Điểm báo ngày 16/6/2022

(CDC Hà Nam)
11 dấu hiệu và những cấp độ bệnh đậu mùa khỉ; Vì sao Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo cần tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4?
11 dấu hiệu và những cấp độ bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đây là cách chính mà virus lây lan.

Tính đến ngày 14/6, thêm 104 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác định ở Anh – nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 470 ca. Con số này tăng 28% so với số liệu được báo cáo vào ngày 10/6  trước đó – khi các trường hợp mới tiếp tục được phát hiện. Độ tuổi trung bình của các trường hợp được xác nhận ở Anh là 38 tuổi.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thừa nhận rằng “việc theo dõi đường đi của bệnh theo cách truyền thống hiện đang gặp nhiều thách thức”.

Bệnh đậu mùa khỉ không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đây là cách chính mà virus lây lan. UKHSA kêu gọi người Anh tránh xa những người được xác nhận bị bệnh đậu mùa khỉ theo các quy định mới.

Theo UKHSA, bệnh đậu mùa khỉ có các dấu hiệu và triệu chứng chính như sau:

Các dấu hiệu có thể bao gồm:

1. Sốt

2. Đau đầu

3. Đau cơ

4. Đau lưng

5. Ớn lạnh

6. Kiệt sức

7. Đổ mồ hôi đêm

8. Các triệu chứng giống như cảm lạnh, chẳng hạn như nghẹt mũi và chảy nước mũi

9. Sưng hạch bạch huyết

10. Sưng bẹn

11. Phát ban. Phát ban phát triển thành mụn nước đau đớn trước khi đóng vảy – và một người có thể lây nhiễm cho đến khi vảy bong ra.

Các nhà y học cho biết các biến chứng của căn bệnh này là:

– Thay đổi tâm trạng tiêu cực

– Đau dữ dội

– Viêm kết mạc

Nếu có thể, các chuyên gia khuyến khích mọi người ngủ trong phòng riêng và sử dụng phòng tắm riêng. Nếu không, nên tránh tiếp xúc thân thể và giữ cách xa tất cả các thành viên trong nhà ít nhất ba bước hoặc một mét.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng điều đặc biệt quan trọng là những người bị nhiễm bệnh phải tránh xa bất kỳ thành viên mang thai nào trong gia đình, trẻ nhỏ và những người bị ức chế miễn dịch. Điều này là do bất kỳ ai trong các nhóm trên đều có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng. Hướng dẫn khác nêu rõ, người bệnh nên để quần áo giặt riêng và tránh tiếp xúc gần với vật nuôi.

Trước khi được xác định khỏi bệnh, người bệnh cần được:

– Kiểm tra xem có sốt cao liên tục trong 72 giờ qua hay không
– Đảm bảo rằng bất kỳ tổn thương nào đều đã đóng vảy
– Kiểm tra vảy trên cánh tay, mặt và bàn tay đã bong ra và một lớp da mới hình thành
– Đảm bảo không có tổn thương mới nào hình thành trong 48 giờ
– Kiểm tra mức độ các tổn thương trong miệng.

Báo cáo từ UKHSA cũng cho biết, lần đầu tiên UKHSA đã phân loại sự bùng phát loại bệnh này ra thành các cấp độ bệnh.

“Hiện tại, nước Anh được đánh giá là ở Cấp độ 2 và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ để tìm bất kỳ bằng chứng nào về Cấp độ 3” – UKHSA cho biết.

Cấp độ 2 là khi có “sự lây truyền trong một quần thể con xác định”, trong khi Cấp độ 3 leo thang đến nhiều hoặc một quần thể lớn hơn. Cấp độ 4 thể hiện sự lây lan đáng kể của bệnh.

Đợt bùng phát hiện nay là không bình thường vì loại virus này thường chỉ được tìm thấy ở các vùng của Châu Phi. Nhưng nó đã lan rộng ra toàn cầu trong những tuần gần đây, các chuyên gia y tế đang nỗ lực điều tra các chuỗi lây truyền chính, song hiện vẫn chưa có khẳng định nào được đưa ra. (Sức khoẻ & đời sống, trang 14)

Vì sao Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo cần tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4?
Các trường hợp tử vong do COVID-19 chiếm khoảng 80% không tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền… Trong khi theo Bộ Y tế, tiến độ tiêm vaccine tại nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, chúng ta đã tổ chức triển khai thành công chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau.

Đến ngày 11/6, cả nước đã tiêm được hơn 223 triệu liều với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 63,9% và 6,1%; tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 39,6%, mũi 2 đạt 5,5%.

Từ ngày 15/3 đến 10/6, cả nước ghi nhận 4.352.243 ca mắc, 1.604 ca tử vong (tỉ lệ tử vong/mắc là 0,04% đã giảm mạnh so với hơn 3 tháng trước đó với tỉ lệ tử vong/mắc là 0,25%). Số mắc mới mỗi ngày hiện còn dưới 1.000 ca (thấp nhất hơn 10 tháng qua).

Riêng 30 ngày qua, số tử vong/mắc là 0,05% (21/45.709), trong đó có 18 ngày không ghi nhận ca tử vong trên toàn quốc và chỉ còn hơn 60 ca nặng đang điều trị (thấp nhất trong hơn 10 tháng qua).

Việc triển khai đồng bộ và có được kết quả tiêm chủng mũi cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam trong thời gian qua là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường mới“- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù đất nước ta đã ở trạng thái bình thường mới nhưng không thể lơ là mà cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo. Hiện nay, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 02 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.

“Trong tháng 5/2022 và đầu tháng 6/2022, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các địa phương đôn đốc tiến độ tiêm chủng và ban hành nhiều công điện gửi các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường việc tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm đặt các mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ: Hoàn thành tiêm mũi 3 cho đối tượng cần tiêm, tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.

Tuy nhiên đến nay, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Song song với công tác phòng chống dịch COVID-19, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác đang có xu hướng gia tăng.

Mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian

Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ… Dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, đến nay lệ tiêm mũi nhắc 1 (mũi 3) ở người lớn chưa đạt mong muốn, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại 2 (mũi 4) cho một số đối tượng theo hướng dẫn còn rất chậm mới được hơn 1,1 triệu liều do người dân hiểu lầm mũi bổ sung là mũi nhắc lại, cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ; ngoài ra do tâm lý người dân đã mắc COVID-19 nên nghĩ đã đủ miễn dịch, dịch COVID-19 không còn gây nguy hiểm. Một số người sợ phản ứng, tác dụng phụ sau tiêm…

Về vấn đề này, theo ông Maharajan Muthu – Trưởng Chương trình sống còn, phát triển và môi trường, UNICEF tại Việt Nam, người dân đã bắt đầu chủ quan và coi nhẹ nguy cơ của bệnh dịch nên nhu cầu tiêm vaccine COVID-19 giảm rõ rệt.

Để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vaccine được phân bổ đợt 146 và 147 theo quyết định vào ngày 16/5 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả, không để hủy bỏ vaccine, tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát đối tượng, tăng cường truyền thông, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, từng xã, phường, thị trấn và thực hiện các biện pháp khác để đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tổ chức tiêm mũi 4 cho đối tượng cần tiêm chủng.

Địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (Sức khoẻ & đời sống, trang 3)

Bệnh viện sợ sai, ngại đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế: Người bệnh gánh hậu quả

“Cơn khát” thiếu thuốc điều trị, thiếu vật tư y tế đang lan tràn tại nhiều bệnh viện, từ tuyến tỉnh, thành phố cho tới Trung ương. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, hậu quả của điều tưởng chừng “vô lý” này lại đổ hết lên người bệnh đang phải ngày đêm chống chọi với bệnh tật. Trong khi đó, không một lãnh đạo bệnh viện nào dám lên tiếng, hay có hành động cụ thể để giải quyết vì… sợ sai.

Bệnh nhân mua thuốc giá cao vì bệnh viện… không có thuốc

Tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội), giữa trời nắng oi bức, một người phụ nữ tất tả đi thật nhanh về phía cổng viện. Khi được hỏi, chị kể: “Người nhà tôi vào viện truyền hóa chất.

Thuốc bestdocel 80mg/4ml, mọi lần loại thuốc này bảo hiểm chi trả, nhưng người nhà tôi vào viện rồi mà mãi không có y lệnh, khi tôi hỏi thì bác sĩ nói là bệnh viện hết thuốc rồi, nếu muốn truyền luôn thì phải đi mua ngoài. Thế là họ kê đơn cho nên tôi đi mua. May mà hôm nay tôi trực ở cổng viện, nếu không mẹ tôi phải tự đi mua thuốc mất”.

“Khi tôi hỏi 1 nhà thuốc, thì bảo chỉ còn loại 2ml, giá 200 nghìn đồng, 1 lần truyền cần 4 chai, giá 800 nghìn đồng” – chị P.A.T (26 tuổi – Hà Nội) chia sẻ rồi tất tả chạy đi, không kịp nói thêm câu nào. Mồ hôi trên khuôn mặt đỏ ửng cháy nắng của chị đua nhau nhỏ xuống như mưa.

Một trường hợp khác, người nhà bệnh nhân H.V.T (Hòa Bình) đi tìm nhà thuốc bệnh viện hỏi mua kim truyền dịch cho người nhà. Tuy nhiên, nhà thuốc không bán nên anh này phải ra các nhà thuốc tại cổng Bệnh viện K để mua cây kim luồn với giá 3.000 đồng/cây.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, việc người bệnh phải tự mua kim truyền dịch hay một số vật tư y tế khác là chuyện thường xuyên ở bệnh viện này. Người nhà anh đã điều trị khoảng 1 năm trở lại đây, lần nào đến viện truyền cũng phải đi mua kim luồn. Vì thế đã thành quen, bệnh nhân hay người nhà không thấy có gì “bất thường”.

Không được cấp đầy đủ thuốc theo bảo hiểm y tế là hoàn cảnh chung của nhiều bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại một số bệnh viện tuyến tỉnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân phải móc hầu bao mua thêm thuốc với lý do bệnh viện “cạn” thuốc.

Điều trị bệnh tăng huyết áp và mỡ máu nhiều năm nay, bà L.T.T.H (54 tuổi, Hà Nội) đã quen với việc đến Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) kiểm tra và lấy thuốc định kỳ bằng thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, bà H rất bất bình về tình trạng bác sĩ kê toa giảm số lượng thuốc với lý do bệnh viện không đủ thuốc.

“Ngay từ lúc bác sĩ kê đơn đã nói với tôi rằng, bệnh viện không có đủ loại thuốc theo toa như trước đây. Bệnh viện còn thuốc gì thì phát thuốc đó.

Tôi được thanh toán chi phí khám chữa bệnh với mức 95%. Nếu mua đủ toa thuốc như trước đây, tôi phải đóng thêm 25.000 đồng. Nhưng thời gian gần đây, thiếu thuốc, bác sĩ kê đơn giảm thuốc nên tôi không phải đóng thêm tiền” – bà H nói.

Được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn mỡ máu, huyết áp không ổn định, bà Đ.T. H (59 tuổi, Hà Nội) phải lấy thuốc theo đơn thường xuyên, nhưng đã 2-3 lần đến khám và xin cấp thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thanh Nhàn thì đều được bác sĩ trả lời không đủ thuốc.

“Hơn 2 tháng nay bác sĩ cứ nói không có thuốc thì chúng tôi biết làm thế nào? Không còn cách nào khác, tôi phải bỏ tiền túi ra mua ngoài, một tháng mất thêm gần 500.000 đồng tiền thuốc, trong khi thuốc đó đều thuộc danh mục bảo hiểm chi trả” – bà H thở dài.

Tại nhiều tỉnh thành, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cũng đang xảy ra ở các bệnh viện lớn. Như Lao Động đã đưa tin, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang… nhiều loại thuốc dành cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế bị thiếu hụt trầm trọng. Việc phải tự bỏ tiền túi ra mua khiến nhiều người bệnh bức xúc vì mất quyền lợi.

Cách nhau 100m, giá thuốc cao gấp đôi

Theo phản ánh của người dân, một số bệnh viện tuyến Trung ương cũng rơi vào tình trạng thiếu biệt dược, khiến người bệnh phải chạy ngược chạy xuôi tìm mua.

Điển hình, một bệnh nhân nữ (44 tuổi, Hưng Yên) được bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán bệnh cơn nhịp nhanh nhĩ. Người này đi hết quầy thuốc trong bệnh viện vẫn không mua được hết thuốc bác sĩ kê đơn vì lý do bệnh viện không đấu thầu loại thuốc này. Bất đắc dĩ, người bệnh phải tìm mua đơn thuốc tại các hiệu thuốc bên ngoài, nhưng ngỡ ngàng vì mỗi nơi một giá.

Đặt chân vào cửa hàng thứ nhất trên đường Giải Phóng (Hoàng  Mai), 4 loại thuốc được định giá là 1.330.000 đồng; cách 50m, hiệu thuốc thứ 2 “ra giá” 1.450.000 đồng; di chuyển thêm 50m, hiệu thuốc “thách giá” 2.910.000. Như vậy, chỉ cách nhau 100m nhưng giá thuốc đã cao gấp đôi.

“Bác sĩ kê đơn thuốc và lưu ý mua đúng biệt dược trên đơn. Tuy nhiên, tôi đã đi 4 hiệu thuốc trong bệnh viện nhưng không có đủ thuốc. Đến lúc hỏi mua bên ngoài thì tá hỏa vì mỗi nơi một giá. Chưa biết chất lượng thế nào mà giá cả quay cuồng thế này thì bệnh nhân chúng tôi không biết phải làm thế nào” – người bệnh nói.

Có thể thấy, “cơn khát” thiếu thuốc khiến giá thuốc “nhảy múa” là những tồn tại bất hợp lý mà người bệnh phải âm thầm, “cắn răng” chịu đựng, trong khi họ đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật.

Bệnh viện ngần ngại đấu thầu, mua sắm

Sự thật là ngoài bệnh tật, bệnh nhân khắp các bệnh viện đang phải chịu đựng những khó khăn, vất vả “vô hình” từ việc thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện. Tuy nhiên, khi phóng viên Lao Động đặt vấn đề, phỏng vấn thì hầu hết lãnh đạo các bệnh viện đều ngại lên tiếng vì… sợ.

“Đó là sự thật. Nhưng chúng tôi đang lực bất tòng tâm. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để giải quyết từng phần những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho người bệnh. Tuy nhiên, đây là câu chuyện… hệ thống, chúng tôi không thể giải quyết rốt ráo được”- một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương chia sẻ với Lao Động và xin giấu tên.

Trước tình trạng không ít bệnh viện công trên cả nước thiếu thuốc, thiết bị y tế, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, nguyên nhân là các giám đốc không “mặn mà”, thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.

“Cá nhân tôi cũng thấy điều đó, có hiện tượng bị thiếu thuốc men, vật tư trang thiết bị… Đây là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, đến nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm” – đại biểu Trí đánh giá.  (Lao động, trang 1)

Ngăn ‘chảy máu’ nguồn lực y tế công

Sự dịch chuyển nhân lực y bác sĩ từ lĩnh vực công sang tư diễn ra lâu nay. Qua đại dịch đã xảy ra những căng thẳng, khó khăn ở hệ thống y tế công khiến người ta lo ngại thực trạng này sẽ càng gia tăng, ảnh hưởng đến người bệnh…

Sau đại dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế công lập “rệu rã” về thể xác, tinh thần đi xuống, đặc biệt là thu nhập giảm sút vì lương bổng cũng chưa thể ngày một, ngày hai kéo lại được. Bên cạnh đó, gần đây còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT), trang thiết bị y tế (TTBYT) ở các bệnh viện (BV) công. Các ý kiến lo ngại nhân viên y tế (NVYT), đặc biệt là bác sĩ (BS) có tay nghề cao sẽ “nản”, rời BV công sang tư với mức đãi ngộ cao, có đất “dụng võ” vì đầy đủ VTYT, TTBYT.

Nghỉ vì lương bổng, đãi ngộ

Năm 2020, tại TP.HCM có 597 NVYT nghỉ việc, nhưng trong giai đoạn từ tháng 1 – 10.2021 có gần 1.000 người nghỉ việc. Qua phân tích, số lượng NVYT nghỉ việc tăng nhẹ ở khối điều dưỡng, BS ở trạm y tế. Lý do nghỉ việc chủ yếu xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, lý do cá nhân. Quý 1/2022, số NVYT nghỉ việc là 396 người, cao hơn quý 1/2021 (219 người). Phân tích trong 396 NVYT nghỉ việc thì có 268 người của các BV tuyến trên, số còn lại thuộc khối quận, huyện đến phường, xã (y tế cơ sở).

Lãnh đạo một BV công ở TP.HCM cho biết thời gian qua có một số BS của BV này xin nghỉ việc. Vị này cho rằng thực tế lương bổng, đãi ngộ của BV đi xuống nên BS nghỉ nhiều. Ở phía y tế tư nhân, lãnh đạo một khoa ở BV T. cho hay khi BV tư mới thành lập thì sẽ trả lương khá cao để mời gọi, thu hút BS giỏi từ BV công chuyển qua. Nhưng khi BV đã đi vào ổn định thì không ai lại “vung tiền qua cửa sổ”. Chiến lược của BV T. hiện nay là tuyển chọn BS nội trú để đào tạo, trả lương, vừa mang tính bền vững, vừa gắn kết sau này, vị trưởng khoa nói.

Đại diện một BV tư khác là BV S. cho biết hiện BV này đang có 4 – 5 hồ sơ BS từ BV công lập qua xin việc. Mỗi năm BV đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có tay nghề cao, nhất là sau 2 năm dịch Covid-19, BV này có một số BS nghỉ việc do sức khỏe, hoặc đi BV khác. Vì vậy, trong lĩnh vực tư nhân cũng cạnh tranh khốc liệt về nhân sự có tay nghề cao chứ không riêng gì cạnh tranh giữa BV công lập và BV tư nhân.

Chính sách vẫn chưa tương xứng

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của các BV tuyến TP trong thời gian qua. Làm việc ở BV công lập, tức là một viên chức, đồng lương rất quan trọng. Đứng ở góc độ nào đó, chính sách vẫn chưa tương xứng với NVYT. Như một BS mới ra trường và hành nghề (6 năm học đại học và 18 tháng thực hành), lương khởi điểm vẫn chỉ bằng người học 4 năm. Về điều này, Quốc hội đã tìm hiểu, nghiên cứu, chỉnh sửa và Bộ Y tế cũng đang đề xuất. Theo ông Thượng, việc NVYT nghỉ việc đã diễn ra lâu nay. Họ không phải bỏ việc mà chuyển từ công sang công, hoặc từ công sang tư vì điều kiện gia đình, cuộc sống, buộc phải tìm nơi có mức thu nhập cao hơn.

Một mặt khuyên các NVYT gắn bó với BV để có sự thuận lợi về lâu dài, mặt khác lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đề nghị lãnh đạo các BV quan tâm, tạo ra các hoạt động khác để NVYT gắn bó với BV chứ không chỉ là lương. Đó là môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao, giảng dạy, nghiên cứu. Sở Y tế cũng vào cuộc, hơn 2 tháng qua, lãnh đạo sở đã có những buổi đối thoại trực tuyến với nhân viên các BV. Trong 2 tuần vừa qua, chủ đề nóng nhất là đấu thầu thuốc, VTYT, TTBYT, lãnh đạo Sở Y tế đã đối thoại trực tiếp với các trưởng khoa, phòng ở các BV để nắm bắt tâm tư, những khó khăn, vướng mắc ở BV công. Sự lo lắng, sợ hãi của những cán bộ làm công tác đấu thầu…, đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia, trấn an từ người đứng đầu Sở Y tế. Qua đó, Sở Y tế đã có chỉ đạo, giải pháp sát sao để các BV đấu thầu nhanh, đúng để họ an tâm công tác và đóng góp cho BV, cho ngành y tế, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Cần gỡ vướng cho bệnh viện công

Các chuyên gia y tế cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý, gỡ vướng cho các BV công để BV công đảm bảo đầy đủ máy móc, phương tiện… để NVYT dễ làm việc, yên tâm công tác.

Giám đốc một BV đầu ngành tuyến T.Ư tại Hà Nội cho hay hiện nhiều TTBYT ở BV công là máy liên doanh, liên kết. Vừa qua, sau khi có ý kiến của các đoàn kiểm tra về mua sắm, quản lý giá, tỷ lệ chia phần kết dư giữa BV và đơn vị cung cấp máy, thì gần hết máy và TTBYT xã hội hóa phải “đắp chiếu”, do tính pháp lý yếu. Thiếu máy móc, nhiều bệnh nhân bị hẹn chờ phẫu thuật. Theo vị này, việc mua máy, TTBYT với BV công rất khó vì không có tiền và nếu có tiền mua cũng không biết đâu là giá thật của thiết bị…

Về hình thức liên doanh liên kết, các công ty đặt máy khai thác trong BV công có ý kiến từ đại diện BV tuyến T.Ư cho rằng “cũng rất vướng mắc” về giá dịch vụ. Giá dịch vụ gồm 7 yếu tố nhưng hiện giá thu thực tế mới được tính chi phí 4/7 yếu tố. Giá này đã xây dựng từ 20 năm trước, không còn phù hợp với thực tế. Giá thấp không vận hành được máy móc.

Theo phản ánh của các BV công ở Hà Nội, việc thu giá dịch vụ y tế hiện chưa thống nhất. Ví dụ như, giá dịch vụ siêu âm có nơi thu 100.000 – 300.000 đồng/lần. Còn tại BV đầu ngành T.Ư, có nơi chỉ được thu 49.000 đồng/lần siêu âm. Giá này theo đúng quy định của Bộ Y tế, đúng giá bảo hiểm với 4/7 yếu tố.

“Hiện, nhà nước cho BV tự chủ nhưng không cho tự chủ về giá, và chỉ được thu 4/7 yếu tố là hết sức bất cập. Tự chủ tài chính thì quan trọng nhất là tự chủ về giá thì không được thực hiện, do đó, rất khó để cân đối thu – chi”, một lãnh đạo BV công ở Hà Nội nêu ý kiến. Theo đại diện các BV công, sau hàng loạt “sự cố” của ngành y, các BV công cần có hành lang pháp lý chuẩn. Vận hành trong hành lang đấy để an toàn.

Theo PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư: “Với điều kiện như vừa qua, không có xã hội hóa, BV công khó phát triển được kỹ thuật cao, vì BV không có tiền mua máy. Chủ trương xã hội hóa là đúng nhưng cần hướng dẫn để các BV làm đúng”.

Với góc nhìn của nhà quản lý, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định: “Xã hội hóa trong công tác khám chữa bệnh (KCB) là giải pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đề nghị luật hóa các hình thức xã hội hóa cụ thể trong dự thảo luật KCB hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”. Bà cũng lưu ý rằng “khoản 3 điều 90 của dự thảo luật KCB chưa thực sự phù hợp. Bởi thực tế, sau khi luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn do các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của ngành y tế”. Bà Hà đề nghị bổ sung thêm một khoản tại điều 90 quy định về việc nhà nước khuyến khích các mô hình y tế phi lợi nhuận, đầu tư với trách nhiệm an sinh xã hội bằng các cơ chế về đất đai, tín dụng, thuế…

Y tế công sẽ thụt lùi?

Lãnh đạo một BV công lập tại TP.HCM cho rằng, với sự thiếu thuốc, VTYT, TTBYT như hiện nay thì BV công sẽ thụt lùi 20 năm, bởi những kỹ thuật cao phục vụ bệnh nhân đều phải dừng, bệnh nhân sẽ đổ qua BV tư.

Trước thực tế một số BV công máy móc phải đắp chiếu, và hầu hết máy xã hội hóa là kỹ thuật cao, khi đắp chiếu, nhiều kỹ thuật cao tạm ngừng áp dụng, một lãnh đạo của BV tuyến T.Ư (ở Hà Nội) nhìn nhận: “Máy xã hội hóa phải đắp chiếu, nếu không khắc phục sớm BV công có nguy cơ tụt hậu, tuyến trên lại thành tuyến huyện…”.

PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư, cho rằng không có máy kỹ thuật cao, các BS có thể phải áp dụng các kỹ thuật cũ của những năm trước, có thể là kỹ thuật tụt hậu đến 10 năm! (Thanh niên, trang 2+3)

Tự chủ là phép giải cho bài toán bệnh viện công

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cơ chế tự chủ đầy đủ, rõ ràng chính là cách tốt nhất để giải quyết những bài toán hóc búa mà các cơ sở y tế công lập đang gặp phải.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình), các cơ sở y tế công lập hiện vận hành theo cơ chế tự chủ nhưng hoạt động vẫn theo quy định chung của đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến vướng mắc và thực hiện khó khăn. Bà Thu nhận định các bệnh viện (BV) công được tự chủ nhưng không có cơ chế, phương thức, không đủ nguồn lực để chủ động phát huy năng lực chuyên môn, không tạo ra sự thúc đẩy động lực cho cán bộ có trình độ, không có chính sách để thu hút được nhân lực có chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó, BV công tự chủ nhưng chưa được tự quyết định về tài chính, trong đó có việc giá dịch vụ y tế chưa được điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

“Định mức kinh tế – kỹ thuật để định giá các dịch vụ KCB xây dựng từ năm 2012, trong khi thị trường thay đổi hằng ngày, giá dịch vụ KCB xã hội hóa thì không rõ ràng, chưa có quy định chính thức”, bà Thu nói và dẫn chứng, hiện nay chỉ có Nghị quyết số 33 của Chính phủ hướng dẫn thí điểm tự chủ 4 BV trực thuộc Bộ Y tế nhưng cũng rất chung chung là tham khảo giá của các BV tư nhân và các BV có vốn đầu tư từ nước ngoài ở VN.

Theo bà Thu, việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ KCB gặp khó khăn hơn bao giờ hết do việc tham khảo giá trên các trang công khai của Bộ Y tế chưa đầy đủ hoặc có nhiều mức giá khác nhau tại cùng một thời điểm hoặc thay đổi trong cùng một khoảng thời gian rất ngắn nên luôn tiềm ẩn sai phạm khi thực hiện mua sắm. Từ đó, bà Thu đề nghị khi sửa luật KCB cần phải quy định cụ thể, rõ ràng về tự chủ cũng như xã hội hóa trong y tế.

Tách quản lý và chuyên môn

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng VN là một trong số ít quốc gia mà giám đốc BV công phải là người giỏi chuyên môn y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa, phòng đi lên nhưng lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, dẫn đến nhiều bất cập.

Theo ông Long, từ nhiệm kỳ trước, Bộ Y tế đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, BV công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy và dự kiến sẽ thí điểm BV công thuê giám đốc điều hành, thay những nhà chuyên môn bằng các nhà quản lý kinh nghiệm.

“Giám đốc BV không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa mà cần giỏi về quản lý y tế và điều hành nhằm tạo ra bước đột phá nâng cao chất lượng BV, bảo đảm minh bạch và hiệu quả quản lý BV công, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sĩ, đó là chăm sóc và chữa bệnh”, ông Long nói. (Thanh niên, trang 2)

Số ca sốt xuất huyết nặng tăng cao, vì sao?
Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM và khu vực phía Nam tăng mạnh, với nhiều ca bệnh nặng, tử vong….

Theo các bác sĩ điều trị, vẫn còn tồn tại cách phòng bệnh đến tự điều trị chưa đúng từ người dân, thậm chí từ nhân viên y tế khiến bệnh chuyển nặng, nguy kịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-6, bác sĩ Đỗ Châu Việt – trưởng khoa hồi sức nhiễm COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho biết bệnh sốt xuất huyết gặp quanh năm và mùa mưa bệnh sẽ tăng nhiều do muỗi sinh sôi. Khi số ca mắc nhiều thì số ca nặng sẽ tăng. Hiện khoa hồi sức nhiễm đang điều trị 11 ca bệnh nặng đến rất nặng.

Sốc nặng vì tiêm thuốc sai, hiểu bệnh chưa đúng

Theo bác sĩ Việt, số nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện, chứng tỏ số ca mắc trong cộng đồng rất lớn. Tuy vậy, hiện nay người dân, cơ sở y tế, nhân viên y tế còn mắc nhiều sai lầm trong điều trị bệnh này.

Điển hình một bệnh nhi 7 tuổi (ngụ tỉnh Đồng Nai) bị sốt ngày thứ nhất, gia đình liên hệ bác sĩ quen gần nhà đến khám sau đó và nghi bé mắc sốt xuất huyết. Vị bác sĩ này đã chích 2 mũi thuốc vào mông bé trong 2 ngày. Vào ngày thứ 3 của bệnh, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, lạnh và tím tay chân thì vào Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bé sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được. Bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực, nay đã tạm thời qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Việt cho biết sốt xuất huyết rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn nặng (vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh). Nếu chích vào cơ (chích bắp) có thể làm rách các mao mạch và gây chảy máu không cầm được. Bên cạnh đó, vài cơ sở y tế lại truyền dịch sớm và nhiều, khi chưa có chỉ định, dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, phải giúp thở sớm.

“Trong quá khứ đã có các trường hợp thầy lang vườn nói trẻ bị ban nên họ cắt lể. Từ những chỗ cắt lể sẽ chảy máu rất nhiều khi vào giai đoạn nặng. Sau này thì cắt lể đã giảm nhiều. Nhiều năm trước có trường hợp trẻ bị nôn ói khi chuẩn bị vào giai đoạn nặng, được chích thuốc chống ói vào mông và chúng tôi đã từng phải truyền bù máu cho các trường hợp này”, bác sĩ Việt chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó nhiều gia đình còn thiếu kiến thức về bệnh sốt xuất huyết khiến nhiều trẻ đã chuyển nặng khi nhập viện. Do đó phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm hơn chứ không đợi đến tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp không còn đo được.

Không chỉ sai lầm trong cách điều trị, bác sĩ Việt còn cho biết nhiều phụ huynh sai lầm trong cách phòng bệnh. Để phòng bệnh sốt xuất huyết cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi chích bằng cách xịt thuốc, thoa thuốc, phát quang cây cỏ, mặc quần dài, áo dài tay, ngủ mùng… Tuy nhiên nhiều phụ huynh tự tin cho rằng nhà họ không có muỗi vì ở căn hộ tầng cao, ngủ máy lạnh…, trong khi họ và người nhà vẫn phải đi học, đi làm.

 

Bệnh nặng tăng 5 lần, y tế cơ sở còn lơ là chống dịch

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 23 (từ ngày 3 đến 9-6) TP ghi nhận có 1.586 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,3% so với trung bình 4 tuần trước (1.412 ca). Riêng số ca sốt xuất huyết nặng tích lũy đến tuần 23 là 238 ca. Tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến ngày 9-6 là 1,8% (238/13.520) tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến nay có 8 ca sốt xuất huyết tử vong, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong thời gian này, TP.HCM ghi nhận 123 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện và TP Thủ Đức; tăng 12 ổ dịch mới so với tuần trước đó. Qua giám sát 4 lượt tại 4 phường, xã ở 4 quận, huyện, HCDC nhận thấy các địa phương đều điều tra ca bệnh đầy đủ.

Tuy nhiên ở phường 14 (quận 11) có 2 ổ dịch đang hoạt động (3 ca) mà trạm y tế phường chưa phát hiện và xử lý kịp thời, các phiếu điều tra ca bệnh chưa thu thập đủ thông tin. Cơ sở y tế này cũng chưa thực hiện tái giám sát đối với những điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng.

Ông Vương Ánh Dương – phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay rất phức tạp, tỉ lệ tử vong cao hơn các năm. Riêng tại TP.HCM, số ca mắc tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng tháng 5, số ca mắc điều trị tại các bệnh viện cao bằng số tích lũy từ đầu năm.

Các chuyên gia đã làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận thấy nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, không chủ động đến bệnh viện mà thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân. Khi trẻ hết sốt thì thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nhưng hầu hết phụ huynh đều cho rằng trẻ đã hết bệnh. (Tuổi trẻ, trang 14)

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tăng cường biện pháp phòng chống sốt xuất huyết trước khi dịch vào cao điểm
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, TPHCM phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao hơn trước khi dịch sốt xuất huyết vào giai đoạn cao điểm. Trong đó, toàn hệ thống chính trị phải xem công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị quan trọng và thường xuyên.

Chiều 15-6, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì, nghe báo cáo tình hình và giải pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại thành phố. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh số ca mắc, tử vong tăng cao ở các tỉnh thành phía Nam; trong đó TPHCM có số ca mắc, tử vong cao nhất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tại cuộc họp, ngành y tế TPHCM đánh giá, dịch sốt xuất huyết đang tăng nhanh ở các tỉnh phía Nam, trong đó có TPHCM. Hiện nay, dịch ở giai đoạn đầu và theo dự báo từ các chuyên gia, đến giai đoạn cao điểm dịch sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Qua báo cáo thống kê dịch sốt xuất huyết tại TPHCM, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn nhận định, thành phố có số ca mắc và số ca tử vong đang tăng cao; trong đó đối tượng mắc bệnh nằm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ em có bệnh nền, trẻ em béo phì…

Đứng trước tình hình và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, TPHCM phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao hơn trước khi dịch sốt xuất huyết vào giai đoạn cao điểm. Trong đó, toàn hệ thống chính trị TPHCM phải xác định công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị quan trọng và thường xuyên.

Các cơ quan tuyên truyền, cơ quan truyền thông phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đối với cơ quan ban ngành, các đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội, ngành giáo dục, hệ thống chính trị cơ sở…, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, tập trung tuyên truyền theo chiều rộng gắn với tuyên truyền miệng trực tiếp một cách đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, đặc biệt tuyên truyền đến từng hộ gia đình như đã từng tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.

TPHCM sẽ tổng vệ sinh môi trường

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải diệt lăng quăng và muỗi kết hợp với tổng vệ sinh môi trường; đồng thời nhắc nhở các hộ gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh xung quanh nơi sinh sống.

Cùng với đó, đồng chí yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm và công khai các trường hợp không thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với ngành y tế TPHCM, vừa tham mưu và vừa tập huấn cho cả hệ thống y tế từ cấp cơ sở, y tế cộng đồng, các bệnh viện, trạm xá, nhất là các cơ sở y tế tuyến cuối để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống và điều trị bệnh.

Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở, y tế cộng đồng… nhanh chóng phối hợp, chẩn đoán phân loại nhanh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, có hiệu quả các trường hợp người dân mắc bệnh.

Đồng thời, ngành y tế TPHCM tăng cường hướng dẫn cho người dân biết cách xử lý khi mắc bệnh; phát hiện và nhận biết dấu hiệu bệnh chuyển nặng để kịp thời nhập viện điều trị, tránh tình trạng chuyển viện chậm, dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, chuẩn bị các phương án, đáp ứng đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc men, dung dịch cao phân tử để điều trị cho người dân mắc bệnh sốt xuất huyết.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết; phải chủ động ngăn chặn từ xa trước khi dịch có diễn biến xấu, phức tạp khó lường hơn; triển khai đồng loạt các giải pháp càng sớm càng tốt.

Qua đó hạn chế thấp nhất những rủi ro và kiểm soát được khi dịch vào giai đoạn cao điểm. “Tuyệt đối không để người dân bệnh dẫn đến tử vong do thiếu thuốc, thiếu dung dịch cao phân tử cần thiết trong quá trình điều trị”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Số ca mắc, tử vong tăng cao

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, dịch sốt xuất huyết là dịch bệnh lưu hành hàng năm, gia tăng nhiều vào mùa mưa. Hiện nay không có bất thường về chủng lưu hành, chủng đang lưu hành phổ biến nhất hiện nay là D1. Tuy nhiên, trong năm 2022, dịch bệnh có xu hướng gia tăng rõ rệt.

Trong đó, TPHCM có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh, thành phía Nam. Cụ thể, tính đến ngày 9-6, số ca mắc tích luỹ là hơn 39.000 ca, tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm 2021. Quận, huyện có số ca mắc cao nhất là các quận: Bình Tân, Tân Phú, quận 12 và các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin thêm, tính đến ngày 15-6, tại TPHCM ghi nhận 9 ca tử vong, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 6 ca so với trung bình giai đoạn 2015-2020.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu một số giải pháp, trong đó phối hợp với các sở ban ngành, các địa phương xây dựng dự thảo, tham mưu cho UBND TPHCM ban hành văn bản chỉ đạo các sở ngành phối hợp triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng toàn TPHCM vào ngày chủ nhật hàng tuần.

Đồng thời tập huấn cho hơn 3.600 bác sĩ, điều dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, xây dựng hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết cho thai phụ. (Sài gòn giải phóng, trang 2)

Thanh Huyền

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/4/2022

CDC Hà Nam