Nguy cơ Đột quỵ ở bệnh nhân Đái tháo đường

(CDC Hà Nam)

Đái tháo đường là bệnh mạn tính, không lây nhiễm, thường diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận…

   Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến chứng tai biến mạch máu não. Nguy cơ này tăng nhiều hơn ở người bệnh đái tháo đường khi kèm theo các yếu tố lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn lipid máu hay có tiền sử đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua.

  Vì sao nguy cơ đột quỵ cao hơn ở người bệnh Đái tháo đường?

Đái tháo đường là nguyên nhân gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn các chức năng nội mạc mạch máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn các phân tử mỡ dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch.

Bên cạnh đó, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính của tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch và gây tắc mạch cấp tính khiến các cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Tổn thương mạch máu não cũng sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu não…; tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi, hoại tử chi, cắt cụt chi…

Tùy vào phần não bị tổn thương mà những người bị tai biến sẽ gặp những biến chứng khác nhau. Biến chứng ở người bị đái tháo đường thường gặp là:

– Tê liệt tay, chân, nửa người hoặc toàn thân: Biến chứng có thể khắc phục bằng điều trị các thuốc cải thiện tai biến mạch máu não, tăng cường trí nhớ, thực hiện vật lý trị liệu.

 – Méo miệng: Nguyên nhân là do liệt các cơ vùng mặt khiến người bệnh tai biến gặp khó khăn trong giao tiếp và ăn uống.

– Mất trí, trí nhớ kém và mất khả năng tự chăm sóc bản thân.

Việc cải thiện đột quỵ vô cùng khó khăn do những tổn thương thần kinh diễn tiến nhanh, thuốc cải thiện tai biến mạch máu não hay phẫu thuật cũng rất tốn kém. Người bệnh phải gánh chịu di chứng nặng nề sau đột quỵ và nguy cơ tái phát đột quỵ. Có đến 90% bệnh nhân đột quỵ sống sót mắc các di chứng về vận động, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ… Do đó, cần chú trọng phòng ngừa đột quỵ từ sớm bằng cách:

  – Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám toàn diện, điều trị tích cực và cải thiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì…trong đó có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

 – Chủ động thay đổi lối sống: Xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý (hạn chế chất béo, ngọt, đường, bột, thức ăn nhiều mắm muối; ăn nhiều rau, củ, trái cây), vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe… 30 – 60 phút mỗi ngày, 4 – 5 lần/tuần); hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá…

  – Chống gốc tự do, bảo vệ mạch máu: Việc chống gốc tự do, bảo vệ thành mạch không hình thành xơ vữa mạch máu được xem là giải pháp bền vững dự phòng đột quỵ. Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã tìm ra tinh chất thiên nhiên từ Blueberry, hoạt chất sinh học thiên nhiên Anthocyanin và Pterostilbene có khả năng vượt qua hàng rào máu não, trung hòa các gốc tự do làm giảm hiện tượng xơ vữa, ngăn ngừa huyết khối, giúp phòng ngừa hữu hiệu cơn đột quỵ não.

Hồng Hạnh

 

Bài viết liên quan

ỔN ĐỊNH HUYẾT ÁP ĐỂ BẢO VỆ TRÁI TIM

Ngọc Nga

Những điều cần biết về liều vaccine COVID-19 tăng cường

Ngọc Nga

Nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm

Ngọc Nga