Điểm báo ngày 05/01/2022

(CDC Hà Nam)
Xem xét cho phép 4 công ty dược trong nước sản xuất thuốc Molnupiravir; Bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ dụp tết Nhâm Dần; Hà Nội đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19

Xem xét cho phép 4 công ty dược trong nước sản xuất thuốc Molnupiravir

Ngày 4-1, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong tuần này, Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế sẽ họp nhằm xem xét cấp số đăng ký cho các loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir do các công ty dược trong nước sản xuất.
Trước đó, đã có 10 đơn vị trong nước nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trước mắt, Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc sẽ họp nhằm xem xét cấp số đăng ký cho 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir của 4 công ty dược trong nước, 6 đơn vị còn lại đang bổ sung hồ sơ để xem xét cấp vào đợt sau.
Molnupiravir cùng với Favipiravir, Remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào sử dụng. Riêng Molnupiravir và Favipiravir là 2 loại thuốc kháng virus dạng viên, dễ dàng sử dụng cho F0 thể nhẹ điều trị tại nhà. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Lao động, trang 3)

Bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ dịp tết Nhâm Dần

Ngày 31/12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Tập trung, nỗ lực cao nhất phòng, chống dịch COVID-19

Tại Chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, cần tập trung, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông – Xuân. Chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị phù hợp ngay khi phát hiện ca bệnh; thần tốc hơn nữa về tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bảo đảm tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi và mũi thứ 3 vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị (nhất là máy thở, oxy y tế) để tổ chức điều trị người bệnh COVID-19, cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ trong những ngày Tết… Các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Hà Nội đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19

Ngành Y tế Hà Nội đã tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 cho hơn 610.000 người từ 18 tuổi trở lên, số liệu này chưa tính lượng người tiêm mũi 3 tại các bệnh viện, đơn vị/ngành trung ương trên địa bàn.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính tới hết ngày 3/1, Hà Nội đã tiêm gần 172.000 mũi 3 là liều bổ sung và 441.000 mũi 3 là liều nhắc lại. Tổng cộng, ngành Y tế Hà Nội đã tiêm mũi 3 cho hơn 610.000 người từ 18 tuổi trở lên ở thành phố, số liệu này chưa tính lượng người tiêm mũi 3 tại các bệnh viện, đơn vị/ngành trung ương trên địa bàn.
Trong số này, có hơn 100.000 người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3. Theo chỉ đạo của chính quyền Hà Nội, việc tiêm mũi bổ sung cần hoàn thành trước ngày 31/1/2022. Vài ngày gần đây, trung bình mỗi ngày ngành Y tế Hà Nội tiêm khoảng 70.000 liều là mũi 3 cho người dân.
Trong công điện do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế là nội dung được nhấn mạnh. Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo tiếp tục rà soát người từ 50 tuổi trở lên, tăng cường, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục tiêm vaccine.
Sau khi bao phủ 2 mũi vaccine cho gần 99% người từ 18 tuổi, hiện nay Hà Nội là địa phương tiêm mũi 3 nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau TP HCM (với khoảng hơn 1,1 triệu mũi nhắc lại và hơn 320.000 mũi bổ sung).
Trên cả nước, có hơn 3,5 triệu liều vaccine mũi 3 đã được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tại 53 tỉnh/thành. Gần 40 tỉnh/thành đã tiêm hơn 1,8 triệu mũi bổ sung cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Một số tỉnh thành tiêm mũi nhắc lại nhiều gồm Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre… đều trên 100.000 liều.
Trước đây Bộ Y tế yêu cầu tiêm mũi 3 cho người dân sau khi tiêm mũi thứ 2 sáu tháng, nhưng sau đó, Bộ Y tế cho phép rút ngắn khoảng cách này xuống ít nhất 3 tháng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết việc rút ngắn khoảng cách này nhằm tăng cường kháng thể để chống lại sự lây lan của biến thể Omicron.
Hiện, Bộ Y tế ghi nhận 24 ca nhiễm biến thể Omicron (trong đó Hà Nội ghi nhận 1, TP HCM có 5, Quảng Nam có 14, Hải Phòng (1), Hải Dương (1) và Thanh Hóa có 2 ca). Các ca này đều là người nhập cảnh đã được cách ly, một vài trường hợp đã được xuất viện sau quá trình điều trị không có triệu chứng và xét nghiệm âm tính nhiều lần.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên cần được hoàn thành trong quý 1/2022 (theo Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021). Còn trong Công văn 9656/VPCP-KGVX, Bộ Y tế được giao báo cáo cụ thể vaccine tiêm và nhận trong tháng 1/2022, kế hoạch bảo đảm đủ vaccine tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong Quý I/2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

51 tỉnh, thành sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 có kiểm soát

Bộ Y tế cho hay, đến nay đã có 51 tỉnh, thành phố sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng có kiểm soát. Hơn 300.000 liều thuốc đã được phân bổ đến các địa phương.
Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho 51 địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng.
Trước đó, căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP HCM cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng tại TP HCM từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 51 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Liên quan đến thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế cũng cho biết vừa qua có 10 đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir nội.
Trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký và có hiệu lực thực hiện ngay từ ngày 30/12, lần đầu tiên có nhiều chính sách đặc biệt được cho phép thực hiện để chống dịch, trong đó có việc sản xuất các thuốc mới điều trị COVID-19.
Nghị quyết giao Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu để sản xuất thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về dược cho mục đích khác để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19;
Trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất để phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19 nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện: Được sản xuất theo đúng quy trình sản xuất trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; Đáp ứng tất cả các nội dung như hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt; Được sự đồng ý của cơ sở sản xuất thuốc.
Các thuốc mới có chỉ định điều trị COVID-19 nhập khẩu, được cấp phép có điều kiện tại một trong số cơ quan quản lý thuốc SRA (Tổ chức Y tế thế giới công bố) được cấp phép trong 10 ngày.
Các thuốc mới có chỉ định điều trị COVID-19 sản xuất trong nước nếu có cùng dạng bào chế, đường dùng, hàm lượng với thuốc đã được SRA cấp phép thì Việt Nam cho phép miễn nộp hồ sơ nghiên cứu lâm sàng.
Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

Năm 2022, tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm

Sang năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành ban hành kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) Trung ương, năm 2021, cả nước tiến hành hậu kiểm 376.426 cơ sở trong lĩnh vực ATTP, đã xử lý 22.512 cơ sở, tổng số tiền phạt 109.464.550.000 đồng; giá trị tang vật thu giữ trên 20,5 tỷ đồng; đình chỉ 172 sản phẩm; tiêu hủy 1.697 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng…); khởi tố 11 vụ, 16 đối tượng trong đó có 3 vụ/6 đối tượng về tội vi phạm các quy định về ATTP, 6 vụ/9 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và 1 vụ/3 đối tượng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (để vận chuyển gia cầm).

Sang năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành ban hành kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài; trên Internet và môi trường mạng; lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu ATTP, tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh. (Công an nhân dân, trang 1)

 

Số ca COVID-19 nặng, tử vong vẫn tăng

Ngày 4/1, Bộ Y tế cho biết ghi nhận 14.861 ca nhiễm mới tại 60 tỉnh, thành với 10.864 trường hợp trong cộng đồng. Tính trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày nước ta ghi nhận hơn 15.600 ca mắc mới, 223 bệnh nhân tử vong.

Ngày 4/1, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết Bệnh viện đang điều trị khoảng 200 ca, trong đó 60-70% bệnh nhân tình trạng nặng (những trường hợp thở ô xy trở lên). “So với 3 tuần trước số bệnh nhân nặng ngày càng tăng.

Một số bệnh nhân phải thở máy đã 5-6 tuần nhưng vẫn chưa thể ra viện do tình trạng nặng. Trong đó có những bệnh nhân mắc bệnh nền phức tạp, ít chịu hợp tác với nhân viên y tế, hoặc những cụ chưa được tiêm vắc xin khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng”, PGS Hải cho hay.

Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Nguyễn Thị Thu Phương cho biết áp lực lên các nhân viên y tế ngày càng lớn khi số bệnh nhân nặng tăng cao. Do đó bệnh viện áp dụng phương án 2 ca 3 kíp với mỗi ca kéo dài 12 giờ. “Sau 4 giờ làm trực tiếp tại các buồng hồi sức tích cực, nơi điều trị bệnh nhân nặng nhất, các bác sĩ, điều dưỡng lại đổi nhóm khác vào chăm sóc bệnh nhân để ra ra làm việc tại phòng đệm”, điều dưỡng Phương nói. Với những bệnh nhân có tiến triển tốt sẽ được test nhanh ngay khi tỉnh lại. Kết quả xét nghiệm âm tính bệnh nhân sẽ được chuyển sang khu phục hồi chức năng. Việc này để tránh trường hợp bệnh nhân tiến triển tốt nhưng nhìn xung quanh thấy các trường hợp nặng, nguy kịch khác, tâm lí sẽ bị ảnh hưởng, bệnh tình nặng trở lại.
Bác sĩ Hải thông tin thêm ở giai đoạn hiện nay những ca bệnh nặng khác với những đợt dịch trước đây. Đơn cử như ở đợt dịch thứ 4 tại TPHCM, Bình Dương, Long An… các ca nặng, nguy kịch thuộc nhiều lứa tuổi, có điểm chung lớn nhất là chưa được tiêm vắc xin. Với ca nặng, tử vong có cả người trẻ, khoảng 30-40 tuổi. Nhưng hiện nay, vắc xin đã bao phủ cộng đồng nên phần lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch là người già, có bệnh nền và hầu hết chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Liên quan vấn đề điều trị, Bộ Y tế thông tin, ca tử vong tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ vắc xin.

Báo cáo của các tỉnh, thành phố như TPHCM số người tử vong có bệnh nền chiếm 93%, trên 70 tuổi, phần lớn có từ 2 bệnh nền trở lên. Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong số ca mắc COVID-19 tại nước ta có 6% là bệnh nhân nặng, 8,3% ở mức trung bình, tỉ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng cao nhất với 85,7%. 10 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất cả nước là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, TP Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang. Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy người trên 65 tuổi chiếm hơn 47% là người có bệnh nền, hơn 36% người 50-56 tuổi; 18-49 tuổi là 15%; nhóm 0-17 tuổi là 0,42%. Con số trên cho thấy tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%.

Nhiều nguyên nhân khiến số ca mắc tăng cao

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Thời gian qua, số ca cộng đồng và tử vong cao do một số nguyên nhân cơ bản làm gia tăng ca nhiễm trong thời gian qua.

Cụ thể, sau khi thực hiện Nghị quyết 128 các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường nên ca nhiễm cộng đồng tăng; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, biến thể Omicron đã ghi nhận ở nước ta và có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng; xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng và những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian, đồng thời những người mới tiêm cần có thời gian để sinh miễn dịch.

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới khi người dân được nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần dài ngày, việc giao lưu, chúc tết, đoàn tụ gia đình cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cùng với đó việc mở lại chuyến bay thương mại từ 1/1 khiến du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết… tăng cao, nguy cơ xâm nhập biến thể Omicron trong cộng đồng. (Tiền phong, trang 4)

 

Xã hội hóa vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 để ứng phó Omicron

Trước tình hình biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, Chính phủ đề ra các giải pháp về phòng, chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới, trong đó có xã hội hóa vắc xin, thuốc điều trị COVID-19.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc ứng phó với biến thể mới Omicron, việc lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch.

Nguy cơ biến thể Omicron lây lan diện rộng

Đánh giá dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, song Chính phủ cho rằng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới khoảng 15.000 ca/ngày, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao.

Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, hiệu quả, đặc biệt khi chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đạt kết quả tích cực.

Về việc tiêm vắc xin, Chính phủ cho biết đến nay tỉ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 99,6%, tiêm đủ liều cơ bản là 90,9% và một bộ phận người dân đã được tiêm liều thứ 3 (khoảng 4,8 triệu người từ 18 tuổi trở lên).

Với người từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm được 12,8 triệu liều, Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Đối với việc gia tăng ca tử vong, khó khăn về năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, báo cáo Chính phủ cũng cho biết so với tháng 8, tháng 9-2021, số ca tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao (trên 200 ca/ngày). Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, phần lớn chưa được tiêm đủ vắc xin (85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin).

Trong bối cảnh đó, năng lực thu dung, điều trị tại một số nơi còn bất cập, nhất là khi số ca bệnh nặng tăng cao. Một số địa phương chưa chủ động trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, thuốc.

Theo Chính phủ, Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia điều trị COVID-19 được thu phí

Biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, làm tăng gánh nặng lên hệ thống y tế và tử vong. Do đó nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Trong đó, các giải pháp được Chính phủ đưa ra trong công tác phòng chống dịch gồm: xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch, vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, tập trung bao phủ vắc xin từ nay đến hết quý 1-2022 phải tiêm đủ 3 mũi cho người thuộc diện tiêm chủng; chủ động sản xuất, nhập khẩu thuốc đặc hiệu và đề cao ý thức nhân dân.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện; trường hợp các cơ sở y tế tư nhân được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19 thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, tất cả các bệnh nhân COVID-19 được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.

Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1-2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của WHO.

Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Chương trình phòng chống dịch COVID-19. (Tuổi trẻ, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/2/2019

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 22/9/2020

Ngọc Nga