Điểm báo ngày 21/6/2022

(CDC Hà Nam)
Điện Biên “ế” 51.000 liều vaccine, nguy cơ phải tiêu hủy; Số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội tăng gấp 4 lần; Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng thuốc….

 

Đẩy nhanh tiêm vắc xin, không để thiếu thuốc, vật tư y tế

Sáng 20-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh để tìm giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19; tháo gỡ khó khăn, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin phòng Covid-19 tại trung ương và các địa phương dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ…

Tại cuộc họp, nhấn mạnh một trong những giải pháp kiểm soát dịch bệnh là bao phủ tiêm vắc xin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành Y tế nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường (mũi 3, mũi 4), hạ thấp độ tuổi trẻ em được tiêm vắc xin. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế hệ thống lại tất cả các văn bản để hướng dẫn chi tiết việc tiêm vắc xin mũi tăng cường cho các nhóm đối tượng khác nhau. Các địa phương thống nhất số lượng mũi tiêm với các nhóm đối tượng; tăng cường tuyên truyền về các biến chủng vi rút mới có thể xuất hiện, làm rõ các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin để vận động người dân đi tiêm an toàn trước mắt và lâu dài; đồng thời nhấn mạnh tinh thần gương mẫu trong thực hiện tiêm vắc xin, có chế tài xử lý phù hợp.

Yêu cầu không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung… (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 7: “Đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, không để thiếu thuốc, vật tư y tế”; Tiền phong, trang 4: “Phải vì người bệnh”.

 

Số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội tăng gấp 4 lần

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 20-6 cho biết, trong tuần qua (từ ngày 13 đến 19-6), trên địa bàn thành phố ghi nhận 135 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 721 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021), nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, không nên tìm hiểu thông tin trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh nặng thêm.

Ngoài ra, trong tuần qua, Hà Nội cũng có thêm 12 trường hợp mắc sốt xuất huyết, ghi nhận tại 10 quận, huyện: Đống Đa, Thường Tín, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm. Tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có 100 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 63 ca so với cùng kỳ năm ngoái); không có ca tử vong. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Trị ‘bệnh’ sợ đấu thầu

Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không phải là vấn đề mới, trước nay thường xảy ra nhưng ở mức độ nhỏ và nhanh chóng được khắc phục. Tuy nhiên thời gian qua sự việc trở nên nghiêm trọng khi loạt bệnh viện lớn đều bế tắc trong việc tìm nguồn thuốc và vật tư y tế.

TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện. “Gần đây có bệnh nhân đã thắc mắc, họ đến khám Bảo hiểm Y tế (BHYT) tại Bệnh viện E, được kê đơn 3 loại thuốc thì 2 loại thuốc là insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường phải mua ngoài. Đáng nói 2 loại thuốc này đều nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng. Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, bệnh nhân đã mua 2 loại thuốc này hơn 450.000 đồng cho 1 tháng điều trị và đã phải mua ngoài trong vòng 3 tháng là hơn 1,3 triệu”, bác sĩ Hựu nói.

Theo Giám đốc bệnh viện E, quá trình mua sắm đấu thầu thuốc hoặc vật tư y tế thường kéo dài 4-5 tháng. Trước đó, các khoa, phòng của bệnh viện làm chuyên môn đều phải có dự trù, thống kê và kế hoạch mua sắm. Kế hoạch mua sắm phải có hồ sơ được phê duyệt và lựa chọn đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu đôi khi cũng không có đủ hàng cung cấp cho bệnh viện. Quy trình làm thầu chậm cũng có nhiều lí do, trong đó có thể dự trù không kịp.

Đặc biệt, trong thời gian qua, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhanh và sau 2 năm chống dịch, người dân đi đến các cơ sở khám chữa bệnh quá nhiều, dẫn đến sự quá tải. Vì vậy xảy ra tình trạng có thể năm nay cơ sở y tế dự kiến mua 1.000 viên thuốc nhưng sang năm có thể phải sử dụng 1.500-2.000 viên. Do đó, bệnh viện phải bổ sung thầu. Trong trường hợp này, nếu trước đây, khi thiếu thuốc hoặc vật tư y tế, cơ sở y tế có thể vay, mượn đơn vị cung cấp trước, sau đó làm hồ sơ trả sau. Tuy nhiên hiện tại, không thể linh động như vậy được.

Hiện Bệnh viện E đã làm xong thủ tục đấu thầu thuốc, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT. Tuy nhiên, ông Hựu thừa nhận cũng không đảm bảo đủ thuốc 100%.

Tâm lý lo ngại khi tham gia đấu thầu

“Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trên diện rộng ở nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc và lâu dài như hiện nay là chuyện không bình thường. Bên cạnh những yếu tố khách quan như cũng có nguyên nhân hiện nay các bệnh viện thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế”, TS Hựu nhận định.

Nói về tình trạng này, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế đang vướng ở một số khía cạnh như quy định của pháp luật hiện hành. Lấy ví dụ chỉ việc quy định giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kì địa phương nào của cùng một loại đã khó thực hiện. Lí do vì chưa tính đến yếu tố lạm phát”.

Theo ông Quang, dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu, logistic (vận tải, bảo quản)… đều tăng nên rất khó để đưa ra mức giá hợp lí. Vì vậy, bệnh viện có mời thầu nhưng không doanh nghiệp nào đưa ra được mức giá bằng giá của năm trước để tham gia việc mua sắm.

Tương tự, việc mua sắm trang thiết bị y tế còn khó hơn vì cùng một loại máy nhưng cấu hình khác, tính năng kĩ thuật khác nên giá sẽ khác nhau. Mặt hàng thuốc được chia thành 5 nhóm để đấu thầu nhưng vật tư y tế chưa được chia nhóm cụ thể, chưa tính yếu tố uy tín, chất lượng của hãng sản xuất nên có giá khác nhau. Điều này cũng làm cản trở việc thực hiện đấu thầu. Cùng với đó vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế (số lượng, chủng loại…) của bệnh viện có thể không sát với thực tế.

Thời gian qua có một số vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu nên dẫn đến tâm lí lo ngại khi tham gia đấu thầu. Thậm chí, có đơn vị hiện nay còn thiếu đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác đấu thầu, mời thầu do một số cán bộ xin chuyển công việc khác.

Gỡ rối

Nhiều lãnh đạo bệnh viện trung ương nhận định để khắc phục tình trạng hiện nay, các bệnh viện vẫn phải thực hiện một số gói thầu, đồng thời rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc trượt thầu để thực hiện thầu bổ sung. Những loại thuốc mà nhà cung cấp chưa cung ứng đủ thì bệnh viện liên hệ trực tiếp để trao đổi với họ.

Còn TS Nguyễn Huy Quang cho rằng: “Để giải quyết các tồn tại trên, Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó tìm ra thực trạng đúng. Phải trả lời được câu hỏi vì sao họ không tham gia đấu thầu, vướng mắc ở đâu. Từ đó, nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình Quốc hội để ra nghị quyết giải quyết. Cùng với vấn đề liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao là vấn đề lớn mà ngành Y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm. Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua”.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, cần phải có văn bản hướng dẫn như nghị định Chính phủ cụ thể hóa luật Quản lí tài sản công, luật Đầu tư công, luật Đấu thầu, luật Dược… Đồng thời, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lí công khai, minh bạch, đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lí cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu. (Tiền phong, trang 1).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra ở một số bệnh viện tuyến trung ương”.

 

Giải bài toán mua sắm và điều phối thuốc, vật tư y tế

UBND TPHCM vừa xem xét và phê duyệt đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế và dự kiến trong tháng 7-2022 sẽ triển khai sau khi được Sở Nội vụ thẩm định. TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình này, kỳ vọng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, thực trạng công tác mua sắm thuốc tập trung trên địa bàn thành phố có những gì trở ngại và vì sao Sở Y tế lại đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế thành phố?

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Mỗi 2 năm một lần, Sở Y tế TPHCM chọn các đơn vị luân phiên mua sắm tập trung đối với các danh mục thuốc phải mua sắm tập trung theo quy định. Để thực hiện mua sắm tập trung luân phiên tại từng đơn vị, Sở Y tế đã huy động nhân lực cả ngành tham gia theo đúng quy định của pháp luật, đúng quy định của Bộ Y tế mà không cần hình thành một bộ máy mới, bên cạnh đó, đảm bảo được tình trạng cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của việc mua sắm này là thiếu tính chuyên nghiệp do bộ máy chịu trách nhiệm thực hiện đấu thầu (bên mời thầu) không liên tục, thường mang tâm lý giải quyết công việc theo thời vụ; nhân sự không ổn định do tùy thuộc vào việc điều động của các bệnh viện; đồng thời các bệnh viện được phân công đấu thầu tập trung không có chức năng điều phối thuốc sau đấu thầu mà do Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế) thực hiện; các đơn vị chỉ thực hiện chức năng mua sắm thuốc, chưa thực hiện mua sắm vật tư – trang thiết bị y tế.

Việc hình thành Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; giúp giải quyết những mặt hạn chế nêu trên, đồng thời khắc phục những điểm yếu của việc đấu thầu riêng lẻ như: khó đạt được giá tối ưu; giá trúng thầu thường không thống nhất; một số thuốc không lựa chọn được nhà thầu do số lượng mua sắm ít; giảm thời gian và nguồn lực dành cho công tác đấu thầu; giải bài toán đấu thầu tập trung vật tư y tế – trang thiết bị.

Để Trung tâm mua sắm tập trung hoạt động hiệu quả, nguồn nhân sự được Sở Y tế điều phối như thế nào?

Theo tinh thần mới hiện nay của Chính phủ, khi thành lập mới một trung tâm hay đơn vị sự nghiệp nào đó thì hạn chế thấp nhất phát sinh thêm nhân lực. Sở Y tế sẽ hình thành bộ khung cán bộ chuyên trách của Trung tâm mua sắm tập trung từ các cán bộ y tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác mua sắm, quản lý thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của các đơn vị trực thuộc (các trưởng, phó khoa dược; trưởng, phó phòng vật tư trang thiết bị của các bệnh viện). Khung cán bộ chuyên trách dự kiến không quá 30 người. Đây là nhóm nhân lực cố định, không cần nhiều vì đã có nhân lực chuyên gia, nhân lực biệt phái.

Nguồn nhân lực quan trọng thứ 2 cho trung tâm là nhân lực biệt phái. Từng bệnh viện sẵn sàng có danh sách cán bộ viên chức thuộc các lĩnh vực sẽ lần lượt biệt phái đến Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế để công tác. Thời gian biệt phái có thể một năm, hết thời gian biệt phái sẽ quay trở lại bệnh viện. Giai đoạn đầu, Sở Y tế sẽ chọn những người có nhiều kinh nghiệm để biệt phái trước, tạo được kết quả tốt cũng như tham gia công tác đào tạo, huấn luyện.

Nguồn nhân lực thứ 3 tuy không thường xuyên nhưng sẽ đóng góp quan trọng cho hoạt động của trung tâm, đó là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau (y, dược, pháp luật, tài chính…) hoạt động theo hình thức các hội đồng chuyên môn. Xác định danh mục thuốc cần mua sắm tập trung theo từng chuyên khoa, xác định tính năng kỹ thuật của các loại vật tư, trang thiết bị cần đấu thầu… sẽ do các hội đồng chuyên gia quyết định để Trung tâm mua sắm tập trung tiến hành các bước đấu thầu theo luật định.

Như vậy, Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ hoạt động theo các phương thức nào, thưa ông?

Hoạt động của trung tâm là chuyên nghiệp hóa công tác mua sắm đấu thầu cho đội ngũ cán bộ khung và các nhân viên y tế biệt phái tham gia bằng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về công tác đấu thầu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và hạn chế thấp nhất các lỗi có thể xảy ra trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu.

Chúng tôi đã xác định lộ trình và mỗi lộ trình có những điểm ưu tiên khác nhau, đã được lãnh đạo thành phố đồng ý. Trước hết mua sắm thuốc là ưu tiên nhất và ngành y tế thành phố ít nhiều đã có kinh nghiệm qua những lần mua sắm tập trung trước đây. Khi hoạt động mua sắm thuốc đã ổn định thì những năm sau từng bước sẽ mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị. Tiêu chí mua sắm đưa ra phải đảm bảo cung ứng kịp thời, giá hợp lý nhất, sản phẩm mua sắm phải có chất lượng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các bệnh viện và đặc biệt tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về mua sắm.

Làm sao để tránh lãng phí cũng như đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện về mua sắm thuốc, vật tư y tế một cách thực tế nhất?

Nhân lực của trung tâm không phát sinh thêm, chỉ có bộ khung huy động từ các bệnh viện thì sẽ không lãng phí về nhân lực. Còn điểm lợi của trung tâm là giảm lãng phí, bởi khi mua sắm thuốc, bệnh viện không thể chủ động được hoặc có thời điểm dự kiến bệnh này không nhiều nhưng bệnh khác lại nhiều; bệnh viện dự kiến mua thuốc cho một bệnh nào đó, nhưng không dùng hết, trong khi một bệnh viện khác đã hết thuốc, thì trung tâm có chức năng điều phối sau mua sắm để tiết kiệm tối đa. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ ứng dụng công nghệ, cảnh báo những bệnh viện sắp hết thuốc hoặc hết thuốc để sẵn sàng chủ động thuốc cho các bệnh viện có nhu cầu.

______

GS NGUYỄN ANH TRÍ, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương: Giải pháp tình thế đúng đắn

Hiện hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định “tan vỡ” hoặc tạm nghỉ. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, người dân. Cán bộ y tế đang nhìn thấy, rất đau lòng về điều đó và muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp nên không thể làm được. Việc TPHCM lập Trung tâm mua sắm tập trung y tế để giải quyết những vướng mắc, ách tắc hiện nay, được coi là giải pháp tình thế đúng cho chính thành phố. TPHCM có quy mô dân số lớn và số lượng bệnh viện rất nhiều, do đó cần phải chủ động những chính sách, quyết định kịp thời để giải quyết vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, nhất là với thuốc men, còn nếu cứ chờ đợi chưa biết khi nào thực hiện, cán bộ y tế, bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi.

TS-BS NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Nhiều khó khăn trong đấu thầu

Thực trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị khiến người bệnh lãnh đủ. Sau nhiều hệ lụy xảy ra, việc đấu thầu đã khó nay càng khó hơn. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao trước đây cũng bao nhiêu luật, người ta làm không thiếu, sao bây giờ thiếu. Trước đây, mình làm phù hợp thực tiễn hơn là quy định. Ví dụ, trước đây, nếu mình thiếu thuốc đó, mình mượn rồi mình đấu thầu trả nợ sau, sau hàng loạt vụ vi phạm được phanh phui, các quy định cũng được siết chặt, các đơn vị không mượn được thuốc nên gây thiếu. Vì vậy, để tháo gỡ việc thiếu thuốc, thiết bị y tế trong các cơ sở y tế, cần sớm có nghị định hoặc hướng dẫn của Quốc hội cho hướng dẫn liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế.

PGS-TS NGUYỄN LÂN HIẾU, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Cần luật hóa về hợp tác công – tư trong y tế

Trong lúc đợi hoàn thiện Luật Đối tác công – tư, nên đưa vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi một mục để khuyến khích hợp tác công – tư những sản phẩm chăm sóc sức khỏe người dân phi lợi nhuận. Ví dụ như tư nhân tặng cơ sở vật chất để bệnh viện công sử dụng khám chữa bệnh, nếu có lãi sau khi trừ chi phí vận hành (điện nước, vật tư tiêu hao, lương của nhân viên y tế…) thì không chia mà tái đầu tư mở rộng hệ thống. Tư nhân sẽ có lợi nhờ danh tiếng mang lại từ hoạt động thiện nguyện, người dân sẽ có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng, không quá đắt đỏ, nhân viên y tế có thu nhập và bệnh viện công được nâng cao thương hiệu… (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng thuốc

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có công văn chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành chỉ đạo bệnh viện (BV), đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng; không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.

Về nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đánh giá do “tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị”.

Liên quan việc thiếu hụt thuốc tham gia đấu thầu do hơn 10.000 thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, ngày 20.6, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hơn 6.300 thuốc đã được gia hạn và tháng 7 này sẽ có thêm khoảng 3.000 thuốc được gia hạn.

Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết đơn vị này đang triển khai đấu thầu tập trung hơn gần 300 loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu quốc gia trong đó có nhiều biệt dược gốc, dự kiến cuối tháng 6 này đơn vị sẽ hoàn tất việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý cung ứng thuốc ở BV hiện nay không phụ thuộc đến công tác đấu thầu tập trung chậm. Theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2019 (thông tư 15) có quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở công lập, theo đó, trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, các cơ sở y tế có thể đấu thầu tại chỗ và kết quả đó không áp dụng quá 12 tháng.

Cụ thể, đối với thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, danh mục thuốc đàm phán giá, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia có trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Hiện có khoảng 300 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Ngoài ra, đấu thầu tập trung tại các địa phương hoặc các BV được thực hiện theo phân cấp. Các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức lựa chọn nhà thầu, cơ sở y tế chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Kế hoạch được lập định kỳ hoặc đột xuất khi có nhu cầu.

Theo quy định tại Thông tư 15, trường hợp cơ sở y tế đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng nhưng nhu cầu sử dụng vượt quá 20% số lượng trong hợp đồng đã ký (tính theo từng phần của gói thầu) thì cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của đơn vị mình.

Thông tin từ một số BV cho hay để khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế, hiện đã áp dụng thực hiện gói thầu theo thẩm quyền. Tuy nhiên, một số vật tư rất khó đấu thầu do chưa có giá niêm yết trên cổng công khai y tế, khó xác định được có giá chính thức để tham khảo, ví dụ như gel siêu âm. Đây là sản phẩm không đắt tiền nhưng là thiết yếu trong siêu âm. Hoặc máy xét nghiệm cần đồng bộ với hóa chất; tuy nhiên, khi hết, nếu đấu thầu không đúng loại thì sẽ không sử dụng được; nhưng nếu chỉ định mua đúng loại phù hợp với máy thì lại sai quy định…

“Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trước ngày 22.6” lãnh đạo Bộ Y tế cho biết. (Thanh niên, trang 22).

 

Nhiều bệnh viện ở TP.HCM thiếu thuốc

Ngày 20.6, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chủ trì buổi làm việc trực tiếp với giám đốc và trưởng khoa dược của tất cả bệnh viện (BV) và trung tâm y tế trực thuộc để trao đổi về tình hình cung ứng thuốc và các giải pháp nhằm chủ động không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc do tâm lý sợ sai khi đấu thầu mua sắm thuốc như báo đài phản ánh gần đây.

Khi được lãnh đạo Sở Y tế hỏi có thiếu thuốc hay không, câu trả lời của hầu hết các Giám đốc BV là “có”. Nhưng tất cả đều cho rằng đây là các vấn đề đã tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo lý giải từ phía các BV, đầu tiên, ngành y tế TP luôn bị động đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do không có nhà cung ứng hoặc do ngừng sản xuất. Các BV trên địa bàn còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Bên cạnh đó, một số thuốc mới phát sinh do các BV tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học… Hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hằng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép. Trường hợp Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì khả năng các thuốc này sẽ bị thiếu trong một khoảng thời gian nhất định (thực tế các BV đều mong Bộ Y tế xem xét, phê duyệt khi BV cần nhập khẩu chuyến để đáp ứng nhu cầu điều trị). Một số cơ sở khám, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm. Ngoài ra, thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay, đó là bên cạnh việc đưa ra những giải pháp để chủ động phòng ngừa hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế thì các BV công lập trực thuộc Sở Y tế còn phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh thành chuyển đến do bệnh nặng và kể cả do thiếu một số thuốc, vật tư y tế khi các địa phương chậm tổ chức đấu thầu theo quy định.

Về phần mình, Sở Y tế cũng đã có các giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người dân kịp thời và tham mưu lãnh đạo TP cho phép ngành y tế TP thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị. (Thanh niên, trang 22).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “TPHCM lý giải nguyên nhân thiếu thuốc tại các cơ sở y tế”.

 

Điện Biên “ế” 51.000 liều vaccine, nguy cơ phải tiêu hủy

Tính đến ngày 14/6, các địa phương trong toàn tỉnh Điện Biên còn tồn khoảng 51.000 liều vaccine phòng COVID-19; tiến độ tiêm rất chậm, nguy cơ cao phải hủy số vaccine này do quá hạn sử dụng.

Sáng 20/6, Bộ Y tế thông tin, Bộ nhận được Công văn số 520/2022/TTĐT ngày 16/6/2022 của Cổng thông tin điện tử Chính phủ về việc theo thông tin báo chí phản ánh, tính đến ngày 14/6/2022 các địa phương trong toàn tỉnh Điện Biên còn tồn khoảng 51.000 liều vaccine phòng COVID-19; tiến độ tiêm rất chậm, nguy cơ cao phải hủy số vaccine này do quá hạn sử dụng.

Theo thông tin báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến hết ngày 16/6, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Điện Biên là 65,1%, vẫn còn khoảng 30% số đối tượng chưa tiêm mũi 3.

Để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tránh để xảy ra lãng phí vaccine, ngày 19/6, Bộ Y tế đã gửi Công điện số 804/CĐ-BYT đề nghị Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các công điện, hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Tỉnh khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng các loại vaccine phòng COVID19 đã được phân bổ kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí. Nếu không nhận vaccine hoặc để vaccine tồn không sử dụng trong khi vẫn còn người dân chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế đề nghị địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong quý II/2022 (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022), tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trong tháng 8 năm 2022 (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3724/VPCP-KGVX ngày 15/6/2022); tổ chức tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. (Công an Nhân dân, trang 4).

Bài viết liên quan

Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 21/06/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/5/2022

CDC Hà Nam