Thực phẩm quen thuộc giúp phòng và trị cúm hiệu quả

(CDC Hà Nam)

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm lây lan phát triển. Nâng cao sức đề kháng bằng những thực phẩm đơn giản, sẵn có trong tự nhiên là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

  1. Nguyên tắc ăn uống giúp tăng cường hệ miễn dịch

1.1 Thực phẩm tăng khả năng miễn dịch

Hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Có một số loại thực phẩm tác động đáng kể đến khả năng của hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh cúm.

Không những thế, sử dụng thực phẩm tự nhiên tốt hơn sử dụng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Ăn cam tốt cho sức khỏe hơn là chỉ uống bổ sung vitamin C vì cam cung cấp các chất dinh dưỡng như magiê, kali, folate, vitamin B6 và flavonoid giàu chất chống ôxy hóa.

Mặc dù vitamin C cần thiết cho  hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, nhưng các nghiên cứu không chỉ ra rằng việc uống một lượng lớn vitamin C giúp ngăn ngừa cảm lạnh và cúm. Trong khi đó, ăn trái cây và rau quả giàu vitamin C sẽ giúp giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh…

1.2 Ăn nhiều trái cây và rau củ hơn phòng bệnh cúm

Ăn nhiều trái cây và rau củ có thể giúp giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn. Thường mọi người có xu hướng ăn ít trái cây và rau hơn vào mùa đông, điều này là hoàn toàn sai lầm. Mỗi người cần ít nhất năm phần trái cây và rau mỗi ngày để có đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống ôxy hóa, là tất cả những thứ cơ thể cần cho một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Nên chọn trái cây và rau củ theo mùa vì vừa kinh tế vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Để tăng lượng trái cây trong ngày, có thể thêm quả mọng hoặc chuối cắt lát vào chén ngũ cốc nguyên hạt dành cho bữa sáng. Hay bắt đầu bữa tối với món salad hoặc súp rau, hoặc phục vụ món salad lớn như một bữa ăn lành mạnh.

1.3 Tăng cường protein lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt

Thời tiết giao mùa, mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ ăn uống cân bằng với thịt nạc, cá, thịt gia cầm, sữa ít béo, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch và hạt. Các nguồn protein như thịt nạc, sữa, trứng và các loại đậu đặc biệt quan trọng vì chúng cung cấp các axit amin mà cơ thể cần để xây dựng các thành phần của hệ thống miễn dịch.

  1. Một số thực phẩm quen thuộc giúp phòng ngừa bệnh cúm

2.1 Tỏi, thực phẩm vàng phòng và trị bệnh cúm

Tỏi được sử dụng làm gia vị trong nhiều món ăn hàng ngày. Hợp chất allicin trong tỏi đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Để tối đa hóa lượng allicin hấp thụ cho cơ thể, tỏi tươi nên được băm nhỏ hoặc nghiền nát. Có thể sử dụng tỏi khi chế biến thực phẩm, ngâm tỏi với giấm hay mật ong, hoặc ăn sống giúp phòng bệnh cúm mùa.

Mặc dù không có liều lượng hiệu quả được xác định của tỏi, nhưng một số nghiên cứu về tỏi sống cho thấy, nên sử dụng 100mg tỏi sống nghiền nhỏ cho mỗi kg trọng lượng cơ thể hai lần mỗi ngày. Con số này tương đương với khoảng ba đến bốn tép mỗi ngày. Việc sử dụng quá nhiều tỏi cũng không tốt, vì vậy không nên dùng vượt quá liều lượng khuyến nghị.

2.2 Gừng

Cũng giống như tỏi, gừng vị cay tính ấm được sử dụng nhiều làm gia vị trong chế biến thực phẩm, pha trà…

Trà gừng nóng là phương pháp chữa trị tại nhà hiệu quả cho các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, cúm và đau họng. Có thể thêm một chút mật ong và chanh khi dùng.

Mặc dù lượng gừng bình thường trong thực phẩm hiếm khi gây ra tác dụng phụ, nhưng nếu dùng quá nhiều có thể gây ra chứng ợ nóng và khó tiêu. Những người bị sỏi mật, rối loạn chảy máu và những người đang một số loại thuốc như aspirin và warfarin nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng gừng. Nên tránh dùng gừng hai tuần trước hoặc sau khi phẫu thuật.

2.3 Mật ong

Mật ong cũng được xem là một trong những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng và phòng cảm cúm hiệu quả. Với những thành phần hữu ích và đặc tính sát khuẩn cao, mật ong sẽ giúp làm dịu cổ họng và trị cảm cúm một cách tự nhiên.

Một cốc nước ấm với chút gừng đập dập, thêm một chút mật ong, hoặc một trách trà gừng mật ong, trà mật ong chanh sả… là những đồ uống đơn giản, dễ làm và có tác dụng phòng và điều trị bệnh cúm, nâng cao sức đề kháng cơ thể lúc giao mùa.

Lưu ý, không nên cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi sử dụng mật ong vì nguy cơ ngộ độc. Thường xuyên sử dụng mật ong vào ban đêm cũng có thể thúc đẩy sâu răng.

2.4 Súp gà

Với các thành phần như thịt gà, cà rốt, hành tây… súp gà là món ăn tốt cho người bị cảm lạnh và cảm cúm. Đây là món ăn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm cả vitamin và khoáng chất, giúp cải thiện các triệu chứng của đường hô hấp trên, tránh mất nước và mang lại sức mạnh cho cơ thể.

Thịt gà xé nhỏ cung cấp cho cơ thể chất sắt và protein, đồng thời với các chất dinh dưỡng từ cà rốt, rau thơm… Bạn có thể ăn súp gà trong suốt thời gian bị cúm để giúp giữ cho cơ thể đủ nước và no, nhanh hồi phục.

2.5 Trái cây chứa vitamin C

Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này đặc biệt cần thiết và quan trọng khi bị ốm, đặc biệt là khi bị cảm cúm. Mặc dù những thực phẩm bổ sung có thể giúp ích, nhưng cơ thể có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng như vitamin C hiệu quả hơn từ thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày.

Một số loại trái cây chứa nhiều vitamin C bao gồm dâu tây, cà chua và trái cây họ cam quýt…

2.6 Rau xanh

Rau bina, cải xoăn và các loại rau lá xanh khác cũng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch khi bạn bị cúm. Đây là những thực phẩm cung cấp nguồn vitamin C và vitamin E dồi dào giúp tăng cường miễn dịch. Có thể ăn sống, làm salad hoặc chế biến tùy theo khẩu vị.

Có thể cân nhắc ăn thêm các loại rau gia vị như lá tía tô, mùi, thì là, bạc hà, kinh giới, húng quế… vì không chỉ làm cho các món ăn thêm hấp dẫn, mà còn góp phần không nhỏ trong việc phòng và chữa bệnh cúm. Bởi có tác dụng kháng khuẩn, kháng độc, kháng viêm, kích thích, hỗ trợ tiêu hóa giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi, tăng cường hệ miễn dịch.

2.7 Uống đủ nước

Khi bị cúm, cơ thể dễ bị mất nước do bạn không chỉ ăn uống ít hơn, giảm lượng nước tổng thể mà còn mất nước theo mồ hôi khi bị sốt. Uống đủ nước sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày nên uống khoảng 2,5-3 lít khi đang bị bệnh cảm cúm.

Ngoài ra, có thể bổ sung đồ uống có chứa chất điện giải như oresol hoặc uống cam, nước dừa giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.

  1. Tránh ăn gì khi bị cúm?

Biết những gì để tránh ăn khi bị cúm có lẽ cũng quan trọng như những gì bạn nên ăn. Khi bạn bị cảm cúm, hãy tránh những món sau:

Rượu: Uống rượu làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây ra tình trạng mất nước.

Đồ uống có cồn: Những món như cà phê, trà đen và soda có thể khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Hơn nữa, nhiều đồ uống trong số này có thể chứa đường.

Thức ăn cứng: Bánh quy giòn, khoai tây chiên và thực phẩm cứng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ho và đau họng.

Thực phẩm chế biến sẵn: Ăn những thức ăn này dù mang lại cảm giác no nhưng cơ thể lại chỉ được cung cấp rất ít dinh dưỡng. Với bệnh cúm, cơ thể bạn đang cố gắng tự chữa lành, vì vậy điều quan trọng là phải hỗ trợ quá trình này bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng, toàn phần.

Để chủ động phòng bệnh cúm, ngoài chế độ ăn hợp lý, khoa học thì cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Tập thể dục đều đặn, ngay cả trong những khi bận rộn bằng những bài tập đơn giản như đi bộ, nhảy dây.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng cúm hiệu quả. Đặc biệt là đối với người cao tuổi và những người có bệnh lý về đường hô hấp.

Rửa tay trước và sau khi chuẩn bị bữa ăn, sau khi đi vệ sinh…

Đinh Thị Hạnh

 

Bài viết liên quan

Cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Ngọc Nga

Hà Nam: Có thêm 109 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2

Ngọc Nga

4 thực phẩm nên ăn sau khi uống kháng sinh

CDC Hà Nam