Điểm báo ngày 08/11/2021

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; Nguy cơ dịch bùng phát trở lại, người dân không được chủ quan; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Không để dịch bùng phát trở lại; …

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 8149 ngày 7.11 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Công điện, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ; chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả… gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vắc xin. Bộ Y tế thực hiện phân bổ khẩn trương số vắc xin đã tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm vắc xin ngay khi nhận được.

Các bộ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các cấp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm chính sách hỗ trợ người dân, an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định. (Thanh niên, trang 3; Nhân dân, trang 1)

Nguy cơ dịch bùng phát trở lại, người dân không được chủ quan

Nhiều ổ dịch cộng đồng phức tạp, lây lan nhanh đã xuất hiện, trong khi một bộ phận người dân lại chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định 5K.

Trong 2 tuần gần đây, nhiều địa phương trên cả nước dịch COVID-19 tiếp tục nóng trở lại, đặc biệt là Hà Nội, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và phía Bắc. Sau khi giảm xuống dưới mốc 4.000 ca nhiễm/ngày và trung tuần tháng 10 thì đến những ngày đầu tháng 11, số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại, có ngày lên tới hơn 7.500 ca tại 60 tỉnh, thành trên cả nước.

Nhiều ổ dịch cộng đồng phức tạp, lây lan nhanh đã xuất hiện, trong khi một bộ phận người dân lại chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định 5K.

Hà Nội có 12 chùm ca bệnh phức tạp

2 tuần gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội tiếp tục nóng trở lại, số ca mắc mới liên tục tăng, thành phố xuất hiện nhiều ổ dịch mới, phức tạp, lây lan nhanh. Điển hình, ngày 4/11 Hà Nội ghi nhận 104 ca mắc, trong đó có 64 ca cộng đồng; ngày 5/11 có 133 ca, trong đó có 61 ca cộng đồng.

Theo đại diện CDC Hà Nội, TP hiện có 12 ổ dịch mới trong cộng đồng, diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, trong đó có chuỗi lây nhiễm vượt 100 ca như ổ dịch huyện Quốc Oai có 145 F0, huyện Mê Linh 159 F0, ổ dịch chợ Ninh Hiệp 104 F0.

Tính từ ngày 11/10 đến 6/11, Hà Nội đã ghi nhận 901 ca dương tính, trong đó có 310 ca cộng đồng. Trong quá trình thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 218, việc xuất hiện ca COVID-19 cộng đồng tại Hà Nội là điều nằm trong dự báo và sẽ còn tăng, có thể vài chục ổ dịch, chùm ca bệnh là điều không tránh khỏi.

Mầm bệnh trong cộng đồng ở Hà Nội luôn tiềm ẩn, trong thời gian tới có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới khi Hà Nội và các tỉnh mở cửa, nới lỏng các hoạt động, người dân đi lại giữa các vùng dịch, đặc biệt là một số tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Thọ, Bắc Giang… Trong đó, không ít người về từ vùng dịch chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà. Nhiều người vẫn đi lại, giao lưu, dẫn đến các ca bệnh thứ phát.

Không chỉ Hà Nội “đổi màu” cấp độ dịch, mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng trong tình trạng tương tự. Trong tuần qua, số ca nhiễm tăng cao tại các tỉnh Tây Nam Bộ như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. Một số tỉnh, thành phố: Bình Dương, An Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang xuất hiện một số ổ dịch mới với nhiều ca mắc ngoài cộng đồng. Cụ thể, ngày 6/11 tỉnh An Giang phát hiện 427 F0, Cần Thơ 181 ca, Cà Mau 140 ca, Phú Thọ 71 ca, Nghệ An 50 ca, Quảng Ninh 41 ca…

Làn sóng người di cư từ các tỉnh phía Nam về đã khiến số ca tăng mạnh ở nhiều tỉnh không có F0, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc như Hà Giang. Ngay cả hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh F0 cũng đã tăng trở lại.

Nhiều người dân còn chủ quan

Nhìn nhận mầm bệnh vẫn luôn tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca dương tính còn lẩn khuất mà chưa được phát hiện, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đã có sự chủ quan của một bộ phận người dân không thực hiện tốt 5K, đặc biệt người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine khi Hà Nội nới lỏng nhiều hoạt động trở về trạng thái bình thường mới… Nhiều người lo ngại khi một bộ phận người dân Hà Nội vẫn đến những nơi đông người, tụ tập vui chơi.

Với những chùm ca bệnh cộng đồng phát hiện nhiều trong 2 tuần qua, trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: Đây là điều đã được dự báo trước, nhưng lo nhất là làm sao kiểm soát được dịch không bùng phát mạnh, vì nhiều người chưa tiêm vaccine, nên nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm COVID-19. Ông Phu lo lắng khi hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine của người dân ở khu vực Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc còn thấp, nếu bùng phát dịch, người bệnh diễn biến nặng, đáp ứng về y tế không thấp, sẽ dẫn đến tử vong.

Nhấn mạnh về Nghị quyết 128 là tiêm vaccine, chuẩn bị cơ sở điều trị, ông Phu nói: Các tỉnh phải căn cứ vào đó để có phản ứng, nếu không rất nguy hiểm. Giải pháp lúc này vẫn là phát hiện sớm, ngăn chặn, cách ly, dập dịch.

Tuy nhiên, ngăn chặn làm sao để không lây lan từ người từ vùng dịch về, xét nghiệm phát hiện ra ổ dịch sớm nhất, nếu để “toang” rất khó dập. Trong tình hình hiện nay, biện pháp phong tỏa đã khác trước. Đó là phong tỏa hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ, đánh giá theo nguy cơ để đáp ứng cho phù hợp”.

Đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, dù Hà Nội có nhiều ổ dịch cộng đồng, song số mắc nặng không nhiều do phần lớn đã được tiêm vaccine. Lo nhất hiện nay là quá tải hệ thống y tế, bởi quá tải dễ dẫn đến bệnh nhân tử vong.

“Thủ đô vẫn phải tiếp tục phát hiện sớm, truy vết, phong tỏa, dập dịch. Phát hiện càng sớm càng tốt để truy vết, dập dịch khi ổ dịch còn nhỏ, nếu để thành ổ dịch lớn, lúc đó khó kiểm soát. Hà Nội cần có những giải pháp thay đổi làm sao cho hợp lý hơn. Chẳng hạn, các ngành nghề kinh doanh được hoạt động trở lại phải có phương án, không được buông xuôi. Ví dụ như nhà hàng chỉ được hoạt động 50% công suất nhưng phải có sự kiểm tra, giám sát xem các cơ sở có thực hiện đúng không”, ông Phu nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội nên xem xét cho các F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà để chống lây nhiễm chéo ở nơi cách ly tập trung khi quá tải.

Để không bùng phát đợt dịch mới, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người dân tuyệt đối không chủ quan nghĩ rằng đã tiêm 2 mũi vaccine thì không trở thành F0, bởi tỷ lệ người đã tiêm 1-2 mũi vaccine mắc COVID-19 rất cao. Vì vậy, người dân ở 4 tỉnh có dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long đã tiêm vaccine khi đến các địa phương khác phải tuân thủ 5K để tránh lây lan ra cộng đồng (nhiều người tiêm vaccine mắc COVID-19 không có triệu chứng).

“Các tỉnh phải cảnh giác, có biện pháp kiểm soát người từ các vùng dịch về như theo dõi sức khỏe tại nhà phải tuân thủ đúng quy định, không ra ngoài, tiếp xúc, giao lưu… Chú trọng nâng cao hệ thống điều trị để đáp ứng khi dịch xảy ra. Phải tuyên truyền để người dân tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo như đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên… và phải luôn lưu lý bên cạnh mình luôn có khả năng có F0 để tuân thủ 5K”, ông Phu nhấn mạnh. (Công an nhân dân, trang 1)

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Không để dịch bùng phát trở lại

Chiều 7-11, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đoàn lãnh đạo TPHCM làm việc với huyện Hóc Môn để đánh giá tình hình kiểm soát dịch Covid-19 và các hoạt động khôi phục phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn “bình thường mới”. Tham dự cùng đoàn có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cùng lãnh đạo một số sở ban ngành.

Cập nhật đủ số ca mắc để hỗ trợ kịp thời

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thông tin, sau hơn 1 tháng, TPHCM nói chung, huyện Hóc Môn nói riêng tương đối bình yên với dịch Covid-19, để chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới” và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên gần đây, dịch Coivd-19 tại huyện Hóc Môn có diễn biến mới khi số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng trở lại.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thành phố đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19 trong hơn 100 ngày qua với đầy cam go, gian khổ và khốc liệt. “Chúng ta đã có khoảng thời gian tương đối bình yên”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh và yêu cầu, không để xảy ra tình huống cam go, khốc liệt như trước.

Do đó, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu lãnh đạo huyện Hóc Môn thông tin tình hình thực tế, phân tích nguyên nhân về số ca mắc gia tăng và đưa ra các giải pháp hiệu quả, nhất là giải pháp “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đồng chí cũng lưu ý, huyện cần phải có những hành động quyết liệt với tinh thần trách nhiệm hơn, để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh phức tạp trên địa bàn.

Báo cáo với đoàn, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng thông tin, tình hình dịch Covid-19 ở huyện những ngày gần đây có chiều hướng gia tăng. Hiện ở huyện có 25 khu vực (tại 7 xã) tập trung nhiều ca bệnh cần quan tâm xử lý. Từ ngày 23-10 đến ngày 6-11, toàn huyện ghi nhận hơn 6.700 ca test nhanh dương tính với SARS-Cov-2, chủ yếu từ cộng đồng.

Ông Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết thêm, hiện nay số bệnh nhân nhập viện trung bình mỗi ngày khoảng 30 ca và số xuất viện khoảng 20 ca. Từ ngày 1-10 đến nay có 58 trường hợp tử vong vì Covid-19, trong số này có đến 46 ca có bệnh nền (thận, tiểu đường, bệnh tim…). Trong 58 ca tử vong vừa kể có 3 trường hợp đã tiêm 2 mũi, 3 trường hợp tiêm mũi 1 vaccine Covid-19.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng nhận xét, ở huyện Hóc Môn đang xuất hiện hai điểm nóng về dịch Covid-19, là tại xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, việc ghi nhận, phát hiện F0 hiện được đưa vào phần mềm quản lý. Do đó, huyện Hóc Môn cần cập nhật đầy đủ tình hình, số ca mắc lên hệ thống để có thể hỗ trợ, chi viện kịp thời.

Nỗ lực kiểm soát trong 1 tuần tới

Lãnh đạo huyện Hóc Môn nhận định có nhiều nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh, như từ ngày 1-10, người dân bắt đầu kinh doanh, buôn bán trở lại và thực hiện nới lỏng giãn cách, hoạt động giao lưu, tiếp xúc rất nhiều, nhất là tại địa bàn dân cư, gia đình có nhiều thế hệ… Dù vậy, nhiều người còn chủ quan, lơ là chưa chấp hành nghiêm túc 5K và các quy định phòng chống dịch. Ngoài ra, số lao động từ các nơi khác trở lại huyện với số lượng lớn (khoảng 45.000 người), nhưng nhiều người chỉ tiêm 1 mũi vaccine Covid-19, thậm chí chưa tiêm mũi nào.

Cùng với đó, hoạt động của chợ tự phát là bài toán nan giải của huyện. Cụ thể, huyện Hóc Môn có quy mô dân số lớn, nhưng nhiều chợ truyền thống chưa đáp ứng bộ tiêu chí phòng chống dịch, chưa được phép hoạt động trở lại. Điều này làm phát sinh tình trạng chợ tự phát. “Trong bối cảnh này, huyện đề xuất sắp xếp cho người dân kinh doanh tạm dưới lòng đường, vỉa hè ở nơi thông thoáng, đảm bảo khoảng cách, giúp giảm thiểu lây nhiễm”, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đề xuất.

Huyện Hóc Môn cũng gặp hạn chế về cơ sở vật chất. Huyện đã có kế hoạch lấy kho chứa tang vật của công an huyện để lập khu thu dung, bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường; đồng thời tái sử dụng các trường mầm non làm nơi thu dung, điều trị F0. Huyện cũng sẽ xây dựng quy trình, hướng dẫn về các bước và quy trình thực hiện chăm sóc F0 tại nhà, khắc phục bất cập, hạn chế trước đây.

Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên cũng thông tin thêm về những khó khăn của địa phương. Đó là hiện nay huyện có khoảng 45.000 phòng trọ với gần 100.000 người ở trọ, chủ yếu là lao động tự do. Ở huyện có 12 trạm y tế xã, thị trấn nhưng hiện chỉ có 6 trạm có trạm trưởng. Hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn còn ít, nhưng huyện có hơn 600.000 người dân là áp lực rất lớn với hệ thống y tế trong bối cảnh dịch bệnh. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung quản lý nhà trọ, rà soát người ở thuê, củng cố lại nhân sự cơ sở và đề nghị TPHCM có cơ chế tăng cường nhân sự về huyện hỗ trợ phòng chống dịch.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức lưu ý, huyện Hóc Môn cần kiểm soát chặt chẽ hơn về hoạt động của chợ tự phát. Huyện cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý hàng quán không đảm bảo các quy định phòng dịch, nhất là không đảm bảo nguyên tắc 5K. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu huyện cần quán triệt, thực hiện việc nhập dữ liệu F0 kịp thời, chính xác nhất; đồng thời siết chặt kỷ luật, điều chỉnh quy trình quản lý, giám sát chặt chẽ và nỗ lực kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong 1 tuần tới.

Kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo sự bình yên

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM theo dõi sát địa bàn, nhất là những địa bàn có xu hướng gia tăng ca mắc Covid-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng trực tiếp đến kiểm tra, đánh giá để địa phương thấy và khắc phục. Đồng chí cũng biểu dương huyện Hóc Môn đã nhìn nhận và khắc phục bước đầu mà các cơ quan chuyên môn khuyến cáo.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, hiện nay dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước có xu hướng tăng trở lại. Tại TPHCM, dịch Covid-19 cũng có xu hướng tăng nhẹ. “Mầm bệnh vẫn còn lưu hành trong cộng đồng, cho nên nếu không có biện pháp, tổ chức thực hiện tốt thì sẽ xảy ra tình trạng số ca mắc tăng”, đồng chí Nguyễn Văn Nên phân tích và nhắc lại yêu cầu có giải pháp thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy TPHCM lo ngại về tình trạng chợ tự phát ở huyện Hóc Môn, đồng thời nhắc lại những đặc thù của huyện như tiếp giáp nhiều địa phương, dân cư cư trú ở huyện đến từ nhiều nơi, chủ yếu là lao động tự do sống trong các khu nhà trọ chưa được kiểm soát chặt chẽ… “Nhiều địa phương khác của thành phố vẫn chưa làm tốt công tác quản lý địa bàn. Chúng ta đang có một chiến lược về an sinh, xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở để cải thiện sớm nhất và lập lại trật tự”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ thêm và lưu ý huyện cần sớm tiếp cận chiến lược này để chủ động thực hiện tại địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu huyện Hóc Môn củng cố hệ thống tổ chức từ cấp huyện đến xã, thị trấn, ấp…, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu lấy hiệu quả làm thước đo. Huyện phải phối hợp với các đơn vị liên quan, nhanh chóng củng cố hệ thống y tế cơ sở, khắc phục ngay tình trạng y tế cơ sở thiếu hụt. Trong đó, Sở Y tế TPHCM sớm tính toán để bố trí nhân sự trạm y tế theo quy mô dân số, tránh để các trạm y tế ở các phường, xã, thị trấn đông dân bị quá tải. Tuy nhiên, địa phương cũng không phải chờ có đề án củng cố y tế mới thực hiện mà cần làm ngay, như cơ cấu lại lực lượng tại chỗ và có chế độ để lực lượng này an tâm làm việc.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích, hiện nay mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng, nhưng chúng ta không thể để mầm bệnh phát triển thành ổ dịch, chùm ca bệnh. Khi phát hiện có dịch nằm ở từng gia đình, tổ dân phố, khu dân cư… phải nhanh chóng khoanh vùng, xét nghiệm để ngăn chặn nguồn lây và tránh để dịch bùng phát.

Tránh dịch bùng phát cũng là để tránh áp dụng biện pháp giãn cách, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Có như thế mới giúp đảm bảo TPHCM tương đối bình yên, theo kế hoạch thích ứng an toàn với dịch bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

TPHCM xuất hiện 9 ổ dịch mới: Điều chỉnh nhiều biện pháp phòng, chống

Trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn, TPHCM đã liên tiếp xuất hiện 9 ổ dịch COVID-19 mới. Ngành y tế đang tập trung nguồn lực để sớm khống chế các ổ dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Ngay sau khi xuất hiện các chùm ca bệnh được ghi nhận tại địa bàn 2 xã trên trong tuần đầu của tháng 11/2021, Sở Y tế TPHCM (Sở Y tế) đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc thực hiện các biện pháp dập dịch. Đến ngày 7/11, kết quả lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân, đã phát hiện 81 trường hợp dương tính với SARS-COV-2.

Để chủ động hỗ trợ địa phương sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, Sở Y tế phối hợp Cục Quân Y (Bộ Quốc phòng) điều động 15 trạm y tế lưu động từ quận Bình Tân đến tăng cường cho huyện Hóc Môn. Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Hồi sức – Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Dã chiến số 14 tăng cường hội chẩn và hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho Bệnh viện huyện Hóc Môn.

Theo quy trình mới được áp dụng, các F0 khi được phát hiện nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà và được trạm y tế cấp phát thuốc điều trị theo quy định. Quá trình quản lý, điều tra và đánh giá lại ổ dịch sẽ được thực hiện sau mỗi 3 ngày nhằm phát hiện sớm tất cả các ca F0 mới để đưa vào quản lý và quyết định việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi ổ dịch.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, sau hơn 1 tháng triển khai kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Đến ngày 7/11 toàn thành phố đã có 14 quận huyện đạt tiêu chí vùng xanh (cấp độ 1 – nguy cơ thấp) còn 8 quận huyện trong vùng vàng (cấp độ 2 – nguy cơ trung bình) trên bản đồ COVID-19. Đánh giá chung toàn thành phố đang ở vùng vàng, thuộc cấp độ trung bình của dịch COVID-19.

Số liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TPHCM ngày 7/11 cho thấy, trung bình mỗi ngày tại TPHCM đang ghi nhận từ 900 đến 1.000 ca bệnh mới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 11.000 bệnh nhân, hơn 31.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, số ca mới mắc bệnh phải nhập viện đang cao hơn số ca được điều trị khỏi, xuất viện mỗi ngày.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên, TPHCM cũng đối mặt với nhiều nguy cơ. Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, qua thống kê giám sát đã ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 và số ca nhập viện ở các bệnh viện tầng 2 tại thành phố đang tăng nhẹ trong 2 tuần gần đây. Đặc biệt, tại những quận huyện có nhiều khu công nghiệp và giáp ranh với nhiều địa phương như huyện Hóc Môn.

“Độ phủ vắc xin của TPHCM đã tương đối cao, tuy nhiên hiện nay rất nhiều người từ các tỉnh trở lại TPHCM học tập, làm việc nhưng chưa được tiêm vắc xin nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm khá cao. Thành phố đang từng bước dỡ bỏ giãn cách xã hội, nguy cơ tiếp xúc với nhau sẽ nhiều hơn, nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, số ca bệnh sẽ tăng trong thời gian tới” – BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói. (Tiền phong, trang 5; Thanh niên, trang 4).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/01/2022

CDC Hà Nam