Các biện pháp giúp giảm các triệu chứng về đường hô hấp sau khi bỏ hút thuốc

(CDC Hà Nam)

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, gây ung thư phổi và các bệnh khác. Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, ở một số người, sau khi bỏ thuốc có nhiều thay đổi khó chịu về thể chất, tinh thần khiến họ dễ hút thuốc trở lại.

Trong khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó hơn 40 loại có thể gây ung thư, các bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa…, đặc biệt phải kể đến hắc ín, nicotin, CO. Dù hút thuốc là trực tiếp hay thụ động đều có nguy cơ dẫn đến các bệnh lý trên nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Vì vậy, từ bỏ thuốc lá chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân và người xung quanh. Tuy nhiên, những người hút thuốc lá lâu năm, có quá trình tiếp xúc lâu dài với nicotin làm cho hoạt động của não bộ bị lệ thuộc, khi cai thuốc, thiếu nicotin trong máu, cơ thể sẽ biểu hiện khó chịu thường được gọi là “hội chứng cai thuốc lá”. Các triệu chứng phổ biến như thèm thuốc, mất ngủ, uể oải mệt mỏi, khó tập trung, tăng cân… Nhưng điều làm một số người lo lắng là họ cảm thấy bỏ thuốc khiến họ “bệnh” hơn như khó thở, tức ngực, ho, nghẹt mũi…

Nguyên nhân gây khó thở sau khi bỏ hút thuốc

Ngay khi ngừng hút thuốc lá, cơ thể sẽ bắt đầu tự sửa chữa các mô bị hư hại, tổn thương bằng cách loại bỏ các hóa chất và độc tố tích tụ trong thời gian hút thuốc. Trong giai đoạn này, bạn có thể gặp các triệu chứng tương tự cúm (đau họng, nghẹt mũi, ho khạc ra đờm), đó là nỗ lực của cơ thể để thanh lọc chất độc khỏi hệ hô hấp. Hút thuốc tích tụ độc chất trên lông mao trong phổi. Môi trường không hút thuốc sẽ giúp làm sạch và kích hoạt lại lông mao, những cơn ho là một phần của quá trình làm sạch này. Tùy thuộc vào “khối lượng độc chất” trong phổi, các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày đến vài tháng. Bên cạnh biểu hiện ho, có thể bạn cũng bị cảm giác tức ngực và khó thở. Các nguyên nhân khác gây khó thở khi ngừng hút thuốc bao gồm:

Tăng cảm giác căng thẳng, lo âu. Điều này đặc biệt đúng với những người từng hút thuốc lá như một hình thức thư giãn. Căng thẳng, lo âu khiến người ta cảm thấy khó thở.

Thở nông hơn. Khi hút thuốc lá buộc bạn thở chậm và sâu, sau khi bỏ hút thuốc, bạn ít khi có “cơ hội thở hít sâu” như thế nên bạn có “cảm giác” khó thở (hơi thở nông hơn) là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế thì chính quá trình hút thuốc lá khiến những người hút thuốc lá có thể tích thở ra gắng sức (FEV) giảm rất nhanh. Giảm FEV làm cho người hút thuốc lá lâu dài thở hơi ngắn và khó thở.

Một số triệu chứng do phổi hay đường dẫn khí nhạy cảm có thể xuất hiện sau ngừng hút thuốc. Ví dụ, ở những người phổi nhạy cảm đã quen với tình trạng trong phổi phủ một lớp “hắc ín” từ khói thuốc lá. Khi mô phổi thanh lọc hết  hắc ín và tiếp xúc với các hạt không khí bình thường, có bụi, có thể có cả phấn hoa và các yếu tố khác thì phản ứng ho và khó thở có thể xảy ra.

Các triệu chứng trên nếu có nhưng khó thở không kéo dài và không dẫn tới các triệu chứng khác như da nhợt nhạt, tái xanh (biểu hiện cơ thể không nhận đủ oxy) thì bạn vẫn ổn.

Đối phó với “tác dụng phụ” khác

Bên cạnh khó thở, cần đối phó với một số “tác dụng phụ” không mong muốn khác có thể gặp sau khi bỏ hút thuốc.

Tâm trạng chán nản: Trầm cảm là tác dụng phụ phổ biến của việc cai nicotine. Nếu trầm cảm trở nên quá nghiêm trọng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, vì trầm cảm kéo dài có thể dễ dàng dẫn đến cám dỗ hút thuốc trở lại.

Mất ngủ: Đây là một triệu chứng cai nghiện phổ biến khác. Để ngủ ngon hơn, tránh dùng caffeine, hãy tập thể dục thường xuyên và thử các bài tập thở sâu trước khi đi ngủ.

Khó chịu, bực bội hoặc tức giận: Gần như ngay lập tức sau khi bạn ngừng hút thuốc, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn rất dễ bực mình hoặc khó chịu. Cảm giác khó chịu này sẽ sớm qua khi cơ thể tự điều chỉnh. Bài tập thư giãn có thể mang lại hiệu quả.

Lo lắng: Nhiều người hút thuốc để giảm căng thẳng. Khi thói quen đối phó này không còn nữa, căng thẳng và lo lắng có thể tích tụ. Tìm thói quen giảm căng thẳng thay thế như nghe nhạc thư giãn, thưởng thức những điều yêu thích hoặc trò chuyện với bạn bè.

Khó tập trung: Đây là một tác dụng phụ khác của việc cai thuốc, nhưng nó sẽ sớm qua đi. Hãy cho bản thân thêm một chút thời gian để hoàn thành công việc trong khi bạn làm quen với cuộc sống không có nicotine.

Tăng cân: Khi cai thuốc lá, nguồn cung nicotin giảm dẫn đến giảm tiêu thụ năng lượng, tăng tiết insuline, giảm hoạt hóa men lipoproteine lipase, do đó làm tăng tổng hợp và dự trữ mỡ. Ngoài ra, các đầu dây thần kinh vị giác và khứu giác sau khi cai thuốc nhạy cảm hơn, người cai thuốc sẽ cảm thấy thức ăn ngon hơn và ăn nhiều hơn. Đối với người nghiện thuốc lá nặng, khi cai, năng lượng dư thừa mỗi ngày sẽ từ 400 – 500kcal và như thế chỉ sau vài tuần cai thuốc lá, cân nặng sẽ tăng nhanh từ 3 – 4kg. Vì vậy, ngoài những thay đổi trong thói quen ăn uống, một số người khi cai thuốc có thể bị rối loạn hành vi ăn uống, có những cơn thèm ăn mãnh liệt, đặc biệt thèm ngọt (do tăng tiết insuline gây hạ đường huyết, giảm serotonine ở não). Để chống lại điều này, hãy thử nhai kẹo cao su nicotine, tránh thực phẩm nhiều calo, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên.

Táo bón: Nếu bạn bị táo bón sau khi ngừng hút thuốc, bạn cần chế độ ăn nhiều chất xơ và giữ cho cơ thể luôn đủ nước, tập thể dục.

Nhức đầu: Có thể thấy đau đầu sau khi bỏ hút thuốc. Để giúp giảm đau, có thể dùng thuốc. Nếu những cơn đau đầu không thể chịu đựng được, đừng ngần ngại xin tư vấn bác sĩ.

Bạn có thể làm gì?

Để giúp giảm các triệu chứng về đường hô hấp sau khi bỏ hút thuốc, hãy thử các biện pháp sau:

Tăng cường độ ẩm không khí nơi sống và làm việc, đồng thời uống nhiều nước.

Tránh không khí ô nhiễm. Đeo khẩu trang trong suốt thời gian phục hồi. Hít thở không khí sạch, có thể tăng tốc độ hồi phục cho phổi.

Ngoài ra, một số bài tập sẽ giúp cải thiện triệu chứng khó chịu hô hấp sau bỏ hút thuốc lá. Nên dành 30 phút tập mỗi ngày cho các bài tập aerobic, rất tốt cho việc cải thiện chức năng tim phổi. Khó thở sau khi bỏ hút thuốc có thể giảm bằng cách tập các bài tập thở sâu. 3 kỹ thuật thở có thể áp dụng hiệu quả là thở bụng, kiểm soát hơi thở, kỹ thuật thở pranayama trong yoga. Đặc biệt kỹ thuật pranayama sẽ giúp bạn cải thiện dung tích phổi và cho phép bạn hít vào và thở ra sâu hơn.

 

 

Bài viết liên quan

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Mậu Ngọ

Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng

Mậu Ngọ

Một số quy định cơ bản của Luật PCTHTL

Mậu Ngọ