Điểm báo ngày 09/2/2022

(CDC Hà Nam)

Tiêm vắc xin COVID cho trẻ 5-11 tuổi: Thận trọng tối đa; Tăng cường phòng, chống dịch sau Tết; Dịch ở TPHCM gia tăng sau Tết; Máy đo nồng độ ôxy đắt hàng; Nhiều nơi tăng cường kiểm soát phòng chống dịch; Bác sĩ 32 năm đi khiếu nại đã nhận 3,2 tỉ đồng, tiếp tục đòi 6,7 tỉ còn lại

Tiêm vắc xin COVID cho trẻ 5-11 tuổi: Thận trọng tối đa

Bộ Y tế cho biết đang tích cực chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu…

Trao đổi với báo chí dịp Tết Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế thường xuyên tham khảo ý kiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới về vấn đề này. WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

“Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có hơn 37 quốc gia đã có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao”, ông Long nói.

Bộ Y tế cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra… Cùng với đó, Bộ Y tế đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể cung ứng vắc xin này.

“Khi có vắc xin này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết”, Ông Long nói.

Theo ông, việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích với tất cả người dân. Khoảng 80% các trường hợp tử vong thời gian qua, là do không tiêm vắc xin, không tiêm đủ mũi. Đây là điều rất đáng tiếc, phần lớn ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.

Vì thế, để bảo vệ nhóm đối tượng này, các địa phương đang thực hiện chiến lược “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vắc xin cho người dân, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.

Trước đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép mua 21,9 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioTech để có thể triển khai tiêm và chấp nhận có thể dư thừa vắc xin.

Ít phản ứng phụ

TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, cho biết, trẻ em mắc COVID-19 không diễn biến nặng như người lớn, song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Nhiều cuộc thử nghiệm vắc xin đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm.

Ông Thái lưu ý, về phía các bậc cha mẹ, người giám hộ, cần luôn có người hỗ trợ, bên cạnh trẻ sau khi tiêm vắc xin 24 giờ trong ngày. Không để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong ba ngày đầu sau tiêm vắc xin. Trước khi đi tiêm, động viên trẻ tại nhà, giải thích cho trẻ lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn trẻ tự theo dõi sức khỏe bản thân.

Sau tiêm, phụ huynh cần chủ động theo dõi và chia sẻ với trẻ về cảm nhận; thường xuyên đo thân nhiệt, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Mục đích là theo dõi sát sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi, nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục…, cần đi khám ngay; không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thông báo ngay cho y tế nếu có bất cứ vấn đề gì băn khoăn về sức khỏe của trẻ, nhất là khi phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện bất thường: cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái (Tiền phong, trang 3).

 

Tăng cường phòng, chống dịch sau Tết

Sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới gia tăng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng.

Trước tình hình đó, hai địa phương đang khẩn trương triển khai giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch.

Số ca nhiễm mới tăng nhanh

Tại Nghệ An, tổng số ca ghi nhận từ ngày 29/1 (27 Tết) đến 6/2 (mồng 6 Tết) ghi nhận 3.162 ca mắc, chiếm gần 19% số ca mắc mới toàn tỉnh kể từ đầu mùa dịch đến nay. Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc có chiều hướng tăng nhanh. Nếu từ ngày 29/1 đến ngày 3/2 (sáu ngày) ghi nhận 1.459 ca, thì trong vòng ba ngày sau đó, từ ngày 4/2 – 6/2 ghi nhận 1.683 ca (chiếm 53,2%). Trong ngày 7/2, số ca nhiễm Covid-19 toàn tỉnh tăng vọt, với 1.641 ca, trong đó có 330 ca cộng đồng. Đây là số ca ghi nhận cao nhất trong vòng 24 giờ ở Nghệ An từ trước tới nay, và đứng thứ hai toàn quốc trong ngày 7/2, sau thành phố Hà Nội. Riêng sáng 8/2 (từ 18 giờ ngày 7 đến 6 giờ ngày 8/2), ghi nhận thêm 812 ca, trong đó 186 ca cộng đồng. Số ca bệnh tập trung tại các địa phương: thành phố Vinh, Yên Thành, Diễn Châu, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc…

Tại Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương không cách ly người dân về quê ăn Tết, ngành y tế tỉnh đã tiên lượng số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng sẽ tăng đột biến. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 2.160 ca nhiễm, trong đó có 826 ca cộng đồng. Căn cứ diễn biến phức tạp và số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng nhanh sau dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh quyết định tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6 (đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19) tại các xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch cấp 3 và cấp 4.

Sở dĩ số ca nhiễm mới ở Nghệ An có xu hướng tăng cao là do số lượng người dân từ các vùng dịch trở về quê trong dịp trước Tết gia tăng, mật độ giao lưu, mua sắm tăng cao. Một bộ phận người dân, cán bộ, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, sản xuất vẫn còn chủ quan, không tuân thủ 5K trong phòng, chống dịch.

Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, song công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân và tiêm chủng được hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm và đạt được kết quả khả quan. Đã có hơn 16 nghìn ca điều trị khỏi bệnh, ra viện, chiếm gần 90%. Tỉnh Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho người dân (từ 12 tuổi trở lên). Tỉnh Nghệ An đã tiêm đủ hai mũi cơ bản cho gần hai triệu người từ 18 tuổi trở lên. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 29/1, hai địa phương bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng “xuyên Tết” trên địa bàn. Các địa phương và ngành y tế đã phối hợp và tổ chức thường xuyên các điểm tiêm chủng trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, vẫn còn một số chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc, nhiều đối tượng không đến tiêm trong dịp Tết.

Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng

Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lãnh đạo ngành y tế ở Nghệ An, Hà Tĩnh cho rằng: Số ca mắc cộng đồng gia tăng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng cao, tần suất di chuyển, mức độ giao lưu của người dân trong dịp Tết lớn. Vì vậy, sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nguy cơ các ca nhiễm mới tăng nhanh, bùng phát dịch trên diện rộng tại nhiều địa phương…

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý yêu cầu các địa phương phải xốc lại tinh thần ngay lập tức; đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng để giám sát ở cơ sở. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch, trong đó, tập trung rà soát, đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể của tình trạng gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, đơn vị quản lý. Bám sát quan điểm, chủ trương mới của Chính phủ; Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế của tỉnh và diễn biến cụ thể của dịch bệnh, triển khai áp dụng các biện pháp phù hợp, ngăn chặn, kiểm soát, không để dịch lây lan trên diện rộng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác với dịch Covid-19, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, hạn chế tình trạng tập trung đông người, nhất là trong các hoạt động lễ hội đầu năm. Rà soát cơ sở thu dung, điều trị các tuyến, sẵn sàng đáp ứng tình trạng gia tăng đột biến các ca bệnh.

Cùng với đó, hai địa phương triển khai mô hình trạm y tế lưu động trên phạm vi toàn tỉnh để quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Chuẩn bị phương án, nguồn lực ứng phó với diễn biến của dịch theo các cấp độ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch trên địa bàn: nhất là việc cách ly F1, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú; biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực tập trung đông người. Tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm đúng tiến độ, bao phủ các mũi tiêm và an toàn tiêm chủng cho tất cả người dân trong độ tuổi theo quy định, kể cả người từ địa phương khác về (Nhân dân, trang 8).

 

Dịch ở TPHCM gia tăng sau Tết

Sau giai đoạn liên tiếp giảm sâu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 tại TPHCM đang có xu hướng tăng trở lại.

“Số ca mới mắc COVID-19 có thể sẽ gia tăng trong một vài tuần tới, chúng tôi sẽ nỗ lực để ngăn chặn dịch và hạn chế tối đa nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, tử vong”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết.

Kỳ nghỉ Tết vừa qua, TPHCM ghi nhận mức giảm kỷ lục về số ca mới mắc COVID-19 và số ca nhập viện, tử vong. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM, cột mốc giảm sâu nhất của dịch bệnh là ngày 5/2, toàn thành phố chỉ có 24 trường hợp mới mắc COVID-19 được ghi nhận; đây là mức thấp nhất kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay.

Hơn 1 tuần qua, trên địa bàn thành phố, số ca mắc mới liên tục duy trì ở mức 2 con số, ca tử vong giảm xuống còn 1 con số, có ngày thành phố chỉ còn 2 trường hợp qua đời vì COVID-19.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát đang tiềm ẩn trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, sau thời gian liên tiếp giảm sâu, ngày 7/2, số ca bệnh tăng lên 76; ngày 8/2, thành phố có 116 ca mắc mới.

“Dự báo sau Tết, dịch COVID-19 sẽ có xu hướng gia tăng trở lại, có thể số ca mắc sẽ nhích lên. Đây là chuyện bình thường khi việc giao lưu đi lại và số người đến thành phố đông hơn trước.

Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng, số ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị sẽ không tăng cao và ca tử vong vẫn sẽ được kiểm soát tốt. Ngành y tế đang theo dõi sát mọi diễn tiến của tình hình dịch bệnh và phối hợp với các địa phương kiểm soát số người mới đến để rà soát, chích ngừa cho tất cả những người chưa được tiêm vắc xin COVID-19 hoặc chưa tiêm đủ mũi”, ông Thượng nói.

Ngành y tế đang duy trì các đội cấp cứu, chăm sóc F0 tại nhà; duy trì hoạt động của các bệnh viện công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế có giường bệnh, Trung tâm Cấp cứu 115, các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, Sở Y tế đang chủ động các phương án tầm soát, ngăn chặn biến chủng Omicron, kịp thời cách ly, điều trị, khoanh vùng truy vết hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng (Tiền phong, trang 3).

 

Máy đo nồng độ ôxy đắt hàng

Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội những ngày sau Tết đều ở mức cao nhất cả nước, nhiều người đã chủ động trang bị máy đo nồng độ ôxy trong máu SpO2.

Những ngày sau Tết, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước với khoảng 2.900 ca mắc COVID-19/ngày. Vì vậy, nhiều người tìm mua máy theo dõi theo dõi nồng độ Sp02 để chủ động kiểm tra sức khỏe bản thân. Chị Phạm Huyền ở quận Thanh Xuân cho hay, sau Tết, người dân từ nhiều nơi lại quay trở Hà Nội để làm việc, trong khi số F0 tại cộng đồng vẫn tăng cao khiến chị lo mình bị lây nhiễm.

Chị quyết định mua cho gia đình một máy đo cầm tay SpO2 với giá 600.000 đồng. Còn anh Bảo Long ở Gia Lâm có bố mẹ đều mắc COVID-19 nên đã ra hiệu thuốc gần nhà mua máy đo nồng độ ôxy trong máu với giá hơn 400.000 đồng.

“Tôi muốn cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày ông bà để tiện theo dõi, gọi cơ quan y tế trong tình huống xấu”, anh Long cho hay.

Chủ cửa hàng thiết bị y tế P.H. cho biết, mấy ngày sau Tết, lượng người mua thiết bị này tăng cao nên đã mở cửa hàng từ mồng 6 Tết.

Trừ phần cung cấp cho các bệnh viện, mỗi ngày cửa hàng bán hàng chục máy cho khách lẻ.

“Sau Tết, nhiều gia đình có người mắc COVID-19, về ăn uống, tiếp xúc với nhau nhiều nên cả anh em họ hàng đều có người mắc. Có người đến mua 2 – 3 cái về để tặng nhau cho tiện theo dõi”, chủ cửa hàng này cho biết.

Cửa hàng này trưng 3 loại máy được nhiều người mua trong mấy ngày qua với các mức giá 280.000 đồng, 600.000 đồng (xuất xứ Trung Quốc) và hơn 1,4 triệu đồng (xuất xứ Đức).

Theo đó, loại máy có giá thấp nhất không được bảo hành (không cam kết chất lượng); hai loại máy còn lại được bảo hành, đổi trả trong vòng 1 năm nếu hỏng hóc.

Vừa giới thiệu, chủ cửa hàng vừa bóc sản phẩm, lắp pin, hướng dẫn khách hàng sử dụng một cách dễ dàng. Theo đó, người dùng chỉ cần kẹp ngón tay vào đúng vị trí và nhấn nút, các thông số sẽ hiển thị lên màn hình.

Ngoài thông số SpO2, thiết bị này còn đo cả nhịp tim của người sử dụng. Thiết bị sẽ cảnh báo nếu phát hiện nhịp tim dưới 50 nhịp/phút, cao hơn 130 nhịp/phút hoặc chỉ số SpO2 thấp hơn 94%.

Theo chủ cửa hàng thiết bị y tế P.H., các loại máy này số lượng có hạn, thậm chí có ngày cửa hàng không còn hàng để bán vì nhiều tỉnh thành cũng có nhu cầu nhập mua buôn.

Khảo sát trên mạng xã hội, nhiều người đăng bán hoặc rủ mua chung máy SpO2 trên các hội nhóm với giá chỉ từ khoảng 100.000 – 400.000 đồng. Có thông tin rao bán máy thu hút hàng trăm người tham gia bình luận, đặt mua. Các web bán hàng online cũng tràn ngập các quảng cáo rao bán máy đo nồng độ oxy trong máu với giá chỉ từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng/máy (Tiền phong, trang 15).

 

Nhiều nơi tăng cường kiểm soát phòng chống dịch

Ngày 8.2, BYT thông báo có 21.909 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố.

Trong các trường hợp mắc mới có 14.982 ca trong cộng đồng.

Theo thống kê, số mắc Covid-19 mới đã tăng trong 2 ngày gần đây, sau kỳ nghỉ tết. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 97 ca tử vong tại 29 tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 3 ca (1 ca từ An Giang chuyển đến); Hà Nội cao nhất với 19 ca. Bình Định và Đồng Nai mỗi nơi 8 ca, Thừa Thiên-Huế 7 ca… Trong ngày 8.2 có 4.397 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Có 2.263 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Tăng cường giám sát dịch tễ người trở lại TP.HCM sau tết

Ngày 8.2, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có công văn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động người dân từ các tỉnh trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sk; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm Covid-19 và xử trí theo quy định. Tăng cường rà soát và lập danh sách những người trở về từ các tỉnh hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, và vận động người dân đến cơ sở y tế để được tiêm chủng phòng Covid-19. Tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly.

Giám đốc Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) phát huy tính chủ động của đội đặc nhiệm trong việc giám sát, hỗ trợ quận, huyện và có cảnh báo sớm cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức khi phát hiện nguy cơ hoặc dấu hiệu cảnh báo bùng phát dịch bệnh trên địa bàn để chủ động có các giải pháp can thiệp, khống chế dịch bệnh ngay, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Phối hợp Sở TT-TT đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, đặc biệt lưu ý người dân từ các tỉnh khác quay trở lại TP.HCM sau thời gian nghỉ tết…

Vì sao Nghệ An tái lập kiểm soát việc tập trung đông người?

Ngày 8.2, Nghệ An ghi nhận 1.618 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 370 ca nhiễm cộng đồng. Đây là số ca nhiễm cao nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay tại Nghệ An, cao gấp nhiều lần so với trước Tết Nguyên đán. Số ca nhiễm tăng mạnh kể từ ngày 6.2 với gần 1.000 ca và ngày 7.2 là 1.425 ca. Trong đó, có khoảng 50% số ca nhiễm không có triệu chứng, được phát hiện thông qua việc xét nghiệm sàng lọc. Đến nay, Nghệ An có 47 bệnh nhân tử vong do dịch Covid-19, trong đó dịp tết vừa qua có 7 bệnh nhân tử vong.

Ông Trần Minh Tuệ, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết số ca nhiễm tại tỉnh này có xu hướng gia tăng do số lượng người dân trở về từ các vùng dịch gia tăng, mật độ giao lưu, mua sắm tết tăng cao. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch tại một số địa điểm như: các quán cà phê, các di tích, điểm du lịch, quán ăn, nhà hàng… trong dịp đầu xuân.

Sáng 8.2, tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP.Vinh (Nghệ An) yêu cầu tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan, vui xuân tập trung đông người sau tết. TP.Vinh sẽ lập đoàn kiểm tra xử lý đối với các cơ sở kd dịch vụ vi phạm phòng chống dịch.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 8.2, sau khi có lệnh tăng cường các biện pháp để phòng chống dịch, thì ở các điểm đền chùa, điểm vui chơi công cộng tại TP.Vinh và một số huyện phụ cận vẫn khá đông người đến đi lễ, vui chơi, nhưng nhiều nơi vẫn không thấy người hướng dẫn, kiểm soát phòng chống dịch.

Ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho rằng Nghệ An không hạn chế việc buôn bán, làm ăn của người dân, nhưng do tình hình dịch đang diễn biến phức tạp nên việc hạn chế tập trung đông người ở những sự kiện đám cưới, liên hoan, vui chơi là rất cần thiết, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch (Thanh niên, trang 5).

 

Bác sĩ 32 năm đi khiếu nại đã nhận 3,2 tỉ đồng, tiếp tục đòi 6,7 tỉ còn lại

Sau 32 năm đi khiếu nại, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi đã được Trường đại học Y – dược (Đại học Thái Nguyên) bồi thường 3,2 tỉ đồng và đang tiếp tục yêu cầu bồi thường 6,7 tỉ đồng còn lại. Ngày 8-2, ông Nguyễn Ngọc Lợi (69 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã nhận được 3,2 tỉ đồng tiền bồi thường từ Trường đại học Y – dược Thái Nguyên như cam kết trước đó.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, tổng số tiền mà ông yêu cầu Trường đại học Y – dược Thái Nguyên phải bồi thường là 9,7 tỉ đồng.

Dù vậy, qua nhiều lần thương lượng, nhà trường cho hay chỉ có thể đảm bảo chi trả 3,2 tỉ đồng. Số tiền 6,7 tỉ đồng còn lại phải báo cáo cơ quan thẩm quyền để thống nhất trình Chính phủ cho phép “ghi chỉ tiêu ngân sách”, từ đó nhà trường mới có nguồn chi trả cho ông Lợi.

Theo Trường đại học Y – dược Thái Nguyên, tại hội nghị cán bộ chủ chốt do trường tổ chức cuối năm 2021 vừa qua, cơ quan này chỉ thống nhất bồi thường tổng số tiền 3,2 tỉ đồng cho ông Lợi.

Việc ông Lợi tiếp tục yêu cầu, đề nghị bồi thường thêm cho mình theo các kênh khác, đó là quyền cá nhân của ông.

Về phần mình, ông Lợi cho hay, trong nhiều đợt trao đổi về việc bồi thường với các cơ quan khác nhau, ông đều yêu cầu Trường đại học Y – dược Thái Nguyên có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và đào tạo để cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà trường được “ghi chỉ tiêu ngân sách”, từ đó đủ cơ sở để bồi thường thêm số tiền 6,7 tỉ đồng.

Ông lợi khẳng định, nếu Trường đại học Y – dược Thái Nguyên không đồng ý báo cáo cơ quan thẩm quyền cho ghi chỉ tiêu ngân sách để bồi thường 6,7 tỉ đồng còn lại, ông sẽ khởi kiện ra tòa để đòi nốt số tiền này.

Ông Lợi nguyên là cán bộ đi B, sau được Ủy ban Thống nhất cử đi học tại Trường đại học Y Bắc Thái (nay là Trường đại học Y – dược, Đại học Thái Nguyên) từ năm 1977.

Dù có kết quả học tập không tồi nhưng do có mâu thuẫn với một số cán bộ nhà trường nên bảng điểm của ông đã bị sửa để đánh trượt tốt nghiệp, hồ sơ giấy tờ liên quan bị giữ lại trường.

Sau nhiều năm khiếu nại, Bộ Y tế đã thanh tra, các cơ quan trung ương xác nhận và Trường đại học Y Bắc Thái phải bảo lưu kết quả tốt nghiệp cho ông. Sau đó, ông được lựa chọn làm việc ở Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia hoặc Bệnh viện Bưu điện, nhưng ông bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu không có hồ sơ giấy tờ liên quan để bố trí công việc.

Nguyên do là Trường đại học Y Bắc Thái thông báo đã chuyển hồ sơ, điều ông về công tác tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú và bị thất lạc hồ sơ.

Ông Lợi đã nhiều lần gửi đơn đến Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Trường đại học Y Bắc Thái nhưng đều không được giải quyết.

Sau đó Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận việc để xảy ra khiếu nại và giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan.

Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của nhiều cơ quan đã gây ra hậu quả khiến ông Lợi không được phân công công tác theo quy định, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ người có công với cách mạng (Tuổi trẻ, trang 18).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/8/2019

CDC Hà Nam

Bộ Y tế nỗ lực triển khai Đề án 06 gắn với chuyển đổi số để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn

Ngọc Nga