Điểm báo ngày 20/12/2021

(CDC Hà Nam)
Cảnh giác với ”thần dược” giảm cân chứa chất cấm; Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng ‘thổi giá’?; Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron…

Cảnh giác với ”thần dược” giảm cân chứa chất cấm

Nhiều chị em vì muốn biến thân hình “phì nhiêu” thành thon gọn nên đã lựa chọn phương pháp giảm cân nhanh chóng bằng thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng, mà không lường trước được hậu quả. Vì thế, đã có trường hợp phải nhập viện do sử dụng những sản phẩm giảm cân không bảo đảm chất lượng; thậm chí, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít sản phẩm giảm cân chứa chất cấm, quảng cáo thổi phồng công dụng.

Suýt mất mạng vì thuốc giảm cân

Vì muốn giảm cân cấp tốc, chị N.T.A (43 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) đã mua 2 lọ thuốc giảm cân Baschi hồng, được quảng cáo 100% từ thảo dược thiên nhiên để uống. Sau 1 tháng uống liên tục mỗi ngày 2 viên, chị A. đã giảm được 3kg. Thế nhưng, chưa kịp mừng, chị A. đã phải nhập viện vì nôn ra máu. Sau khi được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương, chị được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng, nhất là không thể ăn bất kỳ thứ gì, kể cả uống nước.

Bác sĩ Cù Trung Kiên, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân bị teo hẹp toàn bộ dạ dày và thực quản do hóa chất. Chính vì vậy, sau khi triển khai hội chẩn liên khoa, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực của bệnh nhân, sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. Sau phẫu thuật, bệnh nhân dần trở lại cuộc sống bình thường. Ca bệnh này là lời cảnh báo cho trào lưu giảm cân, làm đẹp rất phổ biến trong xã hội hiện đại.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc giảm cân với những lời quảng cáo “có cánh”, như “giảm 5-7kg chỉ trong một tuần”, “giảm cân cấp tốc chỉ 3-5 ngày”, “thuốc giảm cân bán chạy nhất hiện nay”… Những từ ngữ “có cánh” này đã đánh trúng vào tâm lý muốn giảm cân cấp tốc của các chị em.

Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, vì lợi nhuận nhà sản xuất đã sử dụng cả chất cấm trong thành phần thuốc giảm cân hay các loại thực phẩm chức năng giảm cân. Những chất này khi vào cơ thể tác động lên não hoặc gây đầy bụng để tạo cảm giác chán ăn, điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, trong các sản phẩm giảm cân còn sử dụng các thành phần chất lợi tiểu, khiến người dùng giảm cân bằng việc mất nước trong cơ thể… Điều đáng nói, nhiều chị em chỉ nghe theo lời quảng cáo mà không kiểm tra sản phẩm đó có bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hay không.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về thành phần chất Sibutramine có trong các sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân. Đây là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng gây nguy hiểm đối với người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Chính vì trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp phải nhập viện trong tình trạng tính mạng bị đe dọa do sử dụng thực phẩm chức năng có chứa Sibutramine, nên hoạt chất này được liệt vào danh sách chất cấm.

Dù vậy, trong tháng 12-2021, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được kết quả kiểm nghiệm từ Viện Dinh dưỡng quốc gia về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục linh collagen (số lô: 20210326, ngày sản xuất: 26-3-2021, hạn sử dụng: 25-3-2024) có chứa chất cấm Sibutramine. Loại thực phẩm chức năng này được đóng gói thành viên nang, được phân phối bởi Công ty Sao Viet IMEC (địa chỉ ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo thông tin trên bao bì, thực phẩm này được sản xuất tại Hồng Kông (Trung Quốc). Thế nhưng, trên thị trường, Phục linh collagen hiện vẫn được quảng cáo như một loại “thần dược” giảm cân.

Cách giảm cân an toàn và hiệu quả

Để giảm cân an toàn và hiệu quả, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, các chị em cần kết hợp việc tập thể dục đều đặn với chế độ ăn uống hợp lý, lối sống lành mạnh và chỉ nên giảm 10% cân nặng trong 8 tuần. Nếu cân nặng giảm quá nhanh ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

“Với người thừa cân, béo phì muốn giảm cân, trong chế độ ăn hằng ngày, năng lượng nạp vào phải “tỷ lệ thuận” với năng lượng tiêu hao. Nên duy trì mức 30 kcal/ kg cân nặng và trong bữa ăn hằng ngày bảo đảm đủ thành phần dinh dưỡng (chất bột – đường, đạm và chất béo), bổ sung thêm rau, trái cây giàu chất xơ, vitamin. Cùng với đó, cần duy trì việc tập luyện thể dục, thể thao hằng ngày. Có thể tập tối thiểu 30 phút/lần và duy trì 5 lần tập/tuần với các môn thể thao phù hợp lứa tuổi, giới tính, như: Đi bộ, đi xe đạp, yoga… Đặc biệt, giữ lối sống lành mạnh, tích cực, hạn chế sự căng thẳng và bảo đảm ngủ đủ giấc”, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn cho biết.

Còn theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, trong thời gian tới, Cục tiếp tục tăng cường kiểm tra các sản phẩm giảm cân được rao bán trên các trang mạng xã hội để phát hiện các sản phẩm vi phạm, kịp thời cảnh báo tới người tiêu dùng. Về phía người dân, để kiểm tra sản phẩm đã được cấp phép hay chưa, người dân có thể vào website của Cục An toàn thực phẩm để tìm hiểu, qua đó chọn lựa sản phẩm an toàn cho chính bản thân. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng ‘thổi giá’?

Theo Bộ Công an, tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí đầu vào để ‘thổi giá’ kit xét nghiệm COVID-19 và cung cấp cho các địa phương.

Ông chủ của Việt Á đã chi tiền phần trăm “khủng” cho lãnh đạo bệnh viện và CDC các tỉnh thành. Tuổi Trẻ đã liên hệ nhiều lãnh đạo địa phương.

Đã bắt tạm giam nhiều người

Ngày 19-12, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, sau khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam Phan Quốc Việt – người sáng lập, đồng thời là tổng giám đốc

Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Công ty này được coi là “ông lớn” trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam, sở hữu hệ thống phòng khám tại TP.HCM và Quảng Nam.

Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, và các bị can là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Việt Á. Những người này bị điều tra về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lãnh đạo C03 đánh giá hành vi sai phạm của các bị can không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn, mà còn “móc túi” hàng triệu người dân khi phải sử dụng dịch vụ xét nghiệm với giá cao hơn giá trị thực.

C03 cũng làm rõ: để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các thuộc cấp ở Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Trong đó Tuyến được chi gần 30 tỉ đồng.

Nhiều nơi mua kit từ Việt Á cao hơn Hải Dương

Sau khi những sai phạm tại CDC Hải Dương được công bố, câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại các địa phương khác có xảy ra tình trạng móc ngoặc để “thổi giá” kit xét nghiệm hay không?

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470.000 đồng/bộ test PCR như ở Hải Dương, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.

Cụ thể, tại quyết định ngày 23-6-2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư chống dịch, Bắc Ninh phê duyệt mua 10.000 bộ test PCR LightPower của Việt Á cho CDC tỉnh Bắc Ninh với giá 470.000 đồng/bộ.

Cùng thời điểm này, tỉnh Nam Định cũng mua 13.536 bộ test tương tự của Việt Á, giá 509.250 đồng/bộ.

Tháng 5-2021, một địa phương ở miền Trung cũng có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ chống dịch COVID-19. Trong 11 loại vật tư mua dịp này (tổng trị giá trên 53 tỉ đồng), có 70.000 bộ LightPower, giá mua là 509.250 đồng/bộ, trị giá trên 35,6 tỉ đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết tỉnh thành, bệnh viện mua bộ xét nghiệm PCR của Việt Á thời gian qua đều mua với giá từ 470.000 đồng/bộ trở lên. Trong khi đây là mức giá CDC Hải Dương đã mua và giám đốc CDC Hải Dương bị bắt cùng tổng giám đốc Việt Á do nhận “phần trăm” gần 30 tỉ đồng.

Theo cơ quan điều tra, tại Hải Dương mỗi hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm, giám đốc CDC đã được “lại quả” 20 – 25% giá trị hợp đồng. Việc bắt tạm giam các bị can trên chỉ là giai đoạn đầu của chuyên án làm rõ đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19.

Lãnh đạo C03 cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng tại nhiều nơi khác, làm rõ vai trò các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi… và xử lý nghiêm theo quy định.

Thời gian qua, việc xét nghiệm tần suất quá dày, chi phí xét nghiệm cao, doanh nghiệp và người dân khốn đốn vì phí xét nghiệm và các quy định xung quanh việc xét nghiệm, đến nay khi cơ quan công an bắt đầu bóc gỡ việc “thổi giá” xét nghiệm cho thấy còn có những tảng băng chìm xung quanh chi phí xét nghiệm cần được làm rõ.

Lãnh đạo Hải Dương chưa thể trả lời

Ngày 19-12, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ lãnh đạo tỉnh Hải Dương để xác minh thêm thông tin giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị khởi tố điều tra hành vi nhận “phần trăm” và câu kết cùng Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 nhưng không nhận được câu trả lời.

Trao đổi về việc CDC Hải Dương mua sắm bộ kit xét nghiệm COVID-19 có phải thông qua Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh để phê duyệt hay không, ông Lưu Văn Bản – phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – cho biết không phụ trách lĩnh vực này và đề nghị trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Triệu Thế Hùng – chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – cho biết đang bận họp chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 nên không tiện trao đổi thông tin.

Phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Trọng Hưng – giám đốc Sở Tài chính và ông Phạm Mạnh Cường – giám đốc Sở Y tế Hải Dương, nhưng đều không nhận được hồi âm. Bà Nguyễn Thị Trung Chính – phó giám đốc Sở Y tế – cho biết không phụ trách lĩnh vực nên không nắm được cụ thể.

Nghệ An: đã cho rà soát, chưa thấy sai phạm

Ngày 19-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết đã cho kiểm tra, rà soát 7 – 8 cơ sở y tế từng nhập kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Bước đầu, qua báo cáo của những đơn vị này chưa thấy có dấu hiệu sai phạm liên quan đến kit xét nghiệm COVID-19 bị nâng khống giá.

Ông Nguyễn Văn Định – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An – cũng cho hay thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét địa điểm ở Nghệ An có thể liên quan đến nơi cư trú của ông Phan Quốc Việt.

“Không riêng gì Nghệ An, thời gian đầu Công ty Việt Á này cung cấp độc quyền bộ xét nghiệm COVID-19 cho cả nước.

Về quy trình mua bộ xét nghiệm COVID-19 tại Nghệ An được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Sau khi rà soát các đơn vị có năng lực cung cấp bộ xét nghiệm, sẽ thông qua hội đồng duyệt giá của Sở Tài chính rồi UBND tỉnh mới ra quyết định mua” – ông Định nói.

CDC Thừa Thiên Huế nói gì?

Ngày 19-12, ông Hoàng Văn Đức – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế – cho biết cơ quan này chưa nhận được giấy mời triệu tập cá nhân nào liên quan đến vụ việc trên.

Ông Đức cũng cho biết cơ quan này có mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á vào đầu năm. Tuy nhiên theo ông Đức, việc mua bán này diễn ra hoàn toàn theo Luật đấu thầu, được cơ quan thẩm định giá nhà nước thẩm định theo đúng quy định. (Tuổi trẻ, trang 2, Lao động, trang 7).

Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12 về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Một là, Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng. Khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.

Hai là, tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch như nêu ở điểm 1 trên đây, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so cấp độ được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Ba là, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bộ Y tế bảo đảm phân bố đủ vaccine cho các địa phương. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine.

Bốn là, Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương. Các địa phương tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.

Năm là, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thông y tế ở tất cả các tuyến; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Sáu là, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện các công cụ công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương để triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả, thực chất; phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường tuyền truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Omicron. (Nhân dân, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/04/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2020

CDC Hà Nam