Điểm báo ngày 09/12/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế hướng dẫn phòng COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hang; 20% bệnh nhân COVID-19 nặng, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư khẩn cấp chuyển đổi công năng thành ICU 500 giường

 

Bộ Y tế hướng dẫn phòng COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng

Trong hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng, Bộ Y tế lưu ý người lao động, bán hàng, khách hàng không đến khu dịch vụ nếu: Mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà…
Ngày 7/12, Bộ Y tế đã có Quyết định 5619/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng”.

Theo Bộ Y tế, người lao động, người bán hàng, khách hàng khi đến khu dịch vụ tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị cần lưu ý:

Không đến khu dịch vụ nếu có một trong các biểu hiện như: Mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà.

Khai báo y tế khi đến khu dịch vụ;

Luôn thực hiện Thông điệp 5K, trong đó lưu ý đeo khẩu trang đúng cách và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định; hạn chế tiếp xúc với người khác; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn;…

Thông báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại khu dịch vụ nếu phát hiện bản thân hoặc người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng có một trong các biểu hiện như: Mệt mỏi, khó thở, sốt,…

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong suốt thời gian di chuyển từ nơi ở đến khu dịch vụ và ngược lại;

Người lao động/làm việc, người bán hàng phải được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, ký cam kết thực hiện công tác về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh 01 tuần/lần.

Phòng dịch COVID-19 thế nào với khu dịch vụ có hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống?
Hướng dẫn của Bộ Y tế đưa ra một số nội dung cần thực hiện để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, cụ thể:

Khu vực chế biến thực phẩm phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Khu vực ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng; có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; có đủ bàn ghế và đảm bảo khoảng cách giữa các khách hàng theo quy định (có thể xếp ngồi so le hoặc đặt vách ngăn giữa các khách hàng); có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng khách hàng và được vệ sinh sạch sẽ;

Có đủ thùng đựng rác, có nắp đậy và có lót túi; có biển 5K về phòng, chống dịch, hướng dẫn khách hàng rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Khu vực nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, có đủ nước sạch, xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh; vệ sinh khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày.

Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định, hướng dẫn trong suốt quá trình vận chuyển.

Người chế biến thực phẩm phải đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau mỗi lượt khách rời đi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

 

20% bệnh nhân COVID-19 nặng, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư khẩn cấp chuyển đổi công năng thành ICU 500 giường

20% bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư nặng, phải can thiệp oxy trở lên. Viện đang lắp đặt đầu cấp oxy, trang thiết bị tất cả giường bệnh, sẵn sàng chuyển đổi sang cơ sở 500 giường hồi sức tích cực.

20% bệnh nhân COVID-19 nặng, phải can thiệp 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là cơ sở điều trị COVID-19 tuyến cuối, chuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các tỉnh/thành miền Bắc. Tới sáng 8/12, cơ sở 2 của bệnh viện đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19, trong số này có hơn 100 bệnh nhân phải can thiệp oxy trở lên (đánh giá là mức độ nặng trở lên).

Các bệnh nhân chuyển đến viện hầu hết là bệnh nhân lớn tuổi (có trường hợp 101 tuổi), đang điều trị các bệnh lý cấp tính/mãn tính như suy thận mạn, tiểu đường, huyết áp, HIV, xơ gan, ung thư… Ngoài số bệnh nhân đang phải can thiệp oxy trở lên, số còn lại là những đối tượng có nguy cơ trở nặng.

“Chúng tôi tiếp nhận nhóm bệnh nhân mắc bệnh nền cấp tính chuyển từ Bệnh viện Việt Đức bị chấn thương hoặc sau mổ, hoặc bệnh nhân từ khoa Sản bệnh lý ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bản thân họ đang điều trị bệnh nặng thì mắc COVID-19”, BS Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện – nói với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống sáng 8/12.

BS Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết hiện khoa có gần 80 F0 ở mức độ nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu… Mỗi ngày, có thêm khoảng 10 bệnh nhân diễn biến nặng, phải hỗ trợ hô hấp với oxy liều cao (HFNC).

Theo BS Bắc, phần lớn bệnh nhân diễn biến nặng tại khoa này đều chưa hoặc mới tiêm một mũi vaccine COVID-19. Những tuần gần đây, khi số mắc tại miền Bắc tăng cao, số bệnh nhân vào khoa Cấp cứu cũng tăng lên.

Chuyển đổi công năng thành cơ sở ICU 500 giường, mọi bác sĩ được đào tạo để có thể điều trị bệnh nhân thở máy
Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Trung Cấp cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường giao từ tháng 7, viện đang lắp đặt thêm các đầu cung cấp oxy, bổ sung trang thiết bị cho toàn bộ giường bệnh tại tất cả các khoa, phòng. Việc lắp đặt được tiến hành theo từng nửa khoa phòng, hình thức cuốn chiếu. Đến nay, viện đã hoàn thành trên 50% tiến độ chuyển đổi công năng.

Về nhân lực y tế phục vụ cho việc chuyển đổi thành 500 giường ICU đang được bệnh viện huy động và đào tạo thêm. Theo đó, một mặt, bệnh viện tổ chức đào tạo cho tất cả bác sĩ điều trị bệnh thường sang bác sĩ điều trị hồi sức; mặt khác nếu trong trường hợp số bệnh nhân nặng quá đông mà lực lượng tại chỗ không đủ thì Bệnh viện sẽ xin Bộ Y tế tăng cường.

Việc đào tạo cho một bác sĩ thường sang làm công việc của một bác sĩ hồi sức, cấp cứu, có khả năng điều trị bệnh nhân cần thở máy thông thường mất khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, việc luân chuyển các bác sĩ khoa, phòng khác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương qua 2 khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực thực hiện khá nhiều, mỗi người sẽ thực hành từ 2-3 tháng nên mọi người “cũng đã có kỹ năng ổn”, theo BS Cấp.

“Hơn nữa, không phải họ làm việc độc lập để thay thế cho bác sĩ hồi sức/cấp cứu mà họ làm trong một kíp có sự giám sát của bác sĩ hồi sức” – BS Cấp nói thêm. Ngoài ra, nhóm y bác sĩ ở các tỉnh được huy động để tham gia điều trị và rút kinh nghiệm, sau đó đưa về ứng dụng tại địa phương.

Hội chẩn từng bệnh nhân nặng để quyết định việc chuyển tuyến

Những tuần gần đây, số ca mắc mới gia tăng ở hầu khắp các địa phương miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội (hiện có khoảng gần 70 bệnh nhân của Hà Nội chuyển lên bệnh viện này). Nhu cầu chuyển bệnh nhân nặng lên bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương rất lớn.

Để đánh giá đúng việc chuyển tuyến, hạn chế tình huống địa phương đánh giá bệnh nhân “nặng/nguy kịch” nhưng khi lên Trung ương đánh giá mức độ vừa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ chức hội chẩn từng bệnh nhân đề xuất chuyển. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Nguy cơ tử vong do COVID-19 tăng 14 lần nếu không tiêm vaccine

Thống kê mới cho thấy, những người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 và tăng 14 lần nguy cơ tử vong nếu mắc bệnh.
Nhập viện và tử vong do COVID-19 vẫn cao ở người chưa tiêm chủng
Mặc dù, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được khuyến cáo cho tất cả người dân nhưng hiện tại nhiều người vẫn còn nghi ngại khi tiêm. Các chuyên gia cảnh báo, nhập viện và tử vong do COVID-19 vẫn cao trong thời gian gần đây. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, đến nay có 69,5% dân số Hoa Kỳ đã nhận được ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, 59% được tiêm chủng đầy đủ và 18,7% đã được tiêm nhắc lại.

Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ cho hay, trong vòng 7 ngày gần đây, ước tính có có khoảng 92.800 trường hợp mắc bệnh, tăng 18% so với tuần trước và khoảng 5.600 người mỗi ngày phải nhập viện do COVID-19, tăng 6% so với tuần trước. Tỷ lệ tử vong hàng ngày trung bình trong 7 ngày là 1.000 người mỗi ngày. Các chuyên gia cảnh báo, số người mắc COVID-19 chưa được tiêm vaccine vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Thống kê tại bang New South Wales (NSW) của Australia cho thấy, những người không tiêm vaccine phòng COVID-19 có nguy cơ phải điều trị trong phòng chăm sóc và tử vong do COVID-19 cao nhiều lần so với những người đã tiêm vaccine. Trong số 61.800 ca mắc bệnh được ghi nhận từ ngày 16/6 – 7/10 có tới hơn 63% chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Con số tử vong do COVID-19 ở những người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Thái Lan cũng tương tự. Bộ Y tế Thái Lan cho hay, trong số 8.803 trường hợp tử vong do COVID-19 thì có tới 64,6% bệnh nhân COVID-19 là những người chưa tiêm vaccine.

Tại nước ta, con số thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tuần vừa qua có có 151 người tử vong. Trong số đó, có 75% số ca tử vong là các trường hợp chưa tiêm mũi vaccine nào hoặc tiêm chưa đủ liều.

Giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong nhờ tiêm vaccine phòng COVID-19  

TS. Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết, những người không được tiêm vaccine phòng COVID-19 có khả năng nhiễm COVID-19 cao hơn khoảng 6 lần so với những người đã được tiêm chủng, nguy cơ phải nhập viện cao hơn 9 lần và khả năng tử vong tăng 14 lần do các biến chứng liên quan đến COVID-19.

Hiện tại, có tới 47 triệu người Mỹ trưởng thành đủ điều kiện và hơn 12 triệu thanh thiếu niên vẫn chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Và đây là nhóm người có nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất.

Nhiều chuyên gia nhận định, dịch COVID-19 hiện là mối đe dọa chủ yếu đối với nhóm chưa tiêm vaccine và để thoát khỏi đại dịch ngay lúc này là cần gia tăng tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 10)

 

Bộ Y tế phấn đấu cơ bản hoàn thành tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 vào giữa năm 2022

Ngày 8-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, Việt Nam đã cơ bản đạt được số lượng vắc xin phòng Covid-19 để bao phủ cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế phấn đấu giữa năm 2022, cơ bản tiêm xong mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ 12-17 tuổi.
“Theo báo cáo của cơ quan thường trực về tiêm chủng, đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 97%, mũi 2 đạt 70%. Ngoài ra, có khoảng 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Về cơ bản, chúng ta hoàn thành tiêm mũi 1 cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và phấn đấu cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 trong năm 2021 này”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.

Trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương tiêm mũi nhắc lại cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên; tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm vì những lý do như: Chống chỉ định, tạm hoãn…; tiếp tục tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế phấn đấu đến giữa năm 2022 cơ bản tiêm xong mũi 3 cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và tiêm đủ cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19 để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi có hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Về số lượng vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, với các hợp đồng cung ứng đã ký kết và sự hỗ trợ của chương trình Covax Facility, đến nay cơ bản đủ vắc xin tiêm cho người trưởng thành mũi 1, mũi 2, cho trẻ từ 12-17 tuổi và đủ tiêm nhắc lại cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.

Trước ý kiến về việc Việt Nam cơ bản đã đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin ở người trên 18 tuổi nhưng thời gian gần đây, số ca Covid-19 tử vong có dấu hiệu gia tăng trở lại, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, theo thống kê chung, tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở nước ta vẫn thấp hơn thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh đánh giá nguyên nhân cụ thể. Theo nhận định bước đầu, những ca tử vong chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhân bị mắc bệnh nền, mãn tính, người cao tuổi sức khỏe suy giảm.

Để hạn chế bệnh nhân tử vong, Bộ Y tế đã có hướng dẫn để các trường hợp F0 không triệu chứng, mắc bệnh nhẹ điều trị tại nhà, những trường hợp nặng đưa vào cơ sở điều trị. Bộ Y tế cũng đang tiếp cận các loại thuốc điều trị trên thế giới, để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân nặng khi các thuốc này được cấp phép và có hướng dẫn cụ thể.

“Hy vọng, khi thuốc được đưa vào đầy đủ, đúng hướng dẫn sẽ góp phần điều trị, giảm tử vong”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi dịch bùng phát, Bộ Y tế đã giao cho Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá về kháng thể ở người tiêm vắc xin Covid-19 để xem hiệu quả của vắc xin như thế nào. Các đơn vị đang nghiên cứu về kháng thể ở người tiêm vắc xin. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sớm báo cáo kết quả nghiên cứu để công bố thông tin rộng rãi đến người dân. (Hà Nội mới, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 20/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/01/2019

CDC Hà Nam