Điểm báo ngày 06/4/2022

(CDC Hà Nam)
Thích ứng an toàn sau mắc Covid-19; Hướng dẫn tiêm chủng cựu F0; Nước ta có thêm gần 55.000 ca Covid-19; Hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ 5- 12 tuổi trong quý 2; Cẩn thận với chiêu trò trị ‘hậu COVID’

Thích ứng an toàn sau mắc Covid-19

Tính đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9,8 triệu người mắc Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các biến chứng của người bệnh sau mắc Covid-19 không gây nguy hiểm, chủ yếu ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng các triệu chứng sau mắc Covid-19 được đẩy lên quá mức từ mạng xã hội, khiến nhiều người đổ xô đi khám, mua thuốc uống. Lo lắng quá mức

 Sau gần 2 tuần điều trị Covid-19 tại nhà và đã âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng bà Nguyễn Thị Thu (60 tuổi, ở Trung Hòa, Hà Nội) vẫn rất mệt mỏi. Người phụ nữ này luôn trong tình trạng thiếu ngủ và đuối sức mỗi khi làm việc hơi nặng một chút. “Suốt cả tháng qua, mỗi đêm tôi chỉ ngủ được 2-3 tiếng, nhiều khi thức đến sáng. Thiếu ngủ nên cơ thể tôi lúc nào cũng mệt mỏi, không thiết làm việc gì, ăn uống cũng chẳng ngon”, bà Thu chia sẻ. Lo lắng, bà đã đi khám tại một số bệnh viện và được cho biết mắc một số hội chứng hậu Covid-19. Dù các triệu chứng bệnh của bà Thu không quá nghiêm trọng, nhưng khó hoàn toàn bình phục sức khỏe trong ngắn hạn.

Cũng lo lắng sau khi mắc Covid-19, nên cứ mỗi 1 tuần, chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (31 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TPHCM) lại đi chụp X-quang phổi để kiểm tra bị tổn thương hay không. Chị Trâm cho hay: “Vì đọc thông tin Covid-19 sẽ làm tổn thương phổi nên mọi người bảo nhau sau khi hết bệnh phải thường xuyên đi chụp X-Quang phổi để tầm soát. Mỗi lần chụp X-Quang mất 200.000 đồng, CT-Scan là 1,5 triệu đồng, nhưng nếu không đi chụp lại không an tâm”.

Sau nhiều lần đi khám hậu Covid-19 ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả, ông Hà Thế Minh (62 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) quyết định mua gói khám sức khỏe tại một bệnh viện lớn có giá gần 10 triệu đồng. Ông Minh kể, tháng 9-2021, ông bị mắc Covid-19 và phải nhập viện điều trị. Sau khi được xuất viện, ông thường xuyên bị ho, khó thở, mất ngủ.

“Tôi đã đi khám nhiều nơi nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, các bác sĩ bảo phải điều trị trong thời gian dài”, ông Minh lo lắng. Không chỉ đi khám thường xuyên, ông Minh còn được các con mua nhiều loại thực phẩm chức năng để “tẩm bổ” với mong muốn vượt qua các di chứng sau mắc Covid-19 kéo dài.

Nở rộ dịch vụ thăm khám

Tăng theo nhu cầu của người dân, thời gian qua, các cơ sở y tế cũng đua nhau xây dựng các gói khám hậu mắc Covid-19 với giá từ 1 triệu đến gần chục triệu đồng. Các dịch vụ này đang “ăn nên làm ra” khi ngày càng có nhiều người dân tìm đến để khám bệnh.

Cụ thể, tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 người đến khám di chứng sau mắc Covid-19, chủ yếu là người trên 60 tuổi, với các triệu chứng phổ biến là hụt hơi, khó thở, giảm thể lực, mất ngủ. Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, những trường hợp tới khám hậu Covid-19 được các bác sĩ thăm khám, chỉ định xét nghiệm máu hay chụp CT phổi để đánh giá những tổn thương. Trên cơ sở kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, hoặc yêu cầu người bệnh nhập viện điều trị sau mắc Covid-19, tùy theo diễn biến bệnh.

Không chỉ có các cơ sở y tế của Nhà nước, một số bệnh viện ngoài công lập cũng đã mở thêm phòng khám sau mắc Covid-19. Tại Bệnh viện Hồng Ngọc, gói khám bệnh sau mắc Covid-19 được quảng cáo có giá từ 4 triệu đồng, bao gồm dịch vụ tư vấn kèm chỉ định cận lâm sàng sau khi có xét nghiệm RT-PCR âm tính. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đưa ra 5 gói khám bệnh, từ khám tại nhà cho tới bệnh viện, với các danh mục kiểm tra sức khỏe từ cơ bản tới chuyên sâu, có giá từ 450.000 đồng tới vài triệu đồng/người.

Còn tại TPHCM, sau khi Bệnh viện Thống Nhất mở đơn vị điều trị hậu Covid-19 đầu tiên thì đến nay đã có hàng trăm cơ sở y tế đưa vào hoạt động dịch vụ này với nhiều gói khám linh hoạt để người bệnh lựa chọn với giá 1-9 triệu đồng. Nhìn chung, các gói khám bao gồm: khám tổng quát, kiểm tra chức năng gan, thận, chẩn đoán hình ảnh, công thức máu, chụp CT, MRI… Ngoài ra, tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ của bệnh nhân, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác.

Thực tế, hậu Covid-19 đã và đang là “từ khóa” được nhắc liên tục trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc khám hậu Covid-19 là cần thiết, nhưng không nên lạm dụng. Để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng, bệnh nhân sau khi xuất viện, hay có kết quả âm tính, cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian 2-4 tuần: kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát. Tuy nhiên, người dân nên tránh làm xét nghiệm, thực hiện cận lâm sàng không cần thiết mà chỉ nên khám theo biểu hiện bệnh lý của mỗi người.

Chớ lạm dụng

 Theo BS CKI Nguyễn Thành Luân, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc thăm khám sau khi khỏi Covid-19 phải cá thể hóa từng bệnh nhân vì hội chứng sau mắc Covid-19 rất khác nhau, sẽ được bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác nhau, đôi khi không cần X-Quang, CT-Scan phổi, hoặc có khi cần phải thực hiện nhiều hơn 2 phương pháp cận lâm sàng hình ảnh này. Đặc biệt, CT-Scan phổi lại là một xét nghiệm tốn kém, phải dùng nhiều tia X, không nên chỉ định thường quy cho bệnh nhân mắc Covid-19, mà phải cân nhắc kỹ càng. Vì thế, theo bác sĩ Thành Luân, người dân tự ý chụp X-Quang, CT-Scan phổi đôi khi không cần thiết, thậm chí gây lãng phí. Thêm vào đó, khi kết quả X-Quang hay CT-Scan phổi bình thường sẽ gây tâm lý chủ quan lơ là, có thể bỏ sót bệnh lý khác của hội chứng sau mắc Covid-19.

Về phía cơ quan quản lý, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, cùng với gánh nặng tiếp nhận, điều trị các ca mắc Covid-19, ngành y tế còn phải đối mặt với thực trạng người bệnh đã hồi phục nhưng vẫn có các triệu chứng kéo dài nên Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị cho sự xuất hiện của hội chứng sau mắc Covid-19. Hiện nay, đối với những di chứng về mặt tinh thần của người bệnh, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Tâm thần Trung ương xây dựng phác đồ cụ thể để hướng dẫn các bác sĩ điều trị các triệu chứng có liên quan. Về mặt thể chất, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện hướng dẫn, đưa ra những bài tập để giúp người dân tập luyện phục hồi chức năng.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh, ngay khi số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng cao ở nước ta, Bộ Y tế đã có chiến lược là các bệnh viện hoạt động bình thường và bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh nền thuộc chuyên khoa nào thì sẽ được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa đó. Người bệnh sẽ được theo dõi, dự phòng và điều trị về tình trạng sau mắc Covid-19 của bản thân dưới sự giúp đỡ của các bác sĩ đúng chuyên khoa.

“Đối với việc một vài bệnh viện thành lập phòng khám, chuyên khoa để thăm khám người bệnh sau mắc Covid-19, theo tôi là tốt, nhưng không cấp bách. Việc thành lập bệnh viện chuyên điều trị sau mắc Covid-19 cũng là không thực tế”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh và khẳng định, thực tế các hội chứng sau mắc Covid-19 không hề đáng sợ nếu chúng ta hiểu rõ về nó (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Hướng dẫn tiêm chủng cựu F0

Tại Hội nghị trực tuyến về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người mắc COVID-19 mới đây, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết người trên 12 tuổi đã mắc COVID-19 sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau khi hồi phục 3-6 tháng, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thì ít nhất 3 tháng.

Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, đến nay, chưa có đầy đủ bằng chứng để hiểu rõ về các biến chủng của SARS-CoV-2, tuy nhiên việc áp dụng các biện phòng chống đặc biệt là tiêm chủng là rất quan trọng. Thống nhất chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin cho trẻ; các đối tượng trên 12 tuổi đã mắc thì tiêm chủng sau khi hồi phục 3-6 tháng.

Trước đó, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã mắc COVID-19 sẽ được tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách li y tế theo quy định, thay vì đợi 6 tháng như trước.

Lưu ý khi tiêm cho trẻ nhỏ

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nêu rõ, có 2 loại vắc xin là Moderna và Pfizer sẽ được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, liều tiêm mỗi mũi của 2 loại vắc xin sẽ khác nhau, lứa tuổi tiêm cũng có sự khác biệt. Pfizer tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, có hàm lượng là 10mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều vắc xin sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên. Liều tiêm là 0,2ml (mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg vắc xin mRNA COVID-19), dùng tiêm bắp. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần. Đặc biệt, không sử dụng vắc xin Pfizer của người lớn để tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.

Đối với vắc xin Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (> 80%), kiệt sức (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%). “Phản ứng này cũng gây ra với đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi khi tiêm vắc xin phòng COVID-19”, bà Hồng cho biết.

Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000). Tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận phản ứng này đối với trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong hệ thống.

Bộ Y tế ngày 31/3 phê duyệt vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Vắc xin được tiêm bắp, liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vắc xin cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Đối với vắc xin Moderna, các phản ứng rất thường gặp là: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp. Phản ứng thường gặp là: tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là: chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng hiếm gặp là: giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da. Phản ứng rất hiếm gặp là: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (Tiền phong, trang 6).

 

Nước ta có thêm gần 55.000 ca Covid-19

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta có 54.995 ca Covid-19 được ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố (tăng 6.280 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Giang (tăng 1.238 ca), Bắc Kạn (tăng 962 ca), Quảng Ngãi (tăng 877 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (giảm 2.024 ca), Hà Nội (giảm 669 ca), Bắc Giang (giảm 292 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 65.600 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 4-4 đến 16h ngày 5-4, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 54.995 ca nhiễm mới tại 61 tỉnh, thành phố (có 38.040 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (5.199), Nghệ An (2.925), Phú Thọ (2.827), Bắc Giang (2.357), Yên Bái (2.280), Hà Giang (2.024), Bắc Kạn (1.990), Quảng Ninh (1.972), Đắk Lắk (1.901), Vĩnh Phúc (1.824), Lào Cai (1.766), Quảng Ngãi (1.504), Hưng Yên (1.398), Tuyên Quang (1.249), Hải Dương (1.248), Cao Bằng (1.233), thành phố Hồ Chí Minh (1.158), Thái Bình (1.152), Quảng Bình (1.113), Thái Nguyên (963), Tây Ninh (940), Lâm Đồng (930), Sơn La (925), Lạng Sơn (876), Hòa Bình (832), Vĩnh Long (764), Bắc Ninh (731), Cà Mau (726), Quảng Trị (665), Lai Châu (662), Hà Tĩnh (633), Hà Nam (596), Bình Định (589), Đà Nẵng (586), Điện Biên (552), Đắk Nông (516), Bình Dương (514), Ninh Bình (496), Nam Định (467), Bình Phước (451), Phú Yên (393), Bà Rịa – Vũng Tàu (347), Hải Phòng (332), Thanh Hóa (322), Thừa Thiên – Huế (317), Trà Vinh (280), Khánh Hòa (273), Quảng Nam (269), Bình Thuận (232), Bến Tre (145), An Giang (94), Bạc Liêu (94), Đồng Tháp (77), Long An (70), Kon Tum (51), Kiên Giang (44), Cần Thơ (43), Đồng Nai (38), Ninh Thuận (17), Hậu Giang (13), Tiền Giang (10).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 9.922.040 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 100.350 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.914.301 ca, trong đó có 8.144.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, có thêm 303.455 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 8.147.290 người. Ngoài ra, có 2.055 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, cả nước có thêm 39 ca tử vong tại 19 tỉnh, thành phố: Đắk Lắk (5), Bến Tre (4), Lạng Sơn (4 ca trong 2 ngày), Bạc Liêu (3), Gia Lai (3), Nghệ An (3), Bình Thuận (2), Phú Thọ (2), Quảng Nam (2), Thái Nguyên (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Hà Nội (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Quảng Ninh (1), Sóc Trăng (1).

Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 38 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.681 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ 5- 12 tuổi trong quý 2
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2-2022.

Nội dung trên được đưa ra tại công văn số 2090 của Văn phòng Chính phủ. Theo công văn này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc mua vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế đã đề xuất, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điều 26 Luật đấu thầu đối với gói thầu mua vắc xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến tại nhiều văn bản để chỉ đạo, đôn đốc Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết theo quy định để có vắc xin nhanh nhất có thể, hoàn thành việc tiêm cho trẻ em trong quý 2, đầu quý 3 để trẻ em đến trường học hè và cuối quý 3-2022 để trẻ em vào năm học mới tập trung an toàn, hiệu quả.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 được tổ chức ngày 4-4, ông Đỗ Xuân Tuyên, thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay Bộ Y tế đề xuất mua 21,9 triệu liều vắc xin cho trẻ em nhưng trong quá trình thảo luận đi đến ký kết mua với Pfizer thì có một số tổ chức, quốc gia muốn hỗ trợ.

Bộ Y tế đã có điều chỉnh để vừa mua vắc xin, vừa tiếp nhận nguồn viện trợ, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, tập huấn và tổ chức triển khai kỹ thuật tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi để địa phương có thể chủ động khi vắc xin về Việt Nam sẽ triển khai ngay.

Ông Tuyên cho hay đã làm việc với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và tổng giám đốc Pfizer tại Việt Nam. Cả hai đơn vị này đều thống nhất phương án đưa vắc xin về Việt Nam trong thời gian nhanh nhất có thể (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Cẩn thận với chiêu trò trị ‘hậu COVID’

Thời gian vừa qua, khi số ca COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh, tâm lý của nhiều người đã bắt đầu thay đổi. Thay vì chăm chú quan tâm đến số lượng ca bệnh hằng ngày, họ lại bắt đầu quan tâm đến những di chứng COVID-19 để lại.

Nắm bắt được tâm lý bất an này, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ khám “hậu COVID-19”, từ việc tư vấn cho đến bán thuốc điều trị, phục hồi sức khỏe.

Tiền mất tật mang

Mẹ tôi bị một người tự xưng là bác sĩ gửi tin nhắn hỏi thăm sau khi tìm được thông tin của tôi đăng trên mạng xã hội tìm hiểu về cách điều trị hậu COVID-19. Khi trò chuyện, vị này nói mình công tác ở Viện Y học cổ truyền, có nhã ý giúp mẹ tôi điều trị hiệu quả chứng ho khan thường xuyên sau COVID-19.

Sau đó, vị bác sĩ tự xưng này đã giới thiệu cho mẹ tôi một gói dịch vụ Đông y chuyên điều trị chứng hậu COVID-19 do chính ông ta nghiên cứu. Giá của gói combo này là 3,5 triệu đồng bao gồm 3 loại thuốc có tác dụng chữa chứng nặng ngực, khó thở, ăn không tiêu, mỏi mệt kéo dài…

Tin tưởng lời của vị bác sĩ, mẹ tôi đồng ý mua gói combo này nhưng uống suốt 1 tháng vẫn không có kết quả gì, thậm chí mẹ tôi còn cảm thấy mỏi mệt, rệu rã vì những cơn ho kéo dài hơn.

Quá lo lắng cho tình trạng của mẹ, tôi quyết định đưa mẹ đến khám tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM). Kết quả, mẹ tôi bị xơ phổi, tổn thương do di chứng COVID-19, đồng thời bị thiếu máu trầm trọng.

Đáng lưu tâm là bác sĩ sau khi xem đơn thuốc mẹ tôi mua trước đó thì khẳng định đây chỉ là thực phẩm chức năng hỗ trợ đề kháng, không thể điều trị được bệnh viêm phổi, cũng chẳng phải là thuốc đặc trị COVID-19.

Các loại thực phẩm chức năng này được bán rộng rãi tại các nhà thuốc giá 150.000 – 300.000 đồng/hộp, chứ không đắt như mẹ tôi mua của kẻ tự xưng là bác sĩ trên mạng.

Nhiều người “sập bẫy”

Từ câu chuyện của mẹ tôi, tôi tìm hiểu thì được biết nhiều người khác cũng “sập bẫy” chiêu trò lợi dụng sự lo lắng của những bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 để hù dọa, thổi phồng các di chứng để dẫn dụ thăm khám, mua thuốc nhằm trục lợi.

Anh H. (43 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) kể: “Tôi và vợ cùng lúc bị nhiễm COVID-19, đều uống thuốc kháng virus Molnupiravir. Dù thế, sau khi khỏi bệnh, tôi tìm đến phòng mạch tư gần nhà để kiểm tra di chứng.

Họ làm đủ xét nghiệm, chụp X-quang với chi phí mỗi người gần 4 triệu đồng, rồi tư vấn bảo rằng chúng tôi phải theo dõi điều trị vì có nguy cơ vô sinh sau khi sử dụng thuốc điều trị COVID-19.

Vì quá hoang mang nên tôi đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để kiểm tra lại thì bác sĩ chỉ khuyến cáo chúng tôi không nên sinh con trong vòng sáu tháng sau điều trị COVID-19. Đúng là vì cẩn thận đi khám hậu COVID-19 mà chúng tôi rước nỗi âu lo vào người”.

Tương tự, chị P. (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) thường có cảm giác hụt hơi, mỏi mệt khi lên xuống cầu thang. Ngoài ra, chị cũng cảm thấy cơ thể mỏi mệt, thường thích ngủ nhiều hơn trước khi nhiễm bệnh.

Lo lắng, chị lên mạng tự tìm hiểu thì được một người tự xưng là thầy thuốc Đông y chẩn đoán chị đang đối mặt với di chứng hậu COVID-19, cần phải điều trị theo thang thuốc của ông ta, với chi phí cho mỗi liệu trình 3,5 triệu đồng. Bán tín bán nghi, chị P. đến Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM để thăm khám.

Chị chia sẻ: “Tôi đã thực hiện theo các động tác bác sĩ hướng dẫn, cho đến nay sức khỏe đã dần bình phục tốt hơn. Điều đặc biệt là tổng chi phí khám của tôi tại bệnh viện này chưa đến 1 triệu đồng. Nếu không cẩn thận kiểm tra lại, có lẽ tôi đã mất một khoản tiền oan cho kẻ lang băm”.

Lợi dụng sự tin tưởng của người bệnh, các loại thuốc điều trị, dịch vụ khám hậu COVID-19, từ Đông y đến Tây y xuất hiện tràn lan khắp mọi nơi.

Những kẻ lừa đảo, mạo danh bác sĩ, lương y dỏm xuất thân từ nhân viên bán hàng online, dùng mọi thủ đoạn để chèo kéo, tiếp cận người bệnh nhằm rao bán các loại “thần dược” hoặc đề xuất các phương án điều trị trị giá hàng triệu đồng.

Điều này không chỉ gây thiệt hại, mất mát về tài sản mà về lâu dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh (Tuổi trẻ, trang 9).

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/10/2021

Ngọc Nga