Vaccine là biện pháp phòng dịch chủ động, hiệu quả nhất, kể cả với biến thể mới Omicron

(CDC Hà Nam)
Theo khuyến cáo của WHO, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp là chủ động, hiệu quả nhất trong kiểm soát dịch bệnh, kể cả với các biến thể mới như Delta hay Omicron, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh sáng 4/12.

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về an toàn tiêm chủng sáng 4/12, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn tiếp tục khẳng định tiêm vaccine đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

263012270_649409916232331_3722082774922395835_n.jpg

Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại điểm cầu Bộ Y tế kết nối với hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Nhiên

Tại Việt Nam, tính tới sáng 4/12, gần 127 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm, tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 93% cho người từ 18 tuổi trở lên, con số này với mũi 2 là hơn 70%. Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và có kế hoạch và hướng dẫn tiêm mũi tăng cường (mũi bổ sung) cho một số nhóm đối tượng được khuyến cáo.

Để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tiêm chủng, từ khi chuẩn bị tiếp nhận những lô vaccine đầu tiên tới nay, Bộ Y tế và ngành y tế liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn an toàn tiêm chủng cho toàn tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vaccine, cấp cứu, hồi sức, tim mạch,…

Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế có 5 lần cập nhật, sửa đổi hướng dẫn sàng lọc trước tiêm, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, khi có sự cố trong tiêm chủng xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào, hội đồng chuyên môn y tế các cấp đã họp, đánh giá, đưa ra những kết luận kịp thời.

Nhắc lại “những sự cố đau thương” xảy ra gần đây như 4 công nhân ở Thanh Hoá hay 3 trẻ em ở Hà Nội, Bắc Giang và Bình Phước tử vong sau tiêm vaccine COVID-19, Thứ trưởng lưu ý, bên cạnh việc phân tích các nguyên nhân dẫn tới sốc phản vệ và các biện pháp cấp cứu tại các cơ sở tiêm chủng, Hội nghị là dịp để các đơn vị y tế củng cố kiến thức, tăng cường năng lực, tổ chức hệ thống cấp cứu, xử trí để tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

TS Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam – cho hay, 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19 gồm: Vaccine; các biện pháp y tế công cộng – xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới.

Trong số các công cụ này, bao phủ vaccine ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện. Cùng với các biện pháp 5K (như ở Việt Nam), đây là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch.

Tuy nhiên, theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, hiện số ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, khiến chúng ta lo lắng hơn.

Vaccine là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này” – TS Kidong Park nói.

Ông Kidong Park cũng bày tỏ ấn tượng với Việt Nam về tiến bộ gia tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các quần thể dân số phù hợp. Ông nhấn mạnh việc cùng với tăng tốc độ, điều quan trọng là đảm bảo an toàn tiêm chủng. “Chúng tôi cam kết tăng cường hệ thống quản lý các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Việt Nam để đảm bảo chương trình tiêm vaccine COVID-19 được thực hiện thành công”.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên trong nước chia sẻ và hướng dẫn về khám sàng lọc trước tiêm chủng cho đối tượng người lớn và trẻ em, hướng dẫn xử trí cấp cứu, chuyển tuyến và điều trị đối với trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của chuyên gia WHO văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương, chia sẻ kinh nghiệm của WHO trong việc xử trí sốc phản vệ, ngất do phản xạ thần kinh phế vị cũng như các vấn đề liên quan điều tra chùm ca biến cố bất lợi sau tiêm chủng.

T.Nguyên (suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 112 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2

hanh phan

Bộ Y tế kêu gọi thay ảnh đại diện, ảnh bìa trên MXH để cổ vũ phòng, chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 23/01/2022

Ngọc Nga