Điểm báo ngày 29/3/2022

(CDC Hà Nam)
Cục Quản lý Dược thông báo một loại thuốc giả dùng trong bệnh xương khớp xuất hiện trên thị trường; Đầu tháng 4/2022, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi; Ca mắc Covid-19 giảm, chỉ còn 5 tỉnh thuộc “vùng cam”

Đầu tháng 4/2022, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng sáng ngày 27/3 cho biết: Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccie Pfizer và Moderna để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022

Trước đó, ngày 22/3/2022, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.

Trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.

Ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.

Cũng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh nguồn vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước,… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/3, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em do Australia viện trợ.

Tại báo cáo, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và Đại sứ quán Australia đã có buổi họp chiều ngày 22/3. Tại buổi làm việc này, phía Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.

Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.

Phía Australia sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vaccine để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.

Tại báo cáo, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế tiếp nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai tiêm từ đầu tháng 4/2022. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 4)

Ca mắc Covid-19 giảm, chỉ còn 5 tỉnh thuộc “vùng cam”
Số ca mắc COVID-19 cả nước đang giảm liên tục trong 10 ngày qua, cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế cho thấy cả nước còn 5 tỉnh thuộc ‘vùng cam’, 21 tỉnh, thành thuộc ‘vùng vàng’, số còn lại thuộc ‘vùng xanh’…

Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến 12h ngày 28/3 cho thấy, 5 tỉnh thuộc cấp độ dịch COVID-19 thứ 3- tương đương với ‘vùng cam’. 21 tỉnh, thành thuộc cấp độ dịch thứ 2- tương đương ‘vùng vàng’.

37 tỉnh, thành còn lại là cấp độ dịch 1- tương đương vùng xanh, trong đó có 2 đô thị lớn nhất cả nước là TP Hà Nội và TP HCM.

Về chi tiết cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, đến trưa ngày 28/3 cho thấy, cả nước hiện có có 4.482 xã, phường thuộc ‘vùng xanh’, chiếm 42,3% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.709 xã, phường thuộc ‘vùng vàng’, chiếm 25,5%; số xã, phường thuộc ‘vùng cam’ là 3.135 chiếm 29,6%; số xã, phường thuộc ‘vùng đỏ’ là 257 chiếm khoảng 2,4%.

Như vậy, so với đánh giá cấp độ dịch cách đây 10 ngày, số xã, phường thuộc ‘vùng xanh’ đã tăng 145 xã, phường; số đơn vị thuộc ‘vùng đỏ’ giảm 146 xã, phường; số đơn vị thuộc ‘vùng vàng’ và ‘vùng cam’ không có sự thay đổi nhiều.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng giảm nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây. Nếu như ngày 18/3, số ca mắc mới là 163.174 ca thì các ngày sau đó, số mắc mới giảm liên tục, đến ngày 27/3 còn 91.916 ca mới.

Số ca mắc mới trong ngày giảm, kéo theo số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua cũng giảm xuống còn 116.330 ca/ngày.

Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 218/QĐ-BYT; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn. Linh hoạt tăng cấp độ phòng, chống dịch (từ cấp độ 3 lên cấp độ 4) ở một số khu vực có diễn biến dịch phức tạp để nhanh chóng kiểm soát tình hình, ngăn chặn hiệu quả lây nhiễm. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Cục Quản lý Dược thông báo một loại thuốc giả dùng trong bệnh xương khớp xuất hiện trên thị trường
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa phát đi thông tin cảnh báo thuốc Actemra 400 mg/20 mL chưa cấp phép nhập khẩu, chưa cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng trên thị trường phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32

Cục Quản lý Dược vừa có văn bản gửi: Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông tin về việc thuốc giả Actemra 400 mg/20 mL xuất hiện trên thị trường.

Cục Quản lý Dược cho biết đã nhận được các văn thư số RA/01/03/2022 đề ngày 03/3/2022 và số RA/04/03/2022 đề ngày 10/3/2022 của Văn phòng đại diện Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd Thụy Sĩ tại TP Hà Nội thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra  400 mg/20 mL, số lô B2101B32.

Mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả do khách hàng cung cấp (được mua từ website: https://alomuathuoc.vn/san-pham/thuoc-actemra-400mg-20ml-gia/), đã được Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd so sánh, đối chiếu và xác nhận có các dấu hiệu khác biệt so với mẫu lô thuốc ActemraÒ 400 mg/20 mL, số lô B2101B32 do Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd phân phối và chỉ lưu hành tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd là chủ sở hữu các thuốc Actemra, trong đó có thuốc Actemra 200mg/ 10ml và Actemra 162mg/ 0,9ml đã đăng ký lưu hành tại Việt Nam (số giấy đăng ký lưu hành tương ứng SP-1189-20 và QLSP-1120- 18); thuốc Actemra 400 mg/20 mL chưa đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Để tránh việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các ngành tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc. Cục Quản lý Dược thông báo để các Sở Y tế biết và thực hiện. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

‘Cò bệnh viện’ lại tung hoành
Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần xử lý vi phạm nhưng cứ sau một thời gian im hơi lặng tiếng “cò bệnh viện” lại xuất hiện, và lần sau còn ngang nhiên, lộng hành hơn lần trước.

Với những ai đã từng đến thăm khám tại BV Phụ sản Trung ương có lẽ đều không lạ lẫm gì với vấn nạn này.

Tại các cổng viện này, luôn có một nhóm từ 5-10 người, hễ thấy ai đến thăm khám là họ chạy lại hỏi thăm mời mọc, tỉ tê ra các phòng khám tư nhân để khám bệnh.

Muôn kiểu “mồi chài” người bệnh

Trong vai một bệnh nhân đến khám tại BV Phụ sản Trung ương, vừa dừng xe tại cổng số 2 đường Triệu Quốc Đạt, tôi được một người phụ nữ ra hỏi: “Em đi khám bệnh hay thăm bệnh nhân”.

Khi biết tôi đến thăm khám, người này lập tức đon đả “em đến khám bệnh thì di chuyển sang cửa số 1, hôm nay bệnh viện tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai, không đón bệnh nhân tại cửa này, cửa này chỉ dành cho những người đến tiêm”. Sau đó chị ta hướng dẫn tôi đi sang cửa số 1 ở đường Tràng Thi.

Vừa di chuyển được vài bước chân, một nam thanh niên tự xưng là bảo vệ bệnh viện tiếp cận “Em đến khám bệnh à. Em khám mới hay đi khám lại?”, tôi trả lời đi khám mới, người này vồ vập: “Hôm nay bệnh viện tiêm vaccine, để đảm bảo phòng dịch sẽ không tổ chức thăm khám cho bệnh nhân mới, mà chỉ khám cho những bệnh nhân có lịch hẹn khám lại. Anh được bệnh viện phân công ra đây để phân luồng, hướng dẫn bệnh nhân, thông báo cho những bệnh nhân ở xa biết không vào viện khám mất công”.

Thanh niên này “nổ” 1 tràng, mỗi tuần bệnh viện triển khai tiêm vaccine vào ngày thứ 3 và thứ 6 do đó sẽ không tổ chức khám bệnh cho bệnh nhân vào 2 ngày này. BV đã thông báo trên trang thông tin cho mọi người biết.

Sau đó người này giới thiệu, nếu đến khám sản khoa thì lên cơ sở 2 của bệnh viện là BV Phụ sản Hà Nội ở Đê La Thành, còn cơ sở chính BV Phụ sản Trung ương chỉ khám phụ khoa. Rồi lại tiếp lời, “để đến mai thì lâu quá, em khám phụ khoa, anh giới thiệu cho vị bác sĩ này, chuyên môn giỏi lắm, mà ở gần đây, đến khám xong là về khỏi phải chờ đợi”.

Rồi cho tôi số điện thoại của một bác sĩ tên H., địa chỉ phòng khám tại đường Giải Phóng.

Theo lời nam thanh niên, vị bác sĩ này là Trưởng khoa (hỏi trưởng khoa nào, không cho biết) trong Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có thâm niên trong nghề lâu và rất giỏi.

Sau đó giục tôi gọi điện nhanh để đặt lịch khám, như để tăng thêm độ tin tưởng, thanh niên này nói mỗi ngày phòng khám này chỉ tiếp nhận 20 bệnh nhân, quá là các bác sĩ không nhận nữa, muốn khám cũng không được.

Khi tôi chần chừ, người này nói thêm “các anh làm trong bệnh viện, biết hàng trăm bác sĩ, ai chuyên môn giỏi mới giới thiệu cho người bệnh.

Bác sĩ H. là giỏi nhất, em đến phòng khám đó cũng có nhiều bác sĩ khác nữa, muốn thăm khám gì bác sĩ H. sẽ giới thiệu bác sĩ khác cho. Em gọi luôn cho BS H. đi, có gì anh nói giúp cho một hai câu, bác tạo điều kiện cho”, người thanh niên này liên tục thúc giục.

Khi chúng tôi có vẻ xuôi, người phụ nữ ban đầu áp đến, “chị dắt xe ra cho em đi khám luôn nhé. Đi nhanh lên, không đến giờ nghỉ trưa”.

Lúc đó hơn 10 giờ, tôi lưỡng lự “thôi để đến chiều, bây giờ đến khám không kịp, em vừa gọi bác sĩ còn nhiều bệnh nhân lắm”. Người phụ nữ này tiếp lời “không sao đến bác sĩ khám nhanh lắm, em đi luôn đi, đầu giờ chiều lấy kết quả về luôn”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn vào bệnh viện khám cho yên tâm, người phụ nữ này giọng có vẻ không vui “vào viện làm gì, phải làm nhiều thủ tục, trong đó lại toàn người trẻ không có kinh nghiệm, khám không chính xác.

Bác sĩ H. này chuyên môn tốt, một tuần các bác sĩ chỉ tranh thủ đến khám được 1 hoặc 2 hôm thôi còn phải làm việc trong viện. Đến đường Giải Phóng xa quá, thì ra phòng khám tại Thợ Nhuộm, nhưng bác sĩ T. (ở Thợ Nhuộm) về hưu lâu rồi, chuyên môn không tốt như bác sĩ H.”.

Chúng tôi lại muốn ra Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện, người phụ nữ rào trước “Khoa khám bệnh theo yêu cầu phải đặt lịch trước, em chưa đặt lịch sẽ không được khám”.

Khi cảm thấy khó thuyết phục, người này lập tức quay ngắt thái độ, giọng bực tức “Trong bệnh viện hàng nghìn bác sĩ biết ai mà khám, giới thiệu cho bác sĩ tốt thì không nghe”. Sau đó nhanh chóng di chuyển tiếp cận một đôi nam nữ vừa đến.

Để chứng thực lời “cò” nói có chính xác, chúng tôi di chuyển vào cổng số 2, tại đây có 2 nhân viên y tế của BV đang trực.

Chúng tôi được yêu cầu khai báo y tế rồi di chuyển vào trong để thăm khám. Nhân viên y tế cho biết, hôm nay BV vẫn khám bệnh bình thường, mọi người đến khám phải chú ý, đừng nghe lời bên ngoài. Di chuyển vào bên trong khu khám bệnh có rất đông bệnh nhân đang chờ đến lượt thăm khám.

Từ trong viện qua cổng số 1 ra đường Tràng Thi, chúng tôi lại được một bác xe ôm tiếp cận, tôi bày tỏ đi khám muộn chưa khám được, phải đợi đến chiều, người này lập tức cũng giới thiệu tôi ra 2 phòng khám tư ở trên, rồi nài nỉ lên xe chở đến tận nơi lấy giá rẻ.

Di chuyển về cổng số 2, ngồi nghỉ tại điểm chờ xe buýt chưa đầy 30 phút có thêm 2 người lái xe ôm cũng giới thiệu tôi đến phòng khám tại đường Giải Phóng.

Tôi thắc mắc sáng giờ rất nhiều người giới thiệu cho cháu ra phòng khám của vị BS này rồi nhưng cháu sợ bị lừa không đi, ông này lập tức quả quyết không sợ lừa đâu, còn đưa cả “card visit” của người này cho tôi xem.

“Vào bệnh viện làm gì, phải xét nghiệm COVID tốn kém, nếu phát hiện dương tính bị đuổi ra, không thì bị đi cách ly luôn, mà trong bệnh viện có nhiều người bị nhiễm bệnh lắm… vào đó rất sợ.

Ở phòng khám tư này BS lấy rẻ lắm, chi phí khám chỉ 200 nghìn, trong khi đó vào bệnh viện là 300 nghìn, nếu ra khoa khám bệnh theo yêu cầu mất 500 nghìn. Ra phòng khám tư vừa nhanh, vừa rẻ lại sạch sẽ, mà chi phí khám rẻ hơn, máy móc cũng hiện đại hơn, các xét nghiệm sẽ được bác sĩ đưa về viện thực hiện, chi phí xét nghiệm như trong viện…”

Ngồi nói chuyện một lúc bác này cho biết, ngoài đây không có ai là nhân viên bệnh viện hết, những người mặc áo xanh trông giữ xe này đều là “cò” hết, giới thiệu được khách đến phòng khám là được chia %. Các bác xe ôm thì tiện chuyến, chở lấy công thôi chứ không có tiền hoa hồng.

Người dân cần tỉnh táo hơn

Sau khi từ chối, một sinh viên thực tập trong viện đang ngồi đợi xe buýt nói với tôi, ở đây rất nhiều “cò bệnh viện”, cổng này ít chứ cổng khám theo yêu cầu rất nhiều. Chị đến khám phải cẩn thận, đừng tin lời họ cứ vào thẳng viện mà khám, ngoài này không có bất kỳ một nhân viên nào của viện hết.

Di chuyển ra khu vực khám bệnh theo yêu cầu cổng số 3, đường Hai Bà Trưng, lúc này đang giờ nghỉ trưa, tại đây có 2 người phụ nữ và 2 người đàn ông đang nghỉ ngơi. Khi thấy chúng tôi di chuyển ra, một người đàn ông hỏi lấy xe à, tôi bảo không cháu đi khám, thì người này bảo, chiều nay khoa khám bệnh theo yêu cầu không làm việc, sau đó cũng giới thiệu cho tôi ra phòng khám tư.

Một người phụ nữ trung niên đang ngồi trên xe máy vision đỏ dựng dưới lòng đường lập tức phi lên “em lên xe chị đưa đến đây khám cho nhanh, chỉ 10 nghìn tiền xe ôm thôi, rồi kéo tôi lên xe, vừa đi vừa bảo phòng khám này đều là các bác sĩ trong bệnh viện, giờ nghỉ trưa họ ra đây làm việc hết”.

Tôi từ chối, quan sát tại đây, một lúc sau có đôi vợ chồng trẻ tiến đến, ngay lập tức người phụ nữ này cũng mồi chài giống bài với tôi, sau đó đưa cặp đôi này di chuyển ra phòng khám tư.

Ngồi chờ khám tại đây, cô L. (Hưng Yên) cho biết, nãy giờ họ cũng lại mời cô, tuy nhiên cô đi khám lại nên biết chiêu trò của chúng rồi. Tiền xe bảo 10 nghìn nhưng đến nơi chúng “chém” 50 nghìn, trước đây cô từng khám và mổ tại đây nên biết, nhiều người ở quê ra lơ ngơ không biết là dễ bị chúng “dụ” lắm.

Di chuyển về cổng số 2 để lấy xe, tại đây tôi lại được một nhân viên bãi xe giới thiệu đến phòng khám tư của vị BS kia. Người này thông báo buổi chiều bệnh viện không khám bệnh chỉ trả kết quả, đến phòng khám tư cho nhanh, sau đó nhanh nhẹn lại dắt xe cho chúng tôi.

Theo lời của các “cò bệnh viện”, chúng tôi di chuyển đến phòng khám tư nhân có địa chỉ tại đường Giải Phóng (đối diện với BV Bạch Mai), tuy nhiên tại đây không đông khách như “cò” giới thiệu.

Khi chúng tôi đến chỉ có 1 bảo vệ và 4 nhân viên đang ngồi, các nhân viên không đeo bảng tên. Chúng tôi được một nhân viên hướng dẫn khai báo y tế sau đó yêu cầu nộp 200 nghìn tiền khám.

Khi tôi hỏi bác sĩ H. có phải ở BV Phụ sản Trung ương, nhân viên này khẳng định là đúng, tôi ngỏ ý muốn gặp bác sĩ trước nhưng người nhân viên này yêu cầu phải nộp tiền mới được gặp bác sĩ.

Theo quan sát của phóng viên, tại 3 cổng BV Phụ sản Trung ương luôn xuất hiện các đối tượng “cò bệnh viện”, họ là những người trông giữ xe, bán nước, xe ôm… Mỗi cổng viện đều có 4-5, thậm chí cả chục người. Tất cả đều có số của vị BS tên H. kia và thường có mối liên hệ với nhau, người câu dẫn, người vận chuyển. Nếu ai đồng ý đi khám tại phòng khám tư thì thái độ rất nhã nhặn, mềm mỏng. Tuy nhiên nếu vị khách nào quá khó họ sẽ tỏ thái độ khó chịu, gắt gỏng ngay.

Đánh vào tâm lý của những bệnh nhân đến khám từ các tỉnh xa, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, “cò bệnh viện” với các chiêu bài như bệnh viện tiêm vaccine không tổ chức khám, hay khi vào viện phải thực hiện xét nghiệm rồi các chi phí linh tinh tốn kém hơn, nếu bị dương tính phải cách ly… để câu dẫn, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin đến các phòng khám tư lấy %.

Mặc dù tại các cổng bệnh viện, loa thông báo phát cả ngày “để tránh lừa đảo, người dân cẩn thận với các đối tượng bên ngoài viện”, nhưng “cò bệnh viện” vẫn hoạt động rất lộng hành, do vậy nhiều người đến khám bệnh tại đây vẫn bị “dính bẫy” của các đối tượng này.

Tất cả những thông tin của “cò” đều không chính xác, bệnh viện vẫn làm việc, thăm khám bình thường và không yêu cầu làm xét nghiệm, chỉ thực hiện khai báo y tế đối với người đến khám. Do vậy, khi đến viện thăm khám người dân cần tỉnh táo, không nghe lời dụ dỗ của các đối tượng.

Không chỉ nạn cò mồi, mà dịch vụ gửi xe ở đây cũng rất lôm côm, tất cả các bãi gửi xe bên ngoài BV này mỗi xe máy phí trông xe là 10 nghìn đồng, đắt gấp đôi so với các nơi khác, khu gửi xe trên vỉa hè không có quây chắn, người đến khám cứ mạnh chỗ nào trống thì dựng xe, mọi thứ rất lộn nhộn, không theo quy chuẩn, quy cũ nào.

Tình trạng cò mồi lộng hành ngang nhiên như vậy, thiết nghĩ bệnh viện và các cơ quan chức năng chắc hẳn đã biết. Tuy nhiên không hiểu sao hoạt động này vẫn diễn ra rất rầm rộ. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để giải quyết dứt điểm vấn nạn này, bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh tiền mất tật mang. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7)

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại điểm tiêm cố định, lưu động và trường học.

Ngày 28/3, Bộ Y tế có công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi

Bộ Y tế cho biết ngày 5/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Để chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ ở lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine.

Loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.

Bộ Y tế cũng yêu cầu thực hiện khám sàng lọc trước tiêm và thực hiện hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng.

Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.

Đồng thời tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành để sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi

Bộ Y tế yêu cầu, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.

Các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lập kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc tiêm vaccine cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp cần thiết và tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách trong quá trình tổ chức triển khai tiêm chủng.

Trước đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã cho biết vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng từ tuần thứ 2 của tháng 4 ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất.

Cùng thời điểm đó, Bộ Y tế cũng thông tin, Australia viện trợ cho Việt Nam 13,7 triệu liều vaccine cho trẻ từ 5 -11 tuổi, vaccine sẽ về vào đầu tháng 4/2021. (Công an nhân dân, trang 1)

F0 điều trị tại nhà (bài 1): Hoang mang giữa muôn trùng đơn thuốc

Thời gian vừa qua, các ca F0 cộng đồng tăng cao, nhiều F0 thể nhẹ và trung bình được điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, qua một thời gian cho thấy, hiện nay rất nhiều F0 tỏ ra hoang mang bởi không biết nên sử dụng đơn thuốc điều trị như nào cho phù hợp.

Tá hoả với đơn thuốc F0 5-6 triệu đồng

Anh Tiến, 30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM) phát hiện mắc Covid-19 đầu tháng 3, sau đó lây cho cha mẹ trong nhà. Tuy chỉ bị sốt nhẹ và đã chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt nhưng anh vẫn nhờ người thân đến tiệm thuốc tây để được dược sĩ tư vấn và bán thuốc mới cho chuẩn, đúng liều.

Nhận đơn thuốc, anh tá hoả khi được liệt kê đến 7-8 loại thuốc, giá đến hơn 5,5 triệu đồng. “Khi nhận được gói thuốc tôi vô cùng hoang mang. Bởi tôi chỉ bị sốt nhưng bịch thuốc có tới 7-8 loại, kể cả kháng sinh, kháng viêm, kháng virus, thuốc trị ho…”, anh Tiến chia sẻ.

Đơn thuốc cho cha mẹ anh còn “khủng hơn” với giá 6,9 triệu đồng/đơn. Tổng cả 3 đơn thuốc cho F0 nhà anh lên đến gần 20 triệu đồng.

Tương tự tình huống của anh Tiến, chị Thùy Tiên ( TP.Thủ Đức, TP.HCM) cảm thấy rát cổ nên đến nhà thuốc để mua test xét nghiệm. Test nhanh có kết quả dương tính Covid-19, vì không có triệu chứng nên chị chỉ muốn mua vitamin để bổ sung thì được dược sĩ tại nhà thuốc tư vấn phải uống thuốc kháng sinh, kháng viêm.

“Theo tư vấn của nhà thuốc nếu tôi không uống thì 2-3 hôm nữa virus nhân lên nhiều tôi sẽ bị hậu Covid-19 và nhiều triệu chứng khó chịu”, chị Tiên kể lại. Lo sợ hậu Covid-19, chị Tiên đã mua thêm thuốc uống trong 3 ngày cùng vitamin cho yên tâm.

Từ ngày nhiễm bệnh, chị Tiên bắt đầu tham gia các hội nhóm tư vấn cho F0. Dưới mỗi bài đăng nhờ tư vấn, hàng trăm bình luận về mẹo chữa bệnh cùng các đơn thuốc các loại. Thấy có người khuyên nên xịt họng để diệt virus, ngăn chặn virus xuống phổi, chị lại xuống nhà thuốc để tìm mua với giá gần 600.000 một lọ. Đơn thuốc nào được mọi người chia sẻ nhiều chị lại chụp màn hình để tham khảo.

“Mặc dù không có triệu chứng nhưng tôi sợ hậu Covid-19 nên ai tư vấn thuốc gì tôi cũng tham khảo, tìm hiểu. Tuy nhiên do nhiều quá nên tôi không biết đơn thuốc nào là chuẩn hay điều trị sao cho đúng”, chị Tiên kể.

Chị Ái Vy (quận Tân Bình) chia sẻ, sau khi chị phát hiện bản thân mắc Covid-19, chị đã nhờ bạn đến nhà thuốc mua thuốc. Đáng nói, dù không có chỉ định của bác sĩ, nhà thuốc vẫn bán cho bạn chị thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19.

“Tôi nhờ anh trai đi mua thuốc sau khi tôi phát hiện mắc Covid-19. Tôi cũng không yêu cầu mua thuốc gì vì thật sự bản thân không rõ về các loại thuốc điều trị, tuy nhiên, khi mua về tôi thấy có thuốc Molnupiravir với đơn giá 500 nghìn đồng/40 viên, tổng hóa đơn của tôi gần 800 nghìn đồng”, chị Vy nói.

Trong khi đó, anh Hoàng Sang (quận Bình Tân) chia sẻ, sau khi mắc Covid-19, anh nhờ đồng nghiệp mua thuốc, tuy nhiên, số thuốc anh nhận được chỉ là các loại thuốc cơ bản như thuốc hạ sốt, nước rửa mũi.

Nguy hiểm khôn lường từ “đơn thuốc mạng”

Khi tìm trên mạng xã hội Facebook từ khóa “đơn thuốc điều trị F0”, ngay lập tức trang mạng xã hội này hiện ra hàng chục tin bài với nhiều đơn thuốc khác nhau với một danh sách dài các loại thuốc. Các đơn thuốc này phần lớn được những người từng là F0 chia sẻ lại.

Bác sĩ Hồ Thanh Lịch, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết hiện số F0 tăng cao, nhiều người đã tự ý mua và dự trữ các loại thuốc, thực phẩm chức năng khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng chức năng gan, thận và gây kháng thuốc.

“Tất cả các kháng sinh như amoxicillin hay acid clavulanic, azithromycin… đều không có tác dụng trên virus SARS-CoV-2. Kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn chứ hoàn toàn vô tác dụng với virus”, bác sĩ Lịch cho hay.

Trước đây, một số ý kiến cho rằng azithromycin có thể có lợi vì có thêm tính kháng viêm, tuy nhiên thử nghiệm Recovery (nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên) chỉ ra thuốc này không mang lại lợi ích gì với người bệnh Covid-19, đặc biệt trong tình trạng nặng.

Việc sử dụng kháng sinh không gây tử vong hay ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lúc đó. Tuy nhiên, các loại kháng sinh sử dụng không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Đặc biệt, một số loại kháng sinh gây ảnh hưởng đến sự phát triển gân, cơ, xương của trẻ dưới 12 tuổi.

Ngoài ra, theo bác sĩ Lịch, hiện trên mạng xã hội nhiều đơn thuốc sử dụng thuốc kháng viêm sớm cho người bệnh cũng rất nguy hiểm, sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn. Thuốc kháng viêm corticoid là nhóm thuốc thông dụng, rẻ tiền và có hiệu quả tốt để điều trị các rối loạn phản ứng viêm do Covid-19. Tuy nhiên, corticoid không được dùng để dự phòng vì có nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dùng sớm còn làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. (Nông thôn ngày nay, trang 2).

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/1/2020

CDC Hà Nam