Điểm báo ngày 17/1/2022

(CDC Hà Nam)
Hà Nội lại áp sát mốc 3.000 ca Covid-19 trong ngày, còn 4 điểm phong tỏa; Người từng mắc COVID-19 khi nào nên đi khám?; Không để xảy ra tình trạng thuốc tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán; Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân dịp Tết; Việt Nam đã ghi nhận 68 ca nhiễm biến thể Omicron…

Hà Nội lại áp sát mốc 3.000 ca Covid-19 trong ngày, còn 4 điểm phong tỏa

Sau khi giảm mạnh tới hơn 180 ca vào ngày hôm qua để xuống sát mốc 1.800 ca, hôm nay số mắc Covid-19 ở Hà Nội lại tăng vọt lên 2.983 ca bệnh. Theo công bố từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 15-1 đến 18h ngày 16-1 trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.983 ca Covid-19 mới, tăng 173 ca so với hôm qua.

Bệnh nhân phân bố tại 409 xã phường thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (191 ca), Hoàng Mai (186 ca), Thanh Trì (156 ca), Đông Anh (123 ca), Thanh Xuân (116 ca), Hai Bà Trưng (135 ca)… Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến chiều nay là 91.370 ca.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố chỉ còn 4/1288 điểm đang phong tỏa.

Về điều trị, đến hết ngày 15-1, toàn thành phố có 59.795 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, gồm 48.967 người theo dõi cách ly tại nhà. Trong ngày, thành phố ghi nhận 12 trường hợp tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29-4 đến nay là 337 người. (An ninh Thủ đô, trang 16).

Người từng mắc COVID-19 khi nào nên đi khám?

Bệnh nhân hậu COVID-19 đang trở thành vấn đề y tế sau giai đoạn mắc dịch. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, không phải bệnh nhân nào từng mắc COVID-19 cũng gặp di chứng. Người bệnh không nên hoang mang chỉ cần đi khám khi có các triệu chứng bất thường để chủ động phát hiện điều trị di chứng và các bệnh lý khác.

Hơn 500 nghìn người TPHCM mắc COVID – 19

Sau 2 tuần được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 16, ông Lê Thanh Phong (63 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) đã có kết quả âm tính, được xuất viện. Tuy nhiên, ông Phong thường xuyên phải đối mặt với tình trạng suy hô hấp, hụt hơi, chỉ đi bộ được vài chục mét đã thấm mệt. Ông đến Bệnh viện Đại học Y Dược thăm khám hậu COVID-19 và được bác sĩ đề nghị tiếp tục quá trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Trần Thảo Hiền (39 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM) từng mắc COVID-19 cách ly, điều trị tại nhà. Chị Hiền cho biết, sau khi khỏi bệnh sức khỏe vẫn bình thường nhưng khi vận động nhiều thì có cảm giác hụt hơi. “Gần đây tôi thấy nhiều người từng mắc COVID-19 đi khám thì phát hiện bị xơ phổi nên bản thân cũng rất lo lắng. Tôi đã đăng ký gói khám tổng quát tại một bệnh viện tư nhân để kiểm tra xem mình có gặp vấn đề bất thường nào hay không”, chị Hiền nói.

Theo TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM, hầu hết di chứng hậu COVID-19 xảy ra ở những bệnh nhân nặng và nguy kịch trước đó. Các di chứng thường gặp nhất ảnh hưởng đến chức năng hô hấp cấp và hô hấp mạn tính, một số di chứng về tim mạch, bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ.

Bệnh viện Phục hồi Chức năng đã tiếp nhận, điều trị hơn 1.000 ca gặp các di chứng hậu COVID-19, trong đó 341 ca mức độ nặng cần điều trị nội trú, số còn lại điều trị ngoại trú. Tương tự, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám vì vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 với các biểu hiện mệt mỏi, suy nhược cơ thể, tinh thần lo lắng.

BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố đã có hơn 500.000 người dân mắc COVID-19. Những người từng nằm viện hầu hết là bệnh nhân từ mức độ trung bình đến nặng, nguy kịch. Thực tế trên đã đặt ra nhiều nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho cộng đồng.

Cơ thể cần thời gian bình phục

Bên cạnh những người cần được khám và hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng, tâm lý lo lắng đang xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân từng mắc COVID-19. BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM cho biết, trên thực tế nhiều người đang quá lo lắng dẫn đến tình trạng đổ xô đi kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19. Lợi dụng tình hình này, một số đơn vị đã mở ra những khóa dịch vụ phục hồi chức năng hậu COVID-19 với mức giá trên dưới 15 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, điều này có thực sự cần thiết hay không là vấn đề đặt ra cho mọi người.

Phân tích của BS Hữu Khanh chỉ ra, hậu COVID-19 xảy ra ở những người đã từng mắc bệnh, đặc biệt là những người bệnh nặng đến nguy kịch phải trải qua quá trình hồi sức. “Đây là tình trạng tương tự như hậu nhiễm trùng, trong đó có những người từ khu hồi sức hết bệnh nhưng không đủ sức khỏe để về nhà, phải chuyển qua điều trị phục hồi chức năng, các vấn đề sức khỏe liên quan chặt chẽ đến những di chứng do thở máy, nằm lâu, teo cơ, xơ phổi”- bác sĩ Khanh nói.

Cũng theo BS Khanh, sau khi mắc bất kỳ loại bệnh nào, cơ thể cần có thời gian bình phục. Những người hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương. Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm thuốc kẽm, B Complex.

Người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen suyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu COVID-19. Người có biểu hiện đau nhức xương khớp, cơ thể nên sử dụng thuốc xoa bóp, tăng cường tập luyện vận động. Chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi đã tăng cường nhiều giải pháp nhưng biểu hiện bệnh vẫn kéo dài.

Trong nhóm di chứng hậu COVID-19 có những trường hợp đối mặt với các vấn đề bệnh lý tâm thần do phải trải qua những ngày nguy kịch trên giường bệnh. Bệnh nhân cần bình tĩnh lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và chủ động hợp tác với bác sĩ trong các liệu trình điều trị, tuân thủ phác đồ sử dụng thuốc hỗ trợ để sớm bình phục sức khỏe.

Sở Y tế TPHCM sẽ lập mô hình tháp 3 tầng để chủ động chăm sóc, điều trị bệnh nhân hậu COVID-19. Trong đó, tầng 1 là cấp y tế cơ sở, tiếp nhận bệnh nhân nhẹ; tầng 2 là bệnh viện tuyến quận, huyện chăm sóc người bệnh mức độ trung bình; tầng 3 gồm bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch. (Tiền phong, trang 1).

Không để xảy ra tình trạng thuốc tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện trực thuộc Bộ và các cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc về đảm bảo thuốc chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cục Quản lý Dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc sở khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Các đơn vị chú trọng việc bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh cúm A, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông-Xuân, nhất là dịp tết, mùa lễ hội.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.

Các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24h và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh trong dịp Tết. Các bệnh viện trực thuộc Bộ triển khai kế hoạch dự trữ thuốc đế đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. (Hà Nội mới, trang 1).

Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân dịp Tết

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề. Trong khi người người, nhà nhà chuẩn bị sắm sửa đón Tết thì hàng nghìn cán bộ, y, bác sĩ trên khắp mọi miền của đất nước vẫn bám trụ, trực chiến tại các điểm nóng để chống dịch Covid-19. Cùng với đó, các bệnh viện cũng đã lên phương án sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong dịp Tết. Tết này con không về…

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) những ngày giáp Tết Nguyên đán mọi hoạt động vẫn diễn ra như bình thường, thậm chí còn căng thẳng hơn, bởi số lượng bệnh nhân Covid-19 chuyển về đây ngày một nhiều hơn. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, hiện cả 500 giường bệnh luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Chính vì vậy, ngày thường cũng như ngày Tết, bệnh viện phải duy trì đủ nhân lực.

“Bệnh viện đang thiếu nhân lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trước đây khi chưa có dịch, các y, bác sĩ có thể được nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Thế nhưng, hai năm nay, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, rất nhiều nhân viên y tế tại đây chẳng biết Tết là gì”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ…

Với 66 y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương đang bám trú tại Trung tâm hồi sức Covid-19 ở tỉnh Vĩnh Long, năm nay, họ cũng đón Tết xa nhà. Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Nhi trung ương tâm sự: “Chúng tôi phải đón 3 cái Tết ở Vĩnh Long mới về Hà Nội, đó là Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Tết Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng. Ở đây thấy hoa mai vàng nở, nhớ hoa đào và không khí giáp Tết của Hà Nội, cũng thoáng chạnh lòng nhớ gia đình, bạn bè, nhưng chúng tôi lại động viên nhau cố gắng, vì người bệnh đang cần chúng ta”.

Để động viên các y, bác sĩ không được đoàn viên bên gia đình trong năm mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh viện dự kiến tổ chức một cầu truyền hình trực tuyến vào chiều 30 Tết, kết nối điểm cầu tại bệnh viện và tỉnh Vĩnh Long. Qua cầu truyền hình, người thân của những y, bác sĩ đang chống dịch xa nhà sẽ được chia sẻ, trò chuyện với họ vào thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã lên kế hoạch dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh…, đồng thời ứng trực cấp cứu sẵn sàng 24/24 giờ bảo đảm phục vụ tốt công tác điều trị cho bệnh nhân trong những ngày Tết.

Không chỉ phân công lịch trực Tết tới từng cán bộ, nhân viên, từng khoa, phòng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng lên kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực, vật lực để đáp ứng các tình huống bất ngờ xảy ra. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông tin, bệnh viện có 3 cơ sở, trong những ngày Tết sẽ có 2 cơ sở hoạt động, đó là một cơ sở chính điều trị tất cả bệnh lý về sản phụ khoa và một cơ sở dành những giường bệnh để điều trị cho những thai phụ bị nhiễm Covid-19. Trong những ngày Tết, bệnh viện cũng bố trí chu đáo các bữa ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng, tổ chức chúc Tết đến người bệnh và cán bộ nhân viên…

Bảo đảm đủ thuốc men, nhân lực

Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; các cơ sở y tế nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới.

“Trong những ngày nghỉ Tết, các đơn vị phải phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả, đồng thời niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh”, ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.

Để bảo đảm công tác cấp cứu, khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế trong ngành nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm công tác y tế. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chống dịch, phương tiện cấp cứu…; đồng thời nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị, trong dịp Tết Nguyên đán cần có các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế, nhất là đối với các y, bác sĩ, người tham gia công tác phòng, chống dịch dài ngày, làm việc trong khu điều trị Covid-19… Bên cạnh đó, các cơ sở y tế có kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách. (Hà Nội mới, trang 5).

Việt Nam đã ghi nhận 68 ca nhiễm biến thể Omicron

Bộ Y tế cảnh báo tốc độ lây nhiễm của biến thể Omicron gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên sẽ làm tăng số ca mắc, gây quá tải hệ thống y tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 2.007.862 ca mắc Covid-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.001.625 ca, trong đó có 1.715.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (510.968), Bình Dương (292.023), Đồng Nai (99.216), Tây Ninh (85.245), Hà Nội (84.970).

Nước ta đã điều trị khỏi 1.717.964 bệnh nhân Covid-19. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.750 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.480 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Đến nay, nước ta đã 68 ca nhiễm biến thể Omicron là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời, trong đó Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP HCM (30), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2) và Long An (1).

Trước đó, báo cáo của Sở Y tế TP HCM ngày 15-1, cho biết thành phố phát hiện thêm 17 ca mắc Coid-19 nhiễm biến thể Omicron. Tất cả đều là người từ nước ngoài trở về, được cách ly ngay khi nhập cảnh. Các ca bệnh này đang cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức), ghi nhận không triệu chứng.

12 ca nhập cảnh nhiễm biến thể Omicron tại TP HCM trước đó đều đã xuất viện. Hầu hết cũng không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ngành y tế đã xét nghiệm trên 2.000 người ngồi cùng chuyến bay, có tiếp xúc gần với 12 ca nhiễm này, kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2.

Trước nguy cơ lây lan các ca nhiễm biến thể Omicron từ người nhập cảnh, Bộ Y tế đề nghị địa phương bám sát diễn biến tình hình dịch do thể mới gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng cảnh báo tốc độ lây nhiễm của biến thể Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.

Sự xâm nhập của biến chủng Omicron có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. (Công an nhân dân, trang 1).

Chương trình COVAX đạt mốc phân phối 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19

Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX vừa đạt cột mốc quan trọng, với 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được cơ chế này phân phối đến 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. nhưng mới đáp ứng chưa đến 50% mục tiêu đề ra… (Chi tiết xem báo Lao động, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 21/1/2022

CDC Hà Nam