Cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Y tế trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19

(CDC Hà Nam)
Cán bộ giáo viên Trường Cao đẳng Y tế trên trận tuyến phòng chống dịch Covid19
Các giảng viên Trường CĐ Y tế Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xã Phù Vân, TP Phủ Lý đợt bùng phát dịch từ 19/9.

Thầy giáo Lại Tiến Thành, Phó Trưởng Khoa Y học cơ sở là một trong 20 giảng viên của Trường CĐ Y tế Hà Nam tham gia đoàn công tác số 1 của ngành y tế Hà Nam hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch. Đoàn làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 9 Hóc Môn, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở tầng điều trị thứ 2 (bệnh nhân mức độ bệnh trung bình) trong tháp điều trị 4 tầng bệnh nhân Covid-19 của Bộ Y tế. Hơn 2 tháng ở tâm dịch (từ 16/7 đến 19/9/2021) là những tháng ngày cực kỳ vất vả, áp lực, nhưng cũng là thời gian có những trải nghiệm khó quên với thầy Thành cũng như tất cả các thầy cô trong đoàn.

Thầy Thành cho biết: Trong giảng dạy ở trường y, các thầy cô cũng luôn có nội dung đi thực tế lâm sàng, làm việc ở các cơ sở điều trị, vừa là cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn phục vụ cho việc đứng lớp, đồng thời hướng dẫn sinh viên thực tập. Tuy nhiên, với đại dịch Covid-19 cùng thứ vi-rút siêu lây nhiễm và nguy hiểm, lại làm việc giữa tâm dịch TP Hồ Chí Minh nóng bỏng suốt một thời gian dài lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác. 40 cán bộ y tế luân phiên nhau trực, nghỉ, mỗi ca làm việc 24 giờ chỉ có 20 người mà đảm nhận việc chăm sóc, điều trị cho 500 – 600, cao điểm lên đến gần 700 bệnh nhân. Vì thế, khối lượng công việc là rất lớn. Mỗi ngày thầy Thành và đồng nghiệp gần như phải làm việc liên tục, trừ lúc ăn và lúc mệt quá thì ngồi xuống nghỉ đôi chút. Nào ở trong khu điều trị từ 3-4h, ra ngoài làm sổ sách, bệnh nhân cần lại vào, rồi tiếp nhận bệnh nhân mới, cho bệnh nhân ra viện,… Không chỉ áp lực vì khối lượng công việc nhiều, thầy Thành cũng như các đồng nghiệp còn khá căng thẳng bởi dù Bệnh viện Dã chiến số 9 điều trị bệnh nhân mức độ bệnh trung bình nhưng không ít người bệnh bất ngờ chuyển biến rất nhanh… Đã có những bệnh nhân không qua khỏi, trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện khi không người thân nào bên cạnh khiến thầy Thành cũng như các thành viên trong đoàn hết sức xót xa… Những cảm giác như thế thật ám ảnh, khó quên với thầy Thành cũng như đồng nghiệp. Mọi người ý thức rõ hơn sự nguy hiểm của dịch bệnh, đồng thời ý thức rõ hơn sứ mệnh của những người thầy thuốc, thầy giáo. Và dù vất vả, nguy hiểm (một số thành viên trong đoàn dù rất cẩn thận vẫn bị lây nhiễm Covid-19), phải xa gia đình hơn 2 tháng trời nhưng thầy Thành cũng như các thầy cô của Trường CĐ Y tế Hà Nam cho biết đã “được” rất nhiều từ những tháng ngày làm việc quên ngày đêm nơi tuyến đầu nóng bỏng TP Hồ Chí Minh. Thực tế từ chuyến tình nguyện thực sự sẽ là những bài giảng hay, tiếp lửa, truyền kiến thức cho những thầy thuốc tương lai học tập dưới mái Trường CĐ Y tế Hà Nam.

Thầy Nguyễn Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Hà Nam cho biết: Trong 67 thầy cô làm chuyên môn của nhà trường có một nửa được đào tạo chuyên môn y khoa, còn lại là chuyên môn dược. Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam, tất cả giảng viên có chuyên môn y khoa và một số học sinh đã đăng ký sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đăng ký tình nguyện này nhà trường thành lập 1 đội xung kích phòng, chống dịch với 55 giảng viên, sinh viên. Năm 2021, tình hình dịch căng thẳng hơn, tất cả giảng viên có chuyên môn y khoa và nhiều sinh viên đã đăng ký tham gia vào đội tình nguyện phòng, chống dịch. Và ngay đợt đầu tiên ngành y tế Hà Nam cử đoàn cán bộ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh có 20 giảng viên của trường tình nguyện đăng ký tham gia. Trong đoàn cán bộ y tế thứ 5 của ngành y tế Hà Nam hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, nhà trường có thêm 5 giảng viên nữa tham gia. Ngoài ra, đợt Hà Nam hỗ trợ Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Ứng Hòa, nhà trường cũng có một đoàn với 5 giảng viên và 25 sinh viên tham gia.

Tại tỉnh, các cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường tình nguyện tham gia phòng, chống dịch trên tất cả các khâu. Giảng viên của trường đã tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều điểm “nóng” khi dịch bùng phát, như tại xã Công Lý (Lý Nhân) đợt bùng phát dịch từ 27/4; tại các khu công nghiệp, các phường, xã của TP Phủ Lý đợt bùng phát dịch từ 19/9. Tại các điểm đến hỗ trợ phòng, chống dịch, không chỉ đem hết tâm sức làm công tác chuyên môn như bao cán bộ y tế khác, các giảng viên trường y còn quan sát, học hỏi, ghi nhớ để phục vụ cho các bài giảng sau này. Ở những điểm có sinh viên đi cùng họ cũng là người vừa làm, vừa hướng dẫn sinh viên, giúp các em đem chuyên môn được học của mình phục vụ tốt nhất cho cộng đồng.

Tham gia phòng, chống dịch vừa là trách nhiệm người thầy thuốc của các giảng viên trường y, đồng thời cũng là cơ hội để các thầy cô trải nghiệm, củng cố chuyên môn, làm phong phú bài giảng khi đứng lớp. Việc các thầy cô các trường y nói chung, Trường CĐ Y tế Hà Nam nói riêng xung phong trên các mặt trận chống dịch không chỉ góp sức để nhanh chóng khống chế dịch bệnh mà còn mang ý nghĩa giáo dục rất lớn cho những thế hệ sinh viên y khoa-những thầy thuốc tương lai. Đó là đứng trước tính mạng, sức khỏe của nhân dân, người thầy thuốc không có lựa chọn, phải sẵn sàng chấp nhận vất vả, hy sinh hạnh phúc cá nhân, thậm chí là tính mạng để thực hiện sứ mệnh cao cả, thực hiện nhiệm vụ được giao, để xứng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.

Đỗ Hồng (baohanam.com.vn)

Bài viết liên quan

Chiều 15/4: Thêm 21 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và 5 địa phương khác

Ngọc Nga

Người dân chủ động ứng phó lâu dài với dịch bệnh Covid-19

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 19/12/2021

Ngọc Nga