Điểm báo ngày 16/11/2021

(CDC Hà Nam)

Khôi phục việc đi lại giữa Việt Nam và Singapore; Lo ngại dịch bùng phát trở lại; Gánh nặng bệnh không lây nhiễm; Sóc Trăng tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ 12-15 tuổi; TPHCM chấn chỉnh tình trạng cấp thuốc điều trị F0; Khởi công xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; Tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ em: Thực tế một đằng, dữ liệu một nẻo; Hà Nội thành lập 508 trạm y tế lưu động

Khôi phục việc đi lại giữa Việt Nam và Singapore

Ngày 15-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung về việc phối hợp giữa hai quốc gia trong công tác ứng phó với dịch Covid-19, đi lại giữa hai nước và việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật y tế.

Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảm ơn Chính phủ, nhân dân Singapore và Bộ trưởng Ong Ye Kung đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch và đánh giá cao nhưng nỗ lực, kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Singapore.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đợt dịch thứ 4 nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến tại một số địa phương. Do vậy, Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19, đã tiêm được khoảng 100 triệu liều vaccine và đang triển khai tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Hai bên đã bàn thảo và nhất trí tăng cường hợp tác các lĩnh vực khác bên cạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

Lo ngại dịch bùng phát trở lại

Trong 2 tuần gần đây, dịch COVID-19 tiếp tục nóng trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội, một số tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và phía Bắc. Điều này dấy lên sự lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trong một vài tháng tới nếu không ứng phó quyết liệt.

Cần sớm khống chế các “điểm lửa”

Ngày 15/11, Hà Nội ghi nhận 289 ca mắc mới, trong đó có 47 ca cộng đồng; TPHCM có 1.165 ca mắc, tăng 180 trường hợp so với ngày trước đó. Tại hội thảo mới đây, TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, hiện nước ta đã khống chế được dịch nhưng tâm chấn của dịch COVID-19 sẽ quay lại châu Âu và sau đó có thể đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

  1. Kính phân tích, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, châu Âu sẽ có một đợt sóng mới. Về nguyên tắc, khi châu Âu bùng nổ thì sau 1-2 tháng dịch sẽ bùng lên tại châu Á, trong đó có Việt Nam. “Chúng ta đã trải qua 4 đợt dịch và đều như vậy. Châu Âu xuất phát trước và sau đó là chúng ta xuất hiện phía sau”, TS. Kính cho biết.

Theo chuyên gia truyền nhiễm Nguyễn Văn Kính, sau khi TPHCM và các tỉnh phía Nam mở cửa đã kéo theo làn sóng người dân về quê. Rất nhiều người đã mang mầm bệnh về và trở thành các “điểm lửa” ở địa phương.

“Nếu chúng ta không khống chế tốt thì những “điểm lửa” này sẽ làm cháy cả cánh rừng lớn. Chúng ta phải chuẩn bị cho một chiến lược để ngăn chặn việc bùng phát của đợt dịch mới này, trên diện rất rộng, tại 63 tỉnh, thành đều có ca mắc”, TS. Kính nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: “Đây là điều đã được dự báo trước, nhưng lo nhất là làm sao kiểm soát được dịch không bùng phát mạnh, vì nhiều người chưa tiêm vắc xin, nên nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm COVID-19”.

Ông Phu lo ngại tỉ lệ tiêm vắc xin ở khu vực Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc còn thấp. Nếu bùng phát dịch, người bệnh diễn biến nặng, đáp ứng về y tế không kịp, sẽ dẫn đến tử vong.

Vì thế, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Cần phát hiện dịch sớm, xử lí ổ dịch. Xét nghiệm phát hiện ra ổ dịch sớm nhất, nếu để vỡ trận rất khó dập. Đó là phong tỏa hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ, đánh giá theo nguy cơ để đáp ứng cho phù hợp”.

Rất nguy hiểm nếu lơ là quy định 5K

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, việc tập trung đông người, đặc biệt là không tuân thủ 5K rất nguy hiểm, khiến dịch bệnh bùng phát mạnh bất cứ lúc nào. Khi được tiêm vắc xin người bệnh thường ít có triệu chứng nên rất khó xác định những người dương tính với SARS-CoV-2.

Vì vậy, việc tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết, đưa tới nhiều hệ lụy khi lại phải xét nghiệm thần tốc, dựng bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến…

Theo các chuyên gia, nguyên tắc chống dịch ứng dụng trong xây dựng chiến lược vẫn phải là ngăn chặn, phát hiện sớm, tổ chức cách li hiệu quả, điều trị hiệu quả và kết hợp tạo miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin. Điều cần lưu ý là tiêm vắc xin có lợi ích giảm nguy cơ tử vong nhưng không giảm được mắc và lây nhiễm. Quan trọng nhất là phát hiện sớm ca bệnh. Khi dịch vẫn ở cấp độ 1,2,3 thì vẫn nên duy trì điều trị tập trung, thay vì cách li F0 tại nhà, như thế mới cắt đứt được nguồn lây nhanh nhất.

Sau gần 1 tháng nới lỏng giãn cách, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây do sự gia tăng việc giao lưu và sự chủ quan của một bộ phận người dân.

Tại một số tỉnh phía Nam, mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng nên khó khăn trong việc khống chế nhanh các ổ dịch. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch (Tiền phong, trang 7).

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm

Thời gian qua, chỉ số chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam đã có nhiều cải thiện, song vẫn phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với bệnh không lây nhiễm. Các chuyên gia y tế cho rằng, nước ta đang phải đối mặt và giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì các bệnh không lây nhiễm cũng có xu hướng gia tăng nhanh.

Chiếm 70% gánh nặng bệnh tật toàn quốc 

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tiếp nhận và điều trị cho ông N.V. E. (63 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện do lên cơn đau ngực đột ngột, kèm triệu chứng khó thở. Ông E. có tiền căn về tim mạch như suy tim, rung cuồng nhĩ đã chuyển nhịp, hẹp động mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và nhồi máu não cũ. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông E. bị hẹp 70% động mạch vành, mảng xơ vữa hỗn hợp gồm mô sợi và canxi bóc tách vào lớp nội mạc một góc 900. Người bệnh được bác sĩ tiến hành can thiệp bằng phương pháp đặt stent động mạch vành, đồng thời kê toa thuốc điều trị. Sau gần 1 tuần theo dõi, ông được xuất viện, tình trạng sức khỏe ổn định.

GS-TS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, nguyên nhân gây bệnh động mạch vành chủ yếu do xơ vữa động mạch. Người bệnh càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh và bị tổn thương do tác động của bệnh động mạch vành gây ra tăng lên theo cấp số nhân thay vì cấp số cộng. Ba yếu tố nguy cơ không tác động được là giới tính (nam có xu hướng mắc động mạch vành cao hơn nữ), tuổi tác và tiền sử bệnh của người thân trong gia đình. Còn lại, nhóm yếu tố nguy cơ có thể tác động cần được cải thiện để giảm khả năng mắc bệnh bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động, uống nhiều rượu bia…

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám, chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế. Thế nhưng, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhìn nhận thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc, và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội

Tại cuộc họp triển khai hoạt động hợp tác chăm sóc sức khỏe do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 45%; hiện có 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm. “Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội; do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ.

Để phòng chống các bệnh không lây nhiễm, các chuyên gia y tế cho rằng, cần tập trung vào nhóm các giải pháp như đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong xây dựng, thực thi các chính sách để kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh, tập trung vào tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt là giảm tiêu thụ muối và nước ngọt, phòng chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá.

Đồng thời cần tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe; trong đó có truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đi khám, chữa kịp thời, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế các tuyến, tăng cường y tế cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh, tập trung giải quyết các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và các rối loạn tâm thần phổ biến (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Sóc Trăng tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ 12-15 tuổi

Ngày 15-11, Sóc Trăng đã bắt đầu tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em đủ 12 tuổi đến 15 tuổi (sinh từ ngày 15-11-2009 trở về trước) bằng vắc xin Pfizer. Đây là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi này. Trước đó, Sóc Trăng cũng là tỉnh đầu tiên ở miền Tây tiêm vắc xin cho học sinh cấp III với khoảng 36.000 em.

Tại TP Sóc Trăng, từ sáng sớm nhiều phụ huynh đã đưa con em đến các điểm tiêm trên địa bàn. Bà Trần Thị Châu (phường 1, TP Sóc Trăng) cho biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm còn cao nên khi nghe con được tiêm vắc xin, bà rất mừng. Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc – phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết có khoảng 80.000 học sinh lớp 7, 8, 9 và trẻ em cộng đồng được tiêm trong đợt này. Theo bác sĩ Huỳnh Trung Đoàn – phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Sóc Trăng, trong 3 ngày (15 đến 17-11) ngành y tế TP Sóc Trăng dự kiến tiêm cho gần 8.500 em tại 3 điểm tiêm. Riêng những trẻ không đến trường sẽ được tiêm tại các điểm tiêm thuộc phường nơi cư trú (Tuổi trẻ, trang 14).

TPHCM chấn chỉnh tình trạng cấp thuốc điều trị F0

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 chiều 15/11, BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa có văn bản gửi đến các địa phương nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng cấp thuốc điều trị cho F0.

Tuần qua, một số quận huyện vùng ven trên địa bàn TPHCM có sự gia tăng F0 ở nhóm công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các khu nhà trọ. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến ngày 15/11, toàn thành phố hiện có hơn 64.000 F0, trong đó hơn 47.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.

Trong bối cảnh hệ thống trạm y tế lưu động giảm dần do lực lượng quân y đang từng bước rút quân, các cơ sở cách ly tập trung dần thu hẹp, dịch có xu hướng gia tăng đã xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ tại một số địa phương.

“Một số người dân trong đó có F0 cần được chăm sóc, điều trị liên lạc với trạm y tế nhưng không được. Nhiều F0 phản ánh không nhận được túi thuốc C, có thuốc kháng virus Monulpiravir. Qua nắm bắt tình hình, Sở Y tế ghi nhận thực tế là có những trường hợp như vậy.

Ngoài một số trường hợp nhân viên y tế giải thích chưa đầy đủ nên người dân chưa hiểu, có những trường hợp đủ điều kiện nhưng người dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cán bộ nhân viên y tế làm chưa hết trách nhiệm với người dân” – BS Nguyễn Hữu Hưng nói.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Y tế ra văn bản nhắc nhở, hướng dẫn và kiểm tra chấn chỉnh việc cấp túi thuốc điều trị tại nhà cho F0.

Cuối tuần qua Sở đã làm việc với giám đốc của 22 trung tâm y tế các quận huyện và thành phố Thủ Đức để tháo gỡ khó khăn. Trên tinh thần phục vụ tốt nhất cho F0 để bệnh nhân an tâm cách ly, điều trị tại nhà, Sở Y tế đã yêu cầu các địa phương chủ động phương án thăm khám, theo dõi sức khỏe, chỉ định và cấp túi thuốc C cho những trường hợp đủ điều kiện.

Thống kê đến ngày 13/11, Sở Y tế quản lý 20.000 túi thuốc C. Đại diện Sở Y tế khẳng định, giai đoạn này đủ thuốc cung ứng cho người F0 có chỉ định sử dụng túi thuốc C. Tuy nhiên, không phải tất cả F0 đều sử dụng túi thuốc này. Túi thuốc C chỉ sử dụng cho những trường hợp đồng thuận và có chỉ định của bác sĩ. Thuốc không sử dụng cho các trường hợp dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai, bệnh suy gan, suy thận (Tiền phong, trang 7).

Khởi công xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

Ngày 15-11, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Sở Y tế TP.HCM) khởi công dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức).

Đây là 1 trong 3 dự án xây mới bệnh viện đa khoa ở các cửa ngõ bao gồm Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, góp phần xây dựng ngành y tế TP.HCM trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế của Đông Nam Á sau năm 2025.

Khi xây dựng mới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường, chia làm nhiều giai đoạn. Công trình có 1 tầng hầm, 10 tầng nổi, tổng diện tích xây dựng 78.281m2, tổng mức đầu tư trên 1.915 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Ngành y tế TP.HCM kỳ vọng khi hoàn thiện, bệnh viện sẽ hình thành các chuyên khoa sâu với thiết bị y khoa đồng bộ, cùng với Bệnh viện TP Thủ Đức, Lê Văn Thịnh, Lê Văn Việt, Ung bướu cơ sở 2 phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành.

Dự lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới lần lượt 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Nguồn vốn của 3 dự án bệnh viện là từ ngân sách TP.HCM. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có tổng mức đầu tư lớn nhất với 1.915 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn 1.895 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi 1.854 tỉ đồng. Đến năm 2023, cả 3 bệnh viện sẽ đưa vào khai thác sử dụng (Tuổi trẻ, trang 4).

Tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ em: Thực  tế một đằng, dữ liệu một nẻo

Tính đến hết ngày 15-11, TP.HCM đã trải qua ngày thứ 19 tiêm vắc xin cho nhóm trẻ độ tuổi từ 12-17 (ngày 28-10, TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ trên diện rộng). Vắc xin được lựa chọn tiêm cả 2 mũi cho trẻ là của Pfizer, khoảng cách giữa 2 mũi là từ 3 đến 4 tuần (21 – 28 ngày) theo khuyến cáo.

Chưa tiêm nhưng đã có dữ liệu!

Điều đáng ngạc nhiên, dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM trong chiều cùng ngày cho thấy tốc độ tiêm giữa các địa phương trên địa bàn TP chưa đồng đều khi có địa phương đã tiêm mũi 2 nhưng có địa phương mới tiêm mũi 1 đạt trên 60%.

Cụ thể, hiện có 8 quận, huyện trên địa bàn TP đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi gồm các quận 1, 3, 5, 6, 11, Phú Nhuận, Tân Phú và huyện Cần Giờ. Các địa phương có tỉ lệ mũi 1 cho trẻ ở độ tuổi này thấp nhất là huyện Củ Chi và quận 8 (cùng 63%), huyện Bình Chánh và quận Bình Thạnh (cùng 65%). TP Thủ Đức và các quận, huyện còn lại có tỉ lệ tiêm mũi 1 từ trên 74% đến gần 100%.

Trên cổng thông tin cũng hiển thị số quận, huyện thực hiện tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi gồm: các huyện Cần Giờ, Hóc Môn; các quận 1, 4, 5, 7 và TP Thủ Đức. Trong đó, huyện Cần Giờ đạt tỉ lệ tiêm mũi 2 cao nhất với 11%; TP Thủ Đức và các quận, huyện còn lại đạt tỉ lệ từ 1-2%.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-11, bà Đỗ Thị Trúc Mai – phó chủ tịch UBND quận 4 – cho biết hiện quận chưa có kế hoạch chính thức tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ từ 12 -17 tuổi. Sở dĩ trên Cổng thông tin COVID-19 TP hiển thị có 1% trẻ 12-17 tuổi tại quận đã tiêm mũi 2 thì đây là những trẻ đã tiêm mũi 1 trước đó ở các bệnh viện. Khi những trẻ này đủ thời gian tiêm mũi 2 thì sẽ được quận tiêm mũi 2 cùng với chiến dịch trên diện rộng hiện tại.

Tại quận 1, bà Đỗ Thị Tân – phó giám đốc Trung tâm Y tế quận – cho hay quận cũng chưa có kế hoạch cuối cùng tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Dự kiến, theo thông báo Sở Giáo dục – đào tạo TP sẽ tiêm mũi 2 cho nhóm trẻ này từ sau ngày 20-11. Đối với những trẻ đã tiêm mũi 2 tại quận, bác sĩ Tân cho biết đó là những trẻ đã được cho phép tiêm mũi 1 tại các bệnh viện (trước chiến dịch tiêm diện rộng). “Những trẻ này đã đến thời gian tiêm mũi 2 thì chúng tôi tiêm chứ quận chưa chính thức tiêm mũi 2. Số lượng này khoảng một trăm mấy em”, bác sĩ Tân nói.

Là địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi cao nhất với 11%, ông Trương Tiến Triển – phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – cho hay con số này trên Cổng thông tin COVID-19 TP là chưa chuẩn xác và cho rằng nguyên nhân ban đầu có thể do nhập liệu sai.

Ông Triển khẳng định đến thời điểm hiện tại, huyện chưa tổ chức tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi, kế hoạch tiêm của huyện cũng phải theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.

“Nếu TP cho phép rút ngắn thời hạn khoảng cách giữa hai mũi tiêm xuống còn 3 tuần thì ngày 18-11 sắp tới sẽ đúng thời hạn trẻ tiêm mũi 2 nhưng với điều kiện Sở Y tế TP cho phép và cấp phát vắc xin thì huyện mới triển khai tiêm được”, ông Triển nói.

Tiêm chủng vượt 100 triệu mũi

Đến chiều cùng ngày, cả nước đã đạt trên 100 triệu mũi tiêm, phủ mũi 1 cho trên 87% người từ 18 tuổi, số người tiêm đủ 2 mũi đạt trên 47% người từ 18 tuổi.

Có 16/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang. 17/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc xin cho trên 50% người từ 18 tuổi.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết sẽ cấp đủ vắc xin tiêm phủ mũi 1 và mũi 2 trong năm 2021 để hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên (sớm hơn mốc dự kiến trước đây nửa năm), từng bước mở rộng tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Cho đến nay đã có 16 tỉnh thành tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi với trên 1,2 triệu cháu đã được tiêm mũi 1, riêng TP.HCM đã có một số quận huyện bước vào tiêm mũi 2.

Theo nguyên tắc phân bổ vắc xin hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ ưu tiên phân bổ vắc xin cho trẻ em các vùng đang có dịch, khu vực đông dân cư, đầu mối giao thông (Tuổi trẻ, trang 14).

Hà Nội thành lập 508 trạm y tế lưu động

Số ca F0 mắc mới tăng, nhiều quận huyện đã lên kế hoạch thành lập 508 trạm y tế lưu động để hỗ trợ theo dõi sức khỏe người cách ly y tế tại nhà trong trường hợp số ca mắc tăng cao.

Các trạm y tế lưu động được trang bị bình oxy sử dụng tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, máy đo SpO2, bóng Ambu, test xét nghiệm nhanh COVID-19, trang phục bảo hộ, 2 số điện thoại nóng tiếp nhận thông tin, thuốc cấp cứu, thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến, mỗi trạm sẽ có 5 nhân viên y tế (Tuổi trẻ, trang 14).

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện gia đình bác sĩ Lương Lễ Hoàng xác nhận ông đã qua đời vào tối 14-11 tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức, sau một thời gian chống chọi với COVID-19.

Thông tin này đồng thời được Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức xác nhận. Được biết ngoài mắc COVID-19, bác sĩ Lương Lễ Hoàng còn mang một số bệnh nền khác, cũng là nguyên nhân khiến bệnh tình của ông trở nặng.

“Bác sĩ Hoàng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, đường huyết tăng rất cao và suy hô hấp, phải đặt nội khí quản. Bệnh viện dù nỗ lực hồi sức nhưng chỉ sau một ngày nhập viện, ông đã không qua khỏi”, bác sĩ Trần Thanh Linh – phó giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức – nói.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng được biết đến là một chuyên gia tư vấn sức khỏe nổi tiếng, được nhiều độc giả, khán thính giả yêu mến suốt nhiều năm qua trên các tờ báo, đài phát thanh – truyền hình.

Với báo Tuổi Trẻ, ông từng có thời gian dài gắn bó với trang Sống khỏe với phong thái viết có phần hài hước, nhưng “nói trúng, nói sắc” những vấn đề không chỉ là thông tin y khoa mà còn là thái độ, ứng xử của người đọc trước bệnh tật.

Với thông điệp xuyên suốt “phòng bệnh bao giờ cũng an toàn, hiệu quả và ít tốn kém hơn chữa bệnh; phòng bệnh mà không cần dùng thuốc thì tốt hơn phải trông cậy vào thuốc”, bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã gửi đến trang báo nhiều bài viết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu chính mình, hiểu về những “bài thuốc tự nhiên” (như sinh tố, khoáng tố) để từ đó có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Theo ông, người thầy thuốc tốt nhất của mỗi người luôn là chính mình. Và đôi khi không ngại những lúc “lời thật mất lòng”, bác sĩ Lương Lễ Hoàng cũng thẳng thắn góp ý “đừng bắt bệnh nhân, nhất là bệnh nhi, uống thuốc kháng sinh như ăn kẹo, dùng thuốc giảm đau như món ăn vặt, hay nhấm nháp thuốc an thần mỗi đêm mà không cần toa…”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Phong – giám đốc Trung tâm điều trị oxy cao áp TP.HCM – cho biết bác sĩ Hoàng từng có thời gian dài cộng tác tại trung tâm với vai trò điều hành Phòng tư vấn sức khỏe –  nghiên cứu y dược và điều trị nội khoa.

“Anh ấy có khả năng làm việc với cường độ cao, là người tâm huyết với ngành, nghề, đặc biệt người nông dân. Ngoài chuyên môn chữa bệnh, với kỹ năng ngôn ngữ đa dạng, tài viết lách, phong cách gần gũi, dí dỏm… anh ấy đóng góp nhiều kiến thức bổ ích cho người dân thông qua các báo, đài, truyền thanh”, bác sĩ Phong chia sẻ (Tuổi trẻ, trang 14). 

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/7/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/9/2021

Ngọc Nga