Điểm báo ngày 04/4/2022

(CDC Hà Nam)
Số mắc COVID-19 tăng nhiều ở nhóm chưa tiêm vắc xin; Đừng lạm dụng chụp X-quang phổi hậu Covid-19; Ngày 3-4: Hà Nội ghi nhận hơn 6.300 ca Covid-19, còn 0,59% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện; 100% các bệnh viện tuyến T.Ư có đơn vị công tác xã hội hỗ trợ người bệnh; Việt Nam chưa ghi nhận biến thể XE; Số ca mắc COVID-19 trên cả nước giảm mạnh
Số mắc COVID-19 tăng nhiều ở nhóm chưa tiêm vắc xin

Theo Bộ Y tế, trung bình số ca mắc COVID-19 ghi nhận tuần qua là hơn 81.000 ca/ngày. Tháng 3, số người mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin – hơn 1,2 triệu ca, tăng khoảng 950.000 ca so với tháng 2.

Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố khác có số ca mắc COVID-19 từ 1.000 tới hơn 7.000 ca/ngày, trong đó Hà Nội vẫn nhiều nhất với trung bình 7.423 ca. Cách đây 1-2 tuần, khoảng 40-45 tỉnh, thành phố ghi nhận số người mắc từ 1.000 ca/ngày trở lên. Bộ Y tế nhận định, dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước; tuần qua, số mắc mới có xu hướng giảm tại hầu hết các địa phương (tổng số khoảng 80.000-100.000 ca/ngày, tương đương tuần cuối tháng 2 – thời điểm trước khi số ca mắc bắt đầu tăng cao nhất).

Các chuyên gia y tế nhận định, người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3; triển khai các biện pháp ưu tiên quản lí, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách li, chăm sóc, điều trị quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; thực hiện nghiêm thông điệp “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Đến ngày 3/4, chỉ còn 37 ca tử vong, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 42 ca/ngày. Thống kê cho thấy, so với tháng trước, số người tử vong giảm mạnh, trung bình chỉ còn trên dưới 50 ca/ngày so với gần 100 ca/ngày của tháng trước. Theo Bộ Y tế, do tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đối tượng nguy cơ cao đã được chăm sóc tốt, nên tỉ lệ tử vong/mắc COVID-19 trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Nghiên cứu tiêm mũi 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi

Cả nước đã tiêm hơn 206,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, tỉ lệ sử dụng đạt 100,6% số vắc xin đã phân bổ (135 đợt). Tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên với mũi 1 là 100%, mũi 2 là 99,7%, mũi 3 khoảng 50%. Đối với người từ 12 – 17 tuổi, tỷ lệ mũi 1 là 99,8% và mũi 2 là 95%. Bộ Y tế cho biết tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm chủng cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin. Đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi tăng cường 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Về tiêm mũi 3, Bộ Y tế cho hay, đến ngày 31/3, đã tiêm mũi 3 cho khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lí do như: số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng; một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giao Sở Y tế phối hợp Sở GD&ĐT rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 tới dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này mà không đi học, phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách. Cùng với đó, phối hợp tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ kí phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu. Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời, đầy đủ (Tiền phong, trang 15).

 

Đừng lạm dụng chụp X-quang phổi hậu Covid-19

Nhiều người sau khi khỏi Covid-19 đã bị ám ảnh bởi tâm lý hậu Covid-19. Thậm chí, có người dù không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cũng đi khám hậu Covid-19 và xin chụp X-quang, vì sợ phổi bị tổn thương. Thế nhưng, theo các bác sĩ, sau khi khỏi Covid-19 không phải ai cũng bị di chứng ở phổi. Do đó, người dân không nên lạm dụng chụp X-quang phổi hậu Covid-19.

Không ho, không khó thở vẫn… “xin chụp X-quang”

Sau khi khỏi Covid-19 được khoảng 2 tuần, chị L.T.H (44 tuổi, ở quận Hoàng Mai) vẫn cảm thấy mệt và hụt hơi. Lo sợ bị di chứng hậu Covid-19, chị H. đã đi khám, làm xét nghiệm máu và xin được chụp X-quang phổi… Chị H. chia sẻ: “Kết quả thăm khám, sức khỏe của tôi ổn định. Bác sĩ cũng lý giải, sau khi mắc Covid-19, cơ thể cần thời gian để phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, vì tôi lo lắng thái quá nên sức khỏe bị ảnh hưởng”.

Không chỉ chị H., nhiều bệnh nhân đi khám hậu Covid-19 cũng có nhu cầu chụp X-quang. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, gần đây, số bệnh nhân đi khám hậu Covid-19 rất nhiều, ở mọi lứa tuổi. Khi đến khám, mối quan tâm hàng đầu của họ là muốn xem có bị tổn thương phổi hay không. Không ít bệnh nhân, trong đó có cả những người trẻ tuổi đã đề nghị bác sĩ cho chụp X-quang tim phổi và chụp CT cắt lớp để phát hiện bệnh.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, cũng như các vi rút cúm khác, vi rút SARS-CoV-2 thường tấn công vào đường hô hấp, gây đau họng, ho khan hoặc ho có đờm… Các triệu chứng này thông thường sẽ hết theo thời gian. Với người mắc Covid-19, thời gian này có thể kéo dài từ 1 đến 2 tháng; cá biệt có trường hợp kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Với các trường hợp đã khỏi bệnh, nhưng không ho, không khó thở, không cần chụp X-quang.

Tương tự, thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận nhiều F0 khỏi bệnh đến khám. Thậm chí, có người dù sức khỏe ổn định vẫn đi khám hậu Covid-19. Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, có những trường hợp đi khám vì mệt mỏi, hụt hơi, đánh trống ngực. Kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm, chụp X-quang, điện tâm đồ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có xơ phổi, viêm phổi kẽ do Covid-19, rối loạn nhịp tim…

“Thế nhưng, không phải F0 nào khỏi bệnh đến khám hậu Covid-19 cũng phải xét nghiệm, chụp chiếu, chúng tôi căn cứ vào triệu chứng lâm sàng hiện tại, tuổi tác, bệnh lý nền và tiến trình điều trị dương tính trước đó của họ. Đơn cử, nhiều trẻ em khám hậu Covid-19, nhưng không cần chụp chiếu, lấy máu xét nghiệm. Bởi, đa phần trẻ nhỏ chỉ mắc Covid-19 ở mức độ rất nhẹ, thời gian nhiễm bệnh ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho”, bác sĩ Đinh Thế Tiến giải thích thêm.

Một số nghiên cứu cho thấy, ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến, gặp từ 42% đến 66% trong vòng 3 tháng sau nhiễm Covid-19. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đối với những F0 cần hỗ trợ hô hấp (thở ôxy, thở máy…) thường có nguy cơ cao có những triệu chứng của hậu Covid-19 về đường hô hấp, rối loạn nhịp tim… Riêng với tình trạng ho hậu Covid-19 thường kéo dài nhưng người bệnh nên theo dõi thêm ở nhà, dùng các loại thuốc ho từ thảo dược, bổ phế… chứ không nhất thiết phải đi khám ngay.

Khi nào cần chụp X-quang phổi?

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho rằng, nếu bệnh nhân ho kéo dài từ một tháng trở lên và đã dùng các biện pháp điều trị, nhưng không đỡ hoặc xuất hiện tình trạng khó thở, mệt mỏi khi đi lại, sinh hoạt thì cần đi khám. Dựa vào tính năng hô hấp, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang tim, phổi khi cần thiết. Ngoài ra, mọi người cũng có thể tự kiểm tra về tình trạng hô hấp của mình bằng một bài tập đơn giản. Đó là sử dụng đồng hồ bấm giờ và đi bộ trong vòng 6 phút người thực hiện cần đi liên tục. Nếu trong 6 phút phải nghỉ giữa chừng vì quá mệt hay không đi bộ được quá 500m thì mới phải đi khám.

Để khắc phục biến chứng hậu Covid-19, theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Chí Tuấn, Trung tâm Nội hô hấp (Bệnh viện Quân y 103), người bệnh nên tập thở, đi bộ nhẹ nhàng, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Người bệnh cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein, như: Cá, thịt nạc, trái cây tươi, các loại rau có màu xanh đậm, trứng, sữa… để giúp cơ thể phục hồi.

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) và các cộng sự cũng thường hướng dẫn những F0 khỏi bệnh các bài tập thở hiệu quả nhằm khắc phục vấn đề về hô hấp. Đầu tiên là bài mím môi và cơ hoành, giúp hồi phục chức năng hô hấp tốt, ổn định tâm lý. Kỹ thuật của bài tập này tương đồng kỹ thuật trong tập yoga và khí công, đó là hít vào phình bụng lên, thở ra chúm môi, hóp bụng lại. Bài tập thứ hai là tập thở chủ động theo chu kỳ 4 bước, giúp khai thông đường thở. Ngoài các bước hít thở bình thường, hít thở sâu sử dụng cơ hoành, bệnh nhân cần kết hợp chúm môi thở ra hết sức 2-3 lần. Bước cuối cùng là kết hợp ho chủ động, khạc đờm… tống bớt dịch cản trở trong đường hô hấp (Hà Nội mới, trang 5).

 

Ngày 3-4: Hà Nội ghi nhận hơn 6.300 ca Covid-19, còn 0,59% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 2-4 đến 18h ngày 3-4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6.304 ca Covid-19 (giảm 1.119  ca so với ngày hôm qua), trong đó có 1.826 ca cộng đồng và 4.478 ca đã cách ly.

Cụ thể, 6.304 bệnh nhân Covid-19 mới phân bố tại 375 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (521); Gia Lâm (492); Ba Đình (481); Sóc Sơn (441); Hoàng Mai (324).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (tính từ ngày 29-4-2021) đến nay là 1.496.781 ca.

Cũng theo báo cáo từ Sở Y tế, tính đến ngày 2-4, Hà Nội có gần 183.400 ca nhiễm Covid-19 theo dõi, điều trị tại nhà (giảm gần 5.000 ca so với ngày trước đó); 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,59% tổng ca đang theo dõi, điều trị).

Hôm qua (2-4), Hà Nội báo cáo có thêm 2 ca Covid-19 tử vong. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 (tính từ 27-4-2021 đến nay) là 1.326 người.

Về công tác tiêm vắc xin Covid-19, đến nay có khoảng 90% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 3 nhắc lại (Hà Nội mới, trang 7).

 

100% các bệnh viện tuyến T.Ư có đơn vị công tác xã hội hỗ trợ người bệnh

Hội nghị triển khai Quyết định 112/QĐ-TTg của Thủ tướng về chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 vừa được Bệnh viện (BV) Bạch Mai tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định từ năm 2011 Bộ Y tế đã phê duyệt đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011 – 2020”; y tế là một trong những ngành đi đầu về phát triển hoạt động công tác xã hội. Hiện 100% các BV tuyến T.Ư; trên 90% BV tuyến tỉnh, hơn 80% BV tuyến huyện có phòng hoặc tổ công tác xã hội. Ngành y tế đã xây dựng kế hoạch đến năm 2030, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc thành lập phòng/tổ công tác xã hội; đối với các cơ sở y tế dự phòng: đạt 30% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030 số Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố và Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện chức năng y tế dự phòng triển khai hoạt động công tác xã hội. Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ công tác xã hội trong ngành y tế.

Tại BV Bạch Mai, Phòng công tác xã hội có vai trò quan trọng hỗ trợ bệnh nhân và người nhà về thủ tục khám chữa bệnh; kêu gọi tài trợ hỗ trợ các bệnh nhân nghèo với tổng giá trị hàng chục tỉ đồng các năm qua; duy trì tư vấn, hỗ trợ hotline; tổ chức các hoạt động truyền thông cung cấp kiến thức dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng và người bệnh đến khám, điều trị tại BV (Thanh niên, trang 15).
Việt Nam chưa ghi nhận biến thể XE
Châu Âu phát hiện một số dòng biến thể COVID-19 tái tổ hợp gồm XD, XE, XF. Trong đó, biến thể XE có dấu hiệu lây truyền cao hơn 10% so với BA.2 Omicron.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế vẫn đang giao một số cơ quan chuyên môn như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Viện Pasteur TP.HCM lấy mẫu giải trình tự gene ngẫu nhiên để xem tiến trình phát triển của virus cũng như nguy cơ của dịch.

Các báo cáo hằng tuần cho thấy đến nay chưa ghi nhận biến thể XE tại Việt Nam mà chủng BA.2 đang chiếm ưu thế.

BA.2 cũng như BA.1, XD, XE, XF… đều là các biến thể phụ của chủng biến thể Omicron. So với chủng Omicron gốc, các biến thể này đều có thay đổi ít nhiều về khả năng lây truyền. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia là chưa đáng lo ngại.

BA.2 vẫn đang chiếm ưu thế tại Việt Nam

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, qua giải trình tự gene ngẫu nhiên bệnh nhân từ 25 tỉnh thành phía Bắc đến điều trị tại bệnh viện đã phát hiện các chủng virus gây COVID-19 biến đổi liên tục trong thời gian qua.

Cụ thể, tháng 12-2021 chủng Delta AY56 vẫn chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Đến tháng 1-2022 bắt đầu xuất hiện Omicron, đầu tiên là biến thể phụ BA.1 rồi sau đó là BA.2 của Omicron; khi đó, tỉ lệ Omicron là 10%, 90% là Delta.

Đến tháng 2-2022, Omicron tăng dần số mắc mới làm Delta và Omicron (BA.1, BA.2) phân bố khá đồng đều, mỗi biến thể ghi nhận trên dưới 50% số ca mắc. Sang tháng 3-2022, giải trình tự gene gần 200 mẫu cho thấy 95% ca mắc được giải trình tự gene là BA.2 của Omicron, chủng BA.2 hiện chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.

Trong khi đó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đơn vị cũng tiến hành giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm, cho biết chưa ghi nhận ca mắc biến thể XE, XD, XF… tại Việt Nam, mà chủ yếu ca mắc vẫn nhiễm chủng Omicron. Tuy nhiên, số lượng biến thể xuất hiện ngày càng nhiều, từ BA.1 và BA.2 nay còn ghi nhận cả biến thể “phụ của phụ” là BA.2.1, BA.2.2, BA.2.3…

Mỗi biến thể có một số khác biệt về sắp xếp bộ gene và chủ yếu thay đổi về tốc độ lây nhiễm. Trong đó càng về sau thì biến thể mới có dấu hiệu biến chuyển theo hướng biểu hiện lâm sàng của người bệnh nhẹ đi nhưng tần suất lây nhiễm lại tăng lên.

Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với Delta (khả năng lây lan nhanh hơn gấp đôi so với Delta; ở người chưa tiêm chủng, tỉ lệ này còn cao hơn). Trong khi đó XE lại lây truyền nhanh hơn Omicron gốc! Tuy nhiên, mức độ gia tăng lây lan khi so sánh Omicron và XE ghi nhận được mới khoảng 9,8%.

Chớ quá lo ngại

Theo báo SCMP, Cơ quan An ninh y tế của Anh (HSA) đang theo dõi 3 dòng tái tổ hợp: XD, XE và XF. Trong đó, XD là sự kết hợp giữa Delta và BA.1 – một dòng phụ của biến thể Omicron và được tìm thấy hầu hết ở Pháp, Đan Mạch và Bỉ. XF là sự tái tổ hợp giữa Delta và BA.1 và cũng chỉ phát hiện ở Anh. Cả 2 biến thể này có số ca bệnh rất thấp.

Tuy nhiên biến thể XE lại gây ồn ào nhất vì sự lây truyền nhanh. XE là sự tái tổ hợp của hai dòng con của biến thể Omicron, gồm BA.1 và BA.2, và chỉ được tìm thấy ở Anh.

Đến ngày 22-3, HSA đã xác định được 637 bệnh nhân của XE ở Anh. HSA nhận thấy XE có khả năng lây truyền cao hơn biến thể phụ BA.2 của Omicron đến 9,8%.

Giáo sư Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của HSA, cho biết tốc độ ca bệnh XE đang tăng nhanh. Tuy nhiên, bà nói: “Cho đến nay vẫn chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng hoặc hiệu quả của vắc xin đối với biến thể XE”.

Bà Hopkins cũng nhấn mạnh: “Các biến thể tái tổ hợp không phải là bất thường. Một số biến thể tái tổ hợp đã được xác định trong quá trình diễn ra đại dịch cho đến nay. Cũng như các loại biến thể khác, hầu hết sẽ biến đi tương đối nhanh chóng”.

Giáo sư Peacock tại Đại học Hoàng gia London cho biết các biến thể như vậy vẫn có thể xác định bằng các xét nghiệm PCR tiêu chuẩn và bộ kiểm tra nhanh.

Đối với các vắc xin COVID-19, giáo sư Peacock cho biết vẫn còn quá sớm để biết hiệu quả chắc chắn và các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ các dữ liệu.

Phát biểu với Hãng tin ANI, giám đốc Viện Di truyền và xã hội Tata (TIGS), ông Rakesh Mishra, cho biết: “Dị nhân XE mới xuất hiện lần đầu tiên vào giữa tháng 1, nhưng tôi tin rằng không cần phải nhấn một nút “hoảng sợ”” (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Số ca mắc COVID-19 trên cả nước giảm mạnh

Ngày 3.4, ca mắc COVID-19 trên cả nước giảm chỉ còn 50.730 F0 (giảm 14.888 ca so với hôm trước), bằng hơn 15% thời gian cao điểm giữa tháng 3. Việt Nam đã có hơn 9,8 triệu ca mắc COVID-19.

Theo bản tin của Bộ Y tế, ngày 3.4, Hà Nội ghi nhận 6.304 ca nhiễm, giảm 1.119 ca so với hôm qua. So với thời gian cao điểm (32.650 ca vào ngày 8/3), số ca mắc mới này chỉ bằng 19,3%.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ đợt dịch đến nay, Thủ đô đã có 1.496.781 ca mắc COVID-19.

Tính đến 2/4, Hà Nội có gần 183.400 ca nhiễm COVID-19 theo dõi, điều trị tại nhà (giảm gần 5.000 ca so với ngày trước đó); 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,59% tổng ca đang theo dõi, điều trị).

Hôm nay, Hà Nội có thêm 2 ca  COVID-19 tử vong. Tổng số người tử vong do COVID-19 của Thủ đô (từ 27/4/2021- nay) là 1.328 người.

Theo Bộ Y tế, ngày 3.4, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 40.000 ca và Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 11.316 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị trên cả nước giảm xuống còn 1.973 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.460 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 228 ca; Thở máy không xâm lấn: 61 ca; Thở máy xâm lấn: 209 ca; ECMO: 15 ca.

Bộ Y tế cũng cho biết, ngày 3.4 ghi nhận 37 ca tử vong, trong đó Kiên Giang nhiều nhất 4 ca. TP Hồ Chí Minh hôm nay ghi nhận 347 ca nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua của Việt Nam là 42 ca. Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 42.600 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Trong khi ở giai đoạn cao điểm, tỉ lệ này là 2,2% (Công an nhân dân, trang 1).

 

Nhiễm độc kim loại nặng do uống thuốc Đông y kéo dài
Trong 20 năm nay đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận thuốc Đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa cho biết thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận một số ca bệnh gặp bệnh lý suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da, vàng mắt, da nổi nốt sần sùi, sạm da; hoặc có ca bệnh bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột.

Đáng chú ý có những trường hợp bệnh nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan cùng lúc, có thể dẫn đến tử vong.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ nhận thấy những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan đến các vấn đề trên, sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên. Bệnh nhân đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm và không tìm ra nguyên nhân.

Theo bác sĩ Doãn Uyên Vy – phụ trách phòng khám chống độc, sau khi loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp, các bác sĩ đã tìm ra điểm chung của những bệnh nhân này là đều có sử dụng thuốc Đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ…

Bác sĩ Vy cũng cho hay trong 20 năm nay đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận thuốc Đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài.

Trong các sách Đông y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm. Những vị thuốc này có nguồn gốc từ đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân.

Thuốc Đông y thường được tự pha chế thủ công hoặc dù được đóng gói hiện đại, liều lượng cũng thường không đồng đều ở các viên thuốc. Thậm chí, có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10 – 30 lần so với liều trong sách thuốc Đông y hướng dẫn.

Do đó người bệnh sử dụng những loại thuốc Đông y lâu dài sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc do kim loại nặng độc hại hoặc chất tồn dư chưa được làm sạch.

Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh.

“Khi dùng bất cứ loại thuốc nào lâu dài để điều trị bệnh, nếu muốn biết mức độ an toàn của thuốc, biết được liệu bản thân có khả năng bị nhiễm độc, ngộ độc hay không thì cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách sử dụng thuốc an toàn, đồng thời phòng tránh tình trạng nhiễm độc do thuốc gây ra”, bác sĩ Vy khuyến cáo (Tuổi trẻ, trang 14).

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/1/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/4/2019

CDC Hà Nam