Cách ứng phó với hội chứng hậu COVID

(CDC Hà Nam)
Những người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 đã phải vật lộn với các triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau kéo dài nhiều tháng… Ước tính có khoảng 10% bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 sẽ phát triển những vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 thành mạn tính.
1. Các triệu chứng hậu COVID

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hội chứng hậu COVID được định nghĩa là các dấu hiệu và triệu chứng mới xuất hiện, hoặc đã có nhưng tiếp tục tiến triển sau khi nhiễm COVID-19 từ 4 tuần trở lên.

Các triệu chứng thường gặp

– Mệt mỏi: Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi vô cớ, chẳng làm việc gì nặng nhọc mà cũng tự nhiên cảm thấy mệt, không có hứng thú làm việc gì cả…

– Khó thở: Người bệnh cảm thấy khó thở, hay bị hụt hơi. Chỉ làm việc gì đó một thời gian ngắn là đã bị đoản hơi, thậm chí chỉ đi đi lại lại cũng cảm thấy khó thở…

– Suy giảm trí nhớ: Người bệnh tự nhiên hay bị quên, mặc dù trước khi mắc COVID-19 người bệnh không bị như vậy. Vừa nói xong đã quên mình nói gì, sự việc mới xảy ra đã bị quên, quên làm việc gì, quên để đồ vật gì đó ở đâu…

– Rối loạn giấc ngủ: Mặc dù đã âm tính với SARS-CoV-2 nhưng người bệnh thỉnh thoảng không tài nào ngủ được vào ban đêm. Ban ngày những lúc đang làm việc lại buồn ngủ…

– Mất tập trung: Người bệnh khó tập trung vào công việc đang thực hiện, hiệu suất làm việc giảm sút, thường xuyên bị xao nhãng bởi những chuyện lặt vặt…

– Đau cơ: Người bệnh cảm thấy đau nhức cơ bắp một cách vô cớ, người mỏi, cơ đau…

Và một số triệu chứng khác.

Chuyên gia chỉ cách ứng phó với hội chứng hậu COVID - Ảnh 1.
Các triệu chứng ít gặp
  • Đau tức ngực: Người bệnh cảm thấy đau tức ở vùng ngực, như có vật gì chẹn ở vùng ngực…
  • Hồi hộp: Mặc dù không có việc gì quan trọng, trạng thái tinh thần cân bằng nhưng người bệnh vẫn cảm thấy hồi hộp không yên…
  • Ho kéo dài: Người bệnh bị những cơn ho dai dẳng, kéo dài nhiều ngày, thậm chí hàng tháng trời không dứt.

Và một số triệu chứng khác.

Tất cả các triệu chứng nói trên đều có thể gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, làm hạn chế tham gia các hoạt động, công việc, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khỏi COVID-19.

2. Giải pháp khắc phục hội chứng hậu COVID
Khi gặp các triệu chứng hậu COVID, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của mình biết để có hướng khắc phục sớm, tránh để kéo dài làm ảnh hưởng tới công việc và chất lượng cuộc sống, cũng như dẫn đến các di chứng khó hồi phục, thậm chí không hồi phục.

Tùy vào đặc điểm lâm sàng của người bệnh mà các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh nên thăm khám và điều trị tại chuyên khoa nào. Trường hợp bệnh nhân có di chứng thần kinh cần được khám xét và điều trị bởi chuyên gia về thần kinh.

Nếu bệnh nhân bị giảm chức năng thận dai dẳng cần được theo dõi bởi chuyên gia về thận tiết niệu.

Các rối loạn về tâm lý, tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… cần được khám sức khỏe tâm thần…

Các vấn đề về phục hồi chức năng cần được hỗ trợ phụ thuộc vào triệu chứng và hạn chế về mặt chức năng của bệnh nhân với mục tiêu phục hồi lại các chức năng, phòng ngừa các rối loạn tâm lý, đảm bảo chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân quay trở lại với công việc và cuộc sống thường ngày.

Chuyên gia chỉ cách ứng phó với hội chứng hậu COVID - Ảnh 2.

Hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19.

Các vấn đề phục hồi chức năng hậu COVID bao gồm:

  • Suy giảm hoạt động thể chất
  • Suy giảm chức năng hô hấp
  • Rối loạn nuốt
  • Suy giảm khả năng giao tiếp
  • Suy giảm nhận thức
  • Các vấn đề sức khỏe tâm lý
  • Hạn chế thực hiện sinh hoạt hàng ngày…

Khi bệnh nhân gặp các vấn đề về suy giảm hoạt động thể chất, tùy vào mức độ bệnh nhân sẽ được các bác sĩ phục hồi chức năng hoặc các bác sĩ thể thao hướng dẫn tập các bài tập giúp phục hồi chức năng vận động.

Nếu bệnh nhân gặp các vấn đề có liên quan đến việc suy giảm chức năng hô hấp người bệnh cần được phục hồi chức năng hô hấp, thông qua các bài tập thở như thở cơ hoành, thở chúm môi, các bài tập làm tăng cơ lực cơ hô hấp…

Khi bị suy giảm khả năng giao tiếp: Bệnh nhân cần được can thiệp bởi chuyên viên âm ngữ trị liệu. Bệnh nhân COVID-19 có thể gặp các rối loạn về giọng, đặc biệt ở bệnh nhân sau đặt ống nội khí quản kéo dài.

Bệnh nhân có các vấn đề về sức khỏe tâm lý cần được tư vấn và chữa trị bởi bác sĩ tâm lý…

Ngoài ra, để sớm phục hồi sức khỏe sau mắc COVID-19 người bệnh nên có kế hoạch dinh dưỡng và chương trình tập luyện nhằm giúp cơ thể dần dần thích nghi với nhịp sống bình thường như:

+ Đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, chế độ dinh dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh sau mắc COVID-19.

+ Có kế hoạch tập luyện nhằm khôi phục lại thể chất, cũng như duy trì một lối sống khoa học, tránh làm việc quá sức ngay sau khi khỏi COVID-19…

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Công tác phối hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học

hanh phan

Tối 17/7: Thêm 1.612 ca mắc COVID-19, tổng số mắc trong ngày nâng lên 3.718 ca

Ngọc Nga

Hà Nam: 34 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-COV-2

Ngọc Nga