Trẻ chậm nói vì nghỉ dịch COVID-19 dài ngày và phương pháp hỗ trợ

(CDC Hà Nam)
Trẻ nhỏ ở độ tuổi học nói phải nghỉ học do dịch COVID-19 kéo dài, phụ huynh thường ít tương tác với trẻ và có xu hướng cho con xem tivi, điện thoại để trẻ khỏi quậy phá. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mầm non chậm nói đang có chiều hướng gia tăng.
Nhiều trẻ mầm non chậm nói vì dịch COVID-19

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục.

Một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Y học thiên tai và Y tế công cộng đã khảo sát những gia đình bị cách ly vì COIVD-19 có 30% trẻ em hội đủ các tiêu chí của hội chứng rối loạn căng thẳng.

Những rối loạn tâm thần của trẻ mắc phải do dịch COVID-19 được chẩn đoán bao gồm chậm nói, rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt.

TS. Heuvel, BV Nhi tại Canada đã nghiên cứu và đưa ra kết luận: những thiết bị điện tử có thể liên quan đến khoảng 50% nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ. Trong đại dịch COVID-19, trẻ phải giãn cách ở nhà không được đến trường và tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều hơn.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 khiến một số địa phương phải đóng cửa các trường mầm non nhiều tháng qua. Trẻ phải giãn cách ở nhà không được đến trường, tiếp xúc với thiết bị điện tử như Ipad, điện thoại, tivi nhiều hơn.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thị Kim Thêu đang trực tiếp làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em ở Hà Nội cho biết, tại trung tâm, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 trường hợp tới khám và tư vấn qua điện thoại về rối loạn sức khỏe tâm thần thì có 90% có biểu hiện chậm nói. Số phụ huynh gọi điện tới Trung tâm tư vấn có con chậm nói rơi vào độ tuổi trung bình từ 15 tháng – 32 tháng.

Trẻ chậm nói có nhiều nguyên nhân nhưng các thiết bị điện tử có thể liên quan đến nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ. Các thiết bị này như một “vú em” thời hiện đại nhưng chúng là mô hình tương tác một chiều, không phản ứng một cách phù hợp với hành vi của trẻ khiến trẻ không có tương tác lại.

Dưới đây là khuyến cáo của chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thị Kim Thêu đối với việc khắc phục tình trạng trẻ chậm nói:

Tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ đang tập nói

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thị Kim Thêu, thiết bị điện tử có 2 mặt, cả tốt và xấu. Về mặt tốt, thiết bị điện tử cung cấp thông tin nhanh và thu hút với tất cả mọi người bởi tích hợp cả âm thanh, hình ảnh.

Tuy nhiên, thiết bị điện tử cũng tồn tại mặt hạn chế đối với trẻ mầm non, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và trẻ 2 tới 3 tuổi đang học nói. Với trẻ dưới 2 tuổi, não bộ chưa hoàn thiện nhưng thiết bị điện tử lại mang tới một lượng thông tin lớn và không có chọn lọc, não trẻ sẽ không xử lý kịp dẫn đến tình trạng rối loạn thông tin. Nội dung trên các chương trình mà trẻ xem cũng có nhiều dòng ngoại ngữ khác nhau sẽ dễ dẫn tới tình trạng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói.

Trẻ sử dụng thiết bị điện tử bị cuốn hút bởi màu sắc, âm thanh sống động dẫn tới giao tiếp mắt suy giảm, ít tương tác mắt với người xung quanh khi giao tiếp, phản xạ mắt đờ đẫn, gọi tên ít đáp ứng. Tuy nhiên, nếu âm thanh của điện tử phát ra, trẻ sẽ quay lại ngay. Đây là tình trạng “điếc tâm lý”.

Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ khiến trẻ không có nhu cầu tương tác với người. Trẻ thu mình, ngại nói, ngại tiếp xúc dẫn tới ngôn ngữ bị chậm.

Việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề tập trung chú ý của trẻ. Trẻ sẽ dễ bị chán hoặc không muốn chơi các trò chơi khác bởi các trò chơi khác không có sức cuốn hút bằng thiết bị điện tử.

Giáo viên tâm lý tương tác với trẻ chậm nói
Biểu hiện của chậm nói ở trẻ

Trẻ bị chậm nói là những trẻ thường có biểu hiện: nói không rõ lời, diễn đạt khó khăn, nói nhại lời hoặc nói lắp, nói ngược, nói ngọng. Mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm so với cột mốc phát triển. Trẻ tới 2, 3 tuổi mà vẫn chỉ nói được 1 hoặc 2 từ đơn.

Hậu quả của vấn đề chậm nói

Trẻ chậm nói sẽ bị hạn chế giao tiếp xã hội, thu mình, không muốn tiếp xúc với thế giới xung quanh dẫn tới trẻ dễ bị cô lập khi đi học, không có bạn bè. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới trẻ dễ bị tự kỷ và khi trưởng thành sẽ trở thành trầm cảm.

Trẻ chậm nói khi đi học sẽ không tập trung chú ý, dễ gặp vướng mắc trong các môn xã hội bởi tư duy logic ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế.

Giải pháp đối với trẻ chậm nói

Giai đoạn phát triển trẻ chậm nói là giai đoạn từ khi trẻ 2 tới 3 tuổi. Cần quan tâm tới trẻ để phát hiện những biểu hiện bất thường. Ngay từ 4 – 6 tháng bố mẹ đã cần theo sát sự phát triển ngôn ngữ của con bởi lúc này, trẻ bắt đầu “ê, a”, thậm chí có những trẻ ở giai đoạn này nói được những từ như “bà, mẹ, ti…”. Tuy nhiên đây là âm ngữ chứ không phải ngôn ngữ, tức là đứa trẻ đó nói nhưng không nói lại được theo yêu cầu của người khác. Nếu con chưa đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ, cha mẹ cần đồng hành giúp con sớm theo kịp các bạn.

Nếu trẻ chậm ngôn ngữ ở mức độ nhẹ, phụ huynh sẽ tham khảo tư vấn của chuyên gia để có cách tương tác tại nhà với trẻ cho phù hợp. Trong trường hợp trẻ chậm nói ở mức độ nặng thì cần can thiệp ngôn ngữ một cách tích cực, càng sớm càng tốt.

Cha mẹ cần cho trẻ khám, kiểm tra các cơ quan tiếp nhận thông tin và phát âm gồm: thính giác, tai, mũi, hầu, họng, thanh quản, lưỡi. Nếu như những bộ phận này không có tổn thương thì tiến hành khám tâm lý, đo mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ để có định hướng can thiệp cho trẻ.

Phương pháp hỗ trợ trẻ chậm nói ở nhà

Hạn chế dần sự tiếp xúc của trẻ với thiết bị điện tử

Tiếp xúc quá nhiều thiết bị điện tử sẽ khiến trẻ không phát triển ngôn ngữ bởi thiết bị điện tử không đo được xúc cảm, hành vi của trẻ và không phản ứng một cách phù hợp với hành vi của trẻ để thông qua đó trẻ có thể phản ứng lại.

Giảm thời gian cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, không phải cắt hoàn toàn và cắt ngay lập tức sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị sốc tâm lý. Cần giảm từng bước một: giảm về mặt thời lượng cho trẻ xem ti vi, điện thoại; kiểm soát về mặt nội dung xem.

“Nếu để trẻ xem ti vi, quảng cáo nhiều không tốt bởi quảng cáo thường nói rất nhanh trong khi đó, não của trẻ 2, 3 tuổi chưa phát triển nên không thể xử lý kịp thông tin” – chuyên gia Vũ Thị Kim Thêu chia sẻ.

Nên cố gắng tìm nội dụng có ngôn ngữ tiếng Việt (bài hát, phim hoạt hình lành mạnh có ngôn ngữ tiếng Việt) cho trẻ xem. Nếu trẻ trước 2 tuổi nên hạn chế tối đa cho trẻ xem ti vi. Trẻ sau 2 tuổi, có thể cho trẻ xem 15-20 phút/ngày với nội dung phù hợp.

Quan trọng, khi trẻ xem ti vi nên có người lớn bên cạnh để giúp trẻ có kênh thông tin 2 chiều. Phụ huynh có thể hỏi các tình huống đang diễn ra trên ti vi cũng là một hình thức khuyến khích trẻ tập nói. Đây lại là mặt hữu ích mà thiết bị điện tử đem lại.

Khi đã cắt giảm ti vi, điện thoại thì cần phải bù lại phần cắt giảm này bằng cách tương tác với trẻ. Trẻ ở tuổi 2, 3 tuổi cần chơi với đồ vật.  Nhiều trẻ khi tới các trung tâm can thiệp, khả năng vận động tinh, cầm nắm đồ vật bị hạn chế, cầm thìa ăn, bút viết không chắc vì trẻ đã quen với việc sử dụng tay miết màn hình cảm ứng.

Việc tương tác với trẻ cần thực hiện cần nhất quán thời gian, địa điểm, không được chồng chéo nhau. Ví dụ như từng khung giờ nhất định bố làm gì, mẹ làm gì cùng trẻ… Việc này phải làm đúng, đủ và đều chứ không phải làm khi có hứng, thì hiệu quả không thật sự rõ ràng. Phụ huynh ghi chép thấy khi nào con chủ động tương tác thì mới chuyển sang nội dung mới.

Phụ huynh cần thay đổi những thói quen sinh hoạt xấu như để cho trẻ ăn ngủ không theo thời gian nhất định, ít giao tiếp môi trường bên ngoài, không dám cho trẻ vận động ở môi trường rộng…

Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Phụ huynh không nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, bữa ăn của trẻ đảm bảo cân đối các thành phần dinh dưỡng giúp cho não bộ phát triển. Tiếng nói, ngôn ngữ cũng phản ánh sự phát triển và tương tác giữa não bộ với các cơ quan đích.

CÁC MỐC PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CỦA TRẺ

Tháng Nghe hiểu Biểu đạt
4 tháng Người thân gọi biết ngoảnh đầu về phía người thân, có nụ cười xã hội khi chơi. Đôi lúc phát ra được âm a, ba, bà, nhưng khi người lớn yêu cầu nói lại thì chưa làm được.
8 tháng Biết bò lại gần người thân khi được gọi, biết bò đuổi theo đồ vật mình thích Biết chơi phun mưa, chu môi làm xấu, đàn môi.
12 tháng Biết thực hiện hành động bye khi được yêu cầu, biết cố gắng đi theo người thân Bắt đầu có ngôn ngữ câu một từ, bà, ba, bi, ơi, đi, măm.
15 tháng Biết sai bảo đơn giản đưa cái gì cho ai, để cái gì vào đâu, lấy cái gì ở đâu, biết gật đầu, lắc đầu thể hiện đồng ý hay không. Nói được phần lớn câu một từ khi được yêu cầu, biết giả vờ gọi điện thoại nói xì xồ. Giả vờ uống nước, giả vờ ho, hắt xì, làm tiếng các con động vật kêu. Nhiều trẻ đã có thể nói được câu 2 từ ở 16-18 tháng.
20 tháng Hiểu được câu có 2 mệnh lệnh, ví dụ: “con vứt cái này vào thùng rác rồi ra lấy điện thoại cho mẹ”. Hiểu được phần lớn các tình huống sinh hoạt hàng ngày. Biết nói câu 3 từ, gọi tên phần lớn các đối tượng quen thuộc.
26 tháng Có thể hiểu được những câu chuyện ngắn qua truyện tranh. Phần nhiều biết gọi tên màu sắc, khối hình, biết hỏi câu hỏi ở đâu. Biết hát một số bài hát, có thể đọc một số bài thơ.
32 tháng Hiểu được tình huống vô lý, bất thường của câu chuyện. Biết sử dụng câu phủ định, kết hợp danh từ với nhiều tính từ và động từ, hỏi được câu hỏi khi nào, hát biểu diễn.
40 tháng Hiểu được tính logic của sự việc. Biết chơi đóng vai, tự ra điều kiện trò chơi, tự tổ chức trò chơi, hỏi rất nhiều loại câu hỏi khác nhau.

Tổng hợp theo suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Hưởng ứng tháng vệ sinh an toàn thực phẩm

CDC Hà Nam

Mới: Từ 1/1/2022, người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine COVID-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nhà 3 ngày

Ngọc Nga

Khám sàng lọc răng miệng cho người cao tuổi tại phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên

Mậu Ngọ