Điểm báo ngày 04/5/2022

(CDC Hà Nam)
Ứng phó dịch Covid-19 năm 2022-2023: Chuyển từ phòng chống sang quản lý bền vững; Hà Nội: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Việt Nam chưa ghi nhận trẻ mắc viêm gan cấp không rõ nguyên nhân; AI vào bệnh viện
Ứng phó dịch Covid-19 năm 2022-2023: Chuyển từ phòng chống sang quản lý bền vững

Ngày 3-5, Bộ Y tế đã có công văn xin ý kiến góp ý dự thảo phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023. Trong phương án này, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. Vaccine là ưu tiên hàng đầu

Tình huống thứ nhất là chủng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần. Các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn. Tình huống thứ hai là xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Trong 2 tình huống trên, Bộ Y tế nhấn mạnh nguyên tắc vaccine là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong. Tỷ lệ bao phủ vaccine cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.

Bên cạnh đó, trong tình huống thứ nhất, Bộ Y tế đề xuất một số hoạt động tập trung, như: nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn; tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi, sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.

Với tình huống thứ hai, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà sản xuất vaccine để cập nhật các loại vaccine phù hợp với biến thể mới, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân; theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, tăng cường công tác giám sát sự xâm nhập của biến thể mới tại các cửa khẩu; tiếp tục giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong; thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể…

TPHCM tổ chức lại các bệnh viện dã chiến

Ngày 3-5, Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM sẽ giải thể các bệnh viện (BV) dã chiến, tạm ngưng hoạt động BV dã chiến 3 tầng số 14 và 16 và chỉ duy trì hoạt động BV dã chiến 3 tầng số 13; ngưng hoạt động tầng 3 của BV dã chiến 3 tầng quận Tân Bình.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện tình hình dịch bệnh tại TPHCM đã được kiểm soát, tính đến ngày 3-5, toàn thành phố chỉ còn dưới 5.000 trường hợp F0 đang điều trị (chủ yếu là tại nhà), số ca nặng cần thở máy xâm lấn tiếp tục giảm (hiện nay chỉ còn dưới 20 ca) và hơn 3 tuần qua TPHCM không có ca tử vong do Covid-19. Thành phố chỉ còn 1 phường/xã có cấp độ dịch 2, tất cả đều đạt cấp độ 1.

Trong bối cảnh đó, TPHCM sẽ ngưng hoạt động các trạm y tế lưu động, việc quản lý F0 tại nhà hiện nay do các trạm y tế địa phương đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số, tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ. Đối với các BV dã chiến tuyến huyện, trong giai đoạn cao điểm dịch đã sử dụng tạm một cơ sở chức năng làm BV dã chiến thì hoàn trả lại công năng ban đầu; đồng thời các quận, huyện phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại BV dã chiến trong trường hợp số F0 tăng cao trở lại.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các BV trên địa bàn thành phố phải thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa thành lập khoa/đơn vị điều trị Covid-19 để điều trị người mắc và có bệnh lý cấp, mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo. Giao BV Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và Nhi đồng Thành phố (cùng với các BV Trung ương trên địa bàn thành phố như: BV Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19 (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 3; Nhân dân, trang 8).

 

Hà Nội: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ngày 29-4 đã ký ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND về việc triển khai Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kế hoạch nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện. Đồng thời, sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bệnh bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm.

Trong đó, mục tiêu tổng quát là bảo đảm kiểm soát hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.

Kế hoạch cũng đề ra các nhóm mục tiêu cụ thể như: Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19; kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Chú trọng nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cho cơ sở y tế, có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến.

Cùng với đó, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế – xã hội, hành chính theo cấp độ của dịch theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp về y tế, kế hoạch yêu cầu phải bảo đảm tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19; tăng cường năng lực giám sát, phòng, chống dịch; nâng cao năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng cường năng lực khám, chữa bệnh (Hà Nội mới, trang 7).

 

Việt Nam chưa ghi nhận trẻ mắc viêm gan cấp không rõ nguyên nhân

Chiều 3-5, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua giám sát, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Chiều 3-5, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua giám sát, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Tuy nhiên, cục và các đơn vị chức năng đang chủ động triển khai các biện pháp theo dõi, tăng cường giám sát để phát hiện sớm ca bệnh theo khuyến cáo và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.

Đại điện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, Bộ Y tế đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ nhỏ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ. Hiện Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức này để theo dõi, cập nhật các thông tin về căn bệnh.

Trước đó, vào giữa tháng 4, văn phòng của WHO tại châu Âu cho biết, nước Anh chứng kiến sự gia tăng đáng kể và đột ngột của các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới Covid-19. Cách đây ít ngày, WHO cho biết, trong những tuần gần đây, khoảng 190 trẻ tại 11 quốc gia, trong độ tuổi từ 1-6, có tiền sử khỏe mạnh, đã mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân.

Trong khi đó, bang Wisconsin của Hoa Kỳ đang điều tra 1 trường hợp tử vong tại bang này. Đặc biệt, Bộ Y tế Indonesia vừa có khuyến cáo người dân tăng cường theo dõi và cảnh giác với bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em sau khi nước này ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhi tử vong nghi ngờ do bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 2; Hà Nội mới, trang 7).

 

AI vào bệnh viện
Gần đây, nhiều bệnh viện đã phát triển các ứng dụng công nghệ, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào áp dụng trong chữa bệnh. Người bệnh được tiết kiệm thời gian nhận kết quả, nhanh, gọn, hiệu quả hơn.

Người bệnh sử dụng công nghệ thông tin, AI khi đi khám bệnh ra sao?

Nhanh, gọn, hiệu quả

Hơn 6h sáng, bà N.T.B. (46 tuổi, Bình Dương) chuẩn bị đồ đến bệnh viện khám bệnh. Khác với những lần trước bà phải ngồi chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm máu đúng lúc 10h, nhưng nay mới 9h30 bà đã nhận được tin nhắn SMS của bệnh viện (qua điện thoại báo) đã có kết quả xét nghiệm. Bà tiết kiệm được hơn nửa giờ đồng hồ chờ đợi.

Đây là lần đầu tiên bà B. được bệnh viện thông báo nhận kết quả xét nghiệm qua tin nhắn, một trong những ứng dụng đã triển khai tại một số các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Bà B. cho biết nếu như trước kia đi khám bệnh, khâu trả kết quả xét nghiệm rất mất thời gian, phải ngồi chờ đợi, canh đúng giờ bác sĩ đọc tên, xếp hàng mới lấy được. Thì giờ đây, với cách thức gửi tin nhắn, bà có thể tiết kiệm được thời gian để được về sớm nghỉ ngơi.

“Nhận kết quả sớm, tôi đỡ được rất nhiều thời gian, nhà xa có thể về sớm hơn để nghỉ ngơi, bớt vất vả”, bà B. nói.

Tương tự, 5h sáng chị L.H. (37 tuổi, ngụ Hóc Môn) đã thức dậy sớm đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) khám dạ dày. Nỗi ám ảnh nhất mỗi khi chị H. đi bệnh viện là tìm đường, mỗi lần muốn dò đường đi chị phải hỏi nhiều người mới tới các khu vực trong bệnh viện được.

“Nhiều bệnh viện có thiết kế tòa nhà phức tạp, mỗi buổi sáng lượt thăm khám lại đông, tôi thấy nhiều nhân viên hướng dẫn phải nói liên tục. Nhiều người hỏi nên tôi phải chờ đợi họ hỏi xong mới hỏi, cứ đi được một đoạn lại tiếp tục hỏi tiếp”, chị H. nói.

Nhưng giờ đây, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, chị chỉ cần quét mã QR ngay tại cổng vào, chị có thể nhìn thấy được toàn bộ các khu vực của bệnh viện, vị trí mình đang đứng, chỉ cần đến khu vực nội soi, xét nghiệm, căngtin… ứng dụng đều chỉ đường.

“Rất tiện lợi, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức. Người nhà tôi ở tỉnh lên thăm khám cũng bớt bỡ ngỡ. Mong bệnh viện sẽ có nhiều ứng dụng để hỗ trợ cho người bệnh như thế này”, chị H. nói.

Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã ứng dụng hàng loạt công nghệ để giảm thủ tục chờ khám cho bệnh nhân như: Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với ứng dụng chụp X-quang có kết quả trong vòng 20 giây sau khi chụp, nhanh chóng thể hiện hình ảnh những khu vực tổn thương ban đầu (nếu có), giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc phim nhanh hơn, không bỏ sót tổn thương. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sử dụng AI để kiểm soát gây mê…

Lợi đôi đường

ThS.BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM – cho biết xuất phát từ thực tế lượng bệnh nhân thăm khám mỗi ngày đông, khoảng 2.000 lượt khám/ngày, các khu vực của bệnh viện lại bố trí rất rộng, phân bổ nhiều nơi do vậy bệnh nhân tìm đường rất khó khăn. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc giao tiếp trực tiếp sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Chính vì vậy, bệnh viện đã phát triển ứng dụng bản đồ chỉ đường cho người bệnh, chỉ cần quét mã QR là hiển thị mọi vị trí của bệnh viện, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

“Việc phát triển các ứng dụng này không khó, chi phí đầu tư không cao, tiện lợi cho người bệnh, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống WiFi miễn phí. Đối với việc trả kết quả xét nghiệm qua SMS, có thể đến tránh được tình trạng ùn ứ, bệnh nhân linh hoạt hơn, trong thời gian có thể tranh thủ nghỉ ngơi”, BS Phước nói.

Theo BS Phước, trong tương lai bệnh viện đang phát triển công nghệ giúp người bệnh không cần đi đến lấy kết quả xét nghiệm mà chuyển thẳng các kết quả này đến phòng khám, bệnh viện còn đang triển khai bệnh án điện tử ngoại trú. Hiện tại tất cả bệnh nhân nhập viện bác sĩ đều đang làm bệnh án điện tử, bác sĩ có thể xem được kết quả luôn trên máy tính…

“Tất cả các phần mềm đều do đội ngũ công nghệ thông tin của bệnh viện viết, hoàn toàn do bệnh viện quản lý, có cài đặt hệ thống tường lửa để ngăn chặn xâm nhập, do đó vấn đề bảo mật thông tin của bệnh nhân hoàn toàn được đảm bảo”, bác sĩ Phước nói.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt đầu triển khai giải pháp công nghệ thông tin y tế hoàn chỉnh gồm bộ giải pháp trí tuệ nhân tạo AI, hệ thống X-quang kỹ thuật số…

TS Lâm Việt Trung – phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM – cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Vì vậy, việc ứng dụng AI, khoa học công nghệ 4.0 vào phục vụ bệnh nhân là rất cần thiết.

Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt là các ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát hài lòng người bệnh và trải nghiệm của người bệnh khi đến khám chữa bệnh. Có giải pháp phòng chống sự cố mất dữ liệu và thông tin bệnh viện, tổ chức diễn tập trong trường hợp mất dữ liệu do nhiều nguyên nhân như thiên tai, hỏa hoạn…

Đẩy mạnh y tế số

Thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho thấy hiện 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán BHYT đạt 99,5%. Hiện 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim, 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.

Từ trước dịch COVID-19, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số; công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau… nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người bệnh, giảm tải cho nhân viên y tế (Tuổi trẻ, trang 15).

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/10/2019

CDC Hà Nam

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 05 Giờ 00, ngày 7/02/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/9/2019

CDC Hà Nam