệu liều, Nghệ An hơn 752.000 liều, và đó đều là những tỉnh có tỷ lệ ca nhiễm rất ít. Thậm chí nhiều tỉnh, thành miền Tây được phân bổ ít hơn rất nhiều so với những tỉnh miền núi có dân số ít, thưa thớt và lác đác vài ca nhiễm như Yên Bái, Lạng Sơn”.

Thêm nỗi lo từ người tự phát về quê

Trong khi các tỉnh, thành miền Tây đang căng mình ứng phó với dịch bệnh lan rộng trong điều kiện thiếu thốn nguồn vắc xin để tiêm phòng cho người dân, thì từ ngày 1.10 đến nay, lại phải đón thêm khoảng 300.000 người về quê từ các vùng dịch khiến nỗi lo chồng chất nỗi lo.

An Giang là tỉnh có số người về lớn nhất miền Tây, với hơn 51.000 người. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết: “Trong hơn 50.000 người dân về tỉnh đợt này, số người được tiêm 2 mũi vắc xin chiếm tỷ lệ 8%; tiêm 1 mũi chiếm tỷ lệ 30%, còn lại chưa được tiêm vắc xin. Qua xét nghiệm, sàng lọc số lượng người về tỉnh dương tính chiếm tỷ lệ hơn 0,5%, khoảng hơn 250 F0”.

Còn Đồng Tháp từ đầu tháng 10 đến nay đã tiếp đón hơn 32.000 người dân từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về quê. Trong đó, chưa được tiêm vắc xin chiếm tỷ lệ hơn 30%; đã tiêm 1 mũi chiếm hơn 43% và đã tiêm 2 mũi chiếm 18%. Qua xét nghiệm sàng lọc, phát hiện hơn 300 F0.

Đợt này, TP.Cần Thơ cũng đã tiếp nhận khoảng 10.500 người dân từ các tỉnh khác về quê. Trong đó có khoảng 2.000 người chưa tiêm vắc xin phải cách ly tập trung. Theo kế hoạch, TP.Cần Thơ cũng sẽ ưu tiên vắc xin để tiêm cho người dân về quê, trước hết là 2.000 người chưa tiêm và những người đã tiêm mũi 1.

Tính đến 10.10, tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận và cách ly hơn 6.338 người dân về từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ bằng phương tiện cá nhân; trong đó có 53 F0 và có đến hơn một nửa chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cùng thời gian trên, tỉnh Cà Mau cũng đón nhận 23.273 người dân từ các tỉnh thành về quê; qua xét nghiệm ghi nhận có khoảng 250 người nhiễm Covid-19.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng vắc xin Covid-19 là yếu tố quyết định cho việc trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi dòng người từ TP.HCM, miền Đông Nam bộ về quê đang tạo áp lực rất lớn cho các tỉnh, thành miền Tây. “Đầu tiên là phải lo an sinh xã hội, phải trợ cấp, phải tính đến giải quyết việc làm. Chưa kể, nhiều người về chưa tiêm ngừa, vậy thì các tỉnh lại phải tiếp tục tính toán tiêm vắc xin cho người dân về quê. Con số phát sinh này hiện là khoảng 300.000 người, nhưng vài ngày tới có thể là 500.000 người”.

Không đủ vắc xin rất khó khôi phục sản xuất

Trả lời Thanh Niên, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết hôm nay (11.10), Vĩnh Long bắt đầu triển khai tiêm 500.000 liều vắc xin Vero Cell cho người dân trong tỉnh thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, tỉnh sẽ tiêm khoảng một nửa số vắc xin này, một nửa để dành chờ tiêm đủ mũi 2.

“Hiện tại điều kiện tiêm và cơ sở tiêm chủng của tỉnh đảm bảo, tỉnh cũng có 2 xe tiêm chủng lưu động để thực hiện tiêm ở các khu vực cần thiết, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào vắc xin được phân bổ. Để phủ hết vắc xin mũi 1 theo kế hoạch thì tỉnh cần thêm khoảng 250.000 liều”, ông Minh thông tin.

Theo ông Minh, hiện tại lượng người dân ngoài tỉnh về quê tự phát còn nhiều nên khả năng xuất hiện ổ dịch mới là điều không thể tránh khỏi. Do đó, khi xuất hiện, ngành y tế sẽ tiến hành khoanh vùng dập dịch để tránh lây lan rộng.

Cùng ngày, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết mặc dù vừa được phân bổ thêm 500.000 liều vắc xin Vero Cell, nhưng để tiêm phủ 95% người trong độ tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.Cần Thơ cần được phân bổ thêm 1 triệu liều vắc xin.

Theo ông Hiển, trong ngày 10.10, 500.000 liều vắc xin Vero Cell sẽ về đến Cần Thơ. Sau đó, Cần Thơ sẽ tức tốc phân bổ về các quận, huyện để triển khai tiêm ngay. Trước hết, Cần Thơ sẽ phân bổ 250.000 liều cho các quận, huyện; một nửa còn lại sẽ phải để dành chờ tiêm mũi 2.

“Chúng tôi sẽ tập trung tiêm cho công nhân, người lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ tiểu thương, giáo viên, sinh viên… Ngoài ra, trong tháng 10, Cần Thơ cũng phải làm sao tiêm vắc xin đạt 80% số người trên 50 tuổi”, ông Hiển nói và cho biết: “Mấy hôm nay các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị khởi động lại sản xuất, nhưng quả thật không đủ vắc xin để tiêm cho công nhân và người lao động, thì rất khó để khôi phục sản xuất”.

Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngoài tiêm phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn theo kế hoạch trước đây, tỉnh sẽ tiếp tục tiêm vắc xin cho nhóm người về quê đã tiêm 1 mũi, hoặc chưa được tiêm mũi nào, để tăng cường bảo vệ cộng đồng.

 “Vì thế, tỉnh rất mong Bộ Y tế xem xét hỗ trợ thêm vắc xin cho tỉnh tiêm cho nhóm người về quê. Hiện nay tỉnh Đồng Tháp đang triển khai tiêm 250.000 liều vắc xin Vero Cell được phân bổ sẽ kết thúc trong vòng 5 ngày. Sau 4 tuần, số người này sẽ được tiêm mũi 2. Qua tiêm 100.000 liều vắc xin Vero Cell đầu tiên thì người dân được an toàn”, ông Bửu thông tin thêm. (Thanh niên, trang 1)

Bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1687/QĐ-TTg (ngày 8-10-2021) về việc bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, bổ sung 2 thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 như sau: Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng. (Hà Nội mới, trang 1)

Loạn thuốc “xách tay” phòng, chữa Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, gần đây, thị trường thuốc trực tuyến xuất hiện nhiều mặt hàng “xách tay” từ Ấn Độ, Nga, Trung Quốc… được quảng cáo có khả năng dự phòng và điều trị Covid-19. Điều đáng nói, mỗi tài khoản trên mạng xã hội lại rao bán thuốc với giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/hộp. Theo các chuyên gia, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh “tiền mất, tật mang”.

Rao bán thuốc chưa được cấp phép

Kể từ khi gần khu vực sinh sống phát hiện chùm ca mắc Covid-19 trong một gia đình, bà Nguyễn Thị Nhung (63 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) rất lo lắng. Bà đã nhờ người quen mua thuốc dự phòng Covid-19 được quảng cáo là hàng “xách tay” từ Nga.

“Qua quảng cáo của người bán trên mạng internet, loại thuốc Arbidol dùng để dự phòng có giá từ 380.000 đến 480.000 đồng/hộp (10 viên) được dùng phổ biến ở Nga cho cả trẻ em và người lớn. Trẻ em 6-12 tuổi uống 1 viên, người lớn uống 2 viên. Hộp màu xanh giúp tăng đề kháng chống Covid-19, còn loại màu đỏ dành cho đối tượng F1, F2. Nếu tiếp xúc với F0, thì uống ngay sau khi phơi nhiễm với liều lượng 1 lần/ngày và liên tục 10-14 ngày”, bà Nhung cho biết.

Theo một người bán thuốc “xách tay” ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, giá bán sỉ và lẻ khác nhau. Thậm chí, người này không đọc được chính xác tên thuốc, vì nhãn mác toàn chữ nước ngoài. Không những vậy, nhiều trang mạng xã hội còn quảng cáo thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” là “một phần liệu pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung Quốc” với tác dụng ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Trong tháng 9-2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) đã thu giữ gần 10.000 hộp thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” nhập lậu tại thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đưa ra cảnh báo, một số đối tượng đã rao bán các loại thuốc được quảng cáo là thuốc điều trị Covid-19 trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Các loại thuốc trên chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng.

Xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm

Theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6-10-2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 được cập nhật lần thứ 7, có 3 thuốc kháng vi rút được đưa vào phác đồ điều trị, bao gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ có 3 loại thuốc trên được Bộ Y tế xem xét, đánh giá tính hiệu quả và an toàn. Trong khi những loại thuốc khác không rõ thành phần như thế nào, công dụng đến đâu, thì người dân không nên sử dụng. Hơn nữa, mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, cần có chỉ định của bác sĩ về liều lượng theo từng giai đoạn bệnh. Nếu dùng thuốc tùy tiện sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. “Có những loại thuốc được quảng cáo là dự phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện chỉ có vắc xin và “5K” mới giúp chúng ta phòng tránh và giảm các triệu chứng tăng nặng khi mắc Covid-19”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park, hiện Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị cho việc chuyển sang trạng thái “bình thường mới” và vắc xin có ý nghĩa quan trọng phòng Covid-19. Tuy nhiên, vắc xin không phải là “chìa khóa vạn năng” có thể ngăn chặn sự lây lan của vi rút, mà cần nghiêm túc thực hiện “5K” (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế).

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn lưu ý, người dân không nên tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà. Các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa đối với việc bán hàng, quảng cáo trực tuyến, nhất là thuốc chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, như: Cục Quản lý dược, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường quản lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc; quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá bất hợp lý… Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, kịp thời lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. ((Hà Nội mới, trang 7)

Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/4/2022

CDC Hà Nam

Việt Nam ghi nhận 121 ca mắc COVID-19

Ngọc Nga